Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Cụ bà 83 tuổi quyết định bán đất trong ‘phút mốt’, ‘chuyển nhà’ vào viện dưỡng lão

Không muốn phiền con cháu, cụ bà Vũ Thị Dành (83 tuổi) đã quyết định bán một nửa đất ở quê chỉ trong ‘phút mốt’ và đưa chồng bị tai biến vào ở trong viện dưỡng lão.

Như bao người cao tuổi khác, sau khi về hưu, vợ chồng bà Dành – ông Bưởi (91 tuổi) chuyển về quê ở Cẩm Giàng, Hải Dương để dưỡng già mà không muốn phiền đến 4 người con.

Với tiền lương hưu của 2 người, chi phí ở quê lại không quá đắt đỏ nên cuộc sống của ông bà trôi qua vui vẻ, thi thoảng ông bà lại đi thăm con cháu đang sinh sống ở các tỉnh thành khác.

Biến cố bắt đầu xảy ra khi bà Dành bỗng dưng bị đau lưng dẫn đến đi lại khó khăn và ông Bưởi bất ngờ bị tai biến gây ảnh hưởng đến vận động.

Hai lần đầu bị tai biến nhẹ nên ông Bưởi phục hồi tốt, vẫn vận động được, nhưng đến lần thứ 3 thì ông bị nặng hơn, không nói được, không đi lại được, phải nằm một chỗ chờ người phục vụ.

Cụ bà Vũ Thị Dành (83 tuổi) chia sẻ về những kỉ niệm, những chuyến đi của hai vợ chồng khi còn khỏe

“Nếu không vào đây, có thể tôi và chồng đã ra đi từ lâu rồi” – bà Dành trầm ngâm nhớ lại.

Vì đau lưng không đi lại được, chồng thì nằm một chỗ nên cụ bà gọi các con về bàn chuyện mượn người chăm sóc.

Nhưng ở quê tìm người phù hợp cũng khó nên bà trả 12 triệu một tháng để người con rể thứ 2 nghỉ việc về quê chăm sóc vợ chồng mình, kèm theo đó nhờ một người phụ giúp dọn dẹp, nấu cơm hàng ngày.

Mặc dù số tiền chi trả thuê người chăm sóc khá cao nhưng cả con rể và người ngoài đều không có kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc người già, nhất là người bị tai biến, nên tay chân lóng ngóng, gặp rất nhiều khó khăn khi giúp ông thay bỉm, vệ sinh, trở mình…

“Khoản ăn uống của chúng tôi cũng không ra gì, ngày nào thực đơn của tôi cũng quanh quẩn với rau bắp cải, rau xà lách luộc, còn ông thì cháo ninh xương rau củ. Đồ ăn không đủ dinh dưỡng như vậy sẽ không đảm bảo sức khỏe.

Hơn nữa, khu vực gần nhà tôi người ta đang xây dựng nên luôn ồn ào, bụi bặm, ẩm thấp, mùi cống bốc lên rất khó chịu. Suy tính về chất lượng cuộc sống và về sức khỏe của cả 2 vợ chồng, tôi quyết định vào viện dưỡng lão ở” – Bà Dành tâm sự.

Bà Dành và ông Bưởi chụp ảnh trong dịp Tết tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng

Bán đất trong ‘phút mốt’ để lấy tiền đi dưỡng lão

Quyết định đi viện dưỡng lão ở của bà Dành làm các con bà cũng “thở phào” vì sẽ bớt đi phần nào lo lắng cho sức khỏe bố mẹ khi con cái không thể luôn luôn ở gần chăm sóc.

Quen với việc tự chủ và không muốn làm phiền đến các con nên bà Dành tính toán chi phí khi đi viện dưỡng lão.

Qua người quen của con gái giới thiệu, bà biết đến một trung tâm dưỡng lão ở Hà Nội với mức chi phí hơn 20 triệu đồng mỗi tháng cho 2 vợ chồng.

Tiền lương hưu của 2 người không đủ chi trả nên bà Dành đi đến quyết định bán một nửa đất đang ở để “chuyển nhà” vào viện dưỡng lão.

“Vừa nảy ra ý tưởng bán đất là tôi chạy ngay ra đầu ngõ nói với mấy người hàng xóm rằng, biết ai mua đất thì mách để tôi bán. Lúc đầu mọi người cứ nghĩ tôi nói đùa.

Rao bán được khoảng nửa tiếng thì một người hàng xóm sang hỏi mua, tôi bán luôn với giá 2 tỷ mà không cần bàn với các con. Người ta đặt cọc trước 1 tỷ, vài ngày sau thanh toán nốt số tiền còn lại.

Ngay lập tức, tôi cầm luôn số tiền đặt cọc đến đăng ký cho 2 vợ chồng ở tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội)” – cụ bà Vũ Thị Dành vui vẻ kể lại.

Là một người tháo vát và quyết đoán nên chỉ trong vài tiếng đồng hồ bà Dành đã bán đất “chuyển nhà” đến viện dưỡng lão. Nhưng quyết định nhanh nhảu đó của bà cũng gặp phải phản ứng của con trai.

Vì bà bán đất khi ông đang ốm, lại không bàn bạc với các con nên người con trai của bà trách “bà bán đất gì mà như bán đồ đi ăn trộm, bán vội bán vàng mà chạy”.

Trước lời trách móc của con trai, bà Dành vẫn giữ vững quan điểm “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”.

Vợ chồng bà đã tần tảo làm lụng lo cho cả 4 người con có cuộc sống ổn định của riêng mình, mảnh đất này là của để dành của ông bà.

Không muốn sống dựa dẫm vào con cháu nên bà bán tài sản do 2 vợ chồng làm ra để chăm lo cuộc sống của mình.

Niềm vui mỗi ngày của bà Dành là nói chuyện cùng ông Bưởi, cùng ông tập đếm, tập nói, vận động tay chân

Nuôi con, cháu để sau này già có người phụng dưỡng?!

Rất nhiều người Việt có suy nghĩ dựa vào con cháu khi về già. “Nuôi con, cháu để sau này về già, con cái chăm sóc, phụng dưỡng, chờ đấy”. Đó là câu trả lời của bà Dành khi được mọi người hỏi về việc sống dựa vào con cháu khi tuổi xế chiều.

Cụ bà 83 tuổi cho rằng, con cái dù có thương bố mẹ đến đâu cũng không thể luôn luôn bên cạnh bố mẹ và không phải ai cũng có điều kiện để sống gần bố mẹ.

“Như nhà tôi, 4 người con mỗi người lấy vợ, lấy chồng và sinh sống ở các tỉnh thành khác nhau nên không thể ở bên cạnh bố mẹ mãi được.

Vào viện dưỡng lão tôi cũng không thể đòi hỏi các con chu cấp cho mình mỗi người vài triệu đồng mỗi tháng. Bởi, cuộc sống của các con cũng có khó khăn, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, kinh tế khó khăn, nhiều người thất nghiệp.

Vậy nên, việc mình tự chủ được về kinh tế là tốt nhất, vừa thoải mái cho mình, vừa giảm bớt áp lực cho các con.

May mắn là vợ chồng tôi đã có sự chuẩn bị cho cuộc sống khi về già nên không gặp quá nhiều áp lực” – bà Dành chia sẻ.

Đến nay hai vợ chồng bà Dành đã sống ở viện dưỡng lão được 2 năm, căn phòng họ ở rộng khoảng 30 m2, với đầy đủ tiện nghi như ở nhà. Mỗi tháng ông bà phải trả hơn 20 triệu chi phí ăn ở và các dịch vụ chăm sóc.

Bà Dành (bên phải) tham gia du lịch và chụp ảnh kỉ niệm do trung tâm dưỡng lão tổ chức

Tại trung tâm dưỡng lão, nhân viên được đào tạo bài bản về chăm sóc người già nên từ việc cho ông Bưởi ăn, thay bỉm cho ông họ làm rất đơn giản, nhẹ nhàng, khiến ông không bị khó chịu như hồi còn ở nhà. Nhờ được chăm sóc tốt mà sức khỏe của ông có xu hướng cải thiện rõ rệt.

Ngoài chăm sóc vệ sinh cá nhân, ăn uống, ông Bưởi còn được nhân viên tại trung tâm theo dõi huyết áp hàng ngày, theo dõi đường huyết hàng tuần vì ông bị tiểu đường, được xoa bóp bấm huyệt, tập vận động tay chân… Đó là điều làm bà Dành an tâm nhất.

“Vì nếu vợ chồng tôi ở nhà, sẽ không có người hiểu biết về y tế theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho ông. Ở đây có người theo dõi thường xuyên, có dấu hiệu bất thường sẽ được phát hiện, xử trí và đưa đi cấp cứu kịp thời” – cụ bà bộc bạch.

Còn với bản thân bà Dành, lúc mới vào trung tâm bà không đi lại được, phải nằm võng vì đau lưng. Bà tập bò khắp phòng, khắp hành lang đến nỗi 2 đầu gối trầy xước. Nhân viên trung tâm ngỏ ý muốn giúp bà trong sinh hoạt hàng ngày nhưng bà từ chối.

“Bà gọi mấy đứa thì cái gì các cháu cũng làm giúp bà, bà thành ì, sẽ bị phụ thuộc, không vận động dẫn đến liệt nằm một chỗ thì khổ lắm, nên bà chọn cách tự mình cố gắng để làm mọi việc” – bà Dành nói.

Bỏ ngoài tai mọi lời bàn tán của mọi người về việc bà ngày ngày bò khắp nơi, với nỗ lực và sự kiên trì tập luyện, bà Dành đã đứng lên đi lại được bằng xe chữ U. Dần dần, bà bỏ xe, bám theo tường, chống gậy và giờ thì bà đã đi lại được bình thường.

Sức khỏe ông Bưởi cũng tốt lên trông thấy. Hàng ngày đều có nhân viên đến trở mình và xoa bóp cho ông. Dù không nói được, ông vẫn nhận biết, cùng phối hợp với nhân viên tập nâng tay, nâng chây, tập đếm, tập nói hàng ngày.

Sau 2 năm gắn bó với viện dưỡng lão, giờ ông bà coi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình. Giờ đây, cuộc sống của bà Dành trôi qua vui vẻ bên ông, cùng ông tập cử động tay chân, cùng ông tập đếm, tập nói, kể chuyện cho ông nghe, chơi với các con cháu những dịp cuối tuần “đến thăm nhà” ông bà… và thi thoảng trò chuyện với những người hàng xóm, tham gia các hoạt động tập thể do trung tâm tổ chức.

Theo An An/giadinhmoi.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published.

4 × five =