Hàng ngàn đời nay người Việt Nam đã tạo dựng nên một kiểu gia đình hết sức đặc thù của cư dân trong một xã hội mà đại đa số làm nghề nông, để rồi từ đó hình thành được một nét văn hóa gia đình tự nhiên đậm đà tính cách Việt Nam là: “Trẻ cậy cha – già cậy con”. Sự gắn bó, phụ thuộc giữa các thế hệ cha con với nhau như vậy là bởi nó đã xuất hiện và tồn tại trong các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội sau đây:
- Không gian sống của gia đình đóng khung chủ yếu trong các làng xóm riêng biệt, nên mọi nhà luôn gần gũi bên nhau, các gia đình có điều kiện luôn quây quần, gắn bó, chăm sóc nhau, họ hài lòng sống như vậy và thấy không cần gì hơn, thậm chí có người cả đời không mấy lần bước ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình.
- Nghề nghiệp chủ yếu của đại đa số người dân Việt Nam là làm ruộng, chăn nuôi, làm nghề thủ công nhỏ lẻ, nên các gia đình đều phải bao gồm nhiều thế hệ cùng làm, cùng ăn để còn truyền nghề cho nhau, dạy bảo nhau, để duy trì nền nếp gia phong, xây dựng cơ nghiệp cho con cháu.
Từ xưa đến nay người Việt Nam luôn sống trong những điều kiện như vậy và tâm niệm rằng chỉ có cuộc sống gia đình mới đảm bảo cho mỗi người được bình yên từ trẻ đến già, cho nên không ai muốn sống xa rời gia đình, bởi vì đến như người trai trẻ cũng “Xảy nhà ra là thất nghiệp”, thì người già thiếu vắng con cháu sẽ sống thế nào đây ? Đó chính là lí do người Việt Nam coi việc người già phải được con cháu luôn luôn ở bên mình để phụng dưỡng, chăm sóc là lẽ tất nhiên ở đời. Nếu không được con cháu sớm hôm chăm sóc thì đó là tuổi già bất hạnh, còn con cháu không sống chung để chăm sóc bố mẹ thì đó là kẻ bất hiếu, bị người đời chê trách. Đó là nét tâm lí truyền thống văn hoá gia đình rất có giá trị của người Việt, nên ai cũng tôn trọng, nghiêm túc tuân thủ và cố gắng gìn giữ, lưu truyền qua các thế hệ.
Ngoài ra, gần nửa thế kỉ chiến tranh liên miên chống ngoại xâm đã buộc 100% gia đình phải li tán, hàng triệu người con trai, con gái phải từ rã cha mẹ ra đi đánh giặc mà không hẹn ngày về. Hoàn cảnh bi ai này càng khắc sâu tâm lí ước mong có cảnh sống gia đình êm ấm, đoàn tụ, gắn bó suốt đời bên nhau. Nay đã hòa bình dù cực chẳng đã có nhiều người buộc phải tạm thời đi làm ăn sinh sống xa gia đình, nhưng ai ai cũng mong muốn được trở về quê hương đất tổ trong những ngày giỗ tết để báo hiếu cha mẹ và thắp nén nhang tỏ lòng tri ân công đức của tiền nhân. Nét văn hóa đặc trưng này cũng đã được đông đảo bạn bè quốc tế hết sức khen ngợi và ngưỡng mộ khiến chúng ta càng yêu quý, tự hào. Điều này càng có ý nghĩa đối với các thế hệ trong một đại gia đình truyền thống Việt Nam.
Song xã hội luôn phát triển theo những quy luật khách quan của nó. Từ một nền kinh tế thuần nông tự cấp tự túc lạc hậu nước ta đang từng bước tiến lên xây dựng và phát triển nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ. Nhà nước đã đoạn tuyệt với chế độ quan liêu bao cấp để thực hiện chế độ kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hòa nhập với kinh tế thế giới. Những định hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nêu trên tất yếu đòi hỏi phải sắp xếp, cân đối lại các yếu tố nhân lực, vật lực, tài lực trong cả nước cho phù hợp với mọi hoạt động sản xuất, dịch vụ, văn hóa xã hội trong tình hình mới. Quy luật này đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến từng phường xã, làng xóm và từng gia đình từ thành thị đến nông thôn. Xin dẫn ra đây một số nét chính yếu điển hình:
- Không gian sống của các thành viên thuộc mỗi gia đình trong xã hội hiện đai đã thay đổi cơ bản: những người lớn thường đi làm xa gia đình, xa quê hương, ít khi sống liên tục lâu dài với gia đình. Họ không có điều kiện đi về hằng ngày để gần gũi, chăm sóc bố mẹ già, vì đường dài, đi lại tốn kém, mất nhiều thì giờ, ảnh hưởng đến sinh hoạt, nghỉ ngơi và sức khoẻ của bản thân, đồng thời hạn chế hiệu quả công việc làm ăn.
- Bù lại, các phương tiện giao thông liên lạc hiện đại đang ngày càng thu hẹp không gian và rút ngắn thời gian để mọi người có thể đi về, gặp gỡ nhau gần hơn, nhanh hơn, thậm chí không cần đi về mà vẫn trực tiếp nói chuyện và nghe nhìn thấy nhau qua chiếc điện thoại di động hoặc máy vi tính…Từ đó giảm được nhu cầu chung sống gần gũi bên nhau, đồng thời cũng giảm bớt được nỗi nhớ nhung, lo âu về nhau, mà vẫn duy trì được tình cảm gần gũi yêu thương thường xuyên với nhau. Bố mẹ già vẫn nhận được sự âu yếm, chăm sóc của con cháu và không cảm thấy mình cô đơn hay bị lãng quên.
- Nghề nghiệp trong xã hội hiện đại ngày càng phong phú, đa dạng và chuyên sâu đang tạo điều kiện và đòi hỏi mỗi người phải thành thạo công việc của nghề nghiệp đã lựa chọn. Trong số các thành viên của gia đình hầu như không còn mấy con cháu kế nghiệp của ông cha, ít có anh chị em làm chung một nghề, kể cả khi họ cùng làm việc trong một cơ quan hay doanh nghiệp. Điều này đã loại dần tính chất gắn bó nghề nghiệp giữa các thành viên trong gia đình. Ông bà, cha mẹ ít có khả năng ảnh hưởng đến nghề nghiệp của con cháu, ngoài các lời dăn bảo về đạo đức, tác phong, lối sống chung chung, do đó không có điều kiện truyền nghề để hình thành truyền thống gia đình và vì thế nó cũng giảm bớt sức ép cần sự chung sống thường xuyên trong một gia đình.
Như vậy với tình hình xã hội thực tế khách quan, tự nhiên như trên, liệu bố mẹ già có nhất thiết cứ phải ở chung với con cái thì mới đảm bảo cuộc sống an bình, vui vẻ, khỏe mạnh và hạnh phúc, đồng thời cũng vẫn đáp ứng được nhu cầu sinh sống độc lập, tự do phát triển của con cháu hay không ? Và nếu như cha mẹ già có điều kiện tách khỏi gia đình ra sống chung với những người cao tuổi xa lạ ban đầu trong các nhà dưỡng lão thì liệu có mất mát gì đáng kể về vật chất và tình cảm không?
Xin khẳng định chắc chắn rằng không hoặc không đáng kể với một số người nào đó !
Bằng sự quan sát, tìm hiểu cuộc sống của người cao tuổi trong một số nhà dưỡng lão và qua trải nghiệm của bản thân, tôi xin nêu ra một số điểm được và mất cụ thể như sau
Cha mẹ già yếu được, mất:
- Được giải phóng khỏi việc lo toan nhà cửa, chăm sóc dạy bảo cháu chắt, không phải gánh vác công việc nặng nhọc của ô sin nữa (một mẹ già bằng 3 người ở !), để có cuộc sống an nhàn của tuổi già.
- Được tự do sinh hoạt hợp với sức khoẻ, tâm sinh lí người cao tuổi, không bị phụ thuộc vào lối sống năng động, tự do của con cái, đôi khi còn bị ức chế tâm lí tuổi già kiểu “người làm không bực bằng người trực mâm cơm”.
- Có được môi trường sinh hoạt tinh thần, giao lưu tình cảm thoải mái với những người cùng lứa tuổi tai nhà dưỡng lão, thay vì phải thơ thẩn ở nhà một mình và chịu cảnh cô đơn, buồn bã, khi con cháu đi làm, đi học từ sáng đến tối mới về. Rồi cũng chỉ hỏi han được dăm ba câu xong là lại ai về phòng nấy với những nỗi niềm riêng tư của mình. Nhiều cha mẹ già không chịu nổi đã từ giã con cháu ở thành phố để về lại với ruộng vườn, quê quán, xóm giềng quen thuộc.
Con cháu khỏe mạnh được, mất:
- Được giải phóng gánh nặng lo âu thường trực về bệnh tình, sức khỏe của cha mẹ già, trong khi họ phải dốc hết sức lực, tâm lí cho công việc mưu sinh, nuôi dạy con cái nên người. Cho dù lúc khỏe mạnh cha mẹ vẫn có thể hỗ trợ việc nhà, bảo ban cháu chắt, nhưng nhiều khi lại không đúng ý muốn của mình, mà mình không thể nói thẳng ra vì sợ phật lòng. Còn khi cha mẹ ốm đau thì khỏi phải kể biết bao lo toan nhọc nhằn, mà vẫn khó làm thỏa mãn được những lúc trái tính, trái thói của tuổi già. Điều khác biệt rõ nét nhất giữa con cái và người già là ở chế độ sinh hoạt và ăn uống trong gia đình: trẻ thường thức khuya dạy muộn, già thường ngủ trước và dạy sớm; trẻ thích ăn nhiều thịt cá, còn “già thích bát nước canh, trẻ thích manh áo mới”. Đơn giản thế thôi, nhưng con cháu lại vì thương cha mẹ đã từng chịu đựng gian khổ suốt mấy cuộc chiến tranh, nên có tâm lí cứ muốn bù đắp cho cha mẹ bằng cách dâng hiến mâm cao cỗ đầy với sơn hào hải vị ! Thật là khó hòa hợp ! Nhưng tất cả những nỗi lo lắng này của con cái đều có thể được các nhà dưỡng lão gánh vác, chia sẻ phần lớn, làm hài lòng cả cha mẹ già và con cháu trong gia đình, bởi ở đó mọi thứ nhà dưỡng lão đều giải quyết một cách tương đối khoa học, phù hợp với tâm sinh lí của người cao tuổi.
- Giữ lại được quyền lợi và trách nhiệm nuôi dạy con cái từ bé đến lớn, không vì bận rộn công tác, mưu sinh, mà ỷ lại, phó thác cho ông bà, để rồi khi con cái khôn lớn chẳng may không theo đúng được yêu cầu, nguyện vọng của mình đối với chúng, thì phát sinh tâm lý ân hận, tiếc nuối, thậm chí có khi quá đau sót dẫn tới đổ lỗi, trách móc ông bà (cháu hư tại bà mà!), mà quên mất điều chính yếu là “con hư tại mẹ!”
- Giữ được bền lâu hơn tình cảm giữa cha mẹ già với đàn con cháu, vì tránh được những mâu thuẫn, va chạm thường ngày, tuy nhỏ nhặt mà vẫn có thể gây chấn thương tâm lí người già cả nghĩ. Người xưa đã đúc kết quan hệ tình cảm gia đình: “Xa thương, gần thường “. Chính có xa nhau mới hay nhớ nhung, quý trọng những kỉ niêm thân thương, âu yếm về nhau, mới chú trọng dành dụm những của ngon vật lạ cho nhau, do đó mỗi khi gặp lại nhau thì tình cảm sẽ càng trở nên nồng nàn, đằm thắm hơn.
Tóm lại, tất cả nhũng điều nói trên cho thấy một điều là: cha mẹ già ngày nay tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của gia đình mà nên khuyến khích các cụ đến an dưỡng tại những trung tâm chăm sóc người cao tuổi, bởi như thế có lợi cho cả người già, con trẻ lẫn toàn xã hội. Vậy tôi rất mong được mọi người dân nhiệt liệt ủng hộ và cũng xin kiến nghị Nhà nước quan tâm thực sự đến việc xây dựng và phát triển mô hình tiên tiến về chăm sóc người cao tuổi trên quá trình tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Theo PGS.TS Bùi Hiền