Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Ở viện dưỡng lão, mỗi người già là một câu chuyện

Người ta nói nghề nghiệp là cái duyên, không phải ai khi mới vào nghề đã yêu mến công việc của mình ngay. Cũng như tôi, 26 tuổi bước chân vào làm việc ở Viện dưỡng lão Diên Hồng. Khi ấy, tất cả với tôi đều rất mới mẻ mặc dù đã qua 3 năm học trong trường y, 3-4 năm làm việc ở các phòng khám, bệnh viện, nhưng khái niệm viện dưỡng lão tôi chưa bao giờ nghe đến. Khó khăn bắt đầu từ việc nhớ tên các cụ, rồi thói quen, sở thích,… và khó nhất vẫn là vượt qua cảm giác phải chăm sóc những người xa lạ, không phải ruột thịt của mình. Tôi đã từng thấy thật ngượng ngùng, miễn cưỡng nhưng vì mưu sinh nên tôi cố gắng.

Sau một thời gian làm việc, các cụ trong Diên Hồng đã làm tôi thay đổi suy nghĩ, làm tôi yêu công việc của mình hơn, vui vẻ, hạnh phúc khi đi làm. Trong đó có u Liên,người mà tôi sẽ kể dưới đây, không phải là tôi muốn PR cái gì, chỉ là tôi muốn lưu giữ và thi thoảng nhắc lại những ký ức đẹp về một người tôi yêu, người tôi quý, kính trọng, người đem đến cho tôi động lực để yêu nghề, người mà giờ đây tôi muốn cũng không thể nói chuyện hay nhìn thấy nữa rồi.

May mắn tôi vẫn còn bức ảnh chụp với cụ. Chúng tôi vẫn quen gọi cụ à U Liên. U Liên mảnh khảnh, cao, gầy và rất nhanh nhẹn. U dễ thương lắm, luôn nhìn tôi bằng ánh mắt dịu dàng và giọng nói ấm áp. Mỗi ngày, u đều hỏi tôi có ngủ ngon  đêm qua không, chồng con tôi thế nào,…

Bức ảnh điều dưỡng viên Huệ (ngoài cùng bên trái) chụp cùng U Liên ( bên cạnh)

Hằng ngày đi làm ngoài những công việc như thay bỉm, tắm rửa, đánh răng, xoa bóp, châm cứu phục hồi chức năng, thời gian còn lại của chúng tôi là nói chuyện, tâm sự với các cụ. Trò chuyện với U Liên là khoảng thời gian tôi thấy vui vẻ, sảng khoái nhất. Cũng như các cụ khác U Liên hay kể về thời còn trẻ, thời xa xưa. Nhưng điều đặc biệt hơn là U Liên không có chồng. Không  phải u không lấy được chồng mà là u không muốn lấy chồng. Thời trẻ U cũng xinh xắn lắm chứ, u đã từng yêu ở tuổi 17 ngây thơ, mơ mộng, một tình cảm của cô gái 17 với chàng trai bộ đội thật trong sáng. Qua lời kể của u, tôi thấy mối tình đó đẹp lắm “ U và anh ấy đã đi chơi ở vườn hoa Hà Đông, đã nắm tay nhau, đã từng hẹn ước,…”. Nhưng chiến tranh khốc liệt đã cướp đi người u yêu vĩnh viễn, ông đã mất ở chiến trường. Từ đó trở đi u khép lòng mình lại, không để chỗ trong trái tim cho bất kỳ người nào và sống trong những kỷ niệm về thời đẹp nhất đó. Tôi hỏi “U có thấy cô đơn không?”. U nói “U quen rồi, giờ u thấy bình thường, u sống trong ký ức đẹp về người ấy là hạnh phúc lắm rồi”. Thế là u cứ vậy chăm các em, rồi chăm bố mẹ già, giờ đây u già rồi, em u muốn báo đáp nên đã đưa u vào trung tâm để được chăm sóc tận tình, hằng tuần vào thăm non. Câu chuyện thời trẻ của u khiến tôi xúc động, ngưỡng mộ và kính trọng vô cùng.

Tôi những tưởng sẽ được làm bạn, chăm sóc u dài dài nữa. Nhưng các cụ ta vẫn bảo “Người già như chuối chín cây”, sau 2 năm sống ở viện dưỡng lão, làm việc với các “con” điều dưỡng, vì tuổi già, sức khỏe của cụ cũng suy yếu. Dần dần chúng tôi ít được nghe những câu chuyện của u hơn, u yếu hơn, rồi mất tại trung tâm. Tính đến nay đã được hơn 1 năm rồi, nhưng những hình ảnh của cụ tôi vẫn nhớ như in. Chứng kiến cụ tư khi khỏe mạnh cho tới khi yếu vì già, vì bệnh, mà tôi không khỏi sót sa, như chính bản thân mình  mất đi một người thân trong gia đình vậy. Ước gì mỗi cụ sống tới hơn trăm tuổi.

Mỗi cụ ở trung tâm tôi đều có nét đáng yêu riêng. Sao mà đáng yêu đến thế!. U Liên thì hiền lành, chân thật, Bố Khánh thì quan tâm nhẹ nhàng, Ông Hoằng thì lẫn nhưng vô cùng đáng yêu, Ông Hiển thì làm thơ và hát rất hay, ông Luyến thì cười rất nhiều, cụ Đính nghiêm khắc nhưng rất quan tâm. Mỗi cụ có một cuộc đời, một hoàn cảnh, nhưng ai cũng được chăm sóc nâng niu . Giờ đây đi làm không phải “ tôi phải chăm sóc cho những người xa lạ, không quen biết”  như suy nghĩ ban đầu, mà giờ đây tôi đang chăm lo giờ ăn, giấc ngủ cho những người tôi yêu thương, những người thân thiết của tôi.

Điều dưỡng viên Huệ cùng các ông bà làm tranh đào mật ong cho mùa đông

Nghề nghiệp của tôi không cao sang như bác sĩ, cũng không giống các anh chị y tá trong viện. Nhưng tôi tự hào về ngành nghề tôi đã chọn, và sẽ làm việc hết mình. Nếu ai muốn biết thêm về ngành nghề của tôi, muốn biết về ngôi nhà chung ấm áp tình người nơi tôi đang làm việc thì hãy ghé qua nhé

“ Ai qua Đô Nghĩa Hà Đông

Thăm nhà dưỡng lão Diên Hồng dễ thương”

Trích bài thơ “Vườn hoa Diên Hồng” của Vũ Hiển

Vũ Thị Huệ

Leave a Reply

Your email address will not be published.

twenty − 6 =