Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

All posts by Diên Hồng

Dí dỏm, hài hước qua bộ ảnh ‘Già có gì vui’ ở viện dưỡng lão

 Bộ ảnh “Già có gì vui?” của các ông bà ở viện dưỡng lão muốn nhắn nhủ tới những người cao tuổi, hãy tận hưởng tuổi già bởi cuộc sống còn nhiều niềm vui mà đôi khi chúng ta không nhận ra.

Sợ tuổi già là nỗi sợ không của riêng ai vì đây là độ tuổi phải thường xuyên đối diện với các vấn đề như ốm đau, sức khỏe suy giảm và nhiều biến chứng sinh hoạt khác. Tuy nhiên, con người lại quên mất rằng, tuổi già cũng có những giá trị tích cực riêng mà chỉ tới khi đó người ta mới cảm nhận trọn vẹn được hết ý nghĩa của độ tuổi này.

Đó là sức mạnh và khả năng sống sót, chiến thắng mọi thăng trầm và thất vọng, thử thách và bệnh tật mà ở những lứa tuổi trẻ hơn không có được. Những nụ cười rạng rỡ, những câu trả lời hết sức hóm hỉnh, đáng yêu của các cụ đang sống ở Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, trong bộ ảnh “Già có gì vui?” là minh chứng rõ nét cho điều đó.

“Thoải mái đi chơi cờ, không sợ vợ gọi về”, lời chia sẻ hài hước, hóm hỉnh của cụ Đặng Thịnh đã nói đúng mong muốn của rất nhiều đàn ông Việt Nam hiện nay.

Dù khác nhau nhiều thế hệ nhưng suy nghĩ của các cụ cũng vẫn có điểm tương đồng với tiếng lòng của các bạn trẻ ở độ tuổi đôi mươi.

Ngay sau khi bộ ảnh được đăng tải, rất nhiều tài khoản đã để lại dòng bình luận dưới bài viết.

Tài khoản Nhật Trung bình luận: “Đây là những điều mà ngày còn trẻ, những người ông người bà ấy vẫn chưa làm được trọn vẹn! Thương”.

“Chúc tất cả các ông bà cao tuổi nhiều sức khỏe, luôn lạc quan, yêu đời”, tài khoản Thúy Nga viết.

Tài khoản Tam Ba chia sẻ: “Nhìn các cụ như này thấy yêu đời và có năng lượng cảm hứng của tuổi già”.

Hiện bộ ảnh vẫn đang tiếp tục nhận được nhiều lượt tương tác và bình luận trên các trang mạng xã hội.

Đằng sau nụ cười ấm áp là cả những nỗi niềm riêng

Chia sẻ với VTC News, chị Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cho biết, mỗi cụ đến với Diên Hồng đều có một câu chuyện đời riêng, có cụ luôn hài lòng với cuộc sống hiện tại, cũng có cụ vẫn còn nhiều trăn trở về tương lai.

Trong đó, cụ Vũ Thị Dành phải trải qua một thời tuổi trẻ đầy khó khăn và phải cố gắng nỗ lực vươn lên rất nhiều. Đến khi con cái đều thành đạt, cụ đã bán nửa mảnh đất của mình để tự chi trả chi phí trong viện dưỡng lão mà không cần các con phải lo.

Đối với những người cao tuổi, chỉ khi về già họ mới không phải lo toan về cuộc sống và được thực sự làm những gì mình thích như: đan len, nghe Kinh Phật… Ban đầu, nhiều cụ vào viện dưỡng lão Diên Hồng trong tâm thế “phải vào” để các con yên tâm nhưng sau một thời gian sống ở đây, được truyền cảm hứng từ các những người cao tuổi lạc quan khác và tham gia chuỗi các hoạt động ý nghĩa tại trung tâm nên các cụ thay đổi rất nhiều.

Với tôn chỉ mục đích hoạt động của viện là luôn cổ vũ các cụ “sống lại thanh xuân”, đến giờ, có cụ được các con đón về thì lại không chịu về hoặc nếu về thì cũng đầy tiếc nuối những kỷ niệm và mối quan hệ tốt đẹp ở Diên Hồng. Nhiều ông bà còn là những tấm gương sáng về tinh thần vui vẻ, lạc quan, yêu đời và ứng xử văn minh để những người trẻ ở đây học hỏi và noi theo.

Trải qua nhiều gian khó trong cuộc sống, cụ Dành dành trọn quãng đời của còn lại của mình để sống cho bản thân mình.

Thông điệp ấm áp tình người

Nói về ý tưởng của bộ ảnh, chị Hoàng Thị Thu Ngân cho hay, bộ ảnh này đến với chị một cách rất tình cờ và thú vị. Trong một lần đọc cuốn sách “Bà ơi, nhanh lên!” của tác giả Arend van Dam và Alex de Wolf cho con nghe, có một câu hỏi trong sách khiến chị vô cùng ấn tượng, đó là nhân vật cháu hỏi người bà của mình: “Khi già đi thì có vui không ạ?”.

Ngay sau đó, người bà trả lời rằng: “Vui thì có vui, nhưng già đi cũng đòi hỏi cháu phải rất nhẫn nại luôn ấy”. Vì thấy đoạn này ý nghĩa quá nên chị Ngân mới đi hỏi các cụ ở trung tâm của mình câu hỏi đó xem “Già có gì vui?”.

“Tôi vẫn nhớ như in cảm giác lúc được hỏi lần đầu tiên, tất cả các cụ đều vô cùng ngạc nhiên, vẫn còn lúng túng, sau đó mới bắt đầu ngẫm nghĩ nhưng cũng chưa biết gọi tên cụ thể những điều ấy ra là gì. Nhưng khi được hỏi lại thì các cụ mới thấy hóa ra già đi lại có nhiều cái vui như thế mà trước giờ không nhận ra”, chị Ngân bồi hồi chia sẻ.

Qua đó, bộ ảnh muốn nhắn nhủ tới chính các cụ đã tham gia trả lời câu hỏi nói riêng, những người cao tuổi khác trong và ngoài viện dưỡng lão nói chung, hãy tận hưởng tuổi già của mình bởi cuộc sống này vẫn còn rất nhiều niềm vui mà đôi khi chúng ta không nhận ra. Mong rằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các ông bà sẽ luôn lạc quan và yêu đời để có một tuổi già hạnh phúc và sinh động.

Ngoài ra, thông qua bộ ảnh, chị Ngân cũng muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ rằng hãy luôn luôn nỗ lực không ngừng từ bây giờ để chuẩn bị sẵn sàng cả về tài chính và trải nghiệm cho tuổi già để sau này khi về già không còn điều gì phải hối tiếc.

Dưới đây là một số hình ảnh ấn tượng trong bộ ảnh “Già có gì vui?”:

Khi về già, các cụ được sinh hoạt giờ giấc thoải mái mà không bị ai làm phiền hay quấy rầy như hồi trẻ.

Không còn nỗi lo cơm áo gạo tiền và áp lực từ công việc, chỉ còn những giây phút tận hưởng cuộc sống một cách yên bình.

Cụ Tích yêu cả những nếp nhăn.

Được thoải mái giải trí mỗi ngày, liệu tuổi già còn đáng sợ nữa hay không?

Ở tuổi già, con người ta được sống là chính mình mà không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố xung quanh.

Dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, hãy trân trọng những gì chúng ta đang có và đón nhận nó một cách tích cực.

Theo Minh Anh – VTC News

 

 

Xem thêm

Chúc mừng sinh nhật Diên Hồng 8 tuổi: Nổi lửa cùng tỏa sáng

Ngày 21/9/2022, Dưỡng lão Diên Hồng hân hoan tổ chức sinh nhật 8 năm thành lập với nhiều dấu mốc ấn tượng. Đặc biệt là sự tin yêu của gần 350 người cao tuổi đang sống tại trung tâm.

Ban lãnh đạo cùng thổi nến cầu chúc cho Diên Hồng thêm tuổi mới sẽ có thật nhiều sự hứng khởi, niềm vui, thành công và đột phá

Cùng với sự ra đời của cơ sở 4, năm 2022 chứng kiến những bước phát triển lớn mạnh của Diên Hồng. Đó vừa là bước tiến về chất lượng dịch vụ và số lượng khách hàng gắn bó với Diên Hồng. Trung tâm vui mừng được chăm sóc số cụ gấp đôi thời điểm 2 năm trước đó. Để đạt được kết quả này, mỗi một cán bộ nhân viên Diên Hồng đã nhen nhóm một ngọn lửa quyết tâm, ngọn lửa của yêu thương trong mỗi người để cùng nhau tạo nên một đốm lửa hồng rực cháy. Từ đó lan tỏa năng lượng tích cực đến tất cả các cư dân cao niên tại Diên Hồng. 

Gần 150 Cán bộ nhân viên Diên Hồng

Cán bộ nhân viên cơ sở 1

Diên Hồng 2

Cơ sở 3

Diên Hồng cơ sở 4

Tám năm là một hành trình dài đầy khó khăn nhưng luôn lấp lánh niềm vui. Diên Hồng bắt đầu bằng con số 0. Không kinh nghiệm, không khách hàng, không lợi nhuận sang nhiều chữ giàu – giàu kinh nghiệm, giàu tình cảm, giàu năng lượng… Có thể nói Diên Hồng đã trở thành một hình mẫu trong các trung tâm dưỡng lão. Vì có một hệ thống các quy trình làm việc chuẩn chỉnh, môi trường làm việc tươi trẻ, chính sách nhân sự phù hợp nên các cán bộ nhân viên gắn bó góp phần tạo được sự tin tưởng của người cao tuổi và gia đình.

Sự phát triển của Diên Hồng đi cùng với trưởng thành của các cán bộ nhân viên. Những người gắn bó từ ngày đầu đều đã là lãnh đạo các trung tâm, các cán bộ quản lý. Đây cũng chính là niềm tự hào của Diên Hồng mà không phải trung tâm nào cũng có được. 

Cũng trong buổi lễ chúc mừng sinh nhật 8 tuổi, chung kết cuộc thi Hoa khôi – Nam vương Diên Hồng cũng diễn ra với màn trình diễn mãn nhãn của các thí sinh. 

Bạn Tạ Thị Tươi và Mai Tiến Nam là tân hoa khôi, nam vương Diên Hồng 2022

Cuối bữa tiệc, Ban tổ chức còn chọn ra được King và Queen của chương trình. Đó là bạn Trần Ngọc Phương và Hoàng Thị Thu Ngân

King và Queen của chương trình

Bữa tiệc sinh nhật khép lại trong trong niềm vui và tự hào vì những gì mình đã làm được. Và chắc chắn, mỗi người Diên Hồng đều mang trong mình sứ mệnh. Đó là tận tâm chăm sóc để người cao tuổi an toàn, khỏe mạnh, hạnh phúc.

Xem thêm

Cuộc gặp gỡ nhiều niềm vui với các em bé trường mầm non Ngôi nhà Tư duy

Vừa qua, các em bé trường Mầm non Ngôi nhà Tư duy đã có chuyến ghé thăm và giao lưu với các ông bà tại Diên Hồng cơ sở 3.

Cũng khá lâu rồi, các cụ cơ sở 3 lại mới có dịp giao lưu cùng các bé. Những em bé vào độ tuổi lên 5, lanh lợi, đáng yêu như đàn chim non ríu rít làm cho không khí trong trung tâm cũng rộn ràng hẳn lên.

Người ta thường bảo người già thích trẻ con. Bởi vậy dù không phải lần đầu các bé đến nhưng các cụ ai nấy vẫn háo hức lạ thường. Sáng hôm đó, các cụ đã rủ nhau lên hội trường từ rất sớm để chờ đón các bé đến. Xếp từng hàng ngay ngắn các bé lần lượt bước đến chào hỏi các cụ. Những bàn tay bé nhỏ nhẹ nhàng đặt vào lòng bàn tay của các cụ như một lời chào hỏi đầy yêu thương.

“Yêu trẻ trẻ đến nhà, kính già già để tuổi cho”, đó là thông điệp mà cô Ngọc Bích, Hiệu trưởng nhà trường muốn gửi gắm. Mong muốn các bé sẽ có tấm lòng yêu thương gia đình, yêu thương con người.

Món quà cho cô giáo và các bé tự làm tặng các cụ

Mở đầu chương trình là tiết mục múa “Ước mơ của mẹ” do cô giáo cùng các bé thể hiện. Bài múa nhẹ nhàng, uyển chuyển cùng sự đáng yêu của các bé làm cho các cụ không rời mắt.

Cô giáo như mẹ hiền, và các bé là con

Hóa thân thành những em bé vùng cao trong tiết mục “đi học xa”

Đáp lại sự đáng yêu của cô trò, các bạn nhân viên của Diên Hồng cũng có những món quà âm nhạc gửi đến buổi giao lưu.

Tiết mục nhảy “Cuộc sống muôn màu” của các bạn nhân viên cơ sở 3.

Sự kết hợp hoàn hảo giữa đại diện trung tâm và các bé trường mầm non

Và đây là sự kết hợp sôi động giữa các bé với trung tâm. Khi thấy các cô lên nhảy, các bé cũng xếp thành hàng dài lên sân khấu và biểu diễn cùng.

Sau chương trình các cụ và các bé cùng chụp những bức ảnh lưu niệm.

 

Xem thêm

Một trung thu đặc biệt ở viện dưỡng lão

Năm nay các ông bà ở Diên Hồng được đón một trung thu đặc biệt, với nhiều hoạt động bổ ích.

Từ đầu tháng 8 âm lịch, các cơ sở đã bắt đầu ngập tràn không khí trung thu. Các cụ được làm những chiếc đèn bằng giấy nhiều màu sắc. Dưới bàn tay khéo léo và hỗ trợ của các bạn điều dưỡng từng chiếc đèn lồng xinh xắn được ra đời, với đủ hình thù khác nhau.

Sau đó là đến hoạt động làm bánh trung thu. Dưới sự hướng dẫn của bạn Thuý Hằng – nhân viên Diên Hồng, các cụ đã làm ra hàng trăm chiếc bánh dẻo.

Ai cũng tất bật để làm bánh trung thu

Các cụ ai cũng thích thú với trải nghiệm lần này. Từ bước làm nhân, những viên đậu xanh vàng ươm, bóng loáng được các cụ thoăn thoắt nặn. Nhiều cụ còn tranh thủ nếm thử xem hương vị thế nào.

Bà Thanh vừa làm bánh vừa bảo: “Lần đầu tiên trong đời bà mới biết làm bánh trung thu là như thế nào. Chứ ngày xưa ở nhà đã bao giờ làm đâu”. Không chỉ bà Thanh, mà nhiều cụ đang an dưỡng tại Diên Hồng cũng là lần đầu làm bánh. Bà Thoa ngậm ngùi: “Năm nay tôi hơn 80 tuổi mới được làm bánh dẻo”.

Dưới sự hỗ trợ các cụ đã làm ra những chiếc bánh xinh xắn

Ngày xưa nghèo khó, ăn không đủ no nên chẳng ai quan tâm nhiều đến trung thu. Rằm tháng Tám đến, mâm ngũ quả chỉ vỏn vẹn vài quả chuối, quả bưởi mang từ vườn vào. sau đó cả lũ trẻ xúm xít với nhau vào phá cỗ. Đèn ông sao cũng làm từ tre, từ nứa. Trung thu ngày xưa cũng vui nhưng không đầy đủ như bây giờ.

Sau khi mọi thứ đã được chuẩn bị tươm tất thì các cụ cùng nhau rước đèn, phá cỗ. Những mâm ngũ quả được bày biện xinh xắn dưới bàn tay khéo léo của nhân viên. Không những thế các bạn còn chuẩn bị nhiều tiết mục văn nghệ hấp dẫn để dành tặng ông bà.

Mâm ngũ quả được các bạn chuẩn bị chu đáo

Những tiết mục văn nghệ được các bạn tập luyện kỹ càng để tặng ông bà

Nhân dịp này các đoàn văn nghệ, sinh viên còn qua giao lưu cùng ông bà.

Cơ sở 1 có sự tham gia của các bạn sinh viên tình nguyện

Chi Đoàn thôn Phượng Mỹ, Thanh Oai cũng có chuyến ghé thăm Diên Hồng cơ sở 4.

Tiết mục múa lân đến từ chi đoàn thôn Phượng Mỹ

Lần đầu tiên bà Dung đón trung thu tại Diên Hồng, nên bà nhiều cảm xúc lắm. Bà chia sẻ: “Tết Trung Thu năm nay ở đây rất đông vui, phấn khởi nhưng tôi thấy lại thấy buồn, thấy tủi thân. Buồn vì ngày xưa, lúc tôi còn nhỏ, cuộc sống lúc đấy khó khăn nên tôi không được tổ chức như bây giờ. Mãi đến bây giờ tôi mới được các cháu tổ chức cho Trung Thu hoành tráng như thế này. Tôi không nghĩ được là đến bây giờ hơn 85 tuổi rồi mà vẫn có Trung Thu”.
Không chỉ trung thu, người già đến với Diên Hồng còn sẽ được trải nghiệm thêm nhiều hoạt động mới. Để đời sống tinh thần các cụ thêm tươi trẻ, yêu đời.

 

Xem thêm

Người già thỏa sức sáng tạo cùng câu lạc bộ vẽ tranh Diên Hồng

Vừa qua các ông bà tại Diên Hồng cơ sở 4 đã có buổi vẽ tranh nhiều niềm vui dưới sự hướng dẫn của chị Hoàng Ngân, Phó Tổng Giám đốc trung tâm.

Giải trí là một phần không thể thiếu trong đời sống, đặc biệt là người cao tuổi. Biết được điều đó, dưỡng lão Diên Hồng luôn chú trọng đến đời sống tinh thần cho người già. Nhiều hoạt động sáng tạo được đưa vào lịch sinh hoạt hàng ngày cho các cụ như vẽ tranh, làm thiệp, làm đồ handmade. 

Trước khi bắt đầu buổi học vẽ, những vật dụng cần thiết đã được trung tâm chuẩn bị đầy đủ. Nào là giấy vẽ, bút chì, tẩy, màu nước và cả những cây cọ vẽ. Vì đây là một hoạt động mới nên các cụ rất hào hứng. Có cụ bảo từ bé đến giờ đây là lần đầu tiên cầm bút vẽ.

Chủ đề vẽ của lần này là hoa hướng dương. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo và sự hỗ trợ của các bạn điều dưỡng, những nét phác họa đầu tiên đã hiện lên trang giấy. 

Các cụ đang tạo hình hoa hướng dương bằng bút chì

Nhiều cụ chưa quen nên cứ vẽ rồi xóa, xóa lại vẽ. Ấy vậy mà loay hoay một lúc thì cũng xong một bông hoa hướng dương.

Sau bước phác họa bằng chì, các cụ bắt đầu tô màu. Màu vàng của hoa, màu xanh của lá rồi màu nâu của nhụy. Tất cả được các cụ cẩn thận tô vẽ từng chút một. 

.

Giờ học vẽ là lúc để các cụ sáng tạo theo ý thích của riêng mình. Có cụ thì vẽ cánh hoa màu cam, sau đó thêm một chút xanh xanh bầu trời. Thấy các cụ ai cũng chuyên tâm chăm chút tô vẽ cho bức tranh của mình. Kết thúc buổi vẽ tranh các cụ còn ký tên mình ở phía dưới. Bà Phi còn xin mang bức tranh về phòng treo để làm kỷ niệm.

Có một điều mà Diên Hồng khác với những viện dưỡng lão còn lại đó là luôn chú trọng đến đời sống tinh thần, vui chơi giải trí cho người cao tuổi. Bởi vậy khách hàng mỗi lần đến thăm đều trầm trồ vì trung tâm có nhiều hoạt động mới. Bên cạnh những sinh hoạt hàng ngày, trung tâm còn tổ chức các cuộc thi, các ngày lễ kỷ niệm để người cao tuổi có thêm nhiều trải nghiệm mới.

Xem thêm

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cùng Hadu Việt Nam

Vừa qua Diên Hồng cơ sở 1 đã diễn ra chương trình chăm sóc sức khỏe do Diên Hồng phối hợp cùng Hadu Việt Nam tổ chức.

Lần đầu tiên Diên Hồng và Hadu bén duyên với nhau là chương trình Ngày hội sức khoẻ cách đây 2 năm. Sau thành công của ngày hội đó, các chương trình hợp tác của 2 bên ngày càng được đẩy mạnh. Hadu là một công ty hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó có lĩnh vực đào tạo và thực hành nghề mát xa trị liệu. Chính vì vậy định kỳ 1 tháng 1 lần các bạn học viên sẽ qua Diên Hồng để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho các cụ. 

Các bạn học viên được phân chia ra theo từng tầng, từng phòng. Dưới sự hỗ trợ của nhân viên điều dưỡng, các bạn nhanh chóng làm quen được với các cụ. 

Sau lúc bỡ ngỡ ban đầu, các cụ và các bạn học viên đã nhanh chóng làm quen với nhau

Bước đầu người cao tuổi sẽ được ngâm chân thảo mộc để giúp lưu thông máu trong cơ thể. Sau đó những đôi tay khéo léo sẽ xoa bóp nhẹ nhàng cho các cụ. Mặc dù nhẹ nhàng nhưng lại mang theo một lực nhất định để tác động vừa phải lên các huyệt đạo. Người già thường hay mắc các bệnh về xương khớp, đau vai gáy, hay tê bì chân tay. Vì vậy khi thực hiện thao tác xoa bóp, các cụ sẽ thấy thoải mái và dễ chịu hơn.

Được các bạn xoa bóp nên các cụ ai cũng thích mê

Các cụ ở Diên Hồng ai cũng mê mẩn các bạn học viên. Không chỉ được xoa bóp mà ông bà lại có thêm người trò chuyện, tâm sự. Người già chẳng sợ gì chỉ sợ cô đơn. Nên cứ mong cho nhanh hết tháng để lại được gặp các bạn học viên lần nữa.

Vừa được xoa bóp vừa có người trò chuyện tâm sự

Các bạn cũng yêu quý các cụ không kém. Mỗi lần ghé thăm đều phải chụp thật nhiều ảnh lưu niệm với các cụ. Diên Hồng tin chắc rằng, mỗi lần gặp gỡ thế này đều để lại cho các cụ cũng như các bạn học viên thật nhiều cảm xúc và kỷ niệm.

Xem thêm

Trầm cảm ở người cao tuổi

Trầm cảm có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta khi chúng ta già đi. Trầm cảm người cao tuổi có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Từ sức khỏe, ăn uống, nghỉ ngơi, thú vui và các mối quan hệ trong gia đình, xã hội

Hầu hết người già đều không thể nhận ra các triệu chứng khi họ bị trầm cảm. Vì vậy khi phát hiện ra thì tiến triển bệnh đã khá nặng. 

Các dấu hiệu trầm cảm ở người cao tuổi bao gồm:

  • Cảm giác buồn bã hoặc tuyệt vọng.
  • Đau nhức không rõ nguyên nhân
  • Thiếu năng lượng, không có hứng thú với xã hội
  • Giảm cân hoặc chán ăn.
  • Rối loạn giấc ngủ (khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc, ngủ quên hoặc buồn ngủ ban ngày).
  • Mất giá trị bản thân (lo lắng về việc trở thành gánh nặng cho con cái).
  • Sa sút trí nhớ.
  • Bỏ bê việc chăm sóc cá nhân (bỏ bữa, quên uống thuốc, không vệ sinh cá nhân).

Nguyên nhân trầm cảm ở người lớn tuổi

Những vấn đề sức khỏe. Bệnh tật, tàn tật, đau yếu đều có thể là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm.

Cô đơn. Theo một nghiên cứu cho thấy những người già sống một mình khép kín, không có kết nối xã hội thường có tỉ lệ trầm cảm cao hơn.

Người già nên sống vui vẻ

Nỗi sợ hãi. Sau khi về hưu người già thường rơi vào khủng hoảng. Vì với họ về hưu là mất đi địa vị, sự tự tin, sự an toàn về tài chính cũng như tiếng nói trong xã hội. Họ sợ cảm giác dư thừa và vô dụng. Chính những suy nghĩ tiêu cực đó cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm ở người cao tuổi.

Gặp những biến cố trong đời. Với người già khi họ mất đi người thân, bạn bè hay vật nuôi yêu thích cũng sẽ khiến họ rơi vào tuyệt vọng. Khi không thể vượt qua được nỗi đau đó họ dễ rơi vào trầm cảm ở người cao tuổi.

Ngoài ra các bệnh mãn tính đều có thể dẫn đến trầm cảm hoặc làm cho trầm cảm tồi tệ hơn. Bao gồm: Bệnh Parkinson, đột quỵ, bệnh tim, tiểu đường, sa sút trí tuệ,…

Đừng bao giờ cho rằng việc mất đi sự nhạy bén về tinh thần chỉ là một dấu hiệu bình thường ở tuổi già. Đó có thể là dấu hiệu của trầm cảm hoặc sa sút trí tuệ. Trầm cảm và sa sút trí tuệ có nhiều triệu chứng giống nhau, bao gồm các vấn đề về trí nhớ , giọng nói và cử động chậm chạp, và động lực thấp, vì vậy có thể khó phân biệt hai bệnh này. Và dù là bệnh nào thì nó cũng cần được phát hiện và điều trị kịp thời.

Cách giúp người lớn tuổi khi bị trầm cảm

Lắng nghe người cao tuổi với sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn. Đôi lúc chúng ta không cần phải cố gắng “chữa trị” chứng trầm cảm mà chỉ cần ở đó để lắng nghe. Khi người già chủ động chia sẻ thì cũng là lúc họ đang dần mở lòng hơn với thế giới bên ngoài.

Lên lịch cho các hoạt động xã hội thường xuyên. Trầm cảm ít xảy ra hơn khi cơ thể và tâm trí hoạt động. Chính vì thế các hoạt động xã hội, các chuyến đi chơi cùng gia đình, thăm bạn bè, hoặc các chuyến trải nghiệm tại viện dưỡng lão sẽ giúp người già không còn cảm giác cô độc. 

Tham gia các hoạt động vui chơi giải trí

Lên kế hoạch và chuẩn bị bữa ăn lành mạnh. Những người trầm cảm thường chán ăn, ăn không ngon miệng. Một chế độ ăn uống nghèo nàn, thiếu dinh dưỡng lại càng làm cho bệnh trầm cảm trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy hãy đảm bảo rằng người thân của bạn đang ăn uống đúng cách. Tăng thêm nhiều nhiều trái cây, rau và protein lành mạnh trong mỗi bữa ăn.

Giúp người thân của bạn tìm được một bác sĩ tâm lý phù hợp, đi cùng họ đến các cuộc hẹn và hỗ trợ về mặt tinh thần. 

Trong trường hợp người cao tuổi có các triệu chứng trầm cảm vừa và nặng thì cần kết hợp thêm nhiều biện pháp hỗ trợ:

Dùng thuốc chống trầm cảm. Đây là loại thuốc có chứa các hoạt chất gây ức chế việc hấp thu serotonin có chọn lọc. Thuốc này giúp tăng hóa chất não trong việc chống trầm cảm. Nhưng có thể gây giòn xương, tăng nguy cơ gãy xương ở người già.

Liệu pháp sốc điện ECT: Đây là liệu pháp điều trị trầm cảm ở người cao tuổi cực kì hữu hiệu. Nhưng tác dụng phụ của nó lại có thể dẫn tới nguy cơ bị mất trí nhớ.

Trầm cảm thường tái phát khi ngừng điều trị quá sớm. Vì vậy chúng ta cần phải đồng hành cùng người cao tuổi để khuyến khích việc điều trị được theo đúng kế hoạch. Từ đó sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Việc đưa người già vào trung tâm dưỡng lão cũng sẽ giúp họ có thêm gắn kết với xã hội, thêm nhiều tác động tinh thần. Từ đó giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng của trầm cảm.

Xem thêm

Hạnh phúc tuổi xế chiều ở viện dưỡng lão mùa Vu lan

Hạnh phúc tưởng chừng là một cái gì đó thật vĩ đại nhưng đến với Viện dưỡng lão Diên Hồng dịp Vu lan, tôi mới hiểu rằng: Hạnh phúc là những điều giản đơn, trân trọng những người bên cạnh ta, biết hài lòng và thỏa mãn những gì đang có…

Mỗi khi nhắc đến viện dưỡng lão, mỗi người đều mặc định là nơi buồn tẻ, trong thế giới cô lập đó chỉ có những “cây cao bóng cả” lẳng lặng nhìn năm tháng trôi đi. Tuy nhiên, khi tới thăm Viện dưỡng lão (VDL) Diên Hồng (Thanh Oai, Hà Nội), tôi cảm nhận nơi đây là ngôi nhà chung ấm áp đầy tiếng cười và niềm vui.

“Thiếu con, mẹ mất đi tất cả…”

Đến thăm VDL Diên Hồng đúng lúc nghi thức bông hồng cài áo Vu lan được tổ chức cho các cụ nhằm thay lời muốn nói, bày tỏ hiếu kính với cha mẹ, dù đấng sinh thành vẫn còn hay đã khuất. Tôi cũng nhanh nhẹn cài lên ngực của một người phụ nữ trạc ngoài 60, bỗng đôi mắt bà ướt lệ, bà níu tay tôi ngồi xuống rồi tâm sự.

Dẫu lòng các cụ vẫn còn chất chứa nhiều nỗi niềm, nhưng họ vẫn lạc quan, yêu đời để “sống vui, sống khỏe”.

Xúc động, nghẹn ngào bà còn chẳng thể nhớ nổi họ tên và năm nay mình bao tuổi. Bà nói: “Nhìn con giống Tiến quá, thằng bé mới mất năm ngoài vì căn bệnh ung thư. Bao tâm huyết dành cả cho con, ngày Tiến mất tôi coi như mất tất cả, tinh thần suy sụp, sức khỏe ngày yếu đi nên quyết định vào đây để vơi đi nỗi nhớ, bầu bạn tuổi già”. Hỏi ra mới biết, bà là Vũ Thị Dung (sinh năm 1959, quê Hải Phòng).

Phải mất một hồi lâu, bà mới bình tĩnh để trò chuyện tiếp cùng tôi. Bà tâm sự: “Với tôi, Tiến là niềm vui và hạnh phúc. Cứ mỗi sáng mở mắt là tôi lại nhớ đến khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt long lanh, lúc nào cũng nói nhớ mẹ, rồi lại nước mắt ngắn nước mắt dài mỗi khi mẹ ốm nặng. Với tôi, hạnh phúc là thấy Tiến được sống, chỉ được ăn với Tiến những bữa cơm đạm bạc, hạnh phúc của tôi là có Tiến bên đời”.

Theo bà Dung, mỗi người ở VDL Diên Hồng đều có nỗi khổ riêng nhưng may mắn vì còn có nơi ăn chốn ở, có người lo cơm nước khi ốm đau bệnh tật. Ngoài bị tiểu đường, bà Dung còn bị bệnh tai biến nên việc ăn uống, phục hồi chức năng cũng được đặc biệt quan tâm, sức khỏe ngày càng tốt hơn so với trước khi vào.

Nhìn đôi mắt đẫm lệ của người mẹ đã mất con, hạnh phúc với bà Dung ở tuổi đã xế chiều có lẽ là được thấy anh Tiến vẫn còn hiện diện trên cõi đời, an nhàn, nghỉ ngơi. Đó cũng là điều hợp với lẽ tự nhiên, khi đã mệt nhoài với những năm tháng mưu sinh, đã ở bên kia cái dốc của cuộc đời thì chẳng niềm vui nào hơn là được nghỉ ngơi bên con cháu.

“Hạnh phúc là được đi cùng nhau, là đôi chân có thể đi…”

Chia tay bà Dung, tôi được điều dưỡng viên dẫn đến tầng 6, ở đó có một căn phòng gọi là “mái ấm hạnh phúc”. Sở dĩ, ở đó là nơi an hưởng tuổi già của hai vợ chồng ông Vũ Đình Bưởi (sinh năm 1930) và bà Vũ Thị Dành (sinh năm 1938) quê ở Hải Dương. Ông Bưởi từng là cán bộ Ban Tuyên giáo Thị ủy Lào Cai (nay là Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lào Cai), năm nay đã 68 tuổi Đảng.

Bà Dành cùng tấm ảnh chụp chung của ông bà dịp Tết Nguyên đán Mậu Thân 2018 được bà gìn giữ và ngắm mỗi ngày.

Dáng người nhỏ nhắn, nhưng bà vẫn còn minh mẫn, khi tôi đến bà vẫn miệt mài chăm vườn rau xanh mướt đủ loại ở ban công. Bà phấn khởi giới thiệu: “Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng chúng tôi không muốn làm phiền con cái, sợ khiến con cái cảm thấy phiền lòng. Ngày ấy, hai vợ chồng tôi cũng chẳng biết viện dưỡng lão là gì, nhưng bán mảnh đất ở quê, chúng tôi dùng số tiền đó lên đây để an dưỡng tuổi già, mới đó mà cũng 4 năm rồi”.

Hai ông bà có đến 4 người con, mỗi lần nhớ con cháu thì cách duy nhất chính là liên lạc qua màn hình nhỏ. Khi nghe ai đó nói đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là rũ bỏ trách nhiệm, bất hiếu. Bà Dành khẳng định: “Tôi có đến 4 người con, nhẽ nào lại không trông nổi bố mẹ. Chúng tôi cũng có thiếu thứ gì đâu, thích ăn gì thì có thể tự mua, chẳng phiền đến đứa nào. Chúng nó chỉ cần quan tâm thật lòng đến mình thì mình cảm thấy vui vì con vẫn yêu. Thế là đủ rồi”.

Hạnh phúc với ông Bưởi và bà Dành chỉ đơn giản là bên nhau, chăm sóc khi ốm đau bệnh tật. Nhìn vào cử chỉ, cách người vợ chăm chút người đàn ông của đời mình, ai cũng hiểu bà thương ông nhiều lắm. Bà chẳng ước muốn hạnh phúc cao sang hơn, bà thầm cảm ơn vì lúc ông ốm đau bệnh tật vẫn có người bạn đời bên cạnh yêu thương chăm sóc. Món quà vô giá này chẳng thể mang lên cân đo đong đếm được.

Ở viện cũng như ở nhà, niềm vui đó được thể hiện trên gương mặt của người cựu chiến binh Phạm Văn Vương (sinh năm 1959, quê Ninh Bình). Dù đã bị liệt cả 2 chân do vận động thể thao nhưng ông vẫn đam mê với ca hát, luôn sẵn sàng góp vui những ca khúc cách mạng hào hùng mỗi khi viện giao lưu văn nghệ.

Dẫu đôi chân có bị liệt nhưng tinh thần và tâm hồn của ông Vương vẫn mạnh mẽ để vượt qua.

Trước khi vào VDL Diên Hồng, ông Vương từng là tổ trưởng tổ dân phố, sức khỏe vẫn còn “hừng hực như thời trai trẻ”. Biến cố ập đến khi ông đu xà bị gãy cột sống và liệt cả hai chân. Lúc ở Bệnh viện Việt Đức, con cái vẫn còn thay phiên chăm sóc, để không muốn bố cô đơn, lại có người chăm sóc nên họ đưa ông vào đây vừa phục hồi chức năng và có bạn trò chuyện hàng ngày.

Ông nói: “Con cái cũng bận công việc, đi xa cả năm mới về, tôi cũng đồng ý và về thu xếp “chuyển nhà” vào đây. Ở ngôi nhà thứ 2 này cũng được một năm rồi. Ngày mới về, tôi cũng cảm thấy cô đơn, trống trải vì xa nhà, chưa hòa nhập với môi trường mới. Nhưng rồi để nhanh thích nghi, tôi tham gia các hoạt động vui chơi tập thể với các bạn già”.

Mong ngày nào đó một phép màu sẽ đến với đôi chân của người cựu chiến binh.

Khác với các cụ ở đây, ông Vương chỉ nhớ quê, nhắc đến Ninh Bình hai mắt ông lại rưng rưng, ông nghẹn ngào nói: “Giá đôi chân có thể đi lại thì tốt, cũng chẳng phải xa quê như này. Ngày nào tôi cũng mong ngóng được trở về nơi mình đã gắn bó cả một đời người. Tình cảm này là tình cảm không gì có thể thay thế được, nó luôn ở mãi trong tim của tôi”.

Có thể thấy, mỗi người một phận, một câu chuyện nhưng lại gặp nhau ở ngôi nhà thứ 2 đầy ắp tình thương và tiếng cười. Họ đều ngậm ngùi chấp nhận, cầm lòng nhưng cũng có người thì da diết nhớ nhà, nhớ con; người dù có tỉnh táo khoanh vào tờ lịch từng ngày con cháu đến thăm nhưng ai cũng một mực khẳng định: “Con cái yêu thương, lo lắng cho mình, sợ không có ai chăm mới gửi vào đây cho có bầu có bạn, nào phải rũ bỏ trách nhiệm với đấng sinh thành đâu”…

Đến giờ tôi đã hiểu, hạnh phúc bắt nguồn từ những điều nhỏ bé nhất. Trên bước đường đi tìm giá trị của hạnh phúc, có người đã tìm được câu trả lời và không ít người tìm mãi mà không thấy, dần dần đi vào bế tắc, tuyệt vọng như đi vào con đường không tìm thấy lối ra.

Biết là có người bầu bạn nhưng cũng chẳng thể so sánh bằng việc có con cháu quây quần ngày Vu lan ý nghĩa.

Mọi người thường nói là đi tìm và khám phá giá trị của hạnh phúc, cứ ngỡ rằng hạnh phúc là một cái gì đó cao siêu mà không nhận ra rằng hạnh phúc có ở quanh ta. Hạnh phúc không phải trên trời rơi xuống hay được ai ban phát mà nó nằm ngay trong cảm nhận, suy nghĩ và hành động của mỗi người.

Theo ông Đào Quang Đức, Phó giám đốc Viện dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 cho biết, nơi đây là mái nhà sinh hoạt an dưỡng tuổi già của 120 cụ. Mỗi người có một hoàn cảnh, câu chuyện khác nhau nhưng đều theo diện tự nguyện. Các cụ ban đầu vào trung tâm đều có chung cảm giác nhớ nhà, không có cụ nào vào là thích luôn. Tuy nhiên, sau khi ở một thời gian, các cụ quen với bạn bè đồng tuổi nên không muốn về nhà.

Với mong muốn giúp các cụ nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, vơi bớt nỗi nhớ nhà, các điều dưỡng viên luôn bên cạnh để chia sẻ chuyện buồn vui cùng các cụ. Các buổi tham quan, tổ chức trò chơi để các cụ được tham gia vận động cơ thể và đem đến sự gắn kết giữa các thành viên trong trung tâm, đem lại niềm vui cho các cụ.

Một mùa Vu lan lại qua, ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ…

Kết thúc buổi trò chuyện, đi tìm câu trả lời “hạnh phúc là gì?”, tôi rời trung tâm vào giữa trưa khi các cụ còn đang say giấc. Bước chân qua những căn phòng, tôi thấu hiểu hơn, đến tuổi bóng xế chiều ai rồi cũng đến lúc phải đối mặt với quy luật sinh lão bệnh tử. Vì vậy, dù sống ở nhà hay trung tâm dưỡng lão thì các cụ vẫn cần có sự quan tâm của người nhà, sống quây quần bên con cháu để có được sự an yên và đầm ấm hơn.

Vu lan là ngày đại lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn.

Theo Hồng Phúc – Báo Quân Đội Nhân Dân

Xem thêm

Mùa Vu Lan: Ecopark mang hàng nghìn bông hoa trao tặng cho những người đặc biệt

 

“Tháng 7 mùa Vu Lan về là dịp để chúng ta nhớ đến bố mẹ, gia đình, người thân với tình yêu thương nhất”.

Nghe tin có đoàn tình nguyện viên đến thăm và tặng hoa, bà Nguyễn Thị Xuân bỗng vui và háo hức hơn hẳn.

Mỗi ngày, bà Vũ Thị Dư (65 tuổi) đều xuống sân tập thể dục cùng các cụ trong một viện dưỡng lão ở Hà Nội. Buổi sáng hôm nay bỗng đặc biệt hơn mọi ngày khi bà Dư nhận được một bó hoa sen thơm ngát từ tập đoàn Ecopark. “Gần 70 năm vất vả, đây là lần đầu tiên tôi nhận được bó hoa đẹp như thế này”, bà nói.

Ngắm nhìn những đóa hoa đặc biệt, bà Dư kể, gia đình bà có 6 người con, mỗi người mỗi nghề vất vả kiếm tiền sớm tối nhưng đều quan tâm chăm sóc mẹ hết lòng. Cuộc phẫu thuật não năm ngoái khiến sức khỏe bà giảm sút, liên tục đau nhức mỗi khi thay đổi thời tiết. Thương mẹ, các con thuê thêm giúp việc nhưng vẫn không an tâm để mẹ ở nhà.

“Ở đây tôi được chăm sóc tận tình nên chúng cũng yên tâm đi làm. Tôi thương con vất vả đi làm để kiếm tiền nuôi mẹ”, bà Dư xúc động nói.

Nhận đóa hoa từ đoàn tình nguyên viên, ông Nguyễn Đình Kiên (85 tuổi, ở Hải Phòng) không thể hiểu hết ý nghĩa do trí nhớ suy giảm nhưng vẫn nở nụ cười tươi, miệng liên tục nói lời cảm ơn. Các con đều sinh sống ở nước ngoài, vợ cũng già yếu không thể chăm sóc nên ông vào viện dưỡng lão cho có bạn hàn huyên tâm sự. Tuổi cao, trí nhớ giảm sút nhưng ông vẫn được mệnh danh là “nhà thơ” của viện dưỡng lão khi có thể đọc vanh vách nhiều tác phẩm.

Nghe tin có đoàn tình nguyên viên đến thăm và tặng hoa, bà Nguyễn Thị Xuân bỗng vui và háo hức hơn hẳn. Nhắc đến lễ Vu Lan, bà lại nhớ nhà, nhớ con cháu. Bà Xuân kể, các con đều thành đạt, định cư ở nước ngoài nên bà chỉ sống một mình trong căn nhà ở Gia Lâm. Từ ngày sức khỏe yếu, con cái không thể ở bên chăm sóc nên tài trợ cho bà nghỉ dưỡng tại viện dưỡng lão.

Ngồi sau bà Xuân, khuôn mặt ông Lê Thế Điệp (57 tuổi) cũng rạng rỡ hơn khi đón nhận những bó hoa từ tình nguyện viên. Bị tai biến liệt nửa người hơn chục năm nay, mọi cử chỉ và lời nói đều khó khăn nhưng ông Điệp lúc nào cũng nở nụ cười tươi, vui vẻ ôm chặt bó hoa. Theo lời kể của nhân viên viện dưỡng lão, từ khi bị tai biến, một tay vợ ông chăm sóc bất kể ốm đau. Nhưng rồi sức khỏe phụ nữ cũng có hạn, con cái lớn đi làm ăn không có nhiều thời gian ở bên. Gia đình đưa ông vào để có người chăm sóc chu đáo hơn.

Không chỉ bà Xuân, ông Điệp, nhiều người khác đều không giấu được niềm vui, sự xúc động khi nhận trên tay bó hoa sen đặc biệt mùa lễ Vu Lan.

Ngoài những người ở viện dưỡng lão, những người lớn tuổi già, neo đơn và nhiều người đang điều trị trong bệnh viện cũng được nhận những bó hoa tươi từ Tập đoàn Ecopark nhân dịp lễ Vu Lan. Trong số đó, có người vẫn đủ minh mẫn để hiểu hết ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan song nhiều người chỉ còn sống trong ký ức chắp vá, lúc nhớ lúc quên. Dẫu vậy, trong mắt họ vẫn ánh lên niềm vui vì được sẻ chia yêu thương.

Rời viện dưỡng lão, bệnh viện, tập đoàn Ecopark tiếp tục dành tặng những đóa hoa sen cho những người cha, người mẹ vất vả, lam lũ trên phố.

“Tháng 7 mùa Vu Lan về là dịp để chúng ta nhớ đến bố mẹ, gia đình, người thân với tình yêu thương nhất. Những bông hoa này cũng thay cho lời Tập đoàn Ecopark muốn gửi gắm đến tất cả mọi người. Hãy tặng bông hoa này thay cho lời cảm ơn gửi đến những người bạn yêu thương nhất”, đại diện Ecopark cho biết.

Xem thêm

Dưỡng lão Diên Hồng tri ân ngày thương binh liệt sĩ

Ngày thương binh liệt sĩ là một ngày lễ lớn của dân tộc, là dịp để tri ân công lao to lớn của những anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập nước nhà. Hòa chung không khí đó, Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 đã tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ và tặng quà tri ân cho các ông bà là cựu chiến binh, quân nhân đang an dưỡng tại trung tâm.

Để chuẩn bị cho chương trình, các bạn nhân viên đã ngày đêm tranh thủ tập luyện văn nghệ. Buổi trưa là lúc cho các cụ ăn xong, còn buổi tối thì tranh thủ giờ trực mọi người lại í ới gọi nhau đi tập. Mọi người không ai bảo ai, nhưng ai nấy đều cố gắng tập cho nhớ, cho đẹp, vì đó cũng là cách để tri ân các ông bà.

Mở đầu chương trình, các bạn nhân viên hóa thân thành những “cô gái mở đường” vượt qua mưa bom bão đạn để khai thông tuyến đường ra tiền tuyến. Những điệu múa như tái hiện lại một cách dí dỏm, đáng yêu công việc của các cô gái mở đường. Thấy các bạn múa, bà Thu cũng đứng dậy vỗ tay rồi vừa cười vừa múa theo.

Trong chương trình, các cụ được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, với những bài hát đi cùng năm tháng như: Biết ơn chị Võ Thị Sáu, 5 anh em trên một chiếc xe tăng, Vết chân tròn trên cát, Tình nguyện,… Hay tiết mục múa “10 bông hoa bất tử” nói về sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc lấy đi nước mắt của nhiều người. 

 

Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm, nhưng nỗi đau thương mất mát dường như vẫn còn đó. Ở trong phòng, bà Dành lấy tay lau nước mắt, chiến tranh đã cướp đi của bà nhiều thứ. Bà nghẹn ngào kể về bố, về cậu em trai ra đi không về. Còn chồng bà thì đang là thương binh.

Còn bà Phúc cũng rưng rưng khi đọc lại bài thơ bà viết về người anh trai liệt sĩ của mình 

“Sao mãi anh chưa về

Hỡi anh trai liệt sĩ

Bốn chục năm có lẻ

Nước mắt đã cạn khô”

Cũng tại chương trình đại diện của trung tâm đã trao quà tri ân cho các cựu chiến binh, quân nhân đang an dưỡng tại Diên Hồng cơ sở 2 với lời biết ơn vô hạn.

Sau chương trình tri ân, người xem như được sống lại một thời kỳ vô cùng gian khó nhưng cũng đầy hào hùng. Và lớp trẻ Diên Hồng lại càng thấm thía, biết ơn những người đã xuống cho sự hòa bình của dân tộc.

Xem thêm