Gặp ông Bách, tôi bị ấn tượng với mái tóc ngố, cặp kính thời trang chống bụi có vẻ ngầu nhưng quần áo vô cùng giản dị màu nâu hoặc màu lông chuột ánh mắt sáng theo cái kiểu một người làm khoa học và ông hay cười, mắt tít lại toát lên vẻ lương thiện.
Ông Thái Văn Bách vẫn luôn lạc quan dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn và bệnh tật
Ông sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh. Năm 1945, trong nạn đói lịch sử, ông về Hà Nội học tập rồi sau đó di cư vào Nam học ở Đại học Sài Gòn. Ra trường ông về giảng dạy môn toán lớp 11, 12 tại một trường THPT tại Bến Tre. Ông tâm sự: “Dạy học ở miền Nam khó lắm. Vì học sinh ở trong này hay bắt bẻ lắm nên là tôi mải mê học tập, quên mất chuyện lấy vợ”.
Trò chuyện với ông mới thấy ông là một kho lịch sử và các kiến thức về triết học, khoa học, dược học… bởi ông đam mê tìm hiểu và nghiên cứu. Ông có thể say sưa kể chuyện cả ngày không hết về lịch sử Việt Nam, nhất là vào thế kỷ 20. Những câu chuyện về vua Bảo Đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ông Trần Văn Giàu qua lời kể vô cùng sinh động của ông khiến cho những người trẻ như chúng tôi bị cuốn theo. Ông còn nói tiếng Pháp rất thành thạo. Hằng ngày ông cùng với ông Cảnh và ông Toàn “buôn chuyện” với nhau bằng tiếng Pháp làm cho chúng tôi chỉ biết nhìn nhau cười. Có khi ông nói xấu chúng tôi mà không ai biết ấy chứ. Những quan điểm làm người của ông cũng đáng để học tập. Ông dạy chúng tôi “Chúng ta phải sống hòa hợp với mọi người xung quanh, không kiêu căng, không khinh người, nếu có khả năng thì nên giúp đỡ người khác”.
Nhìn ông vui vẻ, thân thiện vậy nhưng ít ai biết ông bị bệnh nặng đến mức phải nghỉ hưu sớm vì không đủ sức khỏe để đứng trên bục giảng. Tuy vậy, ông vẫn không ngừng 1 ngày học tập và nghiên cứu, sống lạc quan để chống chọi với bệnh.
Cũng vì không có vợ con nên trước khi vào Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, ông đã sống 10 năm trong chùa Phật Tích – Bắc Ninh. Giờ đây khi đã 80 tuổi, sức khỏe yếu đi, ông chọn cho mình một cuộc sống bình yên trong viện dưỡng lão, được chăm lo đầy đủ, không phải lo lắng vì bất kì điều gì. “Thoải mái, khoan khoái, không có kẻ thù”, ông nhấn mạnh. Với ông, thế là đủ.
Không chỉ hòa đồng với các điều dưỡng viên, ông Bách còn tìm thấy nhiều người bạn già hợp gu trong Viện dưỡng lão Diên Hồng. Cùng thảo luận về các cuốn sách với ông Biền, cùng nói chuyện bằng Tiếng Pháp với ông Toàn… Gác lại cuộc sống bộn bề ngoài kia, với người già, họ chỉ cần an yên bên những người bạn, vẫn được làm những gì mình thích.