Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Chuyện tình đẹp của vợ chồng Hà Nội cùng đi viện dưỡng lão

(Dân trí) – Ông Hiểu và bà Sơn đã bên nhau 56 năm, vượt qua mọi khó khăn để cùng nắm tay đi đến cuối con đường. Về già, sức khỏe yếu dần, ông bà chuyển đến sống ở viện dưỡng lão, cưới lại lần nữa.

Trong đêm nhạc mang tên “Bản tình ca mùa đông – Ngày chung đôi” diễn ra tối 17/12, người dẫn chương trình đọc một bức thư tình xúc động.

“Anh nuối tiếc không cho em một đám cưới trọn vẹn. Anh ước gì mình cố gắng hơn, khấm khá hơn, để em được là người hạnh phúc nhất thế gian”.

Lời vừa dứt, ông Nguyễn Gia Hiểu (87 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thanh Sơn (80 tuổi, Hà Nội) được người thân dìu lên sân khấu. Trong bộ váy cưới màu trắng, bà Sơn cười hạnh phúc bên người bạn đời hơn nửa thế kỷ.

Sau 56 năm, ông bà một lần nữa được làm cô dâu – chú rể. Đám cưới do trung tâm dưỡng lão cùng nhóm sinh viên tổ chức. Trong khoảnh khắc xúc động, ông tặng hoa, trao bà nụ hôn nhẹ nhàng.

Khi được hỏi “hôm nay bà Sơn xinh không?”, cụ ông bẽn lẽn nói “bà xinh lắm”. Cô dâu cũng tấm tắc khen chú rể “lúc nào cũng phong độ”. Cả hai như sống lại những ký ức đám cưới, mừng rỡ và hạnh phúc khôn xiết.

Trên sân khấu đêm nhạc, bà Sơn kể lại chuyện tình và đám cưới chỉ có chậu rửa mặt và bánh xà phòng.

Hai người quen nhau khi cùng học chung khóa 1961, tổ 2, chuyên ngành vô tuyến điện, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trước đó, ông Hiểu là công nhân sửa đèn đường cho thành phố.

“Trên giảng đường, chỗ nào không hiểu bài, tôi được ông chỉ bảo và giảng lại tận tình”, bà Sơn nhớ lại.

Ông Hiểu tiết lộ đã thích người bạn đời từ cái nhìn đầu tiên. Còn bà yêu ông từ những lần cả hai chọn hội trường Đại học để tâm sự và giảng bài cho nhau.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cặp đôi tổ chức đám cưới đơn giản vào ngày 20/1/1967. Tiết trời giá lạnh, chiếc áo dài hay áo len khoác ngoài đều được bà Sơn mượn từ người bạn thân.

Khách mời chỉ có gia đình hai bên, họ hàng và một số bạn bè, được tổ chức vỏn vẹn trong căn nhà nhỏ bao cấp của ông Hiểu. Thay vì rước dâu, bà Sơn tự sang nhà chồng để tổ chức đám cưới.

Điều bà nhớ nhất là đám cưới nghèo chỉ có quà cưới là chậu rửa mặt và bánh xà phòng thơm.

Do thực hiện chủ trương sinh nở có kế hoạch, cặp vợ chồng son khi đó chưa vội sinh con. Một năm sau, chiến tranh chia cắt họ. Bà Sơn tham gia chiến trường, nhận công việc thường trực thông tin, còn ông Hiểu ở lại trường giảng dạy, sau sang Hungary du học.

Trong 6 năm từ 1968 đến 1974, họ tạm xa nhau, chỉ liên lạc qua những bức thư tay. Ngày đất nước hòa bình, họ tìm được nhau, xây dựng hạnh phúc và sinh hai cô con gái.

Hai người con trưởng thành đều định cư ở nước ngoài, vợ chồng già chuyển đến sống tại một cơ sở của trung tâm dưỡng lão cao cấp ở Hà Nội. Tại đây, ông bà vẫn luôn dành cho nhau những cử chỉ yêu thương và quan tâm.

Khi nghe về ý tưởng đêm nhạc kỷ niệm 56 năm ngày cưới của bố mẹ, chị Đức (con gái lớn) rất hưởng ứng. Chị đã nhờ gia đình bạn thân đến tham dự và mua một món quà nhỏ chúc mừng bố mẹ.

“Tôi rất xúc động khi bố mẹ vẫn khỏe mạnh và yêu thương nhau”, chị nói.

Trên sân khấu, bà Sơn cũng bày tỏ xúc động, cảm ơn trung tâm dưỡng lão, cảm ơn khán giả – những người bà chưa hề gặp, nhưng đã đến chúc mừng hạnh phúc vợ chồng bà.

Là một trong những người tham gia đêm nhạc kỷ niệm 56 năm ngày cưới của ông Hiểu và bà Sơn, chị Nguyễn Thị Hà, cán bộ trung tâm dưỡng lão, nói rất xúc động trước chuyện tình của ông bà.

Trải qua bao năm tháng khó khăn đến cuối con đường, ông bà vẫn hạnh phúc có nhau. Ai cũng mong ước sau này về già được như ông bà.

“Hôm đó thời tiết Hà Nội rất lạnh nhưng mọi người như được sưởi ấm bởi tình cảm của ông bà, nhiều bạn xúc động không kìm được nước mắt”, chị Hà nói.

Trên mạng xã hội, chuyện tình và đám cưới thời bao cấp của ông bà khiến nhiều người thổn thức.

“Ngày chung đôi chính là ngày ông bà cưới lại lần nữa. Ông bà thật đẹp đôi, chúc ông bà nhiều sức khỏe, mãi hạnh phúc bên nhau”, một tài khoản bình luận.

“Thật sự rất ngưỡng mộ tình yêu hơn nửa thế kỷ của ông bà. Dù mắt đã mờ chân đã mỏi nhưng tình cảm mà ông bà dành cho nhau vẫn mãi như ngày đầu tiên”, một người khác viết.

Theo báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published.

nineteen − eighteen =