Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

Liều thuốc chống Cô-vít ở trung tâm dưỡng lão

TP – Tại châu Âu và nhiều nước khác, viện dưỡng lão được coi là “quả bom hẹn giờ” trong đại dịch COVID -19 bởi với người cao tuổi, khi sức khỏe yếu đi cùng đó sức đề kháng giảm nên tỷ lệ tử vong vì dịch bệnh này cao nhất. Chính vì vậy, tại các viện, trung tâm dưỡng lão ở nước ta thời kì này đang áp dụng các biện pháp đặc biệt để các cụ được “sống vui, sống khỏe”.


Những thông điệp được các cụ truyền tải đi

Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng với 2 cơ sở, cơ sở 1 ở Khu đô thị Đô Nghĩa, Yên Nghĩa, Hà Đông và cơ sở 2 có địa chỉ tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco5, Thanh Oai, Hà Nội. Đây là một trong những trung tâm dưỡng lão quy mô lớn nhất Hà Nội hiện nay. Hiện tại trung tâm có 160 cụ đang an dưỡng, từ 54 đến 105 tuổi.

Dịch bệnh lan rộng và phức tạp, từ đầu tháng 3, trung tâm dưỡng lão này đã chủ động áp dụng chính sách “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để thực hiện việc phòng ngừa bệnh dịch lây lan từ bên ngoài vào. Và giải pháp đầu tiên được áp dụng là dừng việc thăm nom trực tiếp của gia đình, người nhà đối với những cụ đang sinh sống tại đây. Thay vào đó là “thăm hỏi online” hoặc gọi điện thoại.

Tại bàn ăn, mỗi người đều được bố trí suất ăn riêng. Với những cụ sức khỏe yếu hơn được bố trí ngồi bàn đặc dụng, có ghế tựa đi liền bàn. Toàn bộ nhân viên phục vụ đều đeo khẩu trang, găng tay để trợ giúp các cụ ăn uống.

Nhằm giúp các cụ vơi đi nỗi buồn và giữ liên lạc với người thân, các nhân viên chăm sóc sử dụng điện thoại di động kết nối mạng internet để các cụ trò chuyện với người thân, gia đình.

“Bây giờ đang có dịch bệnh, chị Thoa không đến thăm bà được, con gọi điện để bà nói chuyện với chị nhé?” – chị Lan Anh, nhân viên chăm sóc khách hàng hỏi cụ Dành. Nụ cười và ánh mắt rạng ngời, cụ Dành gật đầu. Những câu chuyện giữa cụ Dành và con cháu được kết nối, râm ran cả một góc phòng. Kết thúc cuộc nói chuyện, cụ không quên thông báo cho gia đình việc được các nhân viên chăm sóc rất chu đáo, tận tình để con cháu yên tâm.

Tại phòng sinh hoạt cộng đồng, nhóm các cụ (2-3 người) ngồi đọc sách báo, trò chuyện sôi nổi. Nhân viên trung tâm đeo khẩu trang, thi thoảng nhắc các cụ giữ khoảng cách an toàn. “Qua sách báo, tivi tôi cũng biết dịch viêm phổi cấp đang lan rộng và rất nguy hiểm. Nhưng tôi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ Việt Nam sẽ có những quyết sách chống dịch an toàn. Tôi ở trong viện thì quá tốt rồi, các chị, cách anh trong này chu đáo lắm. Chỉ lo ngoài kia con cháu mình thế nào thôi”, cụ Phạm Thị Diễm 76 tuổi chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại.

Từ ngày trung tâm áp dụng biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, các cụ rất ủng hộ, hưởng ứng. Lịch ra ngoài, tập thể dục, đi dạo của các cụ không còn, thay vào đó các lớp thể dục trong phòng được tổ chức đều đặn hằng ngày. Ngoài thời gian đó các cụ còn tổ chức sinh hoạt, chụp những bộ ảnh với những thông điệp dễ thương gửi tới mọi người cùng phòng chống dịch bệnh. “Phải tập thể dục, vận động như thế cho xương cốt dẻo dai, tinh thần khỏe khoắn, có thế mới ăn được, ngủ được. Không ra ngoài cũng bí bách, nhưng chúng tôi có thời gian chia sẻ để hiểu nhau hơn”, bà Quế, người có thâm niên ở trung tâm chia sẻ.

Các ông bà tập thể dục trên khu sinh hoạt cộng đồng

Ở cùng để ngăn dịch

“Ngay khi có thông tin về dịch bệnh và đặc biệt là chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội, cán bộ, nhân viên tại Trung tâm đều thực hiện triệt để. Ngoài việc đeo khẩu trang, Trung tâm cũng quy định 5 khung giờ rửa tay bắt buộc cho từng cụ và cho cả cán bộ, nhân viên. Bên cạnh đó, để tránh tiếp xúc với bên ngoài, Trung tâm còn khuyến khích nhân viên ở lại, sinh hoạt tại ký túc xá nếu không có việc quan trọng.” bà Trần Thị Thúy Nga, Phó tổng Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng chia sẻ.

Chị Trang, nhân viên chăm sóc ở Trung tâm cho biết: “Mặc dù nhà ở gần Trung tâm nhưng vì sự an toàn của tất cả mọi người nên tôi đã đến Trung tâm ở luôn. Lúc đầu chồng và gia đình cũng không đồng ý, vì con tôi mới hơn 3 tuổi. Nhưng chống dịch hơn chống giặc, các bác sỹ điều dưỡng ở các bệnh viện vẫn đang gồng mình chống dịch, nên tôi cũng mong muốn góp chút sức mình. Từ đó gia đình tôi hiểu, thông cảm và đồng ý cho tôi ở lại”.

Theo bà Nga, từ khi có thông tin về dịch bệnh COVID-19, Trung tâm đã xây dựng phương án phòng, chống đối với toàn bộ cán bộ, công nhân viên và tuân thủ triệt để khuyến cáo của cơ quan y tế.  

Bà thông tin thêm, đối với việc thăm nom trực tiếp của người thân, gia đình với các cụ, trung tâm thực hiện nghiêm ngặt triệt để. Tuy nhiều gia đình lúc đầu không thiện chí, nhưng sau đó họ nhận biết được việc này là cần thiết. Vì thế việc gặp gỡ, trò chuyện giữa các cụ và gia đình, người thân bằng điện thoại hoặc qua internet được sử dụng thường xuyên.

“Ngoài ra, nguồn lương thực, thực phẩm từ các đối tác đưa đến Trung tâm được thực hiện theo quy trình. Hàng hóa được giao phía ngoài cửa Trung tâm. Trung tâm bố trí một bộ phận tiếp nhận riêng rồi mới đưa vào”, bà Nga cho hay.


Các cụ tổ chức sinh hoạt, chụp những bộ ảnh với những thông điệp dễ thương để gửi tới tất cả mọi người cùng nhau phòng chống dịch bệnh

Theo Đức Anh – báo Tiền Phong

Leave a Reply

Your email address will not be published.

four × one =