Trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cụ ông, cụ bà đang được chăm sóc tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng thường xuyên được cập nhật những tin tức mới nhất về dịch bệnh và cách phòng, chống bệnh cho chính bản thân.
Đều đặn 30 phút mỗi ngày, các cụ trong Viện dưỡng lão lại rủ nhau ra không gian sinh hoạt chung của trung tâm để tập thể dục. Tùy vào tình trạng sức khỏe từng người sẽ có những cách tập luyện khác nhau. Có những cụ mặc dù gặp khó khăn trong việc đi lại nhưng cũng rất hào hứng hưởng ứng các hoạt động để tăng cường, nâng cao sức khỏe trong mùa dịch.
Mặc dù gặp khó khăn trong việc di chuyển nhưng “tập thể dục ngồi” cũng là cách giúp tinh thần và cơ thể các cụ khỏe mạnh hơn. Các bài tập đều được xây dựng trên nền nhạc tươi vui, tạo sự hào hứng khi tập luyện và video hướng dẫn sẽ chiếu lên màn hình lớn để các cụ dễ dàng tập theo.
Mặc dù đã lớn tuổi nhưng các cụ tại trung tâm vẫn rất trẻ trung và hào hứng khi cùng nhau tham gia cover lại “Vũ điệu rửa tay” trên nền nhạc Ghen cô-vy đang gây bão trên toàn thế giới trong những ngày qua.
Chị Nguyễn Hà – Nhân viên Viện dưỡng lão chia sẻ: “Khi tôi cho các cụ xem bài hát Ghen cô-vy và vũ điệu rửa tay thì các cụ rất thích, nên tôi và các bạn đã nghĩ ra ý tưởng để các cụ làm theo bài hát này. Chỉ cần biến tấu một chút so với trên mạng để các cụ dễ học, sau đó hướng dẫn làm mẫu vài lần là các cụ nhớ hết và làm theo được rồi.”
Các cụ hào hứng tham gia trào lưu cover Vũ điệu rửa tay. (Ảnh cắt từ clip)
Bà Trần Thị Thúy Nga – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng chia sẻ: “Các cụ đang sống tại trung tâm luôn được chăm sóc sức khỏe và tạo điều kiện tập luyện tốt nhất. Trung tâm cũng trang bị các dụng cụ tập phục hồi chức năng, xe đạp và tổ chức những hoạt động như ngâm chân đá muối Himalaya vào những ngày trời trở lạnh để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho các cụ trong mùa dịch”.
Điều dưỡng viên cho các cụ ngâm chân đá muối Himalaya
Video: Các cụ cover Vũ điệu rửa tay Ghen cô-vy theo trào lưu của giới trẻ.
Theo báo VOV – Báo điện tử của đài tiếng nói Việt Nam CTV Lan Phương/VOV.VN
Ở tuổi xưa nay hiếm, vợ chồng ông Vũ Đình Bưởi (90 tuổi) – bà Vũ Thị Dành (83 tuổi) – Hải Dương đã cùng nhau trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời. Hiện tại, cả hai vẫn vẹn nguyên tình cảm, chăm sóc và thương yêu nhau hơn thuở ban đầu.
Bà Dành sinh ra trong một gia đình vùng quê ở Hải Dương. Bà
nhớ lại hồi đó, bạn bè trong làng 16,17 tuổi đều đã lấy chồng sinh con. Khi lên
19 trong đầu bà nghĩ khéo ế chồng thì bất ngờ được họ hàng mai mối với ông Bưởi.
Đó là lần ông Bưởi về quê chơi và gặp bà. Chẳng ai ngờ sau lần
đó, được sự đồng ý của gia đình, ông bà lấy nhau chỉ nhờ lần gặp đầu tiên ngắn
ngủi. “Hồi đó chưa yêu đương như bọn trẻ bây giờ. Yêu nhau rồi cưới nhau chỉ
qua họ hàng và mai mối thôi. Hồi trẻ ông ấy đẹp trai lắm, thế nên tôi mới yêu
chứ” bà Dành nói, niềm hạnh phúc ánh lên trong ánh mắt.
Một số hình ảnh của ông bà
Năm 1958, sau đám cưới giản đơn với chén trà, điếu thuốc bà
Dành theo chồng ra Hà Nội. 19 năm sống ở quê, những ngày làm dâu Hà Thành khiến
bà không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng rồi giây phút đấy qua đi khi có chồng bên cạnh. Vài
tháng sau khi kết hôn, bà mang thai đứa con đầu lòng nhưng đó cũng là lúc ông
Bưởi nhận quyết định công tác trên Lào Cai.
Bà Dành và con gái hồi còn nhỏ
Sau khi chồng đi công tác, không có người chăm sóc nên bà phải
về quê. Mặc dù vậy bà cũng không thấy tủi thân vì ông thường xuyên viết thư về
cho vợ. Rồi cuộc sống cơm áo gạo tiền cuốn bà theo, cho tới khi con gái được 7
tháng thì ông mới về thăm nhà nhưng rồi lại đi luôn.
Đến năm 1962, bà quyết định chuyển công tác lên Lào Cai cùng chồng. Khi ấy, ngoài công việc là cán bộ thị ủy, ông còn là phóng viên cộng tác với báo Lào Cai. Việc thường xuyên phải đi xa nhà nhưng vẫn thói quen cũ ông viết thư tay về cho bà. Thi thoảng ông tặng bà những món quà nho nhỏ như tút đạn suýt làm ông chết hụt trong những trận chiến.
Sau này xã hội phát triển hơn, có điện thoại di động, mỗi
khi bà đi thăm con cháu, ông vẫn gọi điện hỏi thăm bà hàng ngày. Những câu giản
đơn thôi nhưng đó là cách ông quan tâm bà, bao năm vẫn không thay đổi.
Hồi chiến tranh biên giới nổ ra, chờ 1,2,3 ngày không thấy
chồng về, ngày nào bà cũng đạp xe 11 cây số ra bến tàu để ngóng chồng. Giây
phút ông trở về, bà vỡ òa, nhìn thấy chồng là thấy sự an tâm dâng lên trong
lòng. Thời gian qua đi 2 vợ chồng bà cùng
nuôi dưỡng 4 người con lớn lên, cùng vượt qua quãng thời gian khó khăn, có lúc
nhà không có gì ăn, chỉ có 2 bàn tay trắng.
Đến khi về hưu, chiến tranh khiến 2 bên mất cả người thân,
nhà cửa, không thể trở về Hà Nội hai vợ chồng lại quyết định về quê Hải Dương.
Không còn nhà, họ hàng cho ở nhờ nhưng hai ông bà chỉ xin nhờ quán nhỏ ở chợ để
tự khai phá, làm ăn.
“Ông hơn 7 tuổi, lại đi bộ đội từ năm 13 tuổi nên chững chạc
và nhường nhịn vợ lắm. Việc nhà cũng luôn san sẻ với tôi, tôi nấu thức ăn ông ấy
sẽ đi chợ, nấu cơm, không bao giờ để vợ làm hết. Lúc nào 2 vợ chồng cũng sẽ hỗ
trợ nhau, chia sẻ cùng nhau” bà Dành cười hạnh phúc.
Chìa khóa làm nên hạnh phúc suốt 64 năm. 4 người con của ông
Bưởi, bà Dành mỗi người một nơi để làm ăn, lập gia đình. Ông bà thi thoảng đi
thăm con cháu còn hầu như ông bà hai ông bà sống nương tựa vào nhau.
Cuộc sống hạnh phúc, bình yên cứ thế trôi qua. Nhưng tuổi tác vốn không thắng được thời gian. Cách đây vài tháng, ông Bưởi bị tai biến ở tuổi 90, liệt nửa người, không muốn làm phiền con cháu và thêm tốn kém khi tuổi cao, ông không muốn đi bệnh viện.
Dù suy sụp nhưng bà và các con vẫn quyết đưa ông đi chữa trị. Khi sức khỏe ông yếu đi rõ rệt, chỉ có thể nằm một chỗ, bà đã cùng ông vào viện dưỡng lão để có thêm người chăm sóc. Ông chỉ có thể nằm một chỗ, có khi không biết gì và không thể nói chuyện . Nhưng có chuyện gì bà vẫn hỏi ý kiến, hàng ngày vẫn ôn lại chuyện cũ để ông có thể nhớ lại.
Hình ảnh ông bà hiện tại đang an dưỡng tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng
Suốt buổi trò chuyện, vừa kể bà vừa quay sang ông hỏi những câu nhỏ nhặt “Ông có nhớ không?”, “Ông có nghe thấy không?”, “Hồi xưa mình khổ nhỉ?”,… dù ông chẳng thể trả lời thành câu, như một cách để cùng ông ôn lại kỷ niệm. Người phụ nữ 83 tuổi cũng không giấu niềm tự hào khi nhắc đến việc chồng từng được đi du học bên Trung Quốc hay khi khoe bức ảnh chồng nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Khi được hỏi bí quyết để ông bà chung sống hạnh phúc suốt 64 năm, bà chỉ cười: “Làm gì có bí quyết gì đâu. Hai vợ chồng tôi cũng sống bình thường như bao người thôi. Chúng tôi cũng chưa từng có cãi vã to tiếng hay va chạm gì. Cũng có những bất đồng nho nhỏ nhưng khi cùng nhau chăm sóc các con thì đâu lại vào đấy. Mình cũng ý thức được phải sống làm sao để các con nhìn vào. Sống mẫu mực để làm gương cho con, không để gia đình bị tổn thương làm ảnh hưởng đến các con, các cháu. Đến lúc các con lớn lại chỉ còn 2 ông bà cùng nhau ăn, cùng nhau làm, tôn trọng lẫn nhau. Về già tôi và ông ấy còn tình cảm hơn lúc trẻ ấy chứ”.
Với bà Dành, hai ông bà đã cùng nhau trải qua biết bao khó
khăn, tới phần cuối đời lại càng phải yêu thương, chăm sóc nhau nhiều hơn.
“Không còn trẻ nhưng tôi có thể làm mọi thứ, giờ chỉ có ông ấy là thiệt thòi hơn, không tự làm gì được nữa. Tôi rất thương. Trời không cho thì phải chịu chứ tôi không bao giờ để ông ấy như thế mà không chữa trị, không bao giờ để ông ấy ra đi như thế này. Ông ấy ở bên tôi một giây, một phút tôi vẫn thấy trân trọng và đáng quý. Cho đến bây giờ, lấy ông ấy, làm vợ ông ấy vẫn là hạnh phúc nhất đối với tôi”.Bà Dành vừa nói, vừa nắm chặt tay người chồng đã gắn bó gần cả cuộc đời.
Để giữ gìn và phòng chống bệnh VIRUS CORONA cho Người cao tuổi đang an dưỡng tại Trung tâm dưỡng
lão Diên Hồng, Trung tâm rất mong muốn và kính đề nghị người nhà, khách hàng
chia sẻ và phối hợp thực hiện tốt các yêu cầu sau:
– Yêu cầu người nhà hạn chế đến thăm nom Người cao tuổi.
– Trong trường hợp người nhà đến thăm nom bắt buộc phải rửa
tay sạch sẽ, đeo khẩu trang 100% và sẽ gặp Người cao tuổi tại phòng tiếp khách
– sảnh lễ tân, không lên trực tiếp trên phòng để thăm nom
– Đặc biệt những khách hàng có biểu hiện cúm, sốt, ho tuyệt đối không tiếp xúc với Người cao tuổi.
Vào những ngày cận Tết khi cái lạnh vẫn còn réo rắt quanh đây, nhịp điệu cuộc sống dường như lại hối hả hơn, tất bật hơn, thì ở một nơi nào đó của Diên Hồng lại bình yên đến lạ.
Trong căn phòng nhỏ, chiếc bàn con được kê ra giữa phòng, kèm theo là 2 cái ghế 2 bên. Bà Phùng Kim Đính (95 tuổi, Hà Nội) ngồi trên giường ngắm chậu cúc vàng mà mấy hôm trước bà được tặng. Rồi khuôn mặt đăm chiêu, đôi mắt nheo lại, bà kể: “Bà vào Diên Hồng ở cũng được 5 năm rồi. Từ cái ngày bà còn khỏe, còn đi lại được, đến bây giờ thì đi đâu cũng phải có xe lăn làm bạn. Năm nay cũng là cái Tết thứ 5 bà không về nhà rồi”. Bà ăn Tết trong viện dưỡng lão nhưng chẳng khác gì ở nhà. Bà bảo “Cũng một mình một phòng, mùng 1 Tết thì con cháu đến thăm chúc thọ, đông đủ lắm, cũng chẳng thiếu ai cả”. Không những thế bà còn nhờ các bạn nhân viên mua giúp cành đào, cây quất nhỏ, thêm cả túi hướng dương, hạt bí. Bà bảo như thế cho có không khí Tết, “Tết ở đâu cũng được, trong viện dưỡng lão cũng được, miễn là vui”.
Bà Đính cùng con cháu sum họp trong ngày Tết xưa
Căn phòng nhỏ của bà đã được chuẩn bị để đón Tết
Cũng là cụ sống ở Diên Hồng từ lâu, bà Lưu Thị Dung (90 tuổi, Thái Bình), đây cũng là cái Tết thứ 4 của bà tại dưỡng lão Diên Hồng kể từ khi kết thúc cuộc hôn nhân với người chồng cũ. Bỗng bà ngừng lại, những khoảng ký ức mờ đục chạy qua trong tâm trí bà, rồi bà nghẹn ngào kể: “Chồng cũ của tôi là người vô tâm, gia trưởng, không đoái hoài đến việc đỡ đần, giúp đỡ vợ. Nên những độ Tết đến xuân về, tôi như không có lúc nào nghỉ ngơi, lúc nào cũng luôn chân, luôn tay. Nhưng từ ngày vào đây, tôi không còn phải tất bật, không phải lo toan. Tôi không hề thấy buồn, trái lại tôi thấy thật bình yên”. Năm nào cũng thế bà ăn Tết cùng Trung tâm, cùng các bạn trực, cùng các ông bà. Khi nào cháu họ đến đón thì bà về chơi một hai hôm rồi lại vào. “Ở chơi lâu thì nhớ các cụ trong phòng, nhớ mấy cháu nhân viên nên chẳng về lâu được”, bà Dung chia sẻ.
Các cụ và gia đình sum họp những ngày cận Tết
Khi hỏi “Tết bà thích ở đây hay về nhà với con
cháu?” thì Bà Phạm Thị Hiền (75 tuổi, Hà Nội) chia sẻ “Tết mà, người già ai chả
muốn được gần con, gần cháu. Nhưng chúng nó bận, mình có về thì cũng được một
vài hôm. Thôi vào đây cho con cháu nó yên tâm”. Mà Tết trong này cũng vui lắm,
chẳng thiếu cái gì. Cũng bánh chưng, giò chả, cũng bánh kẹo mứt Tết như ở nhà.
Độ trước Tết lại có các cháu mầm non đến chơi, nhìn bọn trẻ là muốn ôm cả ngày,
vui lắm chứ không buồn đâu.
Bà Hiền và các cụ vui vẻ bên các cháu mầm non
Bà Vũ Thị Dành ( 82 tuổi, Hà Nội), mới vào Diên Hồng
được thời gian ngắn. Bà kể ngày chưa vào trung tâm thì hai ông bà ở với con.
Nhưng do khác biệt giữa hai thế hệ nên ông bà đã quyết định vào Viện dưỡng lão ở
luôn. Năm nay cũng là năm đầu tiên ông bà ăn Tết tại một nơi không phải nhà
mình, cũng có đôi chút tiếc nuối nhưng cũng đôi chút háo hức, chờ đợi.
Hiện tại Diên Hồng có khoảng 160 cụ, và hầu hết các
cụ đều ở lại Trung tâm ăn Tết, có một số ít các cụ về, nhưng cũng về một hai
hôm là lại vào. Có cụ buổi sáng về, buổi chiều đã đòi vào vì nhớ mọi người
trong này quá.
Cành đào đỏ thắm đang bắt đầu nở rộ
Dẫu biết rằng Tết đến xuân về, ai ai cũng háo hức ngày sum họp, nhưng có một số cụ thì điều đó lại trở nên khó khăn. Vì thế để xua tan nỗi niềm của các ông, các bà thì Diên Hồng vẫn luôn cố gắng để mỗi cái Tết là một niềm vui, là sự trọn vẹn. Nào là cành đào đỏ thắm, chiếc bánh chưng xanh, trong mâm cơm cũng là những món ăn quen thuộc của ngày Tết.
Tết trong trung tâm dưỡng lão không hề
cô đơn như mọi người vẫn nghĩ. Đó là những ngày mà vài người bạn tóc bạc ngồi lại
với nhau, ôn lại câu chuyện thời thanh xuân, son trẻ của mình. Là lời hỏi han
chân tình từ người bên cạnh, nào
là “Hôm nào cụ về ăn Tết?”, “Cụ ở lại ăn Tết với các cháu, tôi về mấy hôm tôi lại
vào”, “Cụ nhớ ngủ sớm”. Người về, kẻ ở ấy thế mà lại không thấy buồn, bởi cái sự
quan tâm yêu thương nhau lắm. Giữa căn phòng sinh hoạt chung, các cụ quây quần
với nhau, cùng xem một vở hài, đôi tay run run nắm lấy nhau thế là ấm áp.
Bộ ảnh về những lời
khuyên của các ông, bà trong viện dưỡng lão tại Hà Nội dành cho giới trẻ ngày
đầu năm đang được dân mạng nhiệt tình chia sẻ.
Hình ảnh các cụ lớn tuổi trong viện dưỡng lão Diên Hồng cầm tấm bảng ghi nhiều lời khuyên thiết thực nhưng không kém phần hài hước dành cho các bạn trẻ đang được chia sẻ trên các diễn đàn lớn. Dân mạng bày tỏ sự thích thú trước những lời dặn dò thay cho lời chúc ý nghĩa trước thềm năm mới 2020 của các ông bà.
Chị Nguyễn Hà – nhân viên của Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng – cho Zing.vn biết bộ ảnh ra đời khá bất ngờ. “Khi mình ngỏ lời hỏi các cụ, năm mới đến rồi, các cụ có lời chúc nào muốn gửi đến các bạn ở trung tâm cũng như các bạn trẻ trên cả nước không? Thì các cụ bàn tán sôi nổi lắm, rồi bắt đầu vui vẻ chia sẻ”, chị Hà nói. Chị kể cụ Mai Lâm muốn “khuyên các bạn nữ lấy chồng đẹp trai vào, sau này về ngắm cho đã” nhưng vì cụ không tự viết được nên đã nhờ nhân viên viết hộ.
Lời khuyên bá đạo đến từ cụ Mai Lâm
Cụ Phùng Kim Đính (95 tuổi) cho biết điều bản thân tâm đắc nhất là “làm việc gì cũng phải thật tập trung và hết mình thì mới có thành quả tốt”. Cụ cũng sẽ khuyên các bạn trẻ làm được như vậy và sẽ có thật nhiều thành công.
Lời khuyên của cụ Phùng Kim Đính là tập trung làm việc tốt
Lời khuyên “Đừng tin lời đàn ông” của bà Thủy (72 tuổi) được hội chị em nhiệt tình ủng hộ vì quá hài hước.
Trong bộ hình, lời chúc của ông Ánh khiến không ít dân mạng bật cười và thắc mắc khi ông ghi tuổi của mình là 30, trong khi tuổi thật của ông là 84. Khi được hỏi tại sao lại ghi như vậy, ông hài hước trả lời “Vì tôi thấy trông tôi trẻ như 30 tuổi”. Kèm theo đó là lời khuyên lầy lội: “Như năm ngoái” nhưng ông gây tò mò khi từ chối tiết lộ năm ngoài khuyên bạn trẻ điều gì.
Một số ông bà khác có những lời khuyên ý nghĩa đó cũng là mong ước của họ với các con, các cháu của mình. “Đó là những lời khuyên, những thông điệp mà các cụ tích góp cả một đời và bây giờ các cụ muốn chia sẻ lại với các bạn trẻ”, chị Hà bày tỏ.
Lời khuyên của bà Nhâm là “Chăm học, chăm làm”Lời khuyên của ông Bách được cư dân mạng ví như lý tưởng của Đảng“Không lấy chồng sớm” là lời khuyên của bà Hoạt làm các bạn nữ vô cùng thích thúTết đến rồi các bạn nhớ “Vui chơi lành mạnh” như lời khuyên của bà Tuyết nhé
Ngay sau khi được đăng tải, bộ ảnh về lời khuyên của các cụ nhanh chóng viral, được nhiều bạn trẻ chia sẻ lại. Các cụ bày tỏ thấy rất vui và bất ngờ khi biết những tâm sự vui của mình được hưởng ứng nhiệt tình và yêu thích nhiều như thế.
Bạn đang muốn sử dụng các dịch vụ của trung tâm dưỡng lão nhưng không biết nên lựa chọn trung tâm nào? Đó là câu hỏi luôn được đặt ra khi mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang được mở rộng. Trong những bài viết trước, chúng ta đã đề cập đến một số bí quyết lựa chọn viện dưỡng lão. Trong bài viết này chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm một số yếu tố khác.
Đội ngũ nhân viên chăm sóc
Điều dưỡng viên chính là những người trực tiếp chăm sóc và đảm bảo sự an toàn cho người cao tuổi. Vì thế thái độ, chuyên môn, kinh nghiệm của các bạn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để lựa chọn được viện dưỡng lão tốt nhất, các gia đình cần đến tận nơi để quan sát. Các nhân viên có vui vẻ, hòa đồng, thân thiện với người cao tuổi không? Họ có biết tên của các cụ không? Có nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các cụ không? Và đặc biệt chuyên môn họ có tốt không, có được đào tạo bài bản không?
Chỉ khi điều dưỡng yêu quý các cụ và tâm huyết với nghề và chuyên môn tốt thì họ mới chăm sóc tốt cho các cụ được. Diên Hồng không chỉ có cơ sở vật chất, trang thiết bị khang trang, hiện đại mà còn có đội ngũ điều dưỡng viên với trình độ chuyên môn cao, tận tụy, nhiệt tình chăm sóc hỏi người cao tuổi. Với mong muốn xây dựng Diên Hồng thành một nơi an dưỡng kiểu mẫu. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư vào nguồn nhân lực: 100% điều dưỡng viên nơi đây được tuyển dụng kỹ càng và tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng từ Trung cấp trở lên. Và đáp ứng tiêu chí sức khỏe, trẻ trung, năng động để truyền đi những năng lượng tích cực đến hàng trăm người cao tuổi đang sống tại Diên Hồng.
Hàng năm các bạn điều dưỡng đều được trung tâm cử đi tham gia các khóa đào tạo để nâng cao tay nghề.
Đội ngũ cán bộ nhân viên Diên Hồng, bằng kinh nghiệm chuyên môn, yêu nghề, chúng tôi luôn trăn trở mỗi ngày để đem đến những trải nghiệm thú vị trong cuộc sống thường nhật, giúp cho người cao tuổi tận hưởng một cuộc sống tươi vui, sinh động và thêm yêu cuộc sống.
Nếu có dịp ghé thăm Diên Hồng, mọi người sẽ thấy các bạn điều dưỡng chăm sóc và yêu thương các cụ như người thân trong nhà, biết được những thói quen, sở thích nhỏ nhất của các cụ. Và gọi các cụ bằng những cái tên thật thân thương “bố ơi”, “bu ơi”. Một số bạn điều dưỡng chia sẻ, khi làm việc ở Diên Hồng, được gặp gỡ, chăm sóc các cụ đã giúp các bạn tìm thấy được cảm giác yêu thương, gần gũi của ông bà mà rất lâu rồi các bạn không có được.
Nhân viên phục hồi chức năng chuyên biệt
Ở Diên Hồng, có phòng phục hồi chức năng dành riêng cho các cụ để hàng ngày xuống tập luyện và có nhân viên chuyên trách phụ trách phòng tập luyện. Nhân viên phụ trách cũng được tuyển dụng kỹ càng, phải tốt nghiệp học viện y học cổ truyền hoặc chuyên ngành đông y.
Kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi
Hiện tại, chưa có một cơ sở nào chuyên đào tạo về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Vì thế những viện dưỡng lão lâu năm sẽ có kinh nghiệm nhiều hơn. Tại dưỡng lão Diên Hồng, với kinh nghiệm hơn 5 năm, các quy trình chăm sóc người cao tuổi dần được chuẩn hóa và phù hợp theo từng tình trạng bệnh. Đồng thời khả năng xử lý tình huống khẩn cấp luôn nhanh nhạy, chính xác, hạn chế tối đa rủi ro cho người cao tuổi.
Chế độ chăm sóc y tế
Sức khỏe của người cao tuổi thường không ổn định, diễn biến thất thường. Do đó, gia đình cần tìm hiểu xem tại trung tâm chăm sóc đó có điều dưỡng trực 24/24 không? Có bác sỹ đến thăm khám cho các cụ không? Nếu các cụ gặp vấn đề về sức khỏe thì có được đi viện không?
Tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng luôn có các bạn điều dưỡng trực 24/24. Đặc biệt với những người cao tuổi có diễn biến thất thường sẽ càng được theo dõi chặt chẽ, sát sao hơn. Nếu các cụ xảy ra sự cố thì sẽ được đi viện để thăm khám kịp thời. Hàng tuần, bác sỹ sẽ khám định kỳ để phát hiện và theo dõi tình trạng sức khỏe của người cao tuổi.
Hy vọng các thông tin mà chúng tôi cung cấp ở trên sẽ giúp bạn hiểu hơn và có thể lựa chọn được một viện dưỡng lão phù hợp nhất để gửi gắm người thân của mình.
Xem thêm:
Bí quyết lựa chọn Viện dưỡng lão phần 2 – Cơ sở vật chất
Bí quyết lựa chọn viện dưỡng lão tốt nhất phần 1 tại đây
Khi nhắc đến viện dưỡng lão, nhiều người vẫn có cái
nhìn ái ngại về nó. Đằng sau cánh cổng ấy, mọi âm thanh, nhịp điệu của cuộc sống
đều ngưng lại. Và phía sau viện dưỡng lão là một thế giới ảm đạm, buồn tẻ. Nhưng
tại Dưỡng lão Diên Hồng vẫn là một cuộc sống đầy thi vị sắc màu. Và cuộc sống ấy
vẫn cứ nhẹ nhàng, chậm rãi theo từng tích tắc của thời gian.
Nhịp điệu của Diên Hồng vẫn đều đặn hàng ngày bằng
những bản nhạc chào buổi sáng. Các cụ thức dậy, đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá
nhân. Ngoài phòng sinh hoạt chung, các cụ quây quần lại cùng nhau ăn sáng, tiếng
nói cười rộn rã, vang vọng một khoảng trời.
Diên Hồng không hẳn là một viện dưỡng lão mà Diên Hồng
như ngôi nhà chung cho tất cả các cụ. Các cụ với những độ tuổi khác nhau, mang
trong mình những bệnh tật khác nhau và tính tình cũng không cụ nào giống cụ
nào. Nhưng khi đến với Diên Hồng, các cụ như hòa mình vào ngôi nhà chung, cùng
nhau ngủ 1 khung giờ, dậy cùng 1 giấc và ăn cùng 1 bữa cơm. Ngày ngày trò chuyện,
quan tâm như những người bạn tri kỷ.
Bà Lưu Thị Dung (89 tuổi), tính đến nay cũng đã hơn
3 năm bà sống tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Sáng nào cũng vậy bà thức dậy
từ rất sớm, tập những bài thể dục đơn giản hay đi bộ quanh các phòng. Giọng trầm
ngâm, bà chia sẻ: “Ngay sau khi trải qua
rạn nứt hôn nhân với người chồng của mình, bà được các cháu đưa vào Diên Hồng.
Từ đó bà mới tìm thấy được tự do, niềm vui của mình sau mấy chục năm bỏ lỡ”.
Căn phòng nhỏ của bà lúc nào cũng ngăn nắp, gọn gàng. Hàng ngày bà vẫn tự mình
tắm rửa, giặt quần áo, ở độ tuổi của bà hiếm có ai còn minh mẫn và khỏe mạnh
như bà. Bà bảo, Diên Hồng sẽ là nơi cùng bà gắn bó đến cuối đời.
Những hoạt động của các cụ tại Diên Hồng
“Thích
nhờ, ông bà già thế này mà vẫn còn được đi máy bay”,
tiếng bà Liên hóm hỉnh vang lên, kèm theo đó là nụ cười móm mém. Ai bảo già rồi
là không được ước mơ. Như các cụ Diên Hồng, gần hết đời người chỉ mong một lần
được đi máy bay xem nó thế nào, xem con chim sắt ấy có giống như trên ti vi
không. Cứ ngỡ đó là những câu nói chuyện vu vơ, ấy thế mà lại trở thành hiện thực.
Các cụ được lên máy bay, được cảm nhận bằng chính 5 giác quan của mình. Bà Hằng
xúc động: “Tôi năm nay 96 tuổi, nhưng đây
là lần đầu tiên tôi được đi máy bay, đi xong về tôi phải sống thêm được mấy năm
nữa để còn được đi máy bay lần 2, lần 3”. Chắc hẳn tuổi trẻ ai cũng còn nhiều
điều tiếc nuối. Nhưng đến với Diên Hồng các cụ có thể được làm những điều mình
thích hay những điều còn dang dở.
Làm những điều mình thích
Cuộc sống của Diên Hồng là một kho truyện đầy thú vị,
và những điều thú vị đến từ chính các cụ. Có cụ cả ngày chỉ ngồi nói chuyện một
mình mà không biết chán, hệt như đứa trẻ lên 5 trò chuyện, vui chơi với những người
bạn trong tưởng tượng. Có cụ thì ngày qua ngày ngồi phơi nắng trước lan can, đến
mức nắng chiếu sạm da nhưng nhất quyết vẫn không chịu đi chỗ khác. Hay có cụ đến
giờ ăn cơm nhưng không chịu ăn, một mực phải chờ cháu đi học về để ăn cùng như
trước đây. Các cụ là thế, dù cho không còn minh mẫn nhưng tận sâu bên trong vẫn
là những điều tốt đẹp và tuyệt vời nhất. Dù ở bất cứ nơi nào thì cuộc sống vẫn
thật muôn màu, muôn vẻ và các cụ hãy cứ vui vẻ, hồn nhiên, để mỗi phút giây qua
đi là những điều tuyệt vời.
Dinh dưỡng có ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe đối với tất cả mọi người, nhất là với người cao tuổi. Vì thế Diên Hồng đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi để đảm bảo sức khoẻ cho các ông bà đang sống tại trung tâm.
Sẽ không ít người muốn hiểu rõ hơn về thực đơn hàng ngày của người cao tuổi tại các viện dưỡng lão, nhất là những người đang có nhu cầu gửi gắm người thân. Liệu chế độ dinh dưỡng có được đảm bảo không? Có tốt cho sức khỏe của các cụ không? Thực đơn có được thay đổi đa dạng hay không?…Tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, ngoài sự chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ và chuyên nghiệp của điều dưỡng thì chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn của người cao tuổi luôn là điều luôn được chú trọng và quan tâm.
Chế độ ăn uống đa dạng
Tính đa dạng là điều bắt buộc mà các đầu bếp Diên Hồng cần thực hiện để các cụ có thể thay đổi khẩu vị. Người cao tuổi thường kén ăn hơn vì thế việc thay đổi món ăn liên tục sẽ giúp các cụ ăn ngon miệng hơn. Mỗi ngày, người cao tuổi sẽ ăn 3 bữa chính: sáng, trưa và tối. Ngoài ra có bữa phụ chiều như sữa tươi, sữa chua, hoa quả,…
Thông thường ở các gia đình, người cao tuổi thường ăn theo thực đơn chung của cả gia đình trong đó có nhiều món khô, cứng chỉ hợp với giới trẻ, không phù hợp với các ông bà. Chính vì vậy, Diên Hồng luôn tham khảo ý kiến của các bác sĩ để có một chế độ dinh dưỡng cho người già phù hợp.
Một số hình ảnh món ăn cho các cụ tại Diên Hồng
Món ăn của các bữa chính sẽ được thay đổi liên tục theo từng tuần, từng ngày theo sở thích và mong muốn của người cao tuổi. Món ăn được chế biến hấp dẫn để tránh gây nhàm chán cho các cụ. Đầu bếp của Diên Hồng chia sẻ: “Bếp Diên Hồng luôn cố gắng để đảm bảo một chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi thật hợp lý. Đồ ăn cho các cụ thì phải được nấu nhừ, rau phải mềm để các cụ dễ ăn. Các bạn điều dưỡng hôm nào cũng phải chuẩn bị đồ ăn cho các cụ, bóc vỏ tôm hoặc cắt nhỏ món ăn. Nói chung làm đồ ăn cho người cao tuổi khá cầu kỳ và mất nhiều thời gian nhưng vì sức khỏe của các cụ nên mọi người vẫn cảm thấy rất vui”.
Thực đơn đầy đủ dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe
Đối với người già chức năng hệ tiêu hóa bị suy giảm, dễ mắc chứng khó tiêu, nhai kém, ăn không ngon miệng. Mặt khác, người già cũng thường mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, viêm khớp,,…Vì vậy, thực đơn sẽ theo sự tư vấn của bác sỹ để phù hợp cho các cụ.
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Một món ăn ngon không chỉ nhìn qua hình thức bên ngoài, mà nguồn thực phẩm cũng phải đảm bảo. Các loại thịt, cá, rau củ,…được mua tại các trung tâm cung cấp thực phẩm an toàn, có chứng nhận của cơ quan chức năng do đó đảm bảo an toàn cho các cụ.
Chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi được bác sĩ Diên Hồng tư vấn cẩn thận
Đầu bếp luôn cố gắng để cải thiện chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi đang sống tại trung tâm
Với người cao tuổi, không chỉ cần có chế độ ăn uống khoa học mà cách chăm sóc, chế độ nghỉ ngơi cũng phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định. Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng luôn hướng đến những giá trị cốt lõi, mang tính nhân bản, luôn đặt người cao tuổi là trung tâm. Vì thế luôn dành những điều tốt nhất cho người cao tuổi để người cao tuổi được vui khỏe hơn mỗi ngày.
“Lấy đi một tờ giấy đang che mờ cụ ông, cụ bà là gạt bỏ 01 lý do bận để dành thời gian cho ông bà mình” là thông điệp kêu gọi dành nhiều sự quan tâm đến người già của Người cao tuổi đang sống tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Sự kiện được tổ chức tại phố đi bộ Hồ Gươm sáng 28/9 nhân ngày Quốc tế người cao tuổi.
Lối sống hiện đại với nhiều bận rộn đã làm lu mờ hình ảnh của
người già trong gia đình. 1001 lý do bận rộn chơi, bận rộn làm, bận rộn sống, bận
rộn nghỉ ngơi đã khiến nhiều người không còn có thời gian để dành cho ông bà
mình nữa. Vì vậy, nhân ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10, Trung tâm dưỡng lão
Diên Hồng tổ chức chuỗi hoạt động nhằm kêu gọi mọi người quan tâm hơn đến người
già.
Hình ảnh các cụ ông, cụ bà được dán giấy khắp người, mỗi tờ
giấy tượng trưng cho một lý do bận mà nhiều người gặp như bận đi làm, bận đi
công tác, bận đi du lịch, bận đi học, bận đi giao lưu…đã thu hút sự chú ý của
nhiều người. Với thông điệp “Có 1001 lý do làm che mờ sự hiện diện của người
già trong gia đình. Lấy đi một tờ giấy là đồng ý gạt bỏ đi một lý do để dành thời
gian cho ông bà mình”, dự án thu hút nhiều gia đình, các bạn trẻ cùng nhau gỡ bỏ
1 tờ giấy trên người các cụ và viết cam kết dành thời gian mỗi ngày, mỗi tuần
cho ông bà, bố mẹ mình.
Những lời cam kết như “Em sẽ dành cả ngày cuối tuần cho ông
bà”, “Thứ 7, CN hàng tuần sẽ về thăm gia đình và ông bà, trừ khi phải đi học hoặc
có công việc gấp. Xin thề”, “Tôi cam kết dành ra 120 phút mỗi ngày cho ông bà”,
“Tôi cam kết dành ra 60 phút/tuần cho ông bà mình” sẽ là món quà tuyệt vời nhất
dành cho người cao tuổi trong dịp này. Ông Phạm Văn Tín – một người cao tuổi tham gia
vào dự án tâm sự: “Các con, các cháu thường xuyên vào trung tâm thăm tôi nên
tôi luôn cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên, tôi biết nhiều người không được quan
tâm như vậy nên khi các cháu mời là tôi hào hứng tham gia cùng. Thấy nhiều người
quan tâm và viết cam kết, tôi cũng mừng.”
Chia sẻ về lí do tổ chức hoạt động này, chị Hoàng Thị Thu
Ngân – Trưởng dự án cho biết: “Quan sát các cụ ở trung tâm tôi thấy rằng cứ mỗi
lần các cụ được con cháu tới thăm hoặc gọi điện thoại thì các cụ đều rất vui.
Thậm chí có lúc người nhà bận không vào được, chỉ gửi quà thì các cụ cũng không
vui bằng. Chính vì thế nên tôi mong muốn mọi người sẽ dành nhiều thời gian để
trò chuyện với các cụ hơn”.
Bên cạnh hoạt động tại phố đi bộ Hồ Gươm, dự án cũng tổ chức
chương trình thử thách “1 phút mỗi ngày vì nụ cười của người già” với cách thức
đơn giản là gọi điện thoại hoặc ngồi nói chuyện trực tiếp với ông bà hoặc bố mẹ
tối thiểu 01 phút mỗi ngày và thực hiện thử thách liên tục trong 1 tuần.
Đưa người già sống trong các trung tâm chăm sóc người già hiện nay vẫn còn là một lựa chọn mang đến nhiều ý kiến trái chiều không chỉ trong cộng đồng người cao tuổi mà cả với những người trẻ tuổi.
Những người ủng hộ đa phần có tư duy mở hoặc đã có những trải nghiệm nhất định liên quan đến việc chăm sóc người già trong gia đình. Chị Lương Diệu (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Xu hướng xã hội hiện nay là con người trước tiên sẽ học hành, tạo dựng sự nghiệp sau đó mới lập gia đình sinh con, số lương con ít. Đồng thời tuổi thọ trung bình tăng cao, tuổi nghỉ hưu cũng tăng lên khiến cho con cái không thể chăm sóc bố mẹ khi về già vì chính họ cũng còn đang bận công việc, bận chăm sóc con cháu của họ. Kể cả khi họ đã về hưu thì chưa chắc họ đã còn đủ khỏe mạnh để chăm sóc bố mẹ vì có khi bản thân họ cũng mang bệnh. Hơn thế nữa, nhiều thế hệ chung sống dưới 1 mái nhà dường khó khăn vì người già và người trẻ có nhu cầu, nhịp sinh hoạt khác nhau khó có thể dung hòa, khẩu vị cũng khác… Nói thật, cứ 2-3-4 thế hệ ở líu ríu với nhau xong phát sinh lắm chuyện, để y lời ăn tiếng nói gây nhau, chẳng vui vẻ gì. Bố mẹ già không thoải mái, con cháu cũng chẳng thích. Nhà dưỡng lão là tất yếu và phù hợp với nhu cầu cũng sự phát triển của xã hội. Ở đâu cũng được, miễn thấy vui vẻ, yêu đời chứ nặng nề chuyện trách nhiệm để rồi làm khó nhau mà làm gì. Tuy nhiên chi phí cũng cần phải cân nhắc vì không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện đưa bố mẹ vào các trung tâm chăm sóc người già.”
Người già cùng tham gia các hoạt động tập thể tại viện dưỡng lão
Đồng tình với ý kiến này, anh Minh Khang (Hà Đông, Hà Nội) cũng tâm sự: “Biết rằng bố mẹ là người sinh ra mình đấy nhưng có ở trong hoàn cảnh này mới hiểu như thế nào là tốt nhất cho bố mẹ. Vậy nên đừng ai đánh giá chuyện con cháu gửi bố mẹ vào nhà dưỡng lão. Lựa chọn như thế nào là tùy vào điều kiện và hoàn cảnh của từng nhà”. Như gia đình anh Khang, con cháu thì đi làm về muộn, người làm kinh doanh tự do, người làm công ty phải đi công tác nhiều thành ra bận bịu. Sáng vội vã đi làm, tối về lại chuyện con cái học hành thành ra cũng không có thời gian chăm sóc mẹ già. Chưa kể mẹ anh ở nhà cả ngày một mình, có lúc huyết áp tang, chóng mặt ngã xuống chẳng ai biết. Mà cụ quanh ra quẩn vào 1 mình trông nhà cũng chán. May có trung tâm chăm sóc người già khá gần nhà nên anh thấy yên tâm hẳn, tuần vài lần vào thăm mẹ, bà thì vui khỏe bên các cụ khác mà anh chị cũng yên tâm.
Đa phần mọi người đều đồng ý rằng nhà dưỡng lão
là hợp lý nhất cho người già vì lối sống hiện đại nhiều mối quan tâm, con cháu
không thể lúc nào cũng ở bên ông bà cha mẹ. Sinh hoạt của các cụ khác hẳn với
con cháu: Ăn sớm ngủ sớm; chỉ ăn các món ăn truyền thống, món ăn mới lạ là
không ăn được; ti vi chỉ xem hình không cho mở tiếng; ồn ào là không chịu được,
bứt rứt, khó chịu.
Thậm chí một số người còn nhấn mạnh: “Vào trung
tâm dưỡng lão các cụ có thêm bạn và có người chăm sóc đầy đủ. Vào đó giờ giấc sinh
hoạt hợp lí, ăn uống đúng bữa đúng giờ lại có bạn già tâm sự thì hạnh phúc hơn
nhiều ở nhà. Kể cả ở nhà có được chăm sóc tốt đến mấy nhưng không có người bầu
bạn thì cũng như không. Đáng thương chính là các cụ bị nhốt ở nhà, nằm trên
giường hoặc thui thủi 4 bức tường. Thậm chí có cụ bị trói chân tay mấy năm trời
trước khi chết vì cứ giãy giụa hoặc giật bỉm ra. Đấy mới là đáng thương”.
Trước những ý kiến cho rằng đưa ông bà vào viện dưỡng lão là đáng lên án, cô Hồng Nhung (Thanh Xuân, Hà Nội) tỏ ra không hài lòng: “Nếu ông bà thoải mái thì vào trung tâm dưỡng lão cũng ko có gì là xấu. Với những người khỏe mạnh, tự đi xe bus, đi taxi đi chơi, thăm thú khắp nơi được thì không nói. Nhưng với những người cao tuổi, đi lại khó khăn muốn tìm người bầu bạn cũng rất khó. Trong khi con cháu còn đi học đi làm nên thường ở nhà 1 mình, ăn trưa một mình cũng rất buồn. Con cái có lòng thuê giúp việc đến vừa chăm sóc bầu bạn nhưng họ không có chuyên môn mà cũng khó tìm được người phù hợp. Thế nên ở nhà với giúp việc thì không thể yên tâm bằng ở trong trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Vào ở những chỗ như vậy mà ông bà đồng ý và thấy thích thì quá tuyệt rồi còn gì nữa.”
Không đồng tình với việc gửi cha mẹ vào nhà dưỡng
lão, chị Thanh Tú (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: “Mình lại nghĩ các cụ tuổi
cao như vậy rồi thì chẳng cần cơm bưng nước rót, chăm sóc từng ly từng tí như ở
nhà dưỡng lão, có chăm thế chăm nữa các cụ cũng có sống thêm được bao lâu đâu.
Chẳng thà để ông bà ở nhà với con cháu, dù có bận việc bận học cả ngày ít ra
tối cũng về nhà nhìn mặt nhau một cái chứ. Còn loại con cháu mượn cớ bận bịu
rồi cả tuần cả tháng chẳng hỏi han ông bà lấy một câu thì có ở nhà hay nhà
dưỡng lão cũng như nhau cả thôi. Trước khi đưa ba mẹ vào đây các bạn hãy nghĩ
đến cảm giác khi nhỏ bản thân mình bị ném vào 1 trường mẫu giáo khi mới 1 tuổi.
Không ai thương con bằng ba mẹ, bây giờ ba mẹ già được cơ hội báo hiếu thì đùn
đẩy trách nhiệm. Ai có con rồi sẽ hiểu, mình mang nặng đẻ đau nuôi con cực khổ
như thế nào thì ba mẹ cũng đã từng nuôi mình cực khổ như vậy. Mình đối xử với
ba mẹ như thế nào thì con mình sau này cũng sẽ đối xử với mình như vậy.”
Ở viện dưỡng lão, người già thường xuyên tham gia các hoạt động giao lưu với các đoàn sinh viên thực tập hoặc tình nguyện viên
Chị Thanh Tú cũng phản đối những ý kiến cho rằng không lo được cho ba mẹ không vì không có thời gian, con cái công việc. Chị chia sẻ: “Đẻ ra 3 đứa con , nuôi ăn học , cưới vợ gả chồng. Chưa bao giờ ba mẹ nói là bận công việc hay không có thời gian mà cho con vào trại mồ côi. Trong con cái thì nói do công việc thời gian mà phải để ba mẹ vào viện dưỡng . Vào trung tâm thì thấy sướng cơm bưng nước rót , ốm đau đã có thầy thuốc… đấy là ta chỉ thấy bề nổi. Ông cha ta đã có câu “Trẻ cậy cha già cậy con” người già đôi khi thay đổi tính nết nhưng mãi mãi vẫn muốn sống gần các con đấy là niềm vui và an ủi nhất không gì so sánh được. Có những người mẹ người cha nẳm liệt giường nhưng con cái vẫn chăm sóc tận tình mặc dù chỉ còn là cái bóng nhưng bù lại họ được nhìn thấy hàng ngày được chuyện trò được tự tay chăm sóc cho tới cuối cuộc đởi không phải lăn tăn ân hận. Thật lòng riêng tôi không nỡ đưa bố mẹ già vào trung tâm chăm sóc người già cho dù có đủ điều kiện về kinh tế chằng nữa”.
Việc ủng hộ đưa người già vào sống trong trung tâm chăm sóc người già hay không là do quan điểm và hoành cảnh của mỗi người. Mọi sự so sánh đều khập khiễng bởi mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Trẻ nhỏ thì đi học ở trường mầm non, người già sinh hoạt ở viện dưỡng lão cũng có cái lý riêng của nó. Chính vì vậy, điều tốt nhất chúng ta có thể làm chính là tôn trọng quyết định của mỗi gia đình, không nên áp đặt suy nghĩ của mình để gây áp lực cho những người không cùng quan điểm.