Ở cái thời đại này, ai không sử dụng internet sẽ bị coi là tụt hậu, không nắm bắt kịp thông tin. Những thông tin trên mạng thì nhiều vô kể, không biết đâu là thật, đâu là giả. Nhiều khi chỉ bị đau bụng, lên mạng tìm thông tin thì đã hoang mang với những lý do vì bị ung thư dạ dày, ung thư đại tràng,… Không phải ai khi lên mạng cũng biết chắt lọc thông tin và lựa chọn những nguồn tin có tính chính xác cao. Từ các nền tảng mạng xã hội đến những trang web báo mạng nhiều nhan nhản những thông tin lan truyền dù chưa biết đúng sai.
Đối với người cao tuổi, vì ít kinh nghiệm sử dụng mạng cũng như không nhanh nhạy bằng giới trẻ, nên những thông tin mà các ông bà thấy sẽ ít hơn và không có sự so sánh giữa các nguồn tin. Vậy nên, đối với các cụ, thông tin nào cũng đáng tin cậy. Những bài thuốc dân gian chữa bệnh, những cách ăn uống để khỏe mạnh, những thông tin về thực phẩm có lợi có hại,… là thông tin mà các cụ quan tâm nhất. Thông tin đúng thì chẳng sao, thông tin sai thì vừa hại thân, vừa làm khổ con cháu.
Vậy phải làm gì để người cao tuổi không bị ảnh hưởng bởi các thông tin trên mạng?
Lựa chọn những nguồn tin chính xác, phù hợp
Việc người cao tuổi sử dụng mạng không chỉ để tìm hiểu thông tin mà còn để giải trí, kết nối với con cháu. Không thể tách người cao tuổi khỏi không gian mạng, cũng không thể cấm ông bà, bà mẹ lên mạng khi thiếu đi sự kiểm soát của mình. Khi đấy, biện pháp đầu tiên chúng ta cần làm là lựa chọn những nguồn tin uy tín, có tính chính xác cao cho người cao tuổi tiếp cận. Không phải trang báo mạng nào cũng đưa tính đúng sự thật. Có những trang báo lớn, rất nhiều người biết nhưng lại là những thông tin “lá cải”, dễ gây hiểu nhầm cho người đọc.
Loại bỏ được những thông tin rác sẽ giúp người cao tuổi không bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ tiêu cực; gia đình, người thân cũng sẽ yên tâm hơn mỗi khi ông bà, ba mẹ lên mạng. Hãy mở sẵn tab có trang báo mạng uy tín trong Google và chỉ cho người cao tuổi biết cách sử dụng, để mỗi lần muốn vào đọc báo thì sẽ chỉ hiển thị ở trang đấy. Còn nếu người cao tuổi sử dụng Facebook thì nên thường xuyên kiểm tra xem có những trang hay hội nhóm nào hay đưa ra những thông tin sai lệch hay không. Những trang mạng hay đăng những thông tin tiêu cực cũng cần được loại bỏ vì người cao tuổi cần giữ một tinh thần lạc quan, vui vẻ, yêu đời.
Giải thích về sự đúng sai, tính chính xác của những thông tin trên mạng
Vì người cao tuổi có tâm lý đa nghi và sợ phải đối mặt với cái chết nên khi thấy những thông tin cái này cái kia tốt cho sức khỏe, người cao tuổi dễ bị tin theo và sống chết bảo vệ những thông tin đấy. Đôi khi, những thông tin mà tiếp cận được là đúng, nhưng ở độ tuổi của các cụ thì nó lại không còn hoàn toàn chính xác nữa.
Ví dụ như phương pháp detox phù hợp với người trẻ, người khỏe mạnh vì lượng thức ăn và nguồn thức ăn mà người trẻ dung nạp lớn và đa dạng và đôi khi không lành mạnh nên cần những ngày detox để thanh lọc cơ thể. Những đối với người cao tuổi hằng ngày ăn ít, ăn những thực phẩm tốt cho cơ thể và hầu như là thực phẩm chế biến tại nhà, ít dầu mỡ, việc detox là không hoàn toàn cần thiết. Những loại nước uống detox thì dùng cũng không sao, nhưng những phương pháp detox chỉ uống nước trong mấy ngày liền thì thực sự ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người cao tuổi. Kênh truyền hình VOV có đưa tin về một người cao tuổi làm theo phương pháp này và đã giảm 5 cân sau 10 ngày, người yếu, không còn sức lực. Đây như một hồi chuông cảnh tình để người cao tuổi phải luôn cẩn trọng trước những thông tin mà mình nhận được.
Là người trẻ, được tiếp xúc với nhiều thông tin hơn, biết đâu là những thông tin đúng, sai, chúng ta phải truyền đạt lại với ông bà, ba mẹ về cách xác minh thông tin và tính chính xác của thông tin. Khi thấy ông bà, ba mẹ nói về một thông tin nào đấy trên mạng thì nên xác minh ngay lập tức, để nếu sai có thể giải thích ngay lúc đấy tránh gây ra những hậu họa không đáng có sau này.