Mẹ chồng tôi năm nay đã 82 tuổi về làm dâu phố Hàng Lược – một con phố cổ Hà Nội đã được gần 60 năm. Bà chỉ có một người con trai duy nhất là chồng tôi nên ba mẹ chồng tôi dồn hết tình yêu thương chăm sóc và dạy dỗ. Mẹ chồng tôi rất chịu khó, tần tảo. Bà đảm đương việc bếp núc rất chu đáo và cẩn thận. Tôi hầu như không phải lo chuyện cơm nước, chợ búa. Ba mẹ chồng tôi là cán bộ nghỉ hưu, sống rất tình cảm. Ông bà luôn tâm tình thủ thỉ và đi đâu cũng có nhau, cho tới khi ông mất năm 2019, bà như mất đi chỗ dựa tinh thần. Kể từ đó bà rất buồn phiền, không biết tâm sự, nói chuyện cùng ai, sinh ra u uất, trầm tư. Con cháu đi làm, đi học cả ngày từ sáng đến tối. Bà ở nhà một mình, không giao lưu và đi ra ngoài, bà lấy tivi làm vui. Công việc của chồng tôi nhiều khi không chủ động được thời gian, còn tôi thì bận rộn, sáng rời nhà khi trời còn tối và kết thúc công việc cũng đã tối trời. Con gái tôi đang tuổi ăn học, cháu đi học suốt ngày từ chính khóa đến ngoại khóa. Vì tính chất công việc bận rộn nên tôi thường đi chợ cho cả tuần, mẹ tôi ở nhà tự lo việc ăn uống, nhiều khi bà ăn uống qua loa và cũng đại khái với sức khỏe của bản thân. Bà rất ngại đi bệnh viện, mỗi khi mệt hoặc đau yếu thì bà thường nói chồng tôi đi mua thuốc, không mấy khi đến bệnh viện thăm khám.
Bà Yến tham gia cuộc thi Olympic tại Diên Hồng
Công việc cứ hối hả cuốn đi cho đến ngày mẹ tôi phải nhập viện cấp cứu. Bà bị tai biến và bị liệt nửa người, không đi lại và tự chăm sóc bản thân như trước được nữa. Bà phải điều trị dài ngày ở bệnh viện. Chăm sóc bà như thế nào đây? Những lần nhập viện trước bà không chịu để người ngoài chăm sóc nhưng lần này bà yếu hơn nên dù bà có phản đối thì chúng tôi vẫn phải tìm người chăm sóc bà những lúc vợ chồng tôi đi vắng. Và may là bệnh viện có dịch vụ chăm sóc nên chúng tôi cũng không phải vất vả ngược xuôi như trước.
Rồi thời gian điều trị của bà ở bệnh viện cũng sắp hết. Hai vợ chồng tôi loay hoay suy tính về việc chăm sóc mẹ tôi như thế nào sau khi trở về nhà. Gia đình tôi rất neo người. Hai vợ chồng đi làm cả ngày? Làm thế nào đây? Chúng tôi có thể nghỉ ít ngày nhưng dài ngày thì tính sao? Cũng không thể để mẹ ở nhà một mình như trước. Tìm người giúp việc tại nhà ư! Có nhiều bất tiện trong sinh hoạt khi có người lạ trong nhà. Rồi người giúp việc có kỹ năng chăm sóc người bệnh không, có làm mình làm mẩy như nhiều gia đình khác không. Hay nay xin về mai xin nghỉ. Một ngày, một tuần có thể cố gắng nhưng kéo dài thì làm thế nào. Trăm thứ phải suy tính!!!
Tôi chợt nhớ có đồng nghiệp đã từng chia sẻ khi đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão. Tôi hỏi kinh nghiệm và được cậu em đồng nghiệp chia sẻ những điều mà tôi đang băn khoăn như chăm sóc các cụ cao tuổi như thế nào, chi phí ra sao, tâm tư của các cụ khi vào trung tâm. Ngay hôm đó, tôi tìm hỏi mấy viện dưỡng lão mà cậu em đồng nghiệp giới thiệu, nhưng đa phần ở xa, không thuận tiện với gia đình chúng tôi.
Tôi search thử trên google thì biết đến dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 3 tại số 9 ngõ 649 Lĩnh Nam. Cơ sở cũng khá gần nhà và thuận tiện cho đi lại, thăm nom. Tôi mừng như tìm được phao cứu sinh. Sau đó gọi cho cơ sở để trao đổi về nhu cầu và mong muốn của gia đình. Tôi được cháu Tùng Anh tư vấn, hướng dẫn rất nhiệt tình. Khi đã có thông tin sơ bộ, chồng tôi đã đến trung tâm tìm hiểu về cơ sở vật chất, trao đổi các thủ tục cần thiết trước khi đưa bà vào. Khi về chồng tôi chia sẻ những thông tin và tôi thấy dưỡng lão Diên Hồng – cơ sở 3 rất phù hợp với gia đình chúng tôi, tôi cảm thấy như nhẹ đi phần nào những băn khoăn lo lắng trong lòng.
Hôm sau mẹ chồng tôi xuất viện, về đến trung tâm đã hơn 12h trưa. Bà được các cháu ở đây làm thủ tục nhanh chóng. Vì quá giờ trưa bà cũng khá đói nên các cháu đưa lên tầng ăn trưa và nghỉ ngơi. Mặc dù gia đình tôi còn chưa hoàn tất thủ tục. Cuối tuần tôi đến thăm mẹ và tham quan cơ sở vật chất. Cơ sở 3 là một tòa nhà 6 tầng, có thang máy, có sân rộng cây xanh mát mẻ, sạch sẽ, không gian yên tĩnh, thoáng mát rất phù hợp với người cao tuổi, người bệnh. Tôi được các cháu giới thiệu các tầng, các phòng chức năng từ nhà bếp, phòng tập đến nơi sinh hoạt chung. Các cụ được chăm sóc từ ăn uống, vệ sinh cá nhân và vui chơi hàng ngày để các cụ vui vẻ, khỏe mạnh và không cảm thấy gò bó khi ở một nơi không phải nhà mình.
Tôi thực sự thấy yên tâm khi gửi mẹ vào dưỡng lão Diên Hồng vì ở nhà chúng tôi cũng không thể chăm sóc bà đầy đủ. Ở trung tâm mẹ tôi được chăm sóc y tế, sinh hoạt tập thể như chơi thể thao, đọc sách, hoạt động văn nghệ, làm đồ thủ công…Những ngày lễ, tết có các hoạt động rất vui và ý nghĩa như tổ chức ngày hội chợ tết với tên gọi “Phiên chợ quê” cho các cụ và các gia đình có người thân đang an dưỡng tại Trung Tâm, các gia đình tham gia rất vui. Ở nhà mẹ tôi rất ít khi ra khỏi nhà, ngại giao tiếp vậy mà khi vào Trung tâm bà như được trẻ lại, bà hát bài “Đôi bờ” bằng tiếng Nga, điều mà con cháu chưa bao giờ nghe hoặc biết.
Mẹ tôi là người tính khí thất thường, vui đó buồn đó, cũng khó chiều ngay khi ở nhà, giờ giấc ăn uống – sinh hoạt không khoa học, nhiều hôm nhịn ăn sáng hoặc ăn sáng muộn là bỏ bữa trưa. Vào Trung tâm sinh hoạt phải đúng giờ nên nhiều khi bà thấy khó chịu, đến giờ chưa muốn ăn làm các cháu phải thủ thỉ, dỗ dành rất nhiều. Chăm sóc các cụ cao tuổi mỗi người mỗi tính như làm dâu trăm họ rất áp lực, Tôi cảm phục tinh thần của các cháu, vì ngay cả chúng tôi là con cháu cũng không thể chu toàn hơn.
Mẹ tôi bị tai biến, liệt nửa người phải ngồi xe lăn. Khi vào trung tâm bà phải nhờ sự chăm sóc của các điều dưỡng viên từ xúc ăn, vệ sinh cá nhân và hỗ trợ phục hồi chức năng. Bà được các cháu chăm sóc và hỗ trợ phục hồi chức năng như kiểm tra huyết áp định kỳ, hỗ trợ các bài tập phản xạ, các phương pháp chống loét rồi khích lệ tinh thần, tạo tâm lý vui tươi, lạc quan. Đến giờ đã sang tháng thứ 6 ở Trung tâm, bà đã bước đi những bước đi đầu tiên, bà rất phấn khởi và các con cũng yên tâm công tác.
Những hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các cụ làm gia đình phần nào tin yêu Diên Hồng hơn. Việc đưa cha mẹ vào các Trung tâm dưỡng lão với nhiều người là hành động “bất hiếu” điều đó làm tôi suy nghĩ mãi nhưng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, tôi thấy việc gửi mẹ vào Trung tâm là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Tôi yên tâm khi ở đó có các thiết bị, có đội ngũ điều dưỡng viên chuyên nghiệp, có trách nhiệm và sẽ chăm sóc tốt hơn khi bà ở nhà.
Cũng còn rất nhiều những kỷ niệm, những câu chuyện mẹ tôi được quan tâm, được chăm sóc mà tôi muốn nói và viết ra để cảm ơn các điều dưỡng ở Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cũng như để các gia đình khác có thể hiểu được phần nào những băn khoăn trăn trở khi đưa cha mẹ vào các viện dưỡng lão.