Càng nhiều tuổi, hệ miễn dịch của con người càng kém, đặc biệt là vào mùa đông, mùa lạnh thời tiết thay đổi, nhiệt độ xuống dưới mức trung bình dẫn đến một số bệnh nguy hiểm. Thêm vào đó, hệ miễn dịch suy yếu và sức đề kháng kém cũng là nguyên nhân khiến người cao tuổi (NCT) rất dễ mắc bệnh. Do vậy, để đảm bảo sức khỏe cho NCT trong mùa đông nên chú ý thực hiện một số biện pháp như sau.
Với người cao tuổi, sức đề kháng và hệ miễn dịch suy giảm nên khi thời tiết thay đổi rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, vi rút…. Không khí lạnh tác động không tốt đối với đường hô hấp, từ đó làm các bệnh hô hấp mạn tính dễ tái phát đặc biệt là bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Ngoài ra, môi trường ẩm thấp cũng tạo thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút gây cúm, gây viêm phổi phát triển mạnh dễ tấn công người cao tuổi.
Vào mùa lạnh, người cao tuổi thường hay mắc phải như bệnh về hô hấp như: viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi…hầu hết tất cả các bệnh này đều do thời tiết thay đổi, thân nhiệt thấp dẫn đến mắc bệnh. Khi mắc bệnh người cao tuổi dễ bị ho lâu ngày, nếu không lưu ý rất dễ tái phát trở lại chính vì vậy việc thường xuyên theo dõi và quan tâm đến tình trạng sức khỏe của những người cao tuổi trong mùa lạnh là rất quan trọng.
Ngoài mắc các bệnh liên quan đến thời tiết kể trên thời tiết lạnh cũng làm cho các bệnh xương khớp như thoái hóa, xơ cứng khớp gối, khớp bàn tay, cổ tay hay thoái hóa cột sống thắt lưng trở nặng hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người cao tuổi.
Với việc chủ động phòng tránh bệnh cho người cao tuổi khi mùa đông đến thì nâng cao sức đề kháng của người cao tuổi bằng cách đảm bảo chế độ ăn uống đủ chất, tăng bữa và chia bữa liên tục đồng thời giữ ấm cơ thể là các phương án hiệu quả nhất. Để đảm bảo sức khỏe trong mùa đông, nên chú ý thực hiện một số biện pháp sau:
Giữ ấm cơ thể
Mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà và khi ra ngoài bằng áo khoác, khăn quàng cổ, mũ, đi tất dày. Mặc đủ ấm giúp cơ thể tránh được sự mất nhiệt khi trời lạnh. Có thể dùng khăn che mũi, miệng nếu phải đi ra ngoài trời có gió lạnh để tránh hít thở không khí lạnh và khô dễ bị viêm mũi họng, thậm chí viêm phế quản, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Mặc ấm càng cần thiết đối với một số người bị chứng dị ứng do lạnh: mẩn ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen.
Tạo một môi trường ấm áp khi làm việc, tập luyện và nghỉ ngơi. Phòng ở phải đảm bảo thông thoáng nhưng ấm và tránh bị gió lùa. Cửa ra vào, cửa sổ nên có rèm hoặc kính che bớt gió nếu phải mở ra đóng vào nhiều.
Ăn đủ chất
Ăn đủ các chất đường, protein, đặc biệt là mỡ giúp cho cơ thể có cơ chất để sinh năng lượng chống rét. Mùa lạnh có thể ăn nhiều hơn mùa hè do cơ thể phải tiêu tốn calo nhiều hơn để bù lại lượng nhiệt mất ra môi trường. Nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu, số lượng ít nhưng chất lượng phải đảm bảo như súp, cháo thịt, các món hầm.
Chia thành nhiều bữa nhỏ, không nên dồn ép vào 1-2 bữa trong ngày sẽ làm cơ thể người già khó hấp thu. Buổi sáng và trưa nên ăn thức ăn giàu calo và bữa tối ăn nhẹ nhàng hơn kèm theo chút hoa quả. Tránh ăn quá no, uống quá nhiều vào bữa tối vì có thể là nguyên nhân mất ngủ do đầy bụng chướng hơi
Tập luyện đều đặn
Tập luyện đều đặn giúp cho cơ thể giữ được khối lượng cơ, cơ không bị teo, nhão; giúp cho khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái; củng cố và tăng cường sự hoạt động của hệ tim mạch, hô hấp; giảm đường huyết; giảm mỡ máu; ăn uống dễ tiêu và giúp cho cơ thể tăng khả năng chịu lạnh.
Khi tập thể dục, đi bộ…nên mặc áo khoác, khởi động kỹ cho người ấm lên sau đó mới bỏ áo ngoài và tập luyện. Người cao tuổi nên chú ý chỉ tập luyện sao cho vừa sức và không nên cố tập khi thời tiết quá lạnh.
Lưu ý một số bệnh người cao tuổi thường gặp vào mùa đông
Đột quỵ: Đột quỵ là từ gọi chung của những bệnh lý nhồi máu hoặc xuất huyết não, xảy ra từ từ hoặc đột ngột, gây nhiều biến chứng và di chứng nặng nề. Ở người già, do sự suy yếu của hệ thống mạch máu, máu đến nuôi não giảm sút nên dễ bị nhồi máu não, thiếu máu não. Đây là một bệnh khá phổ biến và nguy hiểm đến tính mạng của người cao tuổi.
Tăng huyết áp: Một người bị bệnh tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu cao hơn 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn 90mmHg. Người cao tuổi bị tăng huyết áp có thể do tăng từ các giai đoạn tuổi trưởng thành, tuổi trung niên, hoặc do ăn chế độ ăn uống nhiều mỡ, muối, nhưng thường nhất là do thành mạch bị xơ vữa nhiều, dẫn đến hẹp lòng mạch và tăng huyết áp. Bệnh tăng huyết áp người cao tuổi không nên xem thường vì nó rất dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như như tai biến mạch máu não, suy tim, nhồi máu cơ tim,…
Chàm khô: Thời tiết lạnh và hanh khô mùa đông khiến da mất nước, giảm tiết mồ hôi và chất bã, đóng vảy. Vì vậy, mùa đông, người cao tuổi thường dễ bị khô da, nứt nẻ kèm theo ngứa, thậm chí còn dẫn đến tình trạng xuất huyết dưới da.
Bệnh về khớp: Thời tiết lạnh ẩm sẽ khiến các cơ đau xương khớp ở người cao tuổi trầm trọng hơn. Ba loại bệnh về xương khớp mà người cao tuổi thường gặp nhất khi đến mùa đông là viêm khớp dạng thấp, thấp tim và gút.
Viêm phế quản, viêm phổi: Các vi sinh vật gây bệnh về đường hô hấp sẽ phát triển thuận lợi khi sức đề kháng của người cao tuổi sút giảm trong điều kiện môi trường có độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, khí áp thấp.
Đái tháo đường: Có nhiều nguyên nhân và cơ chế giải thích bệnh đái tháo đường ở người cao tuổi. Có thể do gan suy yếu theo tuổi già kéo theo sự suy giảm quá trình sử dụng và chuyển hóa đường trong cơ thể; do các cơ quan giảm nhạy cảm với hormon Insulin; hoạt động của hormon Insulin không hiệu quả; tụy bị lão hóa nên giảm tiết Insulin,… Tất cả các cơ chế trên gây nên hậu quả tăng đường máu dẫn đến bệnh đái tháo đường./.
(Tổng hợp từ: Báo Dân tộc, Báo Sức khỏe đời sống, TTYT Phú Đông)