Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

Háo hức chờ trung thu đến lại được nghe bà kể chuyện trung thu thời bao cấp

Chỉ còn vài ngày nữa là đã đến trung thu, ngày mà tất cả trẻ em đều háo hức và mong đợi được bố mẹ mua cho những chiếc đèn lồng rực rỡ, những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh hay những món đồ chơi thú vị. Cũng sống trong niềm háo hức ấy, ở 1 nơi rất đặc biệt cũng có những cô cậu thiếu nhi đặc biệt, những cô cậu thiếu nhi“ U70” đang rất mong chờ đến tết trung thu.

Các U nhà ta đang khoe những chiếc mặt nạ tự tay tô màu.

Tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, không khí trung thu đang được các cụ hâm nóng theo từng ngày. Trước ngày lễ, các cụ đã tự tay chuẩn bị các món đồ chơi biểu tượng không thể thiếu trong ngày trung thu. Những chiếc đèn ông sao được các cụ cắt dán hết sức tỉ mỉ, những chiếc mặt nạ giấy bồi cũng được các cụ nhà ta tô vẽ cực đáng yêu.Những cụ khỏe mạnh thì ngồi làm trực tiếp, còn những cụ yếu hơn thì ngồi bên cạnh xem và kể cho nhau những câu chuyện về tết thiếu nhi của  ngày xưa.

Cụ bà tươi cười bên chiếc mặt lạ chú tễu

Được ngồi cùng các cụ làm đèn ông sao, vẽ mặt nạ và đặc biệt hơn đó là được lắng nghe những câu chuyện đầy màu xa xưa về tết thiếu nhi của các cụ là điều vừa thân quen nhưng cũng đầy mới mẻ với những người trẻ tuổi như tôi.Trong những câu chuyện các cụ kể có lẽ ấn tượng nhất với tôi là câu chuyện “ Ăn bánh trung thu nấu bằng đạm” của u Yên.

U Yên vui vẻ tạo dáng với hoa hướng dương

U kể ngày đấy u còn bé tí, nhà có 5 anh chị em, nghèo lắm, lúc nào cũng đói, làm gì có cái gì mà ăn đâu. Đợi mãi đến tết trung thu mới được nhà nước phát bánh kẹo cho trẻ con, vì ngày đấy còn là thời bao cấp. Cả năm chỉ có tết với trung thu mới được ăn kẹo thôi.

-Háo hức lắm con ạ, u chả nhớ rõ năm bao nhiêu nữa, già rồi mà chỉ nhớ hôm đấy ba u ra ngoài ủy ban xã để lấy phần kẹo bánh về chia cho các con ở nhà. Mấy anh em trực chờ mỏi mồm đến lúc ba về lại dặn là không được ăn, phải đợi đến tối để phá cỗ. Rồi ba cất bánh trên thùng gạo. Mấy anh em u thèm lắm nhưng sợ ba đánh nên chỉ dám nhìn tóm tém với nhau rồi chạy ra ngoài sân chơi. Nhưng trẻ con mà con, thèm lắm rồi, cả năm mới được ăn bánh kẹo 1, 2 lần. Chứ làm gì có nhiều mà ăn như bây giờ đâu. Lúc thấy ba cầm bánh kẹo về nhiều nên mấy anh em nghĩ ăn vụng 1, 2 chiếc chắc ba không biết đâu. Thế là đợi lúc ba đi làm mấy anh em u chạy vào chia nhau ăn vụng 3 cái bánh nướng với 2 cái kẹo đường.

-Con có biết kẹo đường không?

-Dạ con không ạ!

-Ôi, kẹo đường ngon lắm con!

-Ôi thế rồi sao nữa u ? U ăn vùng thế về ba u đánh toét mông à? Con nghe bố con kể, ngày trước ông bà mình đánh dữ lắm.

-U bảo:

– Không con ơi, anh em u chỉ ăn 1 ít thôi, thèm lắm, mình u ăn hết chỗ bánh ấy còn được ấy chứ? Nhưng sợ ba biết , ba đánh toét mông nên chỉ dám ăn 1 phần bé thôi.Xong lại gói gém y như cũ ấy. Rồi ra ngoài chơi tiếp, được 1 lúc thì loa phát thanh kêu ầm lên là không được ăn bánh trung thu, vì có 1 số lô bánh bị bỏ nhầm đường thành đạm ( phân bón cây ) vào nấu bánh trung thu. Ối dời ơi, mấy anh em sợ xanh mắt mèo. U với chị hai còn ôm nhau khóc vì sợ ăn bánh có đạm sẽ bị chết. Buồn cười lắm con ạ. Nhưng lúc ấy sợ lắm.

-Rồi tối ba đi làm về gọi hết ra hỏi đã đứa nào ăn bánh chưa? Mấy anh em biết tin bánh bị nấu có đạm rồi nhưng vẫn sợ ba đánh nên nói chưa ăn. Thế là ba bảo mang hết bánh vứt đi, vì ai mà biết lô bánh nào bị nấu đạm. Cứ vứt đi cho an toàn. Thề là ông anh cả  mang bánh xuống bếp định vứt vào bếp để đốt nhưng nghĩ tiếc nên giấu vào chạn bát. Đến mai thấy mấy anh em không ai bị làm sao nên anh cả lại mang bánh ra chia. Mấy anh em ăn ngon lành mà vẫn chẳng bị gì, thế còn dại đi nói với ba thành ra ông lôi cả đám ra đánh. Trận đấy bị đánh nhớ đời vì tội tham ăn mà còn đi nói với ba.

-U ơi buồn cười quá, hồi đấy sao u lại ngây thơ đáng yêu vậy cơ chứ? Thế bây giờ con mua bánh trung thu cho các u, các ông ăn nhé.

-U mày chịu, cho cả rổ bây giờ cũng chả ăn được….

Thời gian rồi sẽ nhuốm vàng cuộc sống, nhưng kỉ niệm thì sẽ theo ta đến hết cuộc đời. Hi vọng tuổi trẻ của chúng ta sẽ sống thật ý nghĩa để khi về già như các cụ chúng ta cũng sẽ có những câu chuyện truyền cảm hứng đến con cháu mình như thế này…!

Leave a Reply

Your email address will not be published.

twelve − 3 =