Nhân dịp kỷ niệm 6 năm thành lập Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (21/9/2014 – 21/9/2020)
Tôi là Đinh Đức Lâm (75 tuổi), Thương binh loại ¾. Là Hiệu trưởng trường Phổ thông cấp 2 , đã về nghỉ hưu, quê ở Tiên động, Tứ Kỳ, Hải Dương.
Do tôi có chút biến cố về sức khỏe nên các con đã động viên, mời cả hai bố mẹ đi nghỉ dưỡng vài tháng tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, Hà Nội để có người chăm sóc hàng ngày, đến nay đã gần 2 tháng (Từ ngày 5/7/2020). Dự kiến vợ chồng tôi sẽ ở đây hết tháng 9/2020, khi thể lực và tinh thần đã khỏe mạnh trở lại thì sẽ trở về quê hương. Đây đúng như là một chuyến đi nghỉ dưỡng dài ngày rất phù hợp dành cho những người già như chúng tôi những khi cần thiết và con cái có điều kiện về tài chính.
Khu nhà nghỉ dưỡng cao 6 tầng với mấy chục phòng, được xây dựng nguy nga trên một khu đất rộng mênh mông, thoáng mát và yên tĩnh, xa đường quốc lộ. Nơi đây rất phù hợp với người già cần tĩnh mịch trong lành.
Với dòng khẩu hiệu được thêu dệt tinh tế trên tường ở sảnh tầng 1: “Dưỡng lão Diên Hồng, Chăm như chăm người thân”, thật cảm động về tình người. Một tình cảm từ tâm huyết của người lãnh đạo trung tâm.
Trước hết, tôi thấy hài lòng về sự sắp xếp khoa học của tất cả các phòng nghỉ cho người già. Phòng nào cũng ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Từ giường nằm đến tủ quần áo, tủ lạnh, điều hòa, nóng lạnh đều được trang bị đầy đủ, rất thuận tiện cho người cao tuổi sử dụng. Điều nổi bật ở nơi đây, là đội ngũ cán bộ nhân viên đều đáng trân trọng. Họ đều trẻ trung, tươi đẹp. Họ làm việc thật say sưa, tự giác cao và nề nếp. Họ kính trọng người già như kính trọng ông bà, bố mẹ mình vậy.
Tôi bị bệnh liệt dây thần kinh số 7, nên mỗi ngày đều phải châm cứu một lần. Có ngày là y sỹ Kim Quy châm cứu, đó là một y sỹ giàu kinh nghiệm, làm việc thận trọng, đáng khen ngợi. Có ngày thì bác sỹ Trần Thị Hoa châm cứu. Đó là một bác sỹ trẻ mới ra trường nhưng rất có trách nhiệm khi làm việc và có chuyên môn cao. Tôi thấy rất thoải mái sau mỗi lần được bác sỹ châm cứu và bấm huyệt. Không những thế, hằng ngày tôi được điều dưỡng viên xoa bóp chân tay, giúp cơ thể dễ chịu. Tôi thầm cảm ơn các cháu điều dưỡng viên như cháu: Nguyễn Thị Hoa, cháu Dương Văn Quý, cháu Huyền, cháu Thúy, cháu Chinh, cháu Huấn,….Ngoài ra nhiều cháu điều dưỡng không trực tiếp chăm sóc nhưng vẫn rất quan tâm, chăm lo tới sức khỏe như cháu Đào Quang Đức, điều dưỡng trưởng, cháu Lê Quang Trọng, điều dưỡng của Trung tâm,…
Ở Trung tâm còn có nhiều hoạt động phong phú. Cứ 1 đến 2 tuần lại tổ chức một chuyên đề cho cho người già. Như chuyên đề “Thơ ca”, để khai thác năng khiếu làm thơ của các cụ. Hay chuyên đề về “nàng dâu mẹ chồng” có tác dụng giáo dục cho các cháu nhân viên nữ trong việc ứng xử với mẹ chồng. Người chỉ đạo các chuyên đề là Ngân và Hà, hai cháu rất xinh xắn và năng động.
Trung tâm còn tổ chức cuộc thi hoa khôi, nam vương, thi vấn đáp bốc thăm và trả lời các câu hỏi trong cuộc thi. Nhiều câu hỏi có ý nghĩa được các nhân viên trả lời sống động được Ban giám khảo nhận xét đánh giá cho điểm cao. Tiêu biểu là cháu Trần Thị Chinh, cơ sở 2 và Ngô Duy Phúc cơ sở 1.
Về sinh hoạt hằng ngày, ngày 3 bữa là những bữa cơm tươi sốt được ban hậu cần khéo tay chuẩn bị, đảm bảo sức khỏe cho hơn trăm cụ ở đây. Mấy chục phòng của Trung tâm, ngày ngày được các cô nhân viên vệ sinh, lau chùi sạch bóng thơm mát, làm các cụ rất hài lòng.
Để gặp được người lãnh đạo của Trung tâm không khó, tôi đã gặp được Tổng giám đốc Đỗ Trần Hồ Thắng, một lãnh đạo trẻ trung, thanh nhã. Qua tiếp xúc tôi thấy anh như một bác sỹ thực thụ, anh am hiểu về chuyên môn. Tìm hiểu ra thì được biết anh đã có nhiều chuyên môn về dược lý, bệnh học. Tôi cảm phục và đã tâm sự với Tổng giám đốc nhiều điều.
Hai Phó tổng Trần Thị Thúy Nga và Hoàng Thị Thu Ngân là người xinh xắn, dễ gần, cởi mở, hòa đồng với cán bộ nhân viên. Rồi đến trưởng phòng kinh doanh Lan Anh, trẻ trung, xinh đẹp, làm việc tận tụy.
Ở trung tâm còn tổ chức sinh nhật cho các cụ, có bánh kẹo liên hoan và đại diện lãnh đạo Trung tâm có những lời chúc tốt đẹp. Đó là nguồn động viên lớn cho các cụ phấn khởi, vui vẻ, như sống bên các con cháu ruột thịt của mình.
Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng có nhiều điểm sáng, và rất cần các cấp lãnh đạo từ quận huyện đến thành phố quan tâm, tạo điều kiện cho trung tâm được phát triển hơn nữa, góp phần vào việc chăm sóc người già. Mô hình hoạt động này mang tính nhân văn sâu sắc nên cần được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Tôi trân trọng cảm ơn Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng đã giúp tôi sau vài tháng khôi phục được sức khỏe ngày một tốt hơn, mặc dù đã 75 tuổi.
Tôi chân thành chúc Ban lãnh đạo và Cán bộ nhân viên Trung tâm ngày càng mạnh khỏe, phát triển bền vững.
Hà Nội, ngày 1/9/2020
Người viết
Đinh Đức Lâm