“Tôi sẵn sàng vào viện dưỡng lão, con cái sẽ hỗ trợ chi phí chăm sóc, tôi tự lo tiền tiêu vặt”.
Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2011, với tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% tổng dân số. Hiện tại, nước ta có 7,4 triệu người trên 65 tuổi, chiếm 7,7% tổng dân số; dự báo đến năm 2050 sẽ tăng lên 22,3 triệu (tỷ lệ 20,4% dân số). Chính vì tốc độ già hóa dân số nhanh nên những vấn đề an sinh, xã hội lần lượt được đặt ra và bàn đến, trong đó có việc người già nên ở với con cái hay vào viện dưỡng lão?
Độc giả Nghi Tran ủng hộ việc vào viện dưỡng lão khi về già: “Tôi xin trả lời câu hỏi của tác giả bài viết Tuổi già sống mòn trong viện dưỡng lão: Nếu con cái nói sẽ đưa tôi vào viện dưỡng lão, tôi sẽ hoàn toàn đồng ý. Tôi nhấn mạnh là đồng ý một cách vui vẻ, tự nguyện, thỏa mãn. Tôi sẽ nói với con là: “Chỉ cần con đóng tiền dưỡng lão cho ba là được, tiền tiêu vặt ba sẽ xài lương hưu”.
Luận điểm tác giả đưa ra không đúng hoàn toàn. Người Việt Nam xưa sống bằng nghề nông, đàn ông chỉ làm việc đồng áng, phụ nữ thì quanh năm ở nhà làm nội trợ và chăm sóc người già. Thời thế bây giờ đã khác, con người bây giờ (cả nam và nữ) còn có cuộc sống riêng của mình. Quan trọng nhất, cần có người đi làm để có tiền chăm sóc người già.
Thật sự cái gì cũng có thể dung hòa, đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão nhưng không bao giờ tời thăm hay quan tâm thì đáng phê phán. Nhưng bảo thủ giữ ba mẹ bên cạnh, ảnh hưởng cuộc sống của mình và cả ba mẹ mình thì chưa chắc đã tốt. Thời thế là thế, phải đi theo yêu cầu của thời thế thì phải phát triển được”.
Sức khỏe người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 tuổi. 96% người mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây truyền. Như vậy, có thể thấy, sau khi hoàn thành “sứ mệnh” nuôi con đến tuổi trưởng thành, các bậc cha mẹ già thường phải đối mặt với bệnh tật, không có thời gian hưởng thụ cuộc sống một cách vui tươi.
Độc giả Nguyen Bui Nhung đồng ý với quan điểm sẽ chủ động vào viện dưỡng lão, không đặt nặng vấn đề ở với con cháu và tự đề ra những “sứ mệnh” lúc về già:
“Tôi vui khi vào viện dưỡng lão để con tôi được toàn tâm toàn ý lo cho bản thân và những đứa con của chúng. Tôi có vô số sở thích và những kế hoạch để làm tới lúc chết. Đó là những thứ tôi muốn cống hiến giúp ích cho thế hệ sau.
Tôi từng xem một phim tài liệu về việc tại sao con người lại sống lâu và khoẻ sau khi đã sinh và nuôi con lớn. Cho dù hầu hết các động vật khác sau khi sinh sản và con trưởng thành là chúng sẽ chết rất nhanh. Thậm chí loài cá hồi sẽ chết ngay sau khi thụ tinh. Đó là vì con người có sứ mệnh tiếp tục nâng đỡ con cái, truyền lại cho thế hệ sau những kỹ năng và kiến thức văn hoá đã được tích tụ lâu năm của xã hội loài người. Điều này là cần thiết cho sự tiến hoá của loài người. Chính vì vậy khác với những động vật sinh con xong là sẽ chết hoặc tuổi đời sau khi sinh đẻ khá là ngắn, thì con người vẫn tiếp tục sống cho dù tuổi sinh sản đã qua lâu.
Thay vì đặt nặng vấn đề ở với con cháu. Sao chúng ta không sống với sứ mệnh của mình? Chúng ta cần phải tách ra khỏi con cái khi chúng lớn. Chúng ta hơn hết phải là người tự lo được cho bản thân, thêm nữa là chỗ dựa về tinh thần cho con cái để chúng có nơi hướng về mỗi khi lạc lối. Có những lúc tôi thất bại trong công việc, tình yêu, tôi chỉ mong được thấy cha mẹ khoẻ mạnh, ngồi ung dung mỉm cười và nói mọi chuyện sẽ ổn. Lúc đó tôi thấy bình an và như được tiếp thêm năng lượng vậy”.
Trong khi đó, độc giả LQL cho rằng câu hỏi vào viện dưỡng lão hay ở với con cháu vốn dĩ không có đúng sai, chỉ có phù hợp hay không phù hợp. Và nhấn mạnh rằng tuỳ vào trường hợp, hoàn cảnh mà các bậc cha mẹ hãy chủ động thu xếp cho mình cuộc sống lúc tuổi già:
“Hãy hình dung, một cơ thể khoẻ mạnh khi những bộ phận trong đó cùng hoạt động theo một nguyên lý nhất định. Nếu một hay nhiều bộ phận không vận hành theo nguyên lý đó nữa thì cơ thể có bệnh.
Ngày xưa khi vật chất thiếu thốn, Nho giáo là chủ đạo (giải nghĩa của tác giả cũng là Nho giáo) qua ngàn năm, nên xã hội bấy giờ vận hành bình thường với nguyên lý Nho giáo. Ngày nay chính sự phát triển về vật chất khoét sâu hơn khoảng cách thế hệ, dù chỉ là thế hệ cha – con, dẫn đến xung đột về tư tưởng cũ và mới. Không thể nói ai đúng ai sai mà hãy tự vấn rằng liệu có phù hợp.
Ngay trên VnExpress, có rất nhiều bài nói về những người già không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con cái, dâu rể (kiểu truyền thống), nhưng chính con cái, dâu rể lại bị cuốn theo cuộc sống hiện đại. Nhiều trường hợp làm mãi mà không ngóc đầu lên được, tinh thần căng thẳng, sa sút thì sao là chỗ dựa tinh thần cho người già.
Bên cạnh đó người già thời hiện đại cần tìm thêm những thú vui khác như nghệ thuật, du lịch, nuôi thú cưng… để lấp lại khoảng trống hiển nhiên khi con cháu không thể kè kè sáng đêm, dù điều đó chỉ có vơi đi phần nào. Muốn được như vậy thì phải có độc lập tài chính. Về con cháu đối xử với mình thế nào chính là kết quả mình giáo dục con (tôi đồng ý với tác giả ý này). Con phụng dưỡng hay lâu lâu về thăm hỏi thì phải phụ thuộc hoàn cảnh và cách được nuôi dạy.
Với cách nuôi dạy con đạo đức, yêu thương và cho con nền tảng tốt thì không lý nào con cái là kẻ bất hiếu cả”.
Theo: Vn.Express