Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Ngưỡng mộ đôi vợ chồng kết hôn sau 1 lần gặp, 64 năm chưa từng to tiếng

Ở tuổi xưa nay hiếm, vợ chồng ông Vũ Đình Bưởi (90 tuổi) – bà Vũ Thị Dành (83 tuổi) – Hải Dương đã cùng nhau trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời. Hiện tại, cả hai vẫn vẹn nguyên tình cảm, chăm sóc và thương  yêu nhau hơn thuở ban đầu.

Bà Dành sinh ra trong một gia đình vùng quê ở Hải Dương. Bà nhớ lại hồi đó, bạn bè trong làng 16,17 tuổi đều đã lấy chồng sinh con. Khi lên 19 trong đầu bà nghĩ khéo ế chồng thì bất ngờ được họ hàng mai mối với ông Bưởi.

Đó là lần ông Bưởi về quê chơi và gặp bà. Chẳng ai ngờ sau lần đó, được sự đồng ý của gia đình, ông bà lấy nhau chỉ nhờ lần gặp đầu tiên ngắn ngủi. “Hồi đó chưa yêu đương như bọn trẻ bây giờ. Yêu nhau rồi cưới nhau chỉ qua họ hàng và mai mối thôi. Hồi trẻ ông ấy đẹp trai lắm, thế nên tôi mới yêu chứ” bà Dành nói, niềm hạnh phúc ánh lên trong ánh mắt.

Một số hình ảnh của ông bà

Năm 1958, sau đám cưới giản đơn với chén trà, điếu thuốc bà Dành theo chồng ra Hà Nội. 19 năm sống ở quê, những ngày làm dâu Hà Thành khiến bà không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng rồi giây phút đấy qua đi khi có chồng bên cạnh. Vài tháng sau khi kết hôn, bà mang thai đứa con đầu lòng nhưng đó cũng là lúc ông Bưởi nhận quyết định công tác trên Lào Cai.

Bà Dành và con gái hồi còn nhỏ

Sau khi chồng đi công tác, không có người chăm sóc nên bà phải về quê. Mặc dù vậy bà cũng không thấy tủi thân vì ông thường xuyên viết thư về cho vợ. Rồi cuộc sống cơm áo gạo tiền cuốn bà theo, cho tới khi con gái được 7 tháng thì ông mới về thăm nhà nhưng rồi lại đi luôn.

Đến năm 1962, bà quyết định chuyển công tác lên Lào Cai cùng chồng. Khi ấy, ngoài công việc là cán bộ thị ủy, ông còn là phóng viên cộng tác với báo Lào Cai. Việc thường xuyên phải đi xa nhà nhưng vẫn thói quen cũ ông viết thư tay về cho bà. Thi thoảng ông tặng bà những món quà nho nhỏ như tút đạn suýt làm ông chết hụt trong những trận chiến.

Sau này xã hội phát triển hơn, có điện thoại di động, mỗi khi bà đi thăm con cháu, ông vẫn gọi điện hỏi thăm bà hàng ngày. Những câu giản đơn thôi nhưng đó là cách ông quan tâm bà, bao năm vẫn không thay đổi.

Hồi chiến tranh biên giới nổ ra, chờ 1,2,3 ngày không thấy chồng về, ngày nào bà cũng đạp xe 11 cây số ra bến tàu để ngóng chồng. Giây phút ông trở về, bà vỡ òa, nhìn thấy chồng là thấy sự an tâm dâng lên trong lòng. Thời gian qua đi 2 vợ chồng  bà cùng nuôi dưỡng 4 người con lớn lên, cùng vượt qua quãng thời gian khó khăn, có lúc nhà không có gì ăn, chỉ có 2 bàn tay trắng.

Đến khi về hưu, chiến tranh khiến 2 bên mất cả người thân, nhà cửa, không thể trở về Hà Nội hai vợ chồng lại quyết định về quê Hải Dương. Không còn nhà, họ hàng cho ở nhờ nhưng hai ông bà chỉ xin nhờ quán nhỏ ở chợ để tự khai phá, làm ăn.

“Ông hơn 7 tuổi, lại đi bộ đội từ năm 13 tuổi nên chững chạc và nhường nhịn vợ lắm. Việc nhà cũng luôn san sẻ với tôi, tôi nấu thức ăn ông ấy sẽ đi chợ, nấu cơm, không bao giờ để vợ làm hết. Lúc nào 2 vợ chồng cũng sẽ hỗ trợ nhau, chia sẻ cùng nhau” bà Dành cười hạnh phúc.

Chìa khóa làm nên hạnh phúc suốt 64 năm. 4 người con của ông Bưởi, bà Dành mỗi người một nơi để làm ăn, lập gia đình. Ông bà thi thoảng đi thăm con cháu còn hầu như ông bà hai ông bà sống nương tựa vào nhau.

Cuộc sống hạnh phúc, bình yên cứ thế trôi qua. Nhưng tuổi tác vốn không thắng được thời gian. Cách đây vài tháng, ông Bưởi bị tai biến ở tuổi 90, liệt nửa người, không muốn làm phiền  con cháu và thêm tốn kém khi tuổi cao, ông không muốn đi bệnh viện.

Dù suy sụp nhưng bà và các con vẫn quyết đưa ông đi chữa trị. Khi sức khỏe ông yếu đi rõ rệt, chỉ có thể nằm một chỗ, bà đã cùng ông vào viện dưỡng lão để có thêm người chăm sóc. Ông chỉ có thể nằm một chỗ, có khi không biết gì và không thể nói chuyện . Nhưng có chuyện gì bà vẫn hỏi ý kiến, hàng ngày vẫn ôn lại chuyện cũ để ông có thể nhớ lại.

Hình ảnh ông bà hiện tại đang an dưỡng tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Suốt buổi trò chuyện, vừa kể bà vừa quay sang ông hỏi những câu nhỏ nhặt “Ông có nhớ không?”, “Ông có nghe thấy không?”, “Hồi xưa mình khổ nhỉ?”,… dù ông chẳng thể trả lời thành câu, như một cách để cùng ông ôn lại kỷ niệm. Người phụ nữ 83 tuổi cũng không giấu niềm tự hào  khi nhắc đến việc chồng từng được đi du học bên Trung Quốc hay khi khoe bức ảnh chồng nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Khi được hỏi bí quyết để ông bà chung sống hạnh phúc suốt 64 năm, bà chỉ cười: “Làm gì có bí quyết gì đâu. Hai vợ chồng tôi cũng sống bình thường như bao người thôi. Chúng tôi cũng chưa từng có cãi vã to tiếng hay va chạm gì. Cũng có những bất đồng nho nhỏ nhưng khi cùng nhau chăm sóc các con thì đâu lại vào đấy. Mình cũng ý thức được phải sống làm sao để các con nhìn vào. Sống mẫu mực để làm gương cho con, không để gia đình bị tổn thương làm ảnh hưởng đến các con, các cháu. Đến lúc các con lớn lại chỉ còn 2 ông bà cùng nhau ăn, cùng nhau làm, tôn trọng lẫn nhau. Về già tôi và ông ấy còn tình cảm hơn lúc trẻ ấy chứ”.

Với bà Dành, hai ông bà đã cùng nhau trải qua biết bao khó khăn, tới phần cuối đời lại càng phải yêu thương, chăm sóc nhau nhiều hơn.


“Không còn trẻ nhưng tôi có thể làm mọi thứ, giờ chỉ có ông ấy là thiệt thòi hơn, không tự làm gì được nữa. Tôi rất thương. Trời không cho thì phải chịu chứ tôi không bao giờ để ông ấy như thế mà không chữa trị, không bao giờ để ông ấy ra đi như thế này. Ông ấy ở bên tôi một giây, một phút tôi vẫn thấy trân trọng và đáng quý. Cho đến bây giờ, lấy ông ấy, làm vợ ông ấy vẫn là hạnh phúc nhất đối với tôi”.Bà Dành vừa nói, vừa nắm chặt tay người chồng đã gắn bó gần cả cuộc đời.

Theo Báo lao động

LINH CHI – PHƯƠNG ANH

Leave a Reply

Your email address will not be published.

1 × four =