Vì sao các cụ trong viện dưỡng lão thấy hạnh phúc, người ngoài nhìn vào lại thấy bất hạnh? Đó là nghịch lý sinh ra từ định kiến. Và chính những người làm truyền thông đang tiếp tục tạo ra một định kiến kế tiếp cho xã hội.
Chúng tôi đến thăm nhiều cơ sở dưỡng lão tại Hà Nội. Những căn phòng được bố trí đầy đủ tiện nghi, sạch sẽ, ngăn nắp. Các cụ sống vui khỏe và được chăm sóc tận tình. Nhiều cụ kể, ngày tết không muốn về, chỉ muốn con cháu vào nhà dưỡng lão để vừa quây quần đoàn tụ vừa được sinh hoạt văn nghệ với những người bạn già.
Hình ảnh các cụ vui vẻ, hỏi han nhau trong Viện dưỡng lão
Chính truyền thông đang định kiến
Thế nhưng, mỗi dịp tết đến xuân về, báo chí, truyền thông thường khắc khoải những câu chuyện đầy nước mắt đằng sau nụ cười trong viện dưỡng lão.
Chuyện kể về những người già cô độc mỏi mắt ngóng trông con cháu, từ trong sâu thẳm ước ao một cái tết bên người thân. Đó là bi kịch xót lòng như anh em chối bỏ, đùn đẩy trách nhiệm nuôi cha mẹ già yếu và kết cục là đưa vào viện dưỡng lão để “thoát nợ”.
Những góc khuất của đời sống này vẫn luôn tồn tại nhưng không phải là tất cả. Truyền thông đang phản ánh đúng nhưng không đủ, thiên lệch phản ánh những nỗi đau nhiều hơn là niềm vui trong viện dưỡng lão.
Vì sao người ở trong thấy hạnh phúc, người ngoài nhìn vào lại thấy bất hạnh? Đó chính là nghịch lý sinh ra từ định kiến. Nhiều người vẫn nhìn những trung tâm dưỡng lão bằng con mắt ác cảm. Phải chăng truyền thông cũng có một phần trách nhiệm trong chuyện này?
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nhận định, rõ ràng, truyền thông góp phần tác động đến nhìn nhận chung của xã hội về viện dưỡng lão. Tất cả mọi câu chuyện khi chỉ đưa một chiều sẽ tạo nhận thức sai lệch.
Chuyên gia này phân tích, câu chuyện về viện dưỡng lão nhiều khi vượt ra khỏi tầm hiểu biết và nhận thức của những người làm truyền thông. Chính bản thân họ đang bị áp đặt bởi những định kiến và thiên kiến của mình vào quá trình tác nghiệp. Tức là ngay từ đầu, người ta đã đặt ra bài toán làm phóng sự về nỗi cô đơn của người già ở viện dưỡng vào dịp tết để thức tỉnh những người con vô trách nhiệm.
Ngược lại, nếu đặt ra bài toán “Không biết ngày tết, những cụ trong viện dưỡng lão có suy nghĩ thế nào?” thì sẽ cho ra một đáp án hoàn toàn khác. Chính người làm truyền thông mới là những người phải thay đổi và gỡ bỏ thiên kiến của mình đầu tiên. Cần nhận thức được rằng chính truyền thông đang làm dày thêm định kiến và lại tiếp tục tạo ra một định kiến kế tiếp cho xã hội.
Đừng để “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”!
Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Long, để giải quyết vấn đề xã hội, biện pháp căn cơ nhất phải xuất phát từ một tổ chức xã hội. Và chính Hội Người cao tuổi cần phải nhận thức được sứ mệnh thay đổi định kiến.
Công chúng là đối tượng cuối cùng mà hội tác động. Những đối tượng cần tác động đầu tiên là những người có khả năng tạo ra ảnh hưởng. Đó chính là giới báo chí truyền thông, người làm quảng cáo, hoạt động nghệ thuật, làm luật…
Những buổi tập huấn của hội về người cao tuổi, truyền thông phải tham gia đầu tiên. Lúc đó, họ mới thay đổi định kiến và thay đổi thông qua tác phẩm truyền thông của mình rồi truyền tải đến công chúng.
Chuyên gia Ngọc Long kiến giải: “Hội Người cao tuổi phải nghiên cứu, khảo sát toàn diện các cơ sở dưỡng lão, tránh trường hợp “thầy bói xem voi”. Từ một nền tảng lý thuyết và cơ sở thực tiễn đúng, hướng dẫn truyền thông và giới nghệ thuật nên truyền bá thông điệp như thế nào, tránh trường hợp “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Đừng để truyền thông bị đơn độc!”.
Theo Thảo Anh/Báo Lao động