Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Đằng sau cánh cửa một viện dưỡng lão ở Hà Nội: Ừ thì, mình cứ vui hết mình thôi!

Mọi người vẫn nghĩ viện dưỡng lão là nơi con cái bỏ mặc cha mẹ họ với tuổi già. Tuy nhiên đằng sau cánh cửa, ký ức không bị ngưng đọng, nó vẫn hòa mình vào dòng chảy thường nhật để các cụ tiếp tục vui sống.

Các cụ hào hứng tham gia chợ Tết cơ sở 2

Trong suy nghĩ của hầu hết chúng ta, viện dưỡng lão là nơi buồn tẻ nhất thế gian. Ở thế giới cô lập đó chỉ là những người già neo đơn đang cố bám víu cuộc sống, rồi lẳng lặng nhìn năm tháng trôi đi phía sau cánh cổng. Cảm giác như một thế giới mà người đến rồi lại ra đi như mây gió và chẳng ai quan tâm.

Tuy nhiên trong suy nghĩ của các cụ tại viện dưỡng lão Diên Hồng (Hà Đông, Hà Nội), mọi thứ lại hoàn toàn khác. Nói chính xác hơn, đây không phải là viện – dưỡng – lão mà là NHÀ – một mái nhà chung chưa bao giờ ngớt tiếng cười nói.

Các cụ đi mua sắm tại các gian hàng chợ Tết cơ sở 1

Cùng trong viện dưỡng lão mà, mình cứ vui hết mình thôi!

Đến bữa cơm tối, bà Cẩm (82 tuổi) lặng nhìn các thành viên khác ăn cơm. Bao giờ cũng thế, bà Cẩm phải chờ mọi người dùng bữa no nê rồi bà mới bắt đầu cầm đũa. Nhiều anh chị ở trung tâm không hiểu, các cụ ông cụ bà khác cũng chẳng rõ sao bà Cẩm lại có hành động “kỳ quặc” như thế!

Bà Cẩm tham gia Ngày lễ Vu lan do Trung tâm tổ chức

“Là vì chút bình tĩnh, chút ưu tư, chút mong chờ”, bà Cẩm không muốn “vồ vập” ăn ngay, mà mọi thứ cứ chầm chậm trôi qua để tận hưởng thật trọn vẹn.

Bà Cẩm đã sống ở đây 2 năm, ký ức trong từng ấy thời gian của bà cô đọng vỏn vẹn ở 2 từ: Vui và tốt! Nào là ngồi bên nhau uống nước, cùng xem ti vi, cùng hát hò, cùng ăn cơm. Hoặc thích thú hơn nữa thì chơi tú lơ khơ, ôm mèo… trên những tấm bìa giấy.

Lần gần đây nhất, một nhóm tình nguyện viên đã mang đến ý tưởng vui chơi thông qua những tấm bìa carton. Nhiệm vụ của các cụ chỉ là chui đầu vào vòng tròn được khoét sẵn và tưởng tượng như mình đang cùng nhau thư giãn vậy đó. Ừ thì, trong viện dưỡng lão mà, mình cứ vui hết mình thôi! Bởi lẽ cuộc đời có bao lâu, miễn sao vui vẻ sống trọn kiếp người là mãn nguyện rồi.

Bà Cẩm đang ôm chú mèo con vào lòng

Bà Cẩm nhớ lại cái lần chui mặt vào những miếng bìa giấy rồi phụt cười: “Vui, vui lắm đó!”. Mọi cảm xúc khi đó đều thật “trẻ con”, ngây ngô và rất tự nhiên. Nhìn vào đó sẽ chẳng ai còn dám nghĩ, thời gian sẽ ngừng lại sau cánh cổng viện dưỡng lão. Bởi mọi thứ ở đây đều được “mua đi bán lại” thông qua những nụ cười.

Tưởng tượng mình đang trong phòng thi và ”bạn nam” đang copy bài của ”bạn nữ”

Các cụ vào đây rất thích vì được khám sức khỏe định kì, tổ chức sinh nhật, chụp ảnh Tết và có đông người quây quần bên nhau. Điều này khác hẳn với viễn cảnh trước đó khi còn ở nhà: ốm yếu, một mình nên thành ra cô đơn!

“Yếu quá rồi, nên nếu thuê người chăm sóc thì cũng bằng tiền vào viện dưỡng lão. Tôi không muốn làm phiền con phiền cháu…” – bà Cẩm thủ thỉ cái lý do mà theo tôi là có chút khó khăn và chạnh lòng để nói ra. “Con cháu là một chuyện, chúng nó còn bận, chẳng thể chăm sóc được mình”.

– “Thời gian đầu bà có tủi thân không?”

– “Không! Vì sao phải tủi, dần dần rồi quen. Con cháu vẫn đều đặn vào thăm tôi mỗi tuần đấy thôi!”

Bởi, viện dưỡng lão không phải là nơi con cái bỏ mặc cha mẹ họ với tuổi già.

Dù xa con cháu nhưng vẫn vui sống có ích

Ở viện dưỡng lão Diên Hồng không có những nỗi đau, âu chỉ có những ánh mắt đau đáu của nhiều cụ bệnh tật trở nên ám ảnh mãi. Đôi bàn tay run run, bàn chân chập chững dò đường đi về phòng. Cái xe đẩy đi trước, cụ ông lại theo sau. Buồn đôi khi cũng chỉ vì ốm yếu, cứ mãi gắn chặt thân thể với chiếc xe lăn nên thành ra ít được tự do.

Một bà cụ tóc bạc phơ không buồn ăn hết bữa cơm tối. Bà mải nhìn gói bỏng ngô trên đấy có gắn cái hình bé xinh, đề dòng chữ: Chúc mừng 8/3. Bà nặng tai nên không thể nghe rõ. Nhưng khi được hỏi sống ở đây có vui không, nhận quà có vui không, bà đáp lại bằng những nụ cười. Nói đoạn, bà lên xe lăn về phòng nằm nghỉ.

“Sống đơn giản, mạnh khỏe, sống mỗi ngày cho vui là được”, vẫn giọng điệu chậm rãi bà Cẩm xuýt xoa. Chính bởi thế viện dưỡng lão Diên Hồng thường hay tổ chức các chương trình văn nghệ, vui chơi để các cụ được hòa mình và sống tốt hơn. Như Tết vừa rồi đó, bà Cẩm và nhiều cụ ông cụ bà khác không về nhà. Họ cùng ở lại đón một cái Tết giản dị bên nhau, cho ra đời bộ ảnh “hồi xuân” nhiều màu sắc trong những tà áo dài duyên dáng.

Bà Cẩm tham gia thi ”Rung chuông vàng” do các bạn tình nguyện viên tổ chức.

Không hiểu sao nhưng ở đây, các cụ thích nghe nhạc. Bữa nào ăn cơm ti vi cũng mở xập xình mấy bản nhạc vui tai, hình ảnh đều đặn chạy vun vút thu vào tầm mắt. Có chút âm thanh, có chút hình ảnh, dường như mọi thứ đỡ nhạt nhẽo. Nếu chiếc xe lăn xếp thứ nhất, thì ti vi đứng thứ hai về “tình bạn” với các cụ. Dẫu sao với thế giới tách biệt ngoài kia, nhìn qua lăng kính truyền hình còn thú vị hơn những chiều nắng tắt mòn mỏi qua khung cửa sổ. Bởi khi đó lại nhớ nhớ nhung nhung, lại nhìn về xa xăm rồi nhỡ đâu đôi mắt lại ươn ướt..

Chẳng ai muốn thế và cũng chẳng ai mong thế…!

Xong bữa tối, các điều dưỡng viên bắt đầu công việc dọn dẹp và vệ sinh cho các cụ. Chương trình âm nhạc kết thúc, mỗi cụ lại đều đặn về từng phòng riêng. Người mở ti vi theo dõi thời sự, người áp tai vào chiếc radio. Thành thử ở trung tâm Diên Hồng, có nhiều hơn 1 thứ âm thanh của sự sống.

– “Các bà có nhớ hết được tên nhau không?

– “Không thể, vì chúng tôi lẫn rồi, lúc nhớ lúc quên”.

Nhưng tôi mong, những niềm vui trong khoảng thời gian sinh sống tại đây các cụ sẽ nhớ mãi. Như cụ bà Cẩm bảo, ở viện dưỡng lão be bé này, người này đến rồi lại đi, người khác lại tới. Là một vòng luân chuyển nên không bao giờ thiếu đi những người bạn – những thành viên đặc biệt trong đại gia đình đặc biệt.

Bà Cẩm và điều dưỡng Kim Uyên

Mỗi cụ một hoàn cảnh, một nỗi đau nhưng khi đến với nhau, họ cùng trân quý những kỷ niệm và dành tặng niềm vui để tiếp tục vui sống. Và thế là, đằng sau cánh cửa của viện dưỡng lão, ký ức không phải bị ngưng đọng, nó vẫn hòa mình vào dòng chảy thường nhật để biến những điều tưởng như tẻ nhạt nhất thành nụ cười.

Theo: Minh Nhân/ Kênh 14.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published.

five × 3 =