Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0968 660 115/0342 86 56 86

Thiếu tướng Nguyễn Như Ngà: Một đời người hai cuộc chiến

Những ngày cuối tháng Tư, khi nắng Hà Nội trải vàng trên những hàng cây dẫn vào Lăng Bác, chúng tôi cùng Thiếu tướng Nguyễn Như Ngà (97 tuổi) tới thăm nơi Bác đang yên nghỉ. Bên cạnh tiếng chim, tiếng bước chân lặng lẽ là những hồi ức không thể nào quên về một thời máu lửa.

Thiếu tướng Nguyễn Như Ngà trước Lăng Bác

Ông Ngà kể, ông bắt đầu tham gia kháng chiến từ năm 17 tuổi. Tên của Đảng khi ấy vẫn là Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ một chiến sĩ trẻ, ông đã công tác qua nhiều đơn vị. Đầu tiên là Sư đoàn 320 (hay còn gọi là Sư đoàn Đồng Bằng), sau đó ông về pháo binh, rồi công tác tại Tổng cục Chính trị và Bộ Tổng Tham mưu. Có những khoảng thời gian, ông làm chuyên gia cố vấn quân sự cho nước bạn Lào và Campuchia.

Năm 1962, ông được giao nhiệm vụ cùng lực lượng chủ lực tiến vào miền Nam.
Đến 1971–1972, khi Mỹ bắt đầu rút bộ binh, quân đội ta đồng loạt mở ba chiến dịch lớn tại Nam Bộ, Tây Nguyên và Quảng Trị. Lúc đó ông Ngà được giao làm đặc phái viên của Quân ủy Trung ương, theo sát các trận đánh ác liệt ở Bình Long, Phước Long và báo cáo trực tiếp về Bộ Quốc phòng.

Năm 1973 Mỹ ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, đưa toàn bộ quân đội về nước và không can thiệp vào nội bộ miền Nam Việt Nam. Ông Ngà chia sẻ: “Từ khi Mỹ ký hiệp định, chúng ta đã nhen nhóm nhìn thấy ngày thống nhất. Những năm sau đó là khoảng thời gian chuẩn bị toàn diện, từ tuyển quân, huấn luyện, tích lũy vũ khí, lương thực để cho cuộc tổng tiến công cuối cùng”.

Đầu năm 1975, khi đang công tác tại Tổng cục Chính trị, với cương vị Cục phó Cục Tổ chức, ông cùng các cán bộ cấp cao xuống kiểm tra, chuẩn bị cho Quân đoàn 1 vào giải phóng miền Nam. Cùng với Quân đoàn 1, các quân đoàn khác cũng đồng loạt tiến công vào Sài Gòn. Kế hoạch ban đầu dự kiến kéo dài hai năm, nhưng chỉ sau hai tháng tổng tiến công, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước nối liền một dải.

Nói về thắng lợi ấy, ông nghẹn ngào: “Đó là kết quả của một quá trình trường kỳ kháng chiến đầy máu, nước mắt và hy sinh. Ban ngày ẩn nấp vì địch tuần tra. Ban đêm băng rừng vượt suối, đối mặt với đỉa vắt, mìn gài, pháo giội. Có những trận đánh, lực lượng của ta ít hơn địch gấp nhiều lần, nhưng vẫn không lùi bước. Gia đình nào cũng có tang thương, làng nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ. Thắng lợi là hào hùng, nhưng cũng quá đỗi bi thương.”

Hôm nay, đứng giữa đất nước thanh bình, hai miền Nam Bắc rực rỡ cờ hoa, ông xúc động vì không ngờ mình vẫn còn sống đến ngày này, được nhìn thấy một Hà Nội khác xưa quá nhiều: “50 năm trước, Hà Nội chủ yếu là đi xe đạp, đi bộ chứ không có xe máy, ô tô. Còn bây giờ thì quá đẹp, quá rực rỡ. Là người tham gia chiến đấu giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước cho nên ông thấy rất vui, rất vinh dự”.

Với ông, hành trình đã đi qua là một hành trình đau thương nhưng đầy tự hào. Còn hiện tại chính là khoảng lặng sau giông bão. Là nơi một người lính già có thể an yên hồi tưởng, mỉm cười và kể lại những điều mà cả cuộc đời ông đã từng đi qua. 

Chúng ta may mắn…Vì vẫn còn được nghe lịch sử bằng tiếng nói thật, bằng những hơi thở đã đi qua khói đạn, bằng đôi mắt đã từng nhìn thấy lá cờ được cắm giữa ngày toàn thắng. 10 năm, 20 năm hay 50 năm nữa… chưa ai biết điều gì sẽ đổi thay. Nhưng những câu chuyện ông kể hôm nay, rồi cũng sẽ trở thành một phần của quá khứ. Chỉ khác là, những gì ông từng sống, sau này sẽ chỉ còn lại như những dòng chú thích dưới bức ảnh đen trắng, như một chương truyện đã qua, trong cuốn sách dày của dân tộc.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

4 − 1 =