Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Nghề điều dưỡng – nghề của tình thương và sự tận tâm

Hiện nay, ngành điều dưỡng ngày càng trở nên quan trọng trong xã hội hiện đại khi mà nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người không ngừng tăng cao. Thế nhưng, ngoài bác sỹ, y tá đã “quen mặt thuộc tên” thì không phải ai cũng biết đến ngành nghề này.

Xưa nay nhiều người nghĩ rằng, điều dưỡng viên là một nghề nghiệp nhẹ nhàng, đơn giản, không phải dãi nắng dầm mưa. Nhưng ít ai biết rằng, quá trình tiếp xúc và làm quen với bệnh nhân là thử thách không hề dễ dàng đối với họ.

Để hiểu rõ hơn về nghề điều dưỡng viên, nhóm phóng viên đã quyết định đến trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Nằm trên trục đường Lê Văn Lương kéo dài, cách trung tâm thành phố khoảng 4 km, Diên Hồng được biết đến là nơi an dưỡng lý tưởng cho các cụ có hoàn cảnh đặc biệt. Nơi đây quy tụ nhiều điều dưỡng viên tâm huyết với nghề và đặc biệt chịu được những áp lực từ sự khó tính hay nổi nóng thất thường của các cụ.

Ngôi nhà của tình thương

Khi bước vào cánh cổng của Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, không khó bắt gặp hình ảnh các điều dưỡng viên đang xoa bóp, đấm lưng, trò chuyện thì thầm bên tai các cụ. Mọi người ở đây sống chan hòa, tình cảm và coi nhau như những thành viên thân thuộc trong gia đình. Các điều dưỡng viên không đứng ở tư cách là người làm nghề mà như người con, người cháu phụng dưỡng ông bà, cha mẹ của mình vậy.

Có lẽ với các điều dưỡng viên, lòng yêu thương, sự tận tâm là yêu cầu cốt tử để bám trụ lấy nghề. Nếu như quyết tâm không đủ lớn, họ sẽ dễ dàng bị ngã gục ngay từ vạch xuất phát.

Nhiều người còn nói vui rằng, nghề điều dưỡng viên là nghề “bốn trong một”. Nghĩa là một mình điều dưỡng viên phải đảm đương bốn công việc khác nhau: chăm sóc bệnh nhân, truyền đạt thông tin, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, biện hộ cho người bệnh.

Cũng như các điều dưỡng viên khác trong trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, chị Nguyễn Thị Tuyết đến với nghề từ sự ngẫu nhiên rồi từ sự ngẫu nhiên lại chuyển hóa thành niềm yêu thích. Chị Tuyết tâm sự: “Ban đầu cũng không thích cái nghề này đâu, sau này đi học đi làm thấy cũng hay, khi có thể giúp đỡ người ta được một phần thì thấy yêu quý nghề và bây giờ không dứt ra được”.

Với Phạm Phương Linh, cô sinh viên 19 tuổi đến từ Hải Dương, hiện đang có thời gian thực tập tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cũng đã sớm bày tỏ lòng ham thích nghề điều dưỡng viên.

Phương Linh chia sẻ: “Lý do em đến với nghề chỉ đơn giản là yêu thích việc chăm sóc người khác, giúp được mọi người là em thấy vui rồi”. Mặc dù còn khá bỡ ngỡ và chưa có nhiều cơ hội va chạm với nghề nhưng cô sinh viên 9X này đã tỏ rõ tình yêu nghề sâu sắc. Sau khóa thực tập tại Diên Hồng, Phương Linh nung nấu ý định học thêm nghề diều dưỡng tại Đức để nâng cao tay nghề.

Nghề “làm dâu trăm họ”

Người ta thường hay ví nghề điều dưỡng viên là nghề làm dâu trăm họ. Cũng bởi vì tính chất công việc của nghề này là chăm sóc sức khỏe cho người khác. Tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, phần lớn các đối tượng được chăm sóc là người có tuổi. Có những cụ đã không còn khả năng đi lại, có những cụ không tự làm chủ được vệ sinh cá nhân lại có những cụ bị tai biến… Mỗi một cụ là một hoàn cảnh khác nhau, một tính cách khác nhau, vì thế, trách nhiệm của điều dưỡng viên lại càng lớn. Họ giống như người nhạc trưởng chỉ huy một ban nhạc đầy âm thanh hỗn loạn nhưng cuối cùng đều phải cất lên tiếng hát chung trên sự dung hòa, dung hợp giữa các thành viên.

Trên tinh thần coi người bệnh như người thân trong gia đình, các điều dưỡng viên đã hết lòng dốc sức dành sự quan tâm đặc biệt với các cụ. Họ hiểu rằng, mỗi con người sinh ra là một cá thể độc lập, có những tính cách không giống nhau, nhất là những người có tuổi, họ nhạy cảm và dễ tổn thương, vì thế, phải thường xuyên thăm hỏi và lắng nghe tâm tự của các cụ.

Chị Tuyết có chia sẻ: “Tại trung tâm dưỡng lão, mỗi người mỗi tính, chả ai giống ai, giống như mình đấy cha mẹ sinh con trời sinh tính. Bây giờ các cụ lại già rồi, nhiều cụ khó tính cũng có cụ dễ tính, mỗi cụ đều phải có cách chăm sóc riêng. Đối với các cụ dễ tính thì một ngày bọn chị xoa bóp 15 phút, còn với những cụ khó tính thì xoa bóp lâu hơn có thể lên đến 30 phút, trò chuyện với các cụ nhiều hơn”.

Cũng đã từng trải qua cảm giác sợ sệt khi lần đầu đối mặt với các cụ khó tính, anh Nguyễn Hải Linh (26 tuổi)- trưởng nhóm điều dưỡng bồi hồi nhớ lại: “Ban đầu có có cụ cũng khó tính, to tiếng thậm chí anh còn sợ các cụ đấy, nhưng qua thời gian chăm sóc, sinh hoạt ở đây như kiểu ông bà mình, tình cảm cũng dần tăng lên, anh san sẻ tình cảm với các cụ thì thấy các cụ đáng yêu, không hề khó tính như mình nghĩ”.

Bên cạnh làm công tác chăm sóc sức khỏe, các điều dưỡng viên tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng còn kiêm luôn đạo diễn, người tổ chức chương trình vui chơi vào các ngày lễ đặc biệt cho các cụ. Trong ánh mắt của các điều dưỡng viên, chúng tôi thấy ánh lên niềm vui, năng lượng của tuổi trẻ, sự yêu thương vô hạn với nghề nghiệp của mình.

Mai Hương – Thùy Dương ( Báo Vietnam.net )

Leave a Reply

Your email address will not be published.

4 × 2 =