Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Hạnh phúc tuổi xế chiều ở viện dưỡng lão mùa Vu lan

Hạnh phúc tưởng chừng là một cái gì đó thật vĩ đại nhưng đến với Viện dưỡng lão Diên Hồng dịp Vu lan, tôi mới hiểu rằng: Hạnh phúc là những điều giản đơn, trân trọng những người bên cạnh ta, biết hài lòng và thỏa mãn những gì đang có…

Mỗi khi nhắc đến viện dưỡng lão, mỗi người đều mặc định là nơi buồn tẻ, trong thế giới cô lập đó chỉ có những “cây cao bóng cả” lẳng lặng nhìn năm tháng trôi đi. Tuy nhiên, khi tới thăm Viện dưỡng lão (VDL) Diên Hồng (Thanh Oai, Hà Nội), tôi cảm nhận nơi đây là ngôi nhà chung ấm áp đầy tiếng cười và niềm vui.

“Thiếu con, mẹ mất đi tất cả…”

Đến thăm VDL Diên Hồng đúng lúc nghi thức bông hồng cài áo Vu lan được tổ chức cho các cụ nhằm thay lời muốn nói, bày tỏ hiếu kính với cha mẹ, dù đấng sinh thành vẫn còn hay đã khuất. Tôi cũng nhanh nhẹn cài lên ngực của một người phụ nữ trạc ngoài 60, bỗng đôi mắt bà ướt lệ, bà níu tay tôi ngồi xuống rồi tâm sự.

Dẫu lòng các cụ vẫn còn chất chứa nhiều nỗi niềm, nhưng họ vẫn lạc quan, yêu đời để “sống vui, sống khỏe”.

Xúc động, nghẹn ngào bà còn chẳng thể nhớ nổi họ tên và năm nay mình bao tuổi. Bà nói: “Nhìn con giống Tiến quá, thằng bé mới mất năm ngoài vì căn bệnh ung thư. Bao tâm huyết dành cả cho con, ngày Tiến mất tôi coi như mất tất cả, tinh thần suy sụp, sức khỏe ngày yếu đi nên quyết định vào đây để vơi đi nỗi nhớ, bầu bạn tuổi già”. Hỏi ra mới biết, bà là Vũ Thị Dung (sinh năm 1959, quê Hải Phòng).

Phải mất một hồi lâu, bà mới bình tĩnh để trò chuyện tiếp cùng tôi. Bà tâm sự: “Với tôi, Tiến là niềm vui và hạnh phúc. Cứ mỗi sáng mở mắt là tôi lại nhớ đến khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt long lanh, lúc nào cũng nói nhớ mẹ, rồi lại nước mắt ngắn nước mắt dài mỗi khi mẹ ốm nặng. Với tôi, hạnh phúc là thấy Tiến được sống, chỉ được ăn với Tiến những bữa cơm đạm bạc, hạnh phúc của tôi là có Tiến bên đời”.

Theo bà Dung, mỗi người ở VDL Diên Hồng đều có nỗi khổ riêng nhưng may mắn vì còn có nơi ăn chốn ở, có người lo cơm nước khi ốm đau bệnh tật. Ngoài bị tiểu đường, bà Dung còn bị bệnh tai biến nên việc ăn uống, phục hồi chức năng cũng được đặc biệt quan tâm, sức khỏe ngày càng tốt hơn so với trước khi vào.

Nhìn đôi mắt đẫm lệ của người mẹ đã mất con, hạnh phúc với bà Dung ở tuổi đã xế chiều có lẽ là được thấy anh Tiến vẫn còn hiện diện trên cõi đời, an nhàn, nghỉ ngơi. Đó cũng là điều hợp với lẽ tự nhiên, khi đã mệt nhoài với những năm tháng mưu sinh, đã ở bên kia cái dốc của cuộc đời thì chẳng niềm vui nào hơn là được nghỉ ngơi bên con cháu.

“Hạnh phúc là được đi cùng nhau, là đôi chân có thể đi…”

Chia tay bà Dung, tôi được điều dưỡng viên dẫn đến tầng 6, ở đó có một căn phòng gọi là “mái ấm hạnh phúc”. Sở dĩ, ở đó là nơi an hưởng tuổi già của hai vợ chồng ông Vũ Đình Bưởi (sinh năm 1930) và bà Vũ Thị Dành (sinh năm 1938) quê ở Hải Dương. Ông Bưởi từng là cán bộ Ban Tuyên giáo Thị ủy Lào Cai (nay là Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lào Cai), năm nay đã 68 tuổi Đảng.

Bà Dành cùng tấm ảnh chụp chung của ông bà dịp Tết Nguyên đán Mậu Thân 2018 được bà gìn giữ và ngắm mỗi ngày.

Dáng người nhỏ nhắn, nhưng bà vẫn còn minh mẫn, khi tôi đến bà vẫn miệt mài chăm vườn rau xanh mướt đủ loại ở ban công. Bà phấn khởi giới thiệu: “Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng chúng tôi không muốn làm phiền con cái, sợ khiến con cái cảm thấy phiền lòng. Ngày ấy, hai vợ chồng tôi cũng chẳng biết viện dưỡng lão là gì, nhưng bán mảnh đất ở quê, chúng tôi dùng số tiền đó lên đây để an dưỡng tuổi già, mới đó mà cũng 4 năm rồi”.

Hai ông bà có đến 4 người con, mỗi lần nhớ con cháu thì cách duy nhất chính là liên lạc qua màn hình nhỏ. Khi nghe ai đó nói đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là rũ bỏ trách nhiệm, bất hiếu. Bà Dành khẳng định: “Tôi có đến 4 người con, nhẽ nào lại không trông nổi bố mẹ. Chúng tôi cũng có thiếu thứ gì đâu, thích ăn gì thì có thể tự mua, chẳng phiền đến đứa nào. Chúng nó chỉ cần quan tâm thật lòng đến mình thì mình cảm thấy vui vì con vẫn yêu. Thế là đủ rồi”.

Hạnh phúc với ông Bưởi và bà Dành chỉ đơn giản là bên nhau, chăm sóc khi ốm đau bệnh tật. Nhìn vào cử chỉ, cách người vợ chăm chút người đàn ông của đời mình, ai cũng hiểu bà thương ông nhiều lắm. Bà chẳng ước muốn hạnh phúc cao sang hơn, bà thầm cảm ơn vì lúc ông ốm đau bệnh tật vẫn có người bạn đời bên cạnh yêu thương chăm sóc. Món quà vô giá này chẳng thể mang lên cân đo đong đếm được.

Ở viện cũng như ở nhà, niềm vui đó được thể hiện trên gương mặt của người cựu chiến binh Phạm Văn Vương (sinh năm 1959, quê Ninh Bình). Dù đã bị liệt cả 2 chân do vận động thể thao nhưng ông vẫn đam mê với ca hát, luôn sẵn sàng góp vui những ca khúc cách mạng hào hùng mỗi khi viện giao lưu văn nghệ.

Dẫu đôi chân có bị liệt nhưng tinh thần và tâm hồn của ông Vương vẫn mạnh mẽ để vượt qua.

Trước khi vào VDL Diên Hồng, ông Vương từng là tổ trưởng tổ dân phố, sức khỏe vẫn còn “hừng hực như thời trai trẻ”. Biến cố ập đến khi ông đu xà bị gãy cột sống và liệt cả hai chân. Lúc ở Bệnh viện Việt Đức, con cái vẫn còn thay phiên chăm sóc, để không muốn bố cô đơn, lại có người chăm sóc nên họ đưa ông vào đây vừa phục hồi chức năng và có bạn trò chuyện hàng ngày.

Ông nói: “Con cái cũng bận công việc, đi xa cả năm mới về, tôi cũng đồng ý và về thu xếp “chuyển nhà” vào đây. Ở ngôi nhà thứ 2 này cũng được một năm rồi. Ngày mới về, tôi cũng cảm thấy cô đơn, trống trải vì xa nhà, chưa hòa nhập với môi trường mới. Nhưng rồi để nhanh thích nghi, tôi tham gia các hoạt động vui chơi tập thể với các bạn già”.

Mong ngày nào đó một phép màu sẽ đến với đôi chân của người cựu chiến binh.

Khác với các cụ ở đây, ông Vương chỉ nhớ quê, nhắc đến Ninh Bình hai mắt ông lại rưng rưng, ông nghẹn ngào nói: “Giá đôi chân có thể đi lại thì tốt, cũng chẳng phải xa quê như này. Ngày nào tôi cũng mong ngóng được trở về nơi mình đã gắn bó cả một đời người. Tình cảm này là tình cảm không gì có thể thay thế được, nó luôn ở mãi trong tim của tôi”.

Có thể thấy, mỗi người một phận, một câu chuyện nhưng lại gặp nhau ở ngôi nhà thứ 2 đầy ắp tình thương và tiếng cười. Họ đều ngậm ngùi chấp nhận, cầm lòng nhưng cũng có người thì da diết nhớ nhà, nhớ con; người dù có tỉnh táo khoanh vào tờ lịch từng ngày con cháu đến thăm nhưng ai cũng một mực khẳng định: “Con cái yêu thương, lo lắng cho mình, sợ không có ai chăm mới gửi vào đây cho có bầu có bạn, nào phải rũ bỏ trách nhiệm với đấng sinh thành đâu”…

Đến giờ tôi đã hiểu, hạnh phúc bắt nguồn từ những điều nhỏ bé nhất. Trên bước đường đi tìm giá trị của hạnh phúc, có người đã tìm được câu trả lời và không ít người tìm mãi mà không thấy, dần dần đi vào bế tắc, tuyệt vọng như đi vào con đường không tìm thấy lối ra.

Biết là có người bầu bạn nhưng cũng chẳng thể so sánh bằng việc có con cháu quây quần ngày Vu lan ý nghĩa.

Mọi người thường nói là đi tìm và khám phá giá trị của hạnh phúc, cứ ngỡ rằng hạnh phúc là một cái gì đó cao siêu mà không nhận ra rằng hạnh phúc có ở quanh ta. Hạnh phúc không phải trên trời rơi xuống hay được ai ban phát mà nó nằm ngay trong cảm nhận, suy nghĩ và hành động của mỗi người.

Theo ông Đào Quang Đức, Phó giám đốc Viện dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 cho biết, nơi đây là mái nhà sinh hoạt an dưỡng tuổi già của 120 cụ. Mỗi người có một hoàn cảnh, câu chuyện khác nhau nhưng đều theo diện tự nguyện. Các cụ ban đầu vào trung tâm đều có chung cảm giác nhớ nhà, không có cụ nào vào là thích luôn. Tuy nhiên, sau khi ở một thời gian, các cụ quen với bạn bè đồng tuổi nên không muốn về nhà.

Với mong muốn giúp các cụ nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, vơi bớt nỗi nhớ nhà, các điều dưỡng viên luôn bên cạnh để chia sẻ chuyện buồn vui cùng các cụ. Các buổi tham quan, tổ chức trò chơi để các cụ được tham gia vận động cơ thể và đem đến sự gắn kết giữa các thành viên trong trung tâm, đem lại niềm vui cho các cụ.

Một mùa Vu lan lại qua, ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ…

Kết thúc buổi trò chuyện, đi tìm câu trả lời “hạnh phúc là gì?”, tôi rời trung tâm vào giữa trưa khi các cụ còn đang say giấc. Bước chân qua những căn phòng, tôi thấu hiểu hơn, đến tuổi bóng xế chiều ai rồi cũng đến lúc phải đối mặt với quy luật sinh lão bệnh tử. Vì vậy, dù sống ở nhà hay trung tâm dưỡng lão thì các cụ vẫn cần có sự quan tâm của người nhà, sống quây quần bên con cháu để có được sự an yên và đầm ấm hơn.

Vu lan là ngày đại lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn.

Theo Hồng Phúc – Báo Quân Đội Nhân Dân

Leave a Reply

Your email address will not be published.

seventeen − 2 =