Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Để mất ngủ không còn là nỗi lo

Mất ngủ là một trong những tình trạng phổ biến khi về già, là một phần của sự lão hóa. Đối với người cao tuổi (NCT) thì giấc ngủ là vô cùng quan trọng. Khi bị mất ngủ sẽ kèm theo nhiều điều bất lợi đối với họ. Vậy nguyên nhân gây ra mất ngủ là gì, có cách nào để khắc phục tình trạng này hay không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các câu hỏi đó. 

Biểu hiện của mất ngủ ở người già thường là cảm giác mệt mỏi, giảm trí nhớ, không thể ngủ được hoặc phải mất nhiều thời gian mới có thể đi vào giấc ngủ, thường xuyên thức dậy vào buổi đêm, không thể ngủ trở lại sau khi thức giấc, buồn ngủ vào ban ngày nhưng không ngủ được, đau đầu vào buổi sáng. Mất ngủ kéo dài sẽ làm cơ thể và tinh thần luôn mệt mỏi, lo lắng, tâm lý không ổn định và không kiềm chế được cảm xúc.

Nguyên nhân gây mất ngủ ở NCT có thể chia ra làm các loại như sau: 

  • Chức năng cơ thể bị suy giảm

Đây là một nguyên nhân mà có thể nói rất khó tránh khỏi. Tuổi tác càng cao thì mọi chức năng của cơ thể đều bị suy giảm, trong đó chức năng của hệ thần kinh trung ương là rất nhạy cảm. Tế bào thần kinh trung ương của con người kể từ lúc phôi thai phát triển cho đến khoảng tuổi 25 là hoàn chỉnh. Sau lứa tuổi này thì mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào nơ-ron thần kinh bị hủy hoại và như vậy ngoài ảnh hưởng đến các chức năng khác thì giấc ngủ của NCT cũng không thể không bị ảnh hưởng.

 

  • Bệnh tật
  1. Loại hay gặp nhất là đau nhức xương khớp (thoái hóa khớp, bệnh gút…). Biểu hiện hay gặp nhất vẫn là ban đêm làm cho giấc ngủ không sâu, chập chờn và nhiều khi đau nhức không thể ngủ được, nhất là khi thay đổi thời tiết.
  2. Bệnh về tim mạch: hay gặp nhất là bệnh tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim (thiểu năng mạch vành) làm cho NCT hay bị đau tức ngực, khó chịu và nhiều khi còn tỏ ra lo lắng làm ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ.
  3. Bệnh về đường hô hấp như bệnh giãn phế quản, hen phế quản… gây ho nhiều, khó ngủ được. Các bệnh này thường xuất hiện nặng về ban đêm, nhất là lúc có áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc, ẩm ướt…
  4. Các bệnh đường tiêu hóa ảnh hưởng nhiều nhất đến giấc ngủ là bệnh về dạ dày và bệnh viêm đại tràng mạn tính. NCT nếu mắc một trong 2 bệnh này thì ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ, nhiều người bị đau suốt đêm không thể nào chợp mắt được.
  5. Bệnh về tiết niệu, tiền liệt tuyến, đái tháo đường cũng là một trong các tác nhân làm cho người cao tuổi mất ngủ. Các bệnh về đường tiết niệu hay gặp ở NCT là u xơ tiền liệt tuyến, đái tháo đường, sỏi tiết niệu (sỏi thận, bàng quang, niệu quản, niệu đạo), thường hay đi tiểu đêm gây mất ngủ hoặc giấc ngủ không sâu, không ngon.
  • Ảnh hưởng xấu của môi trường đang sinh sống

Môi trường sống có tác dụng rất lớn đến đời sống con người. Môi trường trong sạch, không bụi bặm, ít tiếng ồn góp phần đáng kể trong cuộc sống của NCT, làm cho NCT sống khỏe mạnh, vui vẻ và luôn làm được những việc có ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Tuy vậy, có một số yếu tố hay gặp như: nhà chật chội, đông người, nhiều tiếng ồn ào, mất vệ sinh… làm cho NCT rất khó ngủ.

  • Chế độ ăn uống không điều độ

NCT nếu ăn, uống điều độ thì ngoài việc đảm bảo cho sức khỏe tốt còn có tác dụng rất hữu ích trong giấc ngủ làm cho giấc ngủ ngon, sâu dẫn đến tinh thần luôn được sảng khoái, hồ hởi, phấn chấn và sống một cuộc sống lạc quan hơn. Nếu ăn uống quá no, uống nhiều nước trước khi đi ngủ hoặc uống nhiều bia, rượu; ăn nhiều chất kích thích thì ảnh hưởng xấu không nhỏ đến giấc ngủ.

Điều trị mất ngủ như thế nào?

  • Trước tiên cần lựa chọn các biện pháp điều trị không dùng thuốc để điều chỉnh lại giấc ngủ, giúp người bệnh trở lại giấc ngủ một cách tự nhiên nhất. NCT nên học cách thư giãn để có cảm giác thư thái cả về thể chất lẫn tinh thần.

  • Ăn uống phải điều độ và không nên kiêng khem quá mức (tùy theo từng loại bệnh mà có sự tư vấn của bác sĩ để có sự kiêng thức ăn, nước uống cho phù hợp). Không nên uống cà phê, trà đặc, hút thuốc lá vào buổi tối, trước khi đi ngủ không nên tập thể thao, ăn hoặc uống quá nhiều trong vòng 3 giờ, tránh căng thẳng hoặc xúc cảm, nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.

  • Tập thể dục nhẹ nhàng là việc làm hết sức cần thiết cho giấc ngủ của NCT. Hiện nay, có nhiều hình thức tập thể dục áp dụng cho NCT như: đi bộ, chơi cầu lông, quần vợt, bơi, tập thể dục dưỡng sinh… nhưng có lẽ thông dụng nhất, không tốn kém, dễ áp dụng là đi bộ. Đối với những NCT có bệnh về tim mạch như: cao huyết áp, mạch vành cần đi bộ chậm không được chạy, nhảy hoặc vận động mạnh. Không nên đi bộ vào lúc nhiệt độ lạnh quá, nóng quá, mưa, gió mạnh mà nên chọn thời điểm thích hợp nhất cho bản thân mình như chập tối, sáng sớm..

  • Phòng ngủ của NCT nên luôn luôn sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế người qua lại và ít tiếng ồn. . Tạo một môi trường yên tĩnh khi đi ngủ, bao gồm các điều kiện tối ưu về ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ…. Nên tắm nước ấm trước khi đi ngủ để làm tăng nhiệt độ cơ thể, giúp giấc ngủ bắt đầu dễ dàng hơn. Ngoài ra, cần phải đi ngủ và thức dậy đều đặn, kể cả thứ bảy chủ nhật; tránh ngủ ngày quá nhiều; chỉ nằm trên giường khi ngủ, tránh nằm trên giường đọc sách, xem tivi.
  • Khi nào thì sử dụng thuốc? Chỉ sử dụng những thuốc cho bệnh của mình theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tránh tự ý mua thuốc về dùng. Hãy trao đổi với bác sĩ khi gặp tác dụng gây mất ngủ của thuốc. Nên sử dụng các loại thảo dược tự nhiên có tác dụng dưỡng tâm an thần được ông cha ta sử dụng lâu đời dùng để chữa mất ngủ rất hiệu quả như: Tâm sen, vông nem, trà hoa tam thất…

Nguồn tham khảo: Báo Sức khỏe đời sống, báo Tuổi trẻ, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ngọc.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.

sixteen − 14 =