Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Câu chuyện về những người rời con cháu, bán đất vào viện dưỡng lão

“Trẻ cậy cha, già cậy con” – quan niệm đó từ bao đời nay đã ăn sâu trong tâm thức người Việt. Nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ già từ lâu cũng trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu của chữ Hiếu.

Nhưng trong một xã hội hiện đại với sự cách biệt suy nghĩ, lối sống, điều kiện sức khỏe và tâm lý, việc sống nhiều thế hệ trong một gia đình có thực sự đã là điều tốt nhất dành cho cha mẹ.

Hãy lắng nghe chia sẻ của những bậc cha mẹ, dù con cháu đủ đầy và sẵn sàng nuôi dưỡng, vẫn quyết tâm vào viện dưỡng lão để sống nốt cuộc đời còn lại ngay dưới đây nhé.

 Mẹ có chỗ ở ưng ý thì đó là cách báo hiếu tốt nhất

“Vấn đề vào dưỡng lão không phải là mới có, mà tôi đã có ý định từ sau khi ông mất. Tôi nghĩ cuối cùng mình sẽ vào viện dưỡng lão để dừng chân nơi cuối đời. Lúc đó, tôi còn chưa hình dung ra viện dưỡng lão thế nào. Năm 2020, tôi lựa chọn rồi quyết định vào”, bà Nguyễn Thị Biển (89 tuổi), hiện sống tại Diên Hồng chia sẻ. Đây là quyết định mà bà cho là sáng suốt nhất, vì khi đó dịch bệnh xảy ra, bà ở viện dưỡng lão lại an toàn hơn ở nhà. Nên con cái trong nước và ngoài nước yên tâm lắm, không phải lo gì cho bà.

Bà Biển thể hiện phần thi tài năng trong cuộc thi Hoa Hậu Cao Niên Diên Hồng 2020.

“Lý do tôi muốn vào đây vì muốn tạo điều kiện an tâm cho các con. Tất nhiên, khi vào viện dưỡng lão, tôi cũng đã có suy tính là khác với ở nhà, có thể có mặt trái mà mình chưa thể thấy hết được. Nhưng điều chủ yếu con cái yên tâm làm ăn, không bắt anh chị nào phải chăm mẹ rồi những người con khác phải phụ thuộc. Vậy nên tôi vào đây là gần trung tâm nhất. Các con cứ việc đến và coi như đây là nhà của mẹ”, bà Biển cười tươi kể.

Ở đây chăm sóc tốt rồi, nên con cái đến chỉ là để giải quyết tình cảm gia đình thôi. Bởi vậy mình cứ yêu cầu con phải đến lúc này, lúc kia thì nó nặng nề quá. Hơn nữa bà lại có chiều hướng ngăn cản con cái đến nhiều. “Vì mỗi lần đi lại đường xá xa xôi, con đi là mẹ lo, con về mẹ càng lo, bởi vậy tốt nhất là mình cứ điện thoại, và ít đến thăm, đến thăm thì phải thật thoải mái và đi về an toàn”, bà chia sẻ thêm.

Bà Biển (bên phải) cùng bạn thân (Bà Dành) chụp ảnh kỷ niệm trong dịp khai trương cơ sở mới.

“Có nhiều người suy nghĩ con cái để cha mẹ ở viện dưỡng lão là bất hiếu nhưng tôi không nghĩ thế. Chính các con cũng xác định mẹ có chỗ ở ưng ý thì là báo hiếu rồi. Chứ mẹ mà ở nhà các con, nay buồn, mai giận cũng không hay. Cách báo hiếu tốt nhất của các con chính là để mẹ vào được dưỡng lão. Nếu chúng ta còn suy nghĩ cổ hủ mẹ nuôi con rồi bây giờ con phải nuôi mẹ thì phức tạp, tôi không nghĩ thế. Các con nghĩ cho mẹ, muốn mẹ vui chỉ cần cuộc sống của con càng tốt, càng hơn bố mẹ là nhà có phúc. Tôi thấy bằng lòng với cuộc sống của mình cả từ lúc trẻ đến bây giờ sắp sửa hai tay buông xuôi. Đó cũng là điều giúp mình sống dài, khoẻ, vui”

Tuy xa con cái nhưng hóa ra lại gần

Do tuổi cao nên ông Nguyễn Như Ngà (92 tuổi) đã quyết định vào dưỡng lão hơn 1 năm nay. Vợ ông Ngà hiện đang ở cùng người cháu, thi thoảng đến đây thăm nom chồng. Với ông, cuộc sống ở đây mọi thứ tốt, chu đáo.

Ông Ngà hiện đang ở một mình tại Diên Hồng.

“Ông thấy ở đây rất tốt, được các cháu chăm nom chu đáo, không khí trong lành hơn trên phố. Việt nam mà tổ chức được các trung tâm như thế này là quá quý, sự thật nhiều người có tiền nhưng không có trung tâm này thì cũng chịu, vì con cháu làm sao trông nom được. Tôi ở đây các con đi làm xa cũng yên tâm, có điều dưỡng, bác sĩ chăm sóc, thi thoảng các cháu tổ chức giao lưu, đi chùa… nếu ở tuổi này không giao lưu gì dễ cô đơn, trầm cảm. Tuy nói là xa con cái nhưng hóa ra lại gần, cuối tuần, lễ tết chúng nó còn dành thời gian vào thăm mình”, ông Ngà chia sẻ

Ông Ngà cũng quan niệm rằng: “Mỗi thời mỗi khác, bây giờ con cái là phải bung ra, đi xa để học tập, làm việc, giao lưu, nên việc quần tụ gia đình sẽ gây ra nhiều hạn chế nhất là trong xã hội ngày nay”.

“Vài bạn bè tôi hỏi sao lại vào viện dưỡng lão, tôi bảo vào đây quá tốt. Nước ngoài đã có những bước đi như vậy lâu rồi. Ở đây hàng ngày được chăm sóc điều độ mình và các con đều thấy vui và yên tâm. Nếu ai đó suy nghĩ về viện dưỡng lão bị con cháu bỏ rơi sẽ rất nguy hiểm, thậm chí phải nói sống như thế này quá tốt”

Cuộc sống thay đổi như nào khi vào dưỡng lão?

“Nếu không vào đây, có thể tôi và chồng đã ra đi từ lâu rồi”, chia sẻ của bà Vũ Thị Dành (84 tuổi). Hiện tại bà Dành cùng chồng, ông Vũ Đình Bưởi (92 tuổi) đang an dưỡng tại Diên Hồng. Theo lời bà kể: “Hồi đó bà không đi được toàn phải bò, còn ông thì cắm ống xông.Ở nhà có giúp việc nhưng mà họ không có nghiệp vụ nên không chăm sóc được. Đến Tết năm 2019 ông bà quyết định vào dưỡng lão. Ở trên này được các bạn chăm sóc, hỗ trợ tập luyện, dần dần thì bà cũng tự đi được, ông cũng tập nói, tập giơ tay, giơ chân. Sáng nào ông cũng tập đếm từ 1-20”. Hiện tại bà còn trồng rau, trồng cây ngoài ban công, hằng ngày tưới cây cũng xem là một thú vui của tuổi già”.

Bà Dành cũng mảnh vườn nhỏ của mình ngoài bạn công

Còn với bà Biển, từ khi vào trung tâm bà thấy sức khỏe của mình tốt hơn nhiều, vì mọi sinh hoạt đều có giờ giấc khoa học, các hoạt động vui chơi giải trí cũng đều đặn. “Trung tâm hay có nhiều hoạt động lắm, tháng 11 năm ngoái bà tham gia hoa hậu cao niên. Còn 20/10 năm nay, bà cũng tham gia đội múa, không những thế còn được mời làm giám khảo chấm thi cho các cụ ông”, bà Biển tươi cười kể lại.

Yêu thương ai đó có thể là cho họ được sống cuộc sống thoải mái nhất. Bố mẹ mong muốn con cái được thoải mái theo đuổi ước mơ, xây dựng cuộc sống riêng của chính mình, còn con cái mong muốn cha mẹ sống trong điều kiện tốt nhất với chế độ chăm sóc phù hợp nhất. Vậy nên câu chuyện con cái đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão vẫn còn nhận nhiều tranh cãi với các quan niệm khác nhau. Tuy nhiên thực sự lắng nghe mới thực sự hiểu biết được cha mẹ cần gì.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

4 × 3 =