Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Để tuổi già không cô đơn: Trung tâm dưỡng lão mùa Covid

Cán bộ trung tâm dưỡng lão Diên Hồng hướng dẫn các cụ tập thể dục

 Cô đơn là một trong những “căn bệnh” đáng sợ nhất mà người cao tuổi phải đối mặt. Khi con cái trưởng thành, ra ở riêng, cách thức chăm sóc cha mẹ chuyển từ trực tiếp sang gián tiếp thì nỗi cô đơn tuổi già càng hiện hữu, đặc biệt là khi người bạn đời không còn. Việc chuẩn bị “hành trang” thế nào để tuổi già không cô đơn là điều được nhiều người quan tâm, đặc biệt là phụ nữ khi họ có xu hướng sống thọ hơn nam giới.

Cụ bà Nguyễn Thị Ngát trò chuyện cùng điều dưỡng viên mỗi ngày

Tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội), cụ bà Nguyễn Thị Ngát, 80 tuổi, quê ở Bắc Ninh, tâm sự: “Qua ti vi, đài báo, chúng tôi biết dịch Covid-19 rất nguy hiểm với người già như chúng tôi. May mắn là chúng tôi đang sống ở trung tâm dưỡng lão, nếu ở nhà chắc sẽ lo lắng bị dịch bệnh hơn. Trung tâm phòng, chống dịch tốt, chúng tôi được điều dưỡng chăm sóc cẩn thận, được ăn ngon, ngủ yên”.

Cụ Ngát kể, thời trẻ, cụ từng là bộ đội, công tác ở phòng Tài vụ, Tổng cục Hậu cần (Hà Nội). Cụ có 1 cô con gái duy nhất. Từ khi con gái xây dựng gia đình, cụ Ngát sống một mình. “Càng cao tuổi tôi càng sợ sự cô đơn, nhất là khi đau yếu, mệt mỏi, có lúc cứ nghĩ chắc cái chết đang đến gần. Con cháu cũng lo lắng cho tôi nhưng chúng còn phải đi làm, đi học. Từ khi vào trung tâm dưỡng lão, được sinh hoạt khoa học, giao lưu với bạn bè, nhiều niềm vui tuổi già ào đến mỗi ngày. Nếu cứ sống vui khỏe như thế này, chắc tôi sẽ kéo dài được tuổi thọ”, cụ Ngát chia sẻ.

Ông Nguyễn Trọng Việt, 69 tuổi (nhà ở Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) kể: “Nhà tôi ở gần Trung tâm này, nghe một số bạn bè kể về cuộc sống ở đây, tôi cũng muốn vào sống thử. Hai con của tôi đều đã có gia đình riêng, chúng bận đi làm, các cháu đi học, tôi luôn thấy buồn, cô đơn. Khi vào đây, 2 ngày đầu tôi thấy hơi mất tự do, vì phải ăn, ngủ và chơi theo giờ, nhưng từ ngày thứ ba trở đi tôi thấy quen dần. Người khỏe lên, ăn ngon, ngủ ngon. Không khí ở đây mát lành, sạch sẽ, khu vệ sinh khép kín… Những lúc đau ốm đêm hôm đều có điều dưỡng viên chăm sóc, không phải lo lắng khi ở nhà chỉ có một mình không biết gọi ai. Khi con cháu đến thăm, thấy tôi khỏe, tinh thần tốt hơn ở nhà, nên yên tâm đi làm, đi học”.

Ông Nguyễn Trọng Việt quyên góp tiền ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19

“Nội bất xuất, ngoại bất nhập”

“Là nơi chăm sóc người cao tuổi có bệnh nền, sức đề kháng yếu nên công tác phòng, chống dịch Covid-19 được Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đặc biệt chú trọng nhưng vẫn cố gắng duy trì trạng thái sống vui, sống khỏe cho các cụ”, chị Kiều Thị Hảo, phụ trách Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, cho biết.

Theo chị Hảo, trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, Trung tâm đã chủ động áp dụng chính sách “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để phòng ngừa dịch bệnh. Việc thăm nom của người nhà đối với các cụ đang sinh sống tại đây đã dừng từ ngày 3/5/2021. Thay vào đó là thăm hỏi qua điện thoại, gọi video. Hàng ngày, trung tâm gửi hình ảnh và thông tin về tình hình của các cụ để gia đình an tâm.

Bắt đầu từ ngày 24/7, cán bộ, nhân viên Trung tâm đã vào ký túc của trung tâm để làm việc và sinh hoạt cùng các cụ. Trung tâm cũng thực hiện nghiêm cấm việc sử dụng thực phẩm chế biến sẵn. Thay vào đó, các đầu bếp nấu theo thực đơn riêng để đảm bảo kiểm dịch an toàn. Các đơn vị cung cấp thực phẩm phải tuân thủ các biện pháp chống dịch khi giao hàng đến trung tâm. Hàng hóa được đặt tại nơi quy định, sau đó bảo vệ tiếp nhận và gửi lên địa điểm để sau đó nhà bếp nhận, đảm bảo an toàn.

Các cụ tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng luôn được chăm sóc chu đáo

Hàng ngày, sau khi ăn sáng, các cụ được khám sức khỏe, đo nhiệt độ. Cán bộ, nhân viên của trung tâm thông báo cho các cụ nắm được tình hình sức khỏe của mình. Trong đợt dịch, trung tâm cũng đẩy mạnh các hoạt động tập thể dục, vui chơi trong nhà để các cụ không thấy buồn chán.

“Dù cố gắng hết sức đảm bảo an toàn mùa dịch nhưng chúng tôi cũng tính đến phương án chống dịch cao nhất, phòng khi có dịch bệnh xâm nhập vào trung tâm. Hiện tại, các cụ có 1-2 người/phòng, cũng có phòng ở đông hơn. Nếu đã đến Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, các cụ sẽ cảm nhận rõ tuổi nào cũng phải sống vui, sống khoẻ. Nhiều việc thời trẻ các cụ chưa làm thì khi đến Trung tâm sẽ được làm quen như tham gia các hoạt động thể thao, hoạt động tinh thần phù hợp với tuổi già”, chị Hảo cho biết.

Theo Hải Linh – báo Phụ nữ Việt Nam.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

8 + one =