Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Chuyện những người mang “tinh thần thép”, dành cả thanh xuân ở viện dưỡng lão

Tết đến xuân về là dịp để gia đình sum vầy, thế nhưng ở viện dưỡng lão Diên Hồng vẫn có những con người lặng lẽ tạm gác lại niềm vui quây quần. Họ chọn ở lại làm việc, để mang đến sự chăm sóc, yêu thương cho những người cần họ nhất.

Người mang tinh thần thép, dành cả thanh xuân ở viện dưỡng lão

Không khí Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 rộn ràng ở Viện dưỡng lão Diên Hồng (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Như thường ngày, điều dưỡng Trần Thị Sỹ (45 tuổi, ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá) cần mẫn chăm sóc cho những người cao tuổi đang sinh hoạt tại đây.

Sau khi cho cụ bà Nguyễn Thị Hằng ăn uống xong, chị Sỹ đỡ bà lên xe đưa về phòng để bà nghỉ ngơi. Lịch sinh hoạt của bà Hằng cùng mọi người ở đây đều được chị Sỹ và các nữ điều dưỡng tại trung tâm “nằm lòng”.

“Như bà Hằng tính rất cẩn thận, từng cái cốc, đôi dép của bà phải đặt đúng vị trí. Bà cao tuổi nhưng rất kỹ tính, nếu mình để không đúng chỗ bà sẽ mắng ngay”, chị Sỹ cười nói.

Chị Sỹ đã gắn bó với công việc ở viện dưỡng lão đến nay tròn 15 năm. Đó cũng là quãng thanh xuân chị dành tình yêu thương cho các cụ cao tuổi. Trước đây, chị có thời gian dài làm việc ở TP.HCM. Tuy nhiên, sau khi người chồng không may mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời đợt dịch Covid-19 bùng phát năm 2019 chị quyết định ra Hà Nội làm việc để vơi đi nỗi nhớ thương.

“Vợ chồng tôi làm việc cùng nhau rồi nên duyên vợ chồng. Anh mắc bệnh hiểm nghèo, tôi rất thương. Chúng tôi cũng không có người con nào. Gắn bó, chăm sóc các cụ hàng ngày khiến tôi vơi đi nỗi buồn”, chị Sỹ tâm sự.

Chị kể, khi mới ra trường, vốn là người rất năng động, có nhiều lựa chọn nhưng đến giờ không hiểu sao lại lựa chọn công việc rất áp lực, cần những người có “tinh thần thép”, đòi hỏi yêu thương người cao tuổi này.

“Hồi đầu tôi lựa chọn công việc này vì muốn thử thách bản thân. Thế nhưng, chính việc hằng ngày chăm sóc các cụ tôi lại đam mê và quyết định gắn bó với công việc này. Có nhiều khi tôi áp lực lắm như công việc quá sức. Có ngày thiếu nhân viên phải tăng cường, có cụ có tăng động, lãng trí không hợp tác thấy nản lắm. Có cụ nửa tỉnh nửa mơ đụng chạm đến làm mình hơi tủi thân nhưng ngay lúc đó thôi, sau 1 ngày làm việc mình nghỉ ngơi thì mọi áp lực xua tan hết.

Một trong những động lực yêu thương các cụ nhiều nhất đó là tôi có hoàn cảnh đặc biệt hơn người khác khi thiếu thốn tình cảm người thân như chồng, bố đều mất sớm, không có con, chỉ có mẹ già nên bản thân thấy các cụ giống như cha mẹ của mình nên càng yêu thương, trân trọng bấy nhiêu”, chị Sỹ bộc bạch.

Tết năm nay, chị Sỹ quyết định ở lại đón năm mới cùng nhiều ông bà cao tuổi. Trước đó vài ngày, chị thu xếp về quê sắm sửa Tết cho mẹ. Chị cũng cảm ơn mẹ khi đã rất cảm thông cho công việc mình đang làm suốt bao năm qua.

“Tết có cụ về ăn Tết cùng con cháu nhưng có cụ tuổi cao, không thể đi lại, ở đây chúng tôi chăm sóc. Nhiều lúc tôi ôm các cụ, tuổi già thích được chiều chuộng, chăm sóc rất quý. Có cụ nhận tôi làm con dâu, nhận là cháu, chia sẻ từng cái bánh kẹo… Tôi rất cảm ơn điều đó. Nhiều lúc mệt có cụ nói: “Không có con bà về luôn”, có cụ nói đùa khen “Sao nay xinh thế nhỉ”…

Những câu nói vui, tình cảm của các cụ là động lực khiến tôi yêu nghề nhiều hơn”, chị Sỹ chia sẻ thêm.

Gác lại nỗi nhớ nhà, mang Tết đến gần hơn

Cũng như chị Sỹ, điều dưỡng Đặng Thị Huế (31 tuổi, quê Hà Nam) đã trải qua 7 năm làm việc xa quê với những cái Tết không ở nhà. Hai năm làm tại Diên Hồng cũng là hai năm trực Tết, cùng ăn, cùng trò chuyện và đón Tết bên các cụ. Chia sẻ về trải nghiệm này, Đặng Huế tâm sự: “Khi mình yêu công việc thì ở lại ăn Tết cùng các cụ cũng rất ý nghĩa”.

Chị Huế kể lại khoảnh khắc đáng nhớ trong đêm giao thừa: “Các cháu điều dưỡng viên cùng các cụ xuống sân cúng giao thừa, chờ đón thời khắc chuyển giao năm mới. Sau đó, cả nhóm đi từng phòng chúc Tết và mừng tuổi các cụ. Có cụ còn nhắn nhờ mình xông đất đầu năm nữa”.

Nhắc đến những kỷ niệm ấy, chị Huế tươi cười: “Ở nhà cũng vui, nhưng làm sao có được những kỷ niệm đặc biệt như thế này”.

Việc đi làm xa nhà trong nhiều năm khiến bố mẹ chị Huế cũng dần quen với những cái Tết thiếu vắng con gái. Dù không thể về nhà, chị vẫn luôn cảm nhận được tình yêu thương và sự ủng hộ từ gia đình, những người luôn bên cạnh động viên chị trong mọi quyết định. Hiện tại, đối với chị Huế, niềm vui chính là mang lại một mùa xuân hạnh phúc cho những người như ông bà của mình.

Còn với điều dưỡng Cao Ánh Vân (32 tuổi, quê Thanh Hóa), một trong những gương mặt thân quen tại viện dưỡng lão vào mỗi độ Tết đến, năm nào chị cũng tham gia trực xuyên Tết. Với Ánh Vân, mỗi cái Tết ở đây đều là một hành trình đặc biệt, đầy cảm xúc và ý nghĩa.

Cùng tham gia trực Tết suốt 6 năm qua, chị Ánh Vân nhớ lại lần đầu tiên với cảm xúc khó quên: “Lúc đó mình vừa háo hức, vừa tò mò không biết không khí Tết ở trung tâm sẽ như thế nào. Các cụ sẽ ăn Tết ra sao? Có cụ nào về nhà cùng con cháu không? Hay ca trực của mình sẽ thế nào, trực với ai? Chúng tôi còn rủ nhau đêm giao thừa đi đến từng phòng để chúc Tết các cụ. Nghĩ thôi cũng đã thấy vui rồi”.

Nhưng khi nhìn đồng nghiệp lần lượt về quê ăn Tết chị vừa hụt hẫng, vừa tủi thân. Đến bây giờ sau nhiều năm đi trực chị không còn buồn nữa, mà thấy tự hào.

“Nhìn các cụ vui vẻ trong ngày Tết, tôi hiểu rằng sự có mặt của mình không chỉ là công việc, mà còn là những người thắp lửa yêu thương cho các ông bà trong ngày đặc biệt này”, chị Ánh Vân trải lòng.

Không chỉ chăm sóc các cụ chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ, các điều dưỡng còn là người mang không khí Tết vào từng góc nhỏ của trung tâm. Từ việc cùng các cụ trang trí cành đào, gói bánh chưng, đến tổ chức các hoạt động ngày Tết như chợ Tết, Tất niên.

“Nhìn các cụ háo hức đi chợ Tết hay quây quần nói cười rôm rả bên mâm cơm tất niên mình cảm nhận được ý nghĩa thực sự của công việc này. Đây không chỉ là nơi chăm sóc mà còn là ngôi nhà thứ hai cho các cụ”, điều dưỡng Ánh Vân chia sẻ.

Những câu chuyện về một cái Tết xa quê không chỉ là sự hy sinh mà đó còn là sự tận tâm với nghề. Dù không đón Tết cùng gia đình nhưng cả người cao tuổi cùng cán bộ nhân viên đều cảm nhận được rằng họ không cô đơn. Đôi khi, hạnh phúc không nằm ở nơi ta ở, mà nằm trong những gì ta mang đến cho mọi người.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

five × 4 =