Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Nghề điều dưỡng giữ trọn tình thương với chữ Tâm

Mỗi ngày điều dưỡng phải hoá thân trong rất nhiều vai trò, đối mặt với nhiều áp lực, rủi ro và cảm xúc khác nhau nhưng vượt qua tất cả, họ thầm lặng chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh

Cố gắng không ngừng nghỉ

11h trưa, trong căn phòng rộng rãi, sạch sẽ, gồm các dãy bàn ăn, chị Cao Ánh Vân (sinh năm 1993), nhân viên điều dưỡng tại Viện dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội) nhẹ nhàng, điềm tĩnh thực hiện nhiệm vụ của mình. Chị đi qua từng bàn hỏi han về bữa cơm của từng cụ ông, cụ bà.

Có người kiêng thịt gà, có người kiêng thịt bò, có người đã yếu, chẳng thể tự mình ăn uống, có người khó tính, chỉ chịu ăn khi có người dỗ dành,…Không nề hà, chị Vân vẫn nhẹ nhàng, kiên nhẫn và tỉ mỉ. Lúc thì lau dọn những hạt cơm vương vãi trên bàn, khi lại chạy đến hỏi han, trò chuyện hay lúc lại phải tự tay bón cho các cụ từng thìa cơm,…

Tình cờ biết đến và theo nghề từ khi vừa tốt nghiệp, chị Ánh Vân đã gắn bó với nơi đây gần 4 năm. Từng ấy thời gian, những khó khăn, nhọc nhằn, vất vả không thể nói hết bằng lời. Nhưng chị vẫn quyết tâm bám trụ với nghề chỉ bởi 2 chữ “đồng cảm”.

Công việc nào cũng có khó khăn riêng. Với việc điều dưỡng, những khó khăn còn lớn hơn rất nhiều so với những ngành nghề khác. Phải thức khuya, dậy sớm, trực đêm, mệt mỏi, nhưng vẫn phải cố gắng bởi tôi luôn quan niệm, với người già, cần sự đồng cảm, quan tâm người già như chăm sóc chính những người trong gia đình mình” – chị Vân nói.

Tốt nghiệp ngành điều dưỡng, Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 2000, quê Thái Bình) nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí điều dưỡng viên tại Viện dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội) với tâm thế hồi hộp xen chút háo hức, lo lắng. Háo hức vì sắp được đi làm theo đúng nguyện vọng và định hướng của bản thân. Lo lắng, hồi hộp bởi bản thân cô biết rõ, nghề điều dưỡng, lại về lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi vô cùng vất vả. Nghề này đòi hỏi người điều dưỡng cần nhiều kiến thức thực tế, sự kiên nhẫn hơn những lí thuyết đã được học trên sách vở.

Tuổi nghề còn non trẻ, Nhung không tránh khỏi những bỡ ngỡ trong công việc bởi những đối tượng cô chăm sóc là người già yếu, phải hỗ trợ, từ vận động đến đời sống sinh hoạt.

“Học là 1 chuyện, ra trường làm là 1 chuyện. Những ngày mới vào làm tôi đã sốc vì khối lượng công việc và những yêu cầu đặc thù. Thế như sau 1 tháng thử sức, càng làm, tôi nhận thấy hợp với công việc và quyết tâm gắn bó.

Tôi luôn đặt địa vị mình như con cháu trong gia đình của các cụ. Tôi đón nhận những khó khăn như một thử thách và luôn tìm thấy niềm vui bên các cụ ông, cụ bà” – Nhung chia sẻ.

Trực đêm

Trời đêm lạnh giá nỗi nhớ mong

Nhân viên điều dưỡng đến bên phòng

Trôngg cho mọi người luôn yên giấc

Giữ trọn tình thương với chữ Tâm

Không gian lặng lẽ đang êm ả

Bỗng chợt nghe tiếng ho khan

Canh khuya sau tiếng ho vừa dứt

Bước nhẹ nhàng ghé sát giường coi

Nghe nhịp thở hỏi lời khe khẽ

Cụ mới ho cụ có mệt không

Tai nghe nói tay luôn công việc

Đắp lại chăn nâng gối kê đầu

Nhẹ nhàng đi tiếp các phòng bên

Trông cho mọi người luôn yên giấc

Một đêm dài mà sao ngắn vậy

Bởi trực đêm lắm việc phát sinh

Nào thay gối thay ra thay bỉm

Nào dắt người tắm rửa vệ sinh

Cứ như vậy hằng đêm như vậy

Thời gian dài soi tỏ trực đêm

Mong sao tiêu chí vững bền

Tình thương trách nhiệm vẹn toàn sẻ chia

Bài thơ do ông Nguyễn Trọng Việt (Hà Đông, Hà Nội), hiện đang sinh sống tại Viện dưỡng lão Diên Hồng sáng tác gửi tặng những cán bộ, nhân viên điều dưỡng không quản ngày đêm chăm sóc cho mình.

Dưới góc độ là nhà quản lý, bà Hoàng Thị Thu Ngân – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cũng nhận định, những áp lực của người làm trong ngành y tế là rất lớn. Đối với ngành điều dưỡng, đặc biệt là lĩnh vực chăm sóc người già, áp lực này lại tăng lên gấp nhiều lần.

“Chúng tôi luôn trăn trở vấn đề thu nhập cho đội ngũ cán bộ nhân viên. Hiện nay, mặt bằng chung lương của ngành điều dưỡng rất thấp. Tôi hy vọng thời gian tới, sẽ có thêm nhiều chính sách tạo động lực cho đội ngũ cán bộ nhân viên, tạo môi trường làm việc vui vẻ, năng động” – bà Ngân chia sẻ.

Người ta thường gọi nghề điều dưỡng là nghề “lau mồ hôi, nở nụ cười”. Họ làm việc không ngừng nghỉ như những con thoi, chấp nhận mất ăn mất ngủ để lo cho sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Thế nhưng, không phải lúc nào họ cũng nhận được sự cảm thông, sẻ chia và cái nhìn đúng đắn của toàn xã hội,…

Áp lực, khó khăn luôn hiện hữu nhưng những điều dưỡng viên vẫn luôn vượt qua và chỉ có 1 mong muốn duy nhất là được chia sẻ, có thêm chính sách đãi ngộ để có thêm động lực, tiếp tục phấn đấu làm tốt công việc của mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

twelve − eleven =