Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Tết hàn thực tại viện dưỡng lão

Tết hàn thực là ngày Tết diễn ra vào ngày mùng 3/3 âm lịch hàng năm. Theo nghĩa chữ Hán, “Hàn” là lạnh, “thực” là ăn, “Tết Hàn thực” là tết ăn đồ lạnh. Tại Việt Nam, Tết hàn thực đã được hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay. Và mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người đã khuất. Vì vậy vào dịp này, các gia đình đều chuẩn bị những đĩa bánh trôi, bánh chay để lễ Phật, thắp hương dâng lên ông bà, tổ tiên.

Hoà chung với ngày tết hàn thực, các ông bà tại Diên Hồng cũng đã cùng nhau làm bánh trôi, bánh chay. Bột nếp ngũ sắc thơm mát, viên đường ngọt lịm, vừng, dừa,… được các bạn nhân viên chuẩn bị từ sáng sớm. Các ông bà rửa tay thật sạch rồi bắt đầu nặn những viên bánh đầu tiên.

Nhiều cụ chia sẻ đây là lần đầu tiên được tự tay làm bánh nên còn vụng về, lúng túng. Viên bánh còn viên to, viên nhỏ, hình dáng cũng chưa được tròn trịa. Nhưng với sự hướng dẫn của các bạn nhân viên, cuối cùng các cụ cũng có thành quả ưng ý. Một số cụ khác có kinh nghiệm rồi nên tay làm nhanh thoăn thoắt.

Bà Thanh vừa làm bánh vừa suýt xoa: “Bây giờ hiện đại cái gì cũng cải tiến, đến bột bánh cũng nhiều màu sắc bắt mắt. Chứ ngày xưa bà làm bánh có mỗi bột gạo trắng tinh”. Nhìn đĩa bánh nhiều màu sắc mà các cụ ai cũng mê mẩn.

Vừa làm bánh các cụ vừa trò chuyện rôm rả. Từ đó mà mọi người cũng biết nhiều hơn về truyền thống của các ngày lễ tết cổ truyền.

Tương tự như bánh chưng, bánh giầy, thì bánh trôi, bánh chay được nặn hình tròn để thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Bánh trôi tượng trưng cho 50 người con theo Âu Cơ đi xuống biển. Còn bánh chay tượng trưng cho 50 người con theo Lạc Long Quân lên rừng. Nhưng cũng có cụ kể lại rằng bánh trôi bánh chay để tưởng nhớ đến các Vua Hùng. Nhưng dù câu chuyện là thế nào thì ngày tết hàn thực cũng hướng chúng ta nhớ về nguồn cội của mình.

”Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non”.

Vừa luộc bánh bà Phương vừa ngâm nga mấy câu thơ trong bài “Bánh trôi nước”. Bà bảo thả bánh vào chờ đến khi bánh nổi hết lên là chín. Sau đó vớt ra cho vào bát nước lạnh, rồi vớt ra bày trên đĩa là xong.

Sau một hồi thì thành quả cũng đã xong. Những viên bánh tròn tròn mềm mịn với nhân đường ngọt thanh, rắc thêm chút vừng thơm phức là có thể dâng lên bàn thờ Phật. Sau đó là để mọi người cùng nhau thưởng thức. Thứ mùi đặc trưng của bánh trôi, bánh chay lan toả trong không khí càng làm cho ngày tết hàn thực thêm sôi động và ý nghĩa hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

three × 1 =