Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

Tết của những người bán nhà vào viện dưỡng lão ở và mong ước giản đơn ngày đầu năm

Trong năm mới, những người quyết định lựa chọn ở viện dưỡng lão đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã chia sẻ những mong ước của mình và gửi gắm nhiều điều bất ngờ tới con cháu

Tết của những người ở viện dưỡng lão: “Tết không có con bên cạnh cũng buồn nhưng cái gì lợi cho con mình làm được hết”
Chiều một ngày cuối năm, bà Nguyễn Thị Tú Tĩnh và Nguyễn Thị Biển (cùng 90 tuổi) đang sinh sống tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, KĐT Thanh Hà Cienco5, Hà Nội, ngồi cắm cành đào, trang trí lại căn phòng mình sinh sống để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Bà Nguyễn Thị Tú Tĩnh (ảnh phải) và Nguyễn Thị Biển (ảnh trái) ngồi cắm cành đào, trang trí lại căn phòng mình sinh sống để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ảnh: Gia Khiêm

Nhìn cành đào đang bắt đầu nở hoa cùng cây quất được nhân viên trung tâm tặng đặt sát góc nhà lòng bà Tĩnh và bà Biển thêm bồi hồi. Đây là năm thứ nhất bà Tĩnh đón Tết xa nhà. Còn với bà Biển thì đây là năm thứ 2 bà không thể sum vầy bên con cháu trong những ngày Tết vì sức khoẻ không cho phép, một phần các con cháu đa phần sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

Bà Tĩnh chia sẻ với PV Dân Việt. Ảnh: Gia Khiêm

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, bà Tĩnh kể, nhà trước đây ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cách đây 2 năm, chồng bà Tĩnh vĩnh viễn ra đi về cõi tạm. Hai con gái đều sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Cũng vì thế mà bà Tĩnh sinh sống một mình cùng giúp việc. Tuy nhiên, cách đây 1 năm bà Tĩnh suýt bị đột quỵ, cũng may lần đó con gái ở xa nhìn qua camera phát hiện ra gọi người thân đưa bà đi bệnh viện.
“Sau lần đó, các con bàn nhau đưa tôi vào viện dưỡng lão để có người chăm sóc. Tôi mới được chuyển vào đây được vài tháng nay. Căn nhà gắn bó với mình bao năm qua không ai ở nên bán đi phụ cho con mua đất nước ngoài và một phần để mình an dưỡng tuổi già ở đây”, bà Tĩnh rõng rạc chia sẻ.

Dù tuổi đã cao nhưng bà Tĩnh vẫn rất tinh anh. Hàng ngày, bà vẫn có thói quen chống gậy đi đến khắp các phòng trong trung tâm trò chuyện với những người cao tuổi và nhân viên.

Những cụ ông cụ bà được chăm sóc tại viện dưỡng lão. Ảnh: Gia Khiêm

“Tôi thích được đi dạo trò chuyện với mọi người. Cũng may ở tuổi này tôi vẫn khoẻ chứ nhiều người phải dựa vào nhân viên viện dưỡng lão chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ đến vệ sinh cá nhân… khổ lắm”, bà Tĩnh nói rồi kể, mọi năm hai con gái thường thu xếp về trước hoặc sau Tết đón Tết cùng mẹ. Riêng năm nay, bà ăn Tết một mình.
“Mọi năm khi còn khoẻ vào ngày Tết tôi đi chợ mua bán bày biện đồ trong nhà. Khi Tết đến, điều cần làm nhất đó là di chúc Tết họ hàng, xóm giềng. Xưa trẻ tôi đạp xe cả đêm, đón giao thừa ngoài đường nhưng Tết này mọi thứ đã thay đổi. Tôi cũng không phải gấp gáp, mua bán gì nữa.

Hàng ngày, bà Tĩnh thích được đi dạo thăm hỏi, trò chuyện cùng mọi người. Ảnh: Gia Khiêm

Tết không có con cái bên cạnh cũng buồn chút nhưng cái gì có lợi cho con mình làm được hết. Ăn Tết ở đây xác định cuộc đời mình phải thế. Nếu con gái vì lo lắng cho mẹ mà bỏ con bỏ cái ở bên đó cũng khổ rồi phải xếp hàng ở Đại sứ quán xin cho về mới về, khó khăn không phải là dễ”, bà Tĩnh chia sẻ.
Đều đặn mỗi ngày, hai con gái cũng thay phiên nhau gọi điện trò chuyện với mẹ khiến bà Tĩnh cũng vơi đi nỗi nhớ mong. Còn với bà Tĩnh, được nhìn thấy mặt con là bà thấy yên tâm.
“Các con cũng muốn sang ở cùng nhưng tôi từ chối vì không muốn con phải bận tâm nhiều về mình. Ở đây, tôi cũng yên tâm vì có người chăm sóc mỗi ngày. Tôi chỉ mong con cháu gặp nhiều may mắn còn về mình tôi chỉ mong sống khoẻ, đi là đi luôn không đau ốm gì cho đỡ khổ”, bà Tĩnh lạc quan nói.

Tết của những người ở viện dưỡng lão: Mong ước của những cụ bà nơi viện dưỡng lão ngày Tết
Còn với bà Nguyễn Thị Biển, đây là năm thứ 2 bà đón Tết ở viện dưỡng lão. Năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà không thể về với con cháu. Năm nay, một phần do sức khoẻ yếu đi nhiều nên bà quyết định ở lại đây nghỉ ngơi. Những lúc nhàn rỗi, bà Biển lại tự tay ngồi may áo, đọc sách và lấy đó là niềm vui cho mình khi tuổi già.

Năm thứ 2 ăn Tết ở viện dưỡng lão nên bà Biển không còn bỡ ngỡ, bớt buồn hơn. Ảnh: Gia Khiêm

“Tôi nhớ năm ngoái các con mang quà Tết đến cho mẹ nhưng phải ở tít ngoài cổng, không được gặp. Cầm túi quà Tết con gửi, tôi khóc ngay tầng 1, các cháu ở đây phải dỗ. Một lúc sau mình trấn tĩnh được mới chịu. Nhớ con thương con đến thế nhưng rồi ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác quen dần đi. Mình ở đây các con cũng yên tâm khi có người chăm sóc mẹ tốt hơn”, bà Biển nói.
Tết này, bà Biển mong ước các con cháu trong gia đình thật nhiều sức khoẻ, ai cũng có cuộc sống hạnh phúc. Đó cũng là điều bà luôn mong mỏi.

Bà Nguyễn Lệ Hà lau dọn lại căn phòng, bức ảnh vợ chồng chụp chung để chuẩn bị chào đón năm mới. Ảnh: Gia Khiêm

Còn với bà Nguyễn Lệ Hà (80 tuổi) thì đây cũng là cái Tết đầu tiên bà ở viện dưỡng lão. Bà lau dọn lại căn phòng, bày biện cành đào, cây quất. Trước đây, bà Hà ở khu đô thị Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, nhưng vì lo toan công việc của con trai bà đã quyết định bán căn nhà của mình cho con lập nghiệp, một phần bà lấy tiền ở viện dưỡng lão.

Năm nay tôi đón Tết ở đây một mình nên trong lòng thấp thỏm suy nghĩ. Việc tôi chọn ở viện dưỡng lão để con cháu yên tâm làm việc”, bà Hà nói.

“Năm nay tôi đón Tết ở đây một mình nên trong lòng thấp thỏm suy nghĩ. Việc tôi chọn ở viện dưỡng lão để con cháu yên tâm làm việc. Biết tin tôi ở đây nhiều người bạn ở các câu lạc bộ tôi từng tham gia cũng thường xuyên ghé đến chơi nên tôi vui hơn. Con cũng bảo tôi vào ăn Tết với con cháu nhưng suy nghĩ con chưa ăn nên làm ra, đi lại khó khăn nên tôi quyết định ở lại đây đây. Như vậy con cái cũng yên tâm hơn. Năm mới tôi ước mong mình khoẻ để không vướng bận đến ai. Con cháu luôn khoẻ mạnh, công việc tốt đẹp, thuận lợi”, bà Hà tâm sự.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Hoàng Thị Thu Ngân – Phó Tổng giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cho biết, dịp Tết đến mọi người ở trung tâm hay nhớ nhà.
“Các cụ chọn ở lại đón Tết ở Diên Hồng hay nhớ con cháu, nhất dịp Tết đến xuân về khi chứng kiến các gia đình tấp nập vào ra, các cụ cũng mong được về nhà. Tuy nhiên để các cụ bớt đi nỗi nhớ, chúng tôi tổ chức một chuỗi hoạt động để các cụ có thêm niềm vui dịp Tết.
Trong những ngày qua, chúng tôi tổ chức tất niên cho các cụ, các hoạt động giao lưu văn nghệ, chợ Tết… Ai cũng phấn khởi khi mua được hàng hoá, lễ hội gói bánh chưng, bữa cơm tất niên cuối năm, cùng nhau đón giao thừa, lì xì chúc mừng nhau…”, bà Ngân nói.

Theo báo Dân Việt

Leave a Reply

Your email address will not be published.

eight − 2 =