Có người từng bảo với tôi rằng yêu nghề, chọn nghề là một chuyện, nghề có chọn mình hay không mới là chuyện quan trọng. Ngày trước, tôi chưa bao giờ nghĩ, mình sẽ trở thành một cô điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi như bây giờ. Ấy vậy mà nó lại chọn tôi, đưa tôi đến với công việc hiện tại.
Nghề điều dưỡng đã vất vả, thì điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi lại còn vất vả hơn bội phần. Vì đối tượng chăm sóc không hẳn là người bệnh mà là người già bị bệnh. Họ đều đã đến cái tuổi xế chiều, một chiếc lá rụng xuống thôi cũng đủ làm họ thấy không an lòng.
Người cao tuổi ở Diên Hồng đa phần đều không còn minh mẫn và khỏe mạnh. Có những người thì phải hỗ trợ đi lại bằng xe lăn, có người còn không nhớ được tên, được tuổi, càng không nhớ được nhà mình ở đâu. Thậm chí, có cụ vừa ăn cơm xong đã vội vã quay lại hỏi chúng tôi “5 giờ rồi sao còn chưa ăn cơm?”.
Ngày tôi mới vào Diên Hồng, tôi mới thấm thía được câu “đời người hai lần là trẻ con”. Người già ở Diên Hồng cũng thế, trong một ngày các cụ có thể trải qua thật nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Ví như đang nói chuyện vui vẻ với nhau nhưng chỉ một lát sau đã thấy giận dỗi nhau rồi. Thậm chí vì những điều nhỏ nhặt nhất mà cũng cảm thấy không hài lòng, tại sao bà ấy không chơi với mình nữa, tại sao bà ấy lại đi chơi với người khác, tại sao ông ấy được ăn cháo còn mình phải ăn cơm,… Những lúc như vậy, chúng tôi – những người điều dưỡng viên, hằng ngày không chỉ lo mỗi sức khỏe, ăn uống, tắm giặt, vệ sinh hay thuốc men bệnh tình, mà mỗi người đều phải hoá thân làm một chuyên gia tâm lý. Không nhưng thế chúng tôi còn làm con, làm cháu, thậm chí là bạn để dỗ dành, yêu thương các cụ. Có những cụ, tới bữa ăn còn không chịu ăn, nên chúng tôi phải nịnh, phải hứa là ăn xong sẽ được đi chơi. Nhiều lúc nghĩ lại, các cụ hệt như những đứa trẻ con vậy.
Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Có những ngày các cụ khó ở, tâm trạng không tốt nên tính tình cũng trở nên cáu gắt, hung tính, thậm chí có những hành động không đúng. Bởi vậy, nghề điều đưỡng chăm sóc các cụ vất vả lắm, nên chỉ những ai thật lòng yêu quý các cụ, yêu quý cái nghề này mới làm được.
Một ngày đi trực được bắt đầu từ sáng hôm nay cho tới tận sáng ngày hôm sau mới được nghỉ. Đêm đến, chúng tôi trực để trông nom, chăm sóc cho các cụ được yên giấc. Chỉ khi nghe thấy tiếng hít thở đều đều, thấy các cụ ngủ ngon lành thì chúng tôi mới an tâm. Tôi nhớ có những đêm trực phải thức trắng đêm vì có cụ sốt cao, khó thở phải thở oxy. Lúc đó đôi mắt tôi nặng trĩu, nhắm tịt lại nhưng tay thì vẫn không ngừng chườm khăn ấm để cho cụ hạ sốt. Đến hôm sau khi cụ đỡ mệt thì tôi mới thấy an lòng. Khi tôi chăm sóc các cụ, tôi có cảm nhận như họ chính là người thân của tôi, còn tôi cũng chính là người thân của họ.
Đến với Diên Hồng từ lúc tôi chỉ là một đứa sinh viên mới ra trường, còn tới bây giờ, bản thân tôi cũng đã tìm ra được con đường đi cho riêng mình. Diên Hồng là tương lai của tôi, tôi muốn gắn bó thật lâu, thật lâu, muốn được mang sức trẻ, mang tình yêu thương của mình để chăm sóc người cao tuổi. Nghề đã chọn tôi và đưa tôi trở thành một trong số rất nhiều thành viên trong đại gia đình Diên Hồng. Tôi muốn gửi tới Diên Hồng một lời cảm ơn sâu sắc, cảm ơn vì đã đồng hành giúp tôi trưởng thành, giúp tôi góp sức xây dựng một công việc đầy sự nhân văn và tình yêu thương.
Điều dưỡng Phạm Thị Trâm Anh
Giải nhất cuộc thi viết Diên Hồng trong tôi
One Comment
Kiều Hảo
Bài viết hay quá, đúng là một nghề đặc biệt, không yêu thương các cụ thì chẳng thể làm nồi đâu! Cảm ơn các bạn điều dưỡng viên Diên Hồng!