Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

All posts by Diên Hồng

Trải lòng nghề điều dưỡng

Mình có một nhóm bạn học cùng với nhau từ hồi đại học. Sau này ra trường mỗi đứa một nơi nhưng thi thoảng chúng nình vẫn thường hẹn nhau đi cafe tâm sự về cuộc sống, công việc.

Ai cũng biết điều dưỡng là cái nghề “làm dâu trăm họ”, lương bèo bọt mà áp lực lại nhiều. Bạn mình có đứa làm ở viện công, viện tư rồi phòng khám đủ cả. Nhưng vô hình trung thì áp lực ở đâu cũng như nhau.

Một cô bạn làm ở viện kể lại, có lúc ấm ức quá chỉ biết chạy vào nhà vệ sinh rồi ôm mặt khóc. Áp lực từ công việc có thể gồng sức để vượt qua. Nhưng áp lực từ phía bệnh nhân và người nhà của họ thì chỉ có thể “ngậm đắng nuốt cay”. Cô ấy và đồng nghiệp cũng đã đôi lần bị chửi, bị tát, bị đánh. Và luôn nghe những lời cáu gắt từ bệnh nhân và người nhà. Có lần đi trực ngày lễ, bệnh nhân quá tải chưa kịp xếp giường thì người nhà đã túm lại chỉ vào mặt quát lớn: “Này cô kia, cô định để con tôi nằm đây chờ chết à ?”. Đó chỉ là một trong vô vàn câu chuyện nghề.

Một cô bạn khác cũng đang làm ở bệnh viện tư khá nổi tiếng. Hôm đó là ngày cô đi trực. Nửa đêm có một bà mẹ bế con vào khám cấp cứu vì bé bị nôn và sốt. Sau khi lấy thông tin thì cô bạn điều dưỡng mới kẹp nhiệt kế vào nách đứa bé và nhờ mẹ giữ để không bị tụt. Nhưng lúc lấy nhiệt kế ra thì nó đã bị tụt từ bao giờ và chỉ số không còn chính xác. Để đảm bảo chẩn đoán được đúng, bạn có nhờ cặp lại nhiệt độ thì nhận được sự từ chối. Sau đó người mẹ này đã đánh giá kém trên trang của viện về người trực hôm đó. Và cô bạn ấy phải lên gặp sếp giải trình cũng như trừ thưởng.

Lương đã thấp lại còn hay bị phạt cũng là câu chuyện mà một đứa em kể lại. Làm lễ tân phòng khám nghe thì nhàn nhưng áp lực vô cùng. Suốt 8 tiếng đồng hồ không được ngồi, gặp bệnh nhân phải cúi chào và tươi cười niềm nở. Chỉ cần sơ suất một chút cũng bị quản lý check camera và phạt. Dù muốn nghỉ việc nhưng vì giữ bằng gốc nên cuối cùng vẫn phải cố gắng vượt qua.

Mỗi lần gặp nhau là mình lại được nghe muôn vàn câu chuyện khác nhau như vậy. Riêng mình, mình cảm thấy may mắn hơn các bạn. Môi trường nào cũng có áp lực nhưng cách bạn vượt qua áp lực mới là thứ quan trọng. Mỗi khi gặp các cụ khó tính, trái nết hoặc mắng chửi nhân viên thì bên cạnh mình luôn có đồng nghiệp và các sếp quan tâm, chia sẻ. Ở trung tâm đa phần các cụ khá dễ tính và yêu quý chúng mình, người nhà các cụ cũng vậy. Vì họ thấu hiểu được sự vất vả khi chăm sóc người cao tuổi là thế nào.

Nhiều lúc muốn rủ mọi người qua làm cùng nhau nhưng nghề chọn người. Và có lẽ mọi người cũng đã quen với điều đó. Nên cuối cùng vẫn là dành cả tình yêu với nghề để cố gắng.

 

Xem thêm

Đặc quyền của người có chồng làm điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi là gì?

Mọi người thường lo sợ nếu sau này lấy vợ hoặc chồng làm ngành y, điều dưỡng, bác sĩ. Vì thời gian bên gia đình ít hơn bên người bệnh. Nhưng mình thì khác.

Duyên phận đưa đẩy cuối cùng mình gặp và cưới chồng mình. Ngày đầu mới quen mình có hơi ái ngại khi nghe anh nói anh làm điều dưỡng ở viện dưỡng lão. Một công việc mà mình nghĩ thường chỉ con gái mới làm. Qua lời anh kể mình biết được công việc của anh là chăm sóc từ A-Z cho người già như xúc ăn, tắm rửa và cả thay bỉm. Hồi ấy mình hỏi sao anh không làm ở viện thì anh bảo không hợp môi trường bệnh viện.

Sau thời gian quen nhau mình cũng dần hiểu hơn về anh. Anh là người khá vui tính, hài hước, cẩn thận và chu đáo nữa. Thi thoảng anh còn kể cho mình nghe về các cụ ở trung tâm. Mình từ một đứa luôn nghĩ người già thì khó tính, khó chiều cũng dần trở nên yêu quý các cụ hơn. Lúc nào có sự kiện gì lớn anh cũng rủ mình qua chỗ anh làm việc để tham dự cùng. Gặp gỡ các cụ mới thấy các cụ cũng hài hước và đáng yêu lắm, khác hẳn với suy nghĩ của mình.

Sau này chúng mình lấy nhau về chung một nhà, mình nhớ nhất là lần đi sinh em bé. Do chuyển dạ kéo dài và sinh lần đầu nên mình bị mất sức, mọi việc đều tự tay anh ấy làm hết. Trong khi các ông bố khác lóng ngóng chưa biết làm thế nào thì chồng mình đã bón cơm, vệ sinh cho mình rồi pha sữa thay tã cho con một cách chuyên nghiệp. Không biết có phải chăm các cụ quen rồi nên chăm vợ cũng dễ thế.

Có thể ngoài kia còn rất nhiều người chồng tốt nhưng với mình như vậy là đủ. Dù thời gian anh đi làm, đi trực làm thời gian ở nhà của anh ít lại, nhưng mỗi khi anh ở nhà, anh đều giúp mình làm mọi thứ, từ việc to đến việc nhỏ trong nhà. Mình cảm thấy tự hào khi có chồng làm điều dưỡng, mình thấy mình được chia sẻ và quan tâm nhiều hơn.

Xem thêm

“Thiếu nữ” 103 tuổi và những người bạn bên hoa Phong Linh, tạo dáng “chất” hơn giới trẻ

Những ngày vừa qua, cả mạng xã hội rần rần với con đường hoa Phong Linh ở Hà Nội.

Hàng hoa vàng rực rỡ dài khoảng 400m, nằm trong một khu đô thị tại quận Hà Đông (Hà Nội) trở thành địa điểm thu hút rất đông người tới chụp ảnh. Nhất là vào mỗi dịp cuối tuần thì ở đây lại đông nghịt người ra người vào. Ai cũng diện các trang phục rực rỡ khoe sắc bên dàn hoa mùa xuân.

Mới đây, mạng xã hội rần rần chia sẻ hình ảnh 3 cụ bà check-in tại con đường hoa Phong Linh này. Đáng chú ý, các cụ đã 103 tuổi nhưng vẫn cực kỳ khỏe mạnh, hào hứng bắt trend không thua kém gì thanh niên. Nhìn hình ảnh các cụ lần lượt tạo dáng bên dãy hoa khiến ai nấy đều phải trầm trồ.

Ba cụ bà hào hứng nắm tay nhau chụp ảnh khiến nhiều người trầm trồ. (Ảnh: Diên Hồng)

Dù đã trên dưới 100 tuổi nhưng các cụ vẫn cực kỳ khỏe mạnh, rạng rỡ. 

Được biết, ba cụ bà đến từ một trung tâm dưỡng lão trên địa bàn Hà Nội. Các cụ mặc 3 chiếc áo dài màu xanh, hồng, đỏ vô cùng nổi bật. Trên cổ các cụ cũng quàng thêm những chiếc khăn rực rỡ. Nhìn hình ảnh các cụ vui vẻ tạo dáng khiến giới trẻ cũng phải xuýt xoa vì quá đẹp. Thậm chí ngay cả chiếc gậy đang chống cũng được một cụ bà sử dụng làm đạo cụ tạo dáng của mình.

Ba cụ mặc 3 bộ áo dài sáng màu rực rỡ kết hợp thêm khăn đeo y như thanh niên. (Ảnh: Diên Hồng)

Ngay sau khi đăng tải những hình ảnh của 3 cụ bà đã thu hút sự chú ý lớn của độc giả. Ai nấy đều xuýt xoa khen ngợi sự tươi tắn, rạng rỡ của các cụ. Dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn không ngại “đu trend”. Không ít bạn trẻ cũng hy vọng sau này bản thân đến tuổi của các cụ cũng có thể trẻ trung, yêu đời như vậy.

Màn tạo dáng không thể chất hơn khiến con cháu xuýt xoa ngưỡng mộ. (Ảnh: Diên Hồng)

Một số bình luận của độc giả bên dưới những bức ảnh này:

“Các cụ vừa đẹp vừa chất luôn í ạ, con ước ao về già được như các cụ.”

“Ui các cụ bà quá xì teen, các cháy xách dép chạy theo cũng không kịp.”

“Các cụ đẹp quá. Con còn chưa có bức ảnh chụp với hoa phong linh hihi”

Ai nấy đều ao ước sau này khi về già có thể được như các cụ.

Biểu cảm quá đỗi đáng yêu của cụ bà khiến ai nấy đều “lịm tim”. (Ảnh: Diên Hồng)

Bộ áo dài rực rỡ càng làm tôn thêm vẻ đẹp lão của cụ bà. (Ảnh: Diên Hồng)

Chính nhờ những hoạt động như vậy mà các cụ càng thêm trẻ trung, yêu đời. (Ảnh: Diên Hồng)

Xem thêm

Bí quyết giúp người già khoẻ – đẹp

Sinh, lão, bệnh, tử là điều không ai tránh khỏi. Thời gian qua đi, tuổi thọ của mỗi người càng cao đồng nghĩa với việc phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật. Do vậy, người cao tuổi cần có có biện pháp để duy trì sức khỏe, chống lại bệnh tật.

Có rất nhiều cách để người già duy trì sức khỏe, thoải mái về tâm lý, tinh thần. Một cuộc sống khỏe luôn cần một tinh thần khỏe mạnh và chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Dưới đây là một vài cách giúp người già sống khỏe mỗi ngày.

Kiểm soát stress

Trong cuộc sống có muôn vàn khó khăn và áp lực khiến con người stress, căng thẳng, mệt mỏi. Đây là một tác nhân mạnh mẽ làm gia tăng lão hóa. Muốn làm chậm lại quá trình lão hóa sinh học thì phải biết kiểm soát stress. Hạn chế để cơ thể rơi vào trạng thái stress trong thời gian dài. Những người sống thọ và khỏe mạnh thường có tính cách ôn hòa, lạc quan, quan tâm đến mọi người.

Luôn tạo tâm lý thoải mái bằng cách thường xuyên duy trì hoạt động trí óc và tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Trí não được hoạt động thường xuyên là chìa khóa để giảm tốc độ lão hóa. Người già nên đọc sách, học, chơi cờ… vào thời gian rỗi để kích thích tư duy, phát triển trí tuệ.

Người già cũng là những người hay bị rơi vào trạng thái cô đơn. Do vậy, người già cần tìm cho mình những người bạn để tâm sự. Hoặc tham gia vào một số hội dành cho người già để tránh stress. Những người tính tình cởi mở, có quan hệ xã hội rộng, nhiều bạn bè thường ít bị ốm hơn người sống cô đơn, khép kín.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Thừa cân và béo phì là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh như đái tháo đường, tim mạch, ung thư… Đó là những căn bệnh gây tử vong hàng đầu. Để phòng ngừa các bệnh này đòi hỏi trong chế độ ăn cần hạn chế chất béo, chất đường và muối ăn, ăn đủ chất đạm, giảm lượng calo trong ngày và cung cấp thỏa đáng các vitamin, muối khoáng. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý làm giảm trung bình 6 – 10 năm tuổi thọ.

Cách ăn của người cao tuổi: Tránh ăn quá no, đặc biệt khi có bệnh tim mạch; Nấu thức ăn mềm và chú ý ăn canh; Xây dựng thực đơn thay đổi món ăn giữa các ngày; Bữa ăn phải bảo đảm đầy đủ chất bột để cung cấp năng lượng, chất đạm, béo, rau xanh và hoa quả chín, hạn chế bia rượu; Đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên người già nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Và nên ăn nhiều vào bữa sáng vì sau một đêm cơ thể đã hấp thu và tiêu hóa hết lượng thức ăn cung cấp nên cần bổ sung vào bữa sáng, không nên nhịn.

Chế độ ăn cũng nên đa dạng nhiều chất xơ, đảm bảo về nhu cầu dinh dưỡng. Nên có đủ 4 nhóm thực phẩm trong ngày như tinh bột, protein, chất xơ và vitamin. Người cao tuổi nên ăn nhạt và ăn ít đường, uống đủ nước và nên uống các loại sữa ít béo.

Hạn chế các thói quen có hại

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc uống rượu, bia, hút thuốc, sử dụng các chất ma túy… làm tăng tốc độ già hóa các cơ quan trong cơ thể. Mặc dù hậu quả không biểu hiện ngay lập tức và chúng ta ít khi cảm nhận được.

Theo tính toán, những người nghiện thuốc lá bị giảm tuổi thọ 8 – 9 năm, nghiện rượu giảm 10 – 15 năm với người bình thường.

Rèn luyện thể lực

Trong khoảng giữa 30 và 70 tuổi, cơ thể chúng ta mất khoảng 30 đến 40% khối lượng cơ bắp. Lúc này, hiệu quả cung cấp máu của tim cũng giảm không dưới 30%. Việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên sẽ làm chậm lại những thay đổi này khoảng 20 năm. Nhiều loại hình tập phù hợp với tuổi trung niên và tuổi già. Ví dụ như: Đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, đạp xe đạp, ngồi thiền, yoga (tối thiểu 3 buổi trong một tuần, mỗi buổi 30 – 40 phút). Ở người cao tuổi do hệ miễn dịch suy giảm cùng với thời gian và tuổi tác nên rất dễ bị mắc các bệnh mạn tính. Vì vậy nên cần duy trì chế độ vận động hợp lý và đều đặn.

Ngủ đủ giấc

Người ngủ quá nhiều hay quá ít đều có tình trạng giảm sức khỏe kém hơn người ngủ đủ giấc. Một người trung bình ngủ 7 giờ/ngày có tỷ lệ tử vong thấp nhất, còn 9 giờ/ngày có nguy cơ cao.

Một giấc ngủ trưa ngắn sẽ giúp trí óc người già tỉnh táo. Chỉ cần dựa lưng vào ghế, nhắm mắt lại và thư giãn một vài phút. Trí óc sẽ minh mẫn và sáng suốt hơn trong nhiều giờ sau đó. Tốt nhất là hãy ngủ thật ngon trong 15 phút vào buổi trưa. Một giấc ngủ ngắn buổi trưa sẽ phục hồi sức lực cho cả buổi chiều làm việc của bạn và mang đến một trạng thái tinh thần tốt hơn.

Đi khám sức khỏe định kỳ

Người già nên đi thăm khám bác sỹ ít nhất một lần trong một năm. Ngoài khám lâm sàng, nên làm thêm cận lâm sàng như: Điện tim, siêu âm tổng quát, xét nghiệm đường máu, mỡ máu… Từ đó có thông tin đầy đủ về tình trạng sức khỏe của mình và áp dụng các biện pháp điều chỉnh kịp thời.

Xem thêm

 Lương hưu – nỗi lo chi phí khi vào viện dưỡng lão

Hiện tại nhu cầu vào dưỡng lão của người già tăng cao. Tại Hà Nội có khoảng 40 nhà dưỡng lão từ bình dân đến cao cấp với chi phí dao động khoảng 7-15 triệu/tháng. Chưa kể nếu người lẫn, tai biến cần chăm sóc toàn diện thì chi phí sẽ còn cao hơn. Bên cạnh đó mức lương hưu trung bình của người cao tuổi chỉ từ 4-5 triệu/tháng. Vì vậy việc vào ở trong các trung tâm chăm sóc là điều xa xỉ với họ

Có 2 con trai và 2 con gái nhưng tuổi già của bà Lê Thị Mai (Hà Nội) lại sống một mình. Bà Mai rất muốn vào viện dưỡng lão ở nhưng con cháu lại không đồng ý. Vì “người ta lại bảo 4 đứa con mà không nuôi được 1 mẹ”. Sau vài năm ở như vậy bà quyết định nhờ hàng xóm đi tìm viện dưỡng lão. Tuy nhiên, khi xem bảng phí thì vượt quá khả năng chi trả. Lương hưu của bà chỉ gần 5 triệu. Bản thân bà lại không muốn thành gánh nặng cho các con.

Hay ông Võ Văn Tiến (Hà Nội) chia sẻ: “Ông thấy viện dưỡng lão rất văn minh nhưng chi phí thì không phải ai cũng có khả năng chi trả. Đa phần lương hưu thấp, phúc lợi không nhiều. Phần lớn để trang trải cuộc sống hàng ngày thì có thể đủ. Chứ vào viện dưỡng lão thì khó vì đều là các viện tư nhân chi phí cao”.

Người già tại viện dưỡng lão Diên Hồng

Mức hưởng lương hưu trung bình hiện nay khoảng 5,4 triệu đồng/tháng. Chi phí này vẫn thấp hơn khá nhiều với bình quân để vào viện dưỡng lão thì vẫn thấp hơn khá nhiều. Thực tế tại viện dưỡng lão Diên Hồng, đa phần lương hưu của người cao tuổi đều không đủ để chi trả. Do đó con cái sẽ hỗ trợ chi trả thêm các chi phí chăm sóc tại viện.

Để giảm bớt nỗi lo về chi phí thì nhiều người thay vì trông chờ vào lương hưu họ đã chủ động và lên kế hoạch từ sớm. Cái cần quan tâm là phải có một nguồn quỹ cho tuổi già, không nhất thiết ở lương hưu. Nhiều người đầu tư vào con cái mà quên đi “giữ vốn” cho tương lai của chính mình. Điều đó khiến cho tuổi già trở nên chật vật.

Bà Trần Thu Hương (Hà Hội) là một trong số đó. “Tôi nghĩ xã hội phát triển thì phải hòa nhập quốc tế. Việc vào dưỡng lão là đương nhiên và văn minh. Vì thế, vợ chồng tôi đã sớm lựa chọn và chuẩn bị tài chính để khi về già vào viện dưỡng lão”. Với mức lương hưu hơn 10 triệu đồng của 2 ông bà thì không đủ cho 2 người vào viện. Bởi vậy ông bà đã dành dụm, vay mượn thêm để mua miếng đất. Khi nào được giá thì bán xem như thêm một khoản chi phí để dưỡng già. Còn với bà Thu thì “nhà cửa, tài sản là của bố mẹ. Cho nên đến tuổi vào viện dưỡng lão thì bố mẹ bán”. Xác định như vậy nên việc vào viện dưỡng lão cũng dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, để viện dưỡng lão có thể phổ cập hơn với nhiều người thì cần có thêm nhiều chính sách an sinh phúc lợi đến từ nhà nước.

Xem thêm

Xuân Tình concert âm nhạc nên thơ giữa lòng Hà Nội

Mùa xuân là mùa của tình yêu, mùa của sự sống. Xuân đến ta thêm yêu đất trời, yêu cuộc sống, yêu người, yêu ta. Mùa xuân, muôn hoa khoe sắc thắm, đất trời giao hòa và tâm hồn con người cũng rộn rã niềm vui yêu đời, yêu người. Hòa chung không khí tràn đầy sắc xuân đó, Diên Hồng cơ sở 1 đã tổ chức một buổi live concert với chủ đề Xuân Tình, mùa xuân của tình yêu.

Mở đầu cho chuỗi ca khúc của concert là bài hát “mùa xuân đầu tiên” do phó tổng Trần Thị Thúy Nga trình bày. Bài hát với tiết tấu sôi động, vui tươi khiến mọi người tham gia đều hào hứng, phấn khởi.

Nếu mùa xuân đầu tiên của đất nước mang đến cảm xúc thiêng liêng, tự hào thì mùa xuân của đất trời lại tươi đẹp tinh khôi. Không những thế mùa xuân còn là mùa đơm hoa kết trái, đơm kết cho tình yêu của muôn loài, muôn vật. Và “mùa xuân đã đến bên em và mùa xuân đã đến bên anh thì thầm” sẽ là một nốt nhạc không thể thiếu trong bản giao hưởng của mùa xuân.

Tiết mục thì thầm mùa xuân do cặp đôi Tổng giám đốc và phu nhân trình bày

Tiếp nối những bản nhạc tình xuân là bài hát “biển tình” do anh Lê Bắc biểu diễn.

Chú Vinh đọc thơ Mùa xuân cho em

Điều dưỡng Tạ Tươi với ca khúc “Nắng có còn xuân”

Đến với concert Xuân Tình ông Nguyễn Trọng Việt, một cựu quân nhân, đã gửi đến tất cả mọi người bài hát Tình ca.

“Em ơi! nghe chăng lời trái tim vọng ra

Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang

Qua núi biếc chập chùng xa xa

Qua bóng mây che mờ quê ta

Tiếng ca đời đời chung thuỷ thiết tha”

Đó chính là tâm tình của người chiến sĩ phương xa gửi về quê nhà. Nơi có người vợ hiền, con thơ, nơi quê nhà với bãi mía, nương dâu, bến nước Cửu Long. Bài hát hào hùng nhưng tình cảm khiến ai nghe cũng xúc động về thời đạn bom ác liệt.

Tiếp theo là bài hát “Trước ngày hội bản” do bà Đào Dung thể hiện. Bài hát là câu chuyện tình yêu đôi lứa trong trẻo của những cô cậu vùng cao trong ngày hội bản.

Chương trình với nhiều bài hát trữ tình lãng mạn đưa các cụ đi từ cung bậc này đến cung bậc khác. Bà Châu ngồi dưới ghế khán giả đung đưa theo điệu nhạc. Mỗi khi tiết mục kết thúc, bà lại vỗ tay cổ vũ thật nhiệt tình.

Bà Phi cũng ngại ngùng, bẽn lẽn không dám đứng ra giữa sân khấu để hát mà chỉ đứng gần chỗ ngồi, san sát các cụ bên dưới. Mới chỉ hát được một lời, bà chạy lại đưa mic cho MC rồi ngại ngùng về chỗ ngồi, miệng cười toe toét vì vừa vui vừa xấu hổ. Khi những bài hát được cất lên, ai nấy cũng đều thả hồn mình theo từng điệu nhạc, rong ruổi theo từng suy nghĩ.

Xem thêm

Tuổi già vào viện dưỡng lão là văn minh

Cái thời trẻ cậy cha, già cậy con hay tứ đại đồng đường không còn phù hợp nữa rồi. Bây giờ mỗi thế hệ nên có cuộc sống riêng của mình. Giờ không phải ăn no, mặc ấm, mà là ăn ngon mặc đẹp. Sống thọ nhưng phải sống có chất lượng và sống văn minh. Thay vì cứ ở nhà soi xét để ý các con, hay sống già nua trong căn phòng với 4 bức tường thì người già nên theo đuổi đam mê, mong muốn của chính mình.
Tuổi già không nên là rào cản vì không bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Thứ mà có nhiều nhất ở tuổi già có lẽ là thời gian, vì vậy hãy bắt đầu lại với những thứ đã bị bỏ lỡ trong quá khứ. Ví dụ như một khoá học cắm hoa, làm bánh, mua cho mình món đồ yêu thích, gặp mặt bạn bè hay du lịch đây đó,….
Vẫn có nhiều quan niệm cho rằng, về già được sống cùng con cái là điều hạnh phúc nhất. Thế nhưng với nhịp sống hiện đại ngày nay thì điều đó không còn đúng. Nhiều người già lựa chọn sống cùng con cái để được gần con gần cháu và đỡ đần việc nhà. Thế nhưng khi con đi làm, cháu đi học, người già lại chỉ quanh quẩn một mình trong bốn bức tường. Chưa kể đến sự khác biệt về lối sống, lối suy nghĩ giữa các thế hệ cũng khiến cho mối quan hệ không còn tốt đẹp. Kết quả là dù sống trong ngôi nhà của mình, sống cùng con cái, nhưng người già lại thấy mình bị lãng quên, cảm thấy tự ái, cô đơn.
Như vậy, nếu ở cùng con cái nhưng con cái lại bận rộn mưu sinh để cha mẹ một mình ở nhà thì cả cha mẹ và con cái đều không thể hạnh phúc. Chưa kể người già thường hay bị các bệnh mãn tính, nếu không có chuyên môn và thời gian chăm sóc thì rất dễ xảy ra những chuyện không mong muốn.
Vì vậy để người già hạnh phúc, được sống khỏe, sống thọ, sống vui bên bạn bè, con cháu thì hãy để họ được sống trong một môi trường phù hợp, được làm những điều mình yêu thích. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người cao tuổi mà vẫn có những sinh hoạt tinh thần đều đặn, luyện tập thể dục thể thao phù hợp thì sẽ giữ được tinh thần minh mẫn và lạc quan.
Hãy tận hưởng tuổi già như đi nghỉ dưỡng. Buổi sáng thức dậy đi bộ vài vòng rồi về ăn tô phở thơm phức, nghi ngút khói. Xong về nhà đọc báo, nhâm nhi tách cà phê sữa nóng. Chiều đến thì tham gia câu lạc bộ dân vũ, gặp bạn bè trò chuyện. Cuối tuần thích thì sang nhà con cháu chơi, không thì xách vali đi du lịch. Hãy chuyển hóa những nỗi cô đơn, sợ hãi, sự chán chường của người già bằng cuộc sống tích cực hơn với những nụ cười luôn thường trực trên môi. Thay vì lựa chọn sống cùng con cái, nhiều người già lựa chọn sống cho chính mình, tìm đến những viện dưỡng lão tốt để tận hưởng một cuộc sống mới, vui vẻ, hạnh phúc với những người cùng thế hệ.
Xem thêm

8 mẹo nhỏ chữa mất ngủ cho người già

Giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Với người cao tuổi, giấc ngủ còn giúp cải thiện sự tập trung trí nhớ, sửa chữa hệ thống miễn dịch nhằm chống lại bệnh tật.

Chứng mất ngủ ở người già sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ, trầm cảm. Bên cạnh đó là các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư…

Vì vậy việc đảm bảo giấc ngủ cho người già là vô cùng quan trọng. Hãy cùng Diên Hồng tìm hiểu những mẹo nhỏ để giúp người già ngủ ngon hơn.

Vệ sinh giấc ngủ

– Có thời gian đi ngủ và thức dậy đều đặn đúng giờ

– Chuẩn bị phòng ngủ thoáng mát, sạch sẽ và đảm bảo tắt đèn khi ngủ sẽ không làm những người cao tuổi khó ngủ và mất ngủ.

Tránh ngủ trưa quá nhiều

Nếu ngủ trưa quá 30 phút người già sẽ không thể ngủ được vào buổi đêm.

Tập thể dục thường xuyên

Các thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, thiền hay tập dưỡng sinh là sự lựa chọn thích hợp với những người lớn tuổi để có giấc ngủ ngon mỗi đêm. Những người có thói quen tập thể dục đều đặn kết hợp chế độ ăn dinh dưỡng khoa học sẽ ít bị bệnh tật và mất ngủ hơn những người khác. Đó là mẹo chữa mất ngủ hiệu quả cho người già đã được các bác sỹ chuyên khoa thần kinh chia sẻ.

Chú ý: Không tập những môn thể dục dụng cụ sát giờ đi ngủ sẽ khiến người cao niên khó ngủ hơn.

Luôn quan niệm giường là nơi để nghỉ

Luôn quan niệm giường là nơi để nghỉ ngơi, không nên đọc sách, xem tivi nằm trên giường sẽ khiến người già khó đi vào giấc ngủ.

Tắm nước ấm trước giờ đi ngủ

Người già nên tắm với nước ấm pha muối trước giờ đi ngủ sẽ giúp ngủ ngon hơn, thư giãn và dễ chịu.

Hãy để đầu óc thư giãn

Khi đầu óc thư giãn, tinh thần được thoải mái thì người già dễ đi vào giấc ngủ hơn.

Mặc quần áo rộng rãi trước khi đi ngủ

Một trong những phương pháp chữa mất ngủ cho tuổi cao niên là nên mặc quần áo với chất liệu vải thun, mỏng, thoáng mát sẽ khiến cơ thể thoải mái, nhẹ nhàng và dễ ngủ.

Không ăn no và hạn chế sử dụng đồ uống chứa cồn, chất kích thích

Nếu người cao tuổi ăn no và sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê trước giờ đi ngủ sẽ làm cho những thực phẩm này không có cơ hội để chuyển hóa thức ăn và đây là nguyên nhân gây chứng mất ngủ, khó ngủ.

Xem thêm

Những điều cần biết khi chăm sóc người già sa sút trí tuệ

Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Đi cùng đó là các bệnh lý liên quan tới tuổi già cũng đang tăng lên đáng kể. Sa sút trí tuệ là một trong những bệnh điển hình nhất mà người cao tuổi ở Việt Nam mắc phải.

Sa sút trí tuệ là do tổn thương hoặc mất các tế bào thần kinh và các kết nối của chúng trong não. Tùy thuộc vào vùng não bị tổn thương, chứng sa sút trí tuệ có thể ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau và gây ra các triệu chứng khác nhau.

Nếu ở mức độ nhẹ thì cũng không có sự ảnh hưởng quá lớn. Nhưng nếu không có sự chăm sóc và chữa trị đúng cách thì tiến triển bệnh càng nặng. Vì vậy, chúng ta cần can thiệp càng sớm từ khi có dấu hiệu của bệnh.

Với giai đoạn đầu

Biểu hiện thường gặp là giảm sự tiếp thu thông tin, lặp đi lặp lại một câu hỏi hay một vấn đề, mất khả năng quản lý tài chính, không nhớ đồ cất ở đâu và dễ bị nhầm, lạc đường. Vì vậy người nhà cần kiên nhẫn để nói chuyện, giải đáp các câu hỏi đó, không nên cáu gắt sẽ tạo áp lực và sự tự ti của người cao tuổi càng khiến họ buồn bực, lo lắng và bệnh nặng hơn.

Đồng thời nhờ sự tư vấn của các bác sĩ, chuyên gia về cách chăm sóc để hỗ trợ điều trị cho họ. Luôn theo dõi, để ý tới các hoạt động đi lại, ăn uống của người già để không xảy ra những tình huống tai nạn đáng tiếc.

Hình ảnh buổi tập luyện cho NCT bị sa sút trí tuệ tại Diên Hồng

Giai đoạn giữa

Ở giai đoạn này các triệu chứng rõ ràng hơn. Người bệnh không nhớ sáng mình ăn gì, quên một số kỉ niệm trong quá khứ, khó mặc quần áo phù hợp, không nhớ số điện thoại của mình, hay nhầm lẫn…  Vì vậy cần sự nhẫn nại và kiên nhẫn rất lớn của người nhà để có thể chăm sóc được người bệnh.

Bạn cần tạo ra một không gian an toàn cho người bệnh. Cần có người theo sát người bệnh mọi lúc mọi nơi để đảm bảo an toàn cho họ trong việc sinh hoạt hằng ngày. Thường xuyên trao đổi với bác sĩ về tình trạng của bệnh để kịp thời điều trị và có biện phát phù hợp.

Trong giai đoạn cuối.

Người bệnh không nhận thức được môi trường xung quanh, đi lang thang, không nhận ra bạn bè người thân, không nhớ lịch sử bản thân, mất kiểm soát bàng quang và ruột, thay đổi nhân cách và hành vi. Khi triệu chứng càng ngày nặng lên, người bệnh cần sự hỗ trợ tất cả trong cuộc sống hàng ngày. Và cần có sự can thiệp của bác sỹ và điều dưỡng chăm sóc.

Hiện tại sa sút trí tuệ là chứng bệnh không hồi phục. Vì vậy việc phòng ngừa để hạn chế sự khởi phát và tiến triển của bệnh là rất quan trọng.

* Tăng cường hoạt động trí não. Các hoạt động kích thích tinh thần như đọc sách, giải câu đố, chơi trò chơi,… sẽ giúp rèn luyện trí nhớ, trì hoãn sự khởi phát và giảm tiến triển bệnh

* Tham gia hoạt động xã hội. Người già nên tham gia các câu lạc bộ thơ, khiêu vũ, cờ tướng để kết nối thêm với nhiều người đồng trang lứa. Sự tương tác với xã hội giúp người già không bị buồn bã, chán nản. Từ đó góp phần hạn chế chứng bệnh sa sút trí tuệ.

Buổi thi đấu cờ tướng của các cụ ông tại viện dưỡng lão

* Từ bỏ hút thuốc. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc ở tuổi trung niên trở lên có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và các bệnh về mạch máu. Bỏ hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ và sẽ cải thiện sức khỏe của bạn.

* Ăn uống lành mạnh, bổ sung đủ vitamin. Một số nghiên cứu cho thấy những người có lượng vitamin D trong máu thấp có khả năng mắc bệnh Alzheimer cao hơn. Bạn có thể nhận được vitamin D thông qua một số loại thực phẩm, chất bổ sung và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Hoặc bổ sung thêm đường uống với đơn thuốc từ bác sĩ

* Quản lý các yếu tố nguy cơ tim mạch. Điều trị huyết áp cao, cholesterol cao và bệnh tiểu đường. Giảm cân nếu bạn thừa cân.
Huyết áp cao có thể dẫn đến nguy cơ mắc một số loại chứng mất trí nhớ cao hơn.

* Giấc ngủ chất lượng tốt. Một giấc ngủ đủ dài và đủ sâu sẽ giúp trí óc minh mẫn hơn.

* Điều trị các vấn đề về thính giác. Theo một số nghiên cứu, người bị mất thính lực có nhiều khả năng bị suy giảm nhận thức hơn. Vì vậy điều trị mất thính giác sớm, chẳng hạn như sử dụng máy trợ thính, có thể giúp giảm nguy cơ.

Xem thêm

Làm sao để có tiền vào dưỡng lão khi về già?

Mỗi khi nhắc đến viện dưỡng lão, nhiều người tỏ ra không thoải mái khi mức phí phải chi trả để một người cao tuổi sống trong Viện dưỡng lão trung bình là 8-10 triệu đồng. Họ cho rằng với mức phí như thế này thì dưỡng lão chỉ dành cho người giàu.

Thực tế, để tuổi già an nhàn thì mỗi người đều phải chuẩn bị, tích lũy tài chính từ khi còn trẻ. Dưới đây là một số cách giúp đảm bảo bạn có đủ tiền để tham gia viện dưỡng lão khi về già:

1. Bắt đầu tiết kiệm sớm

Bạn bắt đầu tiết kiệm cho tương lai càng sớm thì tiền của bạn càng có nhiều thời gian để sinh sôi nhờ lãi suất và đầu tư. Tôi được nghe một câu chuyện của 2 thanh niên trẻ đang tìm việc cùng nhau, một người là người Anh và người kia là người Do Thái. Một ngày nọ, họ đi trên phố và thấy một đồng xu nằm trên mặt đất. Thanh niên trẻ người Anh bước qua mà không thèm nhìn nó, nhưng thanh niên người Do Thái lại nhặt nó lên. Thanh niên người Anh tỏ thái độ xem thường đối với những hành động vừa rồi của thanh niên Do Thái: “Ngay cả một đồng xu cũng nhặt, đúng là không có tiền đồ!”. Thanh niên trẻ người Do Thái nhìn thanh niên người Anh đang đi xa dần và nói: “Để tiền tuột khỏi tay mình mới là kẻ không có tiền đồ!”

Sau đó, hai người vào cùng một công ty cùng một lúc. Công ty rất nhỏ, lương thấp và công việc rất mệt mỏi, không được bao lâu, thanh niên trẻ người Anh chẳng quan tâm đến công việc nữa và rời đi, còn thanh niên Do Thái vẫn vui vẻ ở lại tiếp tục công việc. Hai năm sau, hai người họ gặp lại nhau trên đường phố, thanh niên Do Thái đã trở thành ông chủ, và thanh niên người Anh vẫn đang tìm việc. Thanh niên người Do Thái giải thích: “Bởi vì tôi sẽ không bỏ lỡ ngay cả một đồng xu như anh đã từng làm, tôi sẽ trân trọng nó, và anh thậm chí không thèm một đồng xu, như vậy thì làm sao có thể giàu có được?” Thanh niên người Anh không phải không quan tâm đến tiền, mà là đôi mắt của anh ta luôn nhìn chăm chằm vào số tiền lớn và coi thường số tiền nhỏ. Bất kỳ người giàu có nào cũng đều tích luỹ từng chút một mà thành. Vậy nên ngay từ khi còn trẻ, hãy nghĩ đến tuổi già an nhàn phía trước để mà tiết kiệm. Mỗi người hãy lập một kế hoạch chi tiêu trong khả năng để tuổi già không phải “gánh nợ”.

2. Xem xét Bảo hiểm Chăm sóc Dài hạn hoặc bảo hiểm nhân thọ.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều công ty bảo hiểm với các gói đa dạng khác nhau. Tùy vào thực tế tài chính và nhu cầu của bản thân để chọn gói phù hợp nhất với mình. Mỗi năm đóng góp một lần, vừa hỗ trợ khi gặp các vấn đề rủi ro vừa giúp tích lũy một khoản tiền lớn khi về già. Sau 20 năm hay 30 năm, bạn có thể rút tiền để trang trải chi phí chăm sóc tại viện dưỡng lão. Phí bảo hiểm thường có lợi hơn đối với những người mua bảo hiểm ở độ tuổi trẻ hơn.

3. Tư duy đầu tư từ sớm

Nhiều người chỉ biết gửi tiết kiệm ở ngân hàng với lãi xuất thấp hoặc chi hết số tiền mình có vào mua nhà, mua xe. Thay vào đó, có thể gửi tiền vào các quỹ đầu tư ủy thác uy tín, lợi nhuận có thể không quá cao nhưng vẫn đảm bảo cho bạn một nguồn thu nhập ổn định bên ngoài thu nhập chính của bạn. Sai lầm của nhiều người là có suy nghĩ phải có thật nhiều tiền mới có thể đầu tư. Thực tế, chỉ cần từ 50 triệu đồng là chúng ta đã có thể bước chân vào đầu tư và có thu nhập thụ động từ đó. Với một số hình thức đầu tư ít rủi ro, bạn có thể thu hồi vốn sau khoảng 12-15 tháng và đảm bảo được nguồn tài chính khi về già.

4. Thu hẹp quy mô

Bạn có thể xem xét thu hẹp quy mô ngôi nhà của mình thành một bất động sản nhỏ hơn, giá cả phải chăng hơn, ít phải bảo trì hơn, giải phóng số tiền mà bạn có thể sử dụng để chi trả cho viện dưỡng lão. Hoặc trước đó, bạn có thể dùng số tiền còn lại đầu tư vào bất động sản như một “của để dành” khi về già.

5. Bán tài sản

Bạn có thể bán tài sản, chẳng hạn như cổ phiếu, bất động sản hoặc ngôi nhà thứ hai, để thanh toán chi phí viện dưỡng lão. Thay vì dành hết số tiền mình có để mua nhà, mua xe cho con cháu thì hãy phòng thân bằng một số tài sản khác mang tên mình để tùy ý sử dụng. Tiền của mình có thể tùy ý sử dụng, không phải e ngại con cháu tranh giành.

6. Tìm kiếm lời khuyên tài chính chuyên nghiệp

Cố vấn tài chính có thể giúp bạn xác định các lựa chọn tốt nhất để tiết kiệm và đầu tư cho tương lai của bạn, bao gồm xem xét thế chấp ngược hoặc bán tài sản

Hãy nhớ rằng, đây chỉ là những mẹo chung và tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến ​​của một cố vấn tài chính để đưa ra một kế hoạch cá nhân hóa phù hợp với nhu cầu cụ thể và tình hình tài chính của bạn. Họ sẽ giúp bạn xác định các lựa chọn tốt nhất để tiết kiệm và đầu tư cho tương lai của bạn

 

 

Xem thêm