Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Tình yêu ở tuổi gần đất xa trời

Đã gần 5 năm nay, cuốn album ảnh cưới với người đàn ông quen trong viện dưỡng lão trở thành báu vật, luôn nằm trên đầu giường của bà Nguyễn Thị Liệu.

Bà Liệu, 77 tuổi, gặp ông Nguyễn Thế Năng tại trung tâm dưỡng lão Thiên Đức (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm) năm 2015. Khi đó bà vẫn đi lại khỏe, còn ông Năng bị liệt hoàn toàn do tuổi già bệnh tật. Cùng cảnh mất bạn đời đã lâu, không muốn làm phiền con cái nên ông bà quyết định vào đây. Tính cách ông Năng hóm hỉnh nên được bà Liệu quý mến.

Cụ Liệu trao khăn cho cụ Năng trong chương trình Điều ước thứ 7. Ảnh chụp album

Ông ở khu B, còn bà ở khu A. Sáng chiều nắng ấm bà hay sang dìu ông ra ghế đá ngồi, hoặc đẩy xe đưa ông đi dạo dưới tán cây xoài, cây nhãn cổ thụ trong khuôn viên. Bà còn hay nhờ các điều dưỡng mua thêm đồ ăn vặt để chuẩn bị bữa phụ cho ông. Một số ngày khỏe, họ bắt taxi lên phố, đổi bữa bằng những món miến ngan, bánh tôm Hồ Tây…

Năm 2016 có lần bà Liệu sang Séc thăm con cháu. Những ngày đó ông Năng buồn và ốm hẳn. Nghe con gái ông kể chuyện, bà Liệu gọi về động viên người bạn già chịu khó ăn uống và hứa sẽ về sớm. Kế hoạch đi ba tháng, song vì ông mà bà về trước dự định.

Biết hai cụ quý mến nhau, các con cháu hai gia đình đều ủng hộ, thậm chí hào hứng nghe chuyện hai cụ kể về nhau. Một lần, mấy cô điều dưỡng trẻ ướm lời: “Bà thách cưới gì để con thay ông chuẩn bị?”. Bà Liệu nói vui: “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao nhé”. Tiếng cười rộn vang trên khuôn mặt của những mái đầu bạc, đầu xanh.

Mùa đông 2017, câu chuyện của ông Năng – bà Liệu được đưa lên chương trình truyền hình Điều ước thứ 7 như một chuyện tình yêu đẹp ở tuổi gần đất xa trời. Ngày hôm đó cả trung tâm vui như ngày cưới. Ông Năng ăn bánh tôm bà cắt, còn hôn lên bàn tay bà. Hai nhân vật chính chia sẻ rất mãn nguyện vì ở tuổi này còn tìm được bạn tri kỷ.

Hơn một năm sau cụ ông qua đời. Bà Liệu buồn nhưng biết tuổi già khó tránh khỏi sinh ly tử biệt, nên chọn cuộc sống tích cực, vui khỏe. Dù con gái muốn đón sang nước ngoài định cư, bà chỉ muốn ở quê hương bởi bên cạnh vẫn còn nhiều bạn già. Các con gái của ông Năng gọi bà bằng mẹ và thi thoảng vào thăm nom.

“Kỷ niệm về những ngày có ông ấy là đẹp nhất trong những năm cuối đời của tôi”, bà mỉm cười an nhiên trong chiều xuân Hà Nội.

Trái ngược với đoạn tình cảm được ủng hộ của bà Liệu, rung động của người cao tuổi thường gặp cảnh bị con cái, gia đình ngăn cản, phản đối. Tại viện dưỡng lão Diên Hồng, không ai không biết mối tình “Ngưu Lang – Chức Nữ” của ông Đinh Ngọc Thọ, 72 tuổi và bà Lê Thị Nga, 71 tuổi.

Ông Thọ bị yếu chân, phải đi lại bằng gậy, còn bà Nga bị di chứng sau tai biến không đi được. Vào trung tâm năm 2019, ban đầu hai người ở cùng một tầng, sống tập thể cùng với vài chục cụ khác. Qua các giờ sinh hoạt chung mà họ để ý nhau.

Bà Nga có tính “công chúa”, hay nũng nịu và điệu đà. Ông Thọ rất quan tâm và chăm sóc bà từ cái nhỏ nhất như lấy tăm, nước, đưa đi dạo. Cứ mỗi lần thấy nhân viên điều dưỡng tập đi cho bà, ông chống gậy đứng cạnh động viên.

Trước giờ đi ngủ, ông hay mang sang phòng cho bà một chai nước vì sợ nửa đêm lọ mọ nhỡ ngã. Bà Nga cũng chỉ thích uống chai nước của ông, mặc dù cụ nào cũng có một bình nước để ở bàn đầu giường.

Tuy nhiên các con bà Nga rất sợ mẹ thân thiết với bạn khác giới. Ngay từ lúc mới đưa bà vào đây, cô con gái đã cảnh báo: “Mẹ chị rất ‘dại trai’ nên các em tuyệt đối không để phát sinh tình cảm gì ảnh hưởng đến bà và các con”.

Nhận thấy tâm ý của ông bà dành cho nhau, nhân viên trung tâm buộc phải báo cho gia đình hai bên. Các con quyết định chuyển ông Thọ xuống tầng dưới. Những lúc tổ chức sự kiện tập thể sẽ sắp xếp trên nguyên lý “có bà thì thôi ông” hoặc ngược lại. Tuy nhiên một lần do “trục trặc kỹ thuật”, nhân viên đưa nhầm cả hai. Các cụ nhìn thấy nhau liền biết lâu nay bị chia cắt, từ đó tìm cách “trèo đèo lội suối” đến thăm nhau.

Một lần nữa gia đình bà Nga quyết liệt yêu cầu phải tách hai người. Sau nhiều ngày không thuận, ông Thọ cũng đồng ý tham quan cơ sở 2 của Diên Hồng ở huyện Thanh Oai. Tới đây thấy không gian rộng rãi, tiện nghi hơn cơ sở một ở quận Hà Đông, ông đồng ý chuyển.

Ngày chia xa, đôi bạn già bịn rịn. Bà Nga tiễn ông ra tận cổng, với tay theo lúc tận lúc chiếc xe đi khuất. Quay về phòng bà khóc và bỏ ăn.

Xa nhau đến nay hai năm, họ vẫn quan tâm người kia như thủa ban đầu. Cứ mỗi lần có nhân viên qua lại hai trung tâm, cụ bà hay bảo: “Các con cho mẹ gửi lời hỏi thăm bố”, kèm một chút quà bánh, hoa quả và tờ giấy hỏi thăm. Lần khác, bà nhờ nhân viên mua một bộ cờ tướng tặng ông.

Năm 2021 có sự kiện hoa hậu cao niên, các trung tâm tụ về một địa điểm. Vừa nhìn thấy nhau, ông bà đã tủm tỉm cười. Nhân viên cũng tạo điều kiện cho hai cụ ngồi cạnh. Họ lại được ngồi bên nhau hỏi thăm về sức khỏe, miếng ăn, giấc ngủ và nhắn nhau sống vui khỏe, trước khi chương trình kết thúc phải một người một ngả…

Tấm thiệp ông Văn gửi cho bà Năm, người bạn cùng viện dưỡng lão Diên Hồng, trước Valentine 2022. Ảnh: Thúy Hằng

Dịp Valentine năm nay, Diên Hồng tổ chức hoạt động viết thiệp tặng bất cứ ai mình muốn. Thế nhưng ông Nguyễn Đình Văn, 75 tuổi, không tin tấm thiệp hình trái tim của mình đến được với bà Năm, 77 tuổi.

Ông vào trung tâm được gần một năm, còn bà gần hai năm. Cả hai đều phải dùng xe lăn. Một lần nhìn thấy bà Năm tự bò vào toilet chứ không gọi nhân viên, ông Văn thấy thương xót, nên từ đó hay hỏi thăm quan tâm và chia sẻ với bà. Mỗi ngày đến giờ ăn, giờ sinh hoạt chung, ông bảo nhân viên đẩy xe đến cạnh bà trò chuyện. Tình cảm của họ cứ thế lớn dần.

Con gái ông Văn vào thăm nhận ra bố quan tâm quá mức một cụ bà nên gặp ngay điều dưỡng trưởng yêu cầu không được để phát sinh tình cảm. “Bố tôi đào hoa, yêu nhăng, yêu cuội thôi. Nếu để nảy sinh tình cảm sâu sắc, gia đình tôi sẽ đưa ông về luôn”, người con nói.

Trước tối hậu thư của gia đình, nhân viên buộc phải tách ông bà. Cả hai đều dùng xe lăn nên vào các sự kiện chung chỉ cần không xếp cạnh nhau sẽ không có cơ hội nói chuyện. Các cụ cũng hiểu được tâm ý con mình nên từ đó cũng chỉ hỏi thăm nhau từ xa.

Trước trăn trở của ông Văn không biết tấm thiệp của mình có tới được bà Năm, nhân viên cam đoan chắc chắn sẽ chuyển. “Vậy cho ông gửi lời chúc bà nhanh khỏe, sớm đi lại được”, ông nói, rồi đưa tấm thiệp có ghi rõ ràng tên người gửi, người nhận.

Chị Hoàng Ngân, phó giám đốc viện dưỡng lão Diên Hồng cho biết, tình yêu ở tuổi này của các cụ rất trong sáng, chỉ mong điều tốt đẹp – cụ thể ở đây là vui khỏe mỗi ngày đến người kia – chứ hiếm khi vì vật chất hay nhu cầu nào khác. Song từ phía các con thường nghĩ sâu xa và quan trọng hóa vấn đề. Họ lo những cảm xúc quý mến nhau này có thế gây ra rắc rối, nên đã dập tắt.

Những người con mới là khách hàng ký hợp đồng, vì thế trung tâm buộc phải tôn trọng mong muốn của con cái. “Nhưng ở giữa, chúng tôi rất khó xử. Thật sự chúng tôi luôn mong các cụ vui vẻ, khỏe mạnh nên ai tìm thấy được tình yêu ở tuổi này cũng rất tốt”, Hoàng Ngân nói.

Theo Phan Dương – VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published.

fifteen + fifteen =