Đến với trung tâm như một cái duyên, tôi được gặp các ông bà tại Diên Hồng. Mỗi một ông bà đều có những câu chuyện riêng của mình, nhưng điểm chung mà NCT tại Diên Hồng có đó là được chăm sóc bởi những những điều dưỡng viên và nhân viên tại trung tâm.
NCT tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng trong một số hoạt động sinh hoạt hàng ngày
Với mỗi người cao tuổi, khi tuổi tác đã cao họ mang trong mình nhiều bệnh tật. Theo giáo sư Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung Ương, ở Việt Nam NCT có mười vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc sức khỏe, đó là: đa bệnh lý, các bệnh phức tạp, biểu hiện không điển hình, dùng nhiều thuốc, hội chứng dễ tổn thương, hội chứng sa sút trí tuệ, ngã, suy dinh dưỡng, giảm khả năng vận động, giảm hoạt động chức năng. NCT tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cũng không nằm ngoại lệ các vấn đề đó, họ cũng mang trong mình nhiều bệnh lí và nhiều vấn đề cần được giải quyết và quan tâm nhiều hơn.
Một trong các bệnh hay gặp nhất đó là bệnh suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi. Bệnh lý này cũng khá phổ biến với NCT tại Diên Hồng. Với người cao tuổi có các biểu hiện của bệnh lý này được chăm sóc với nhiều chế độ khác nhau từ bữa ăn đến giấc ngủ để cho các ông bà có được sức khỏe tốt nhất. Riêng với một số cụ, biết được những đặc điểm sức khỏe của bản thân nhiều người cao tuổi tại Diên Hồng đã có những biện pháp khác nhau để phòng tránh bệnh suy giảm trí nhớ tuổi già. Trong đó, tôi đã rất ấn tượng và học được rất nhiều thói quen cũng như biện pháp giúp phòng chống các biểu hiện suy giảm trí nhớ của ông Huy Nguyên – một nhà văn của những thế hệ trước.
Ông Huy Nguyên đang tâm sự về nghề giáo của mình trong dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam
Ấn tượng đầu tiên khi gặp Ông đó là nụ cười hiền từ mà ông đáp lại lời chào của tôi. Khi được hỏi thăm về sức khỏe ông Nguyên tâm sự về sức khỏe hiện tại của mình và điều khiến tôi chăm chú nhất đó là những câu chuyện về những chiến đi ngẫu hứng thời thanh xuân của ông. Là một người ham học hỏi, thích tìm hiểu những vùng đất mới lạ nên ông đã rất thích đi du lịch – những chuyến du lịch ngẫu nhiên và đầy cảm xúc. Ông kể rằng: “Có lần ông ra Ga Hà Nội chơi vào ngày 29 Tết rồi thấy người ta bán vé tàu đi Lào Cai thế là ông cũng vào mua vé rồi có một chuyến đến Lào Cai một ngày” và còn rất nhiều chuyến đi lý thú và ngẫu nhiên của ông nữa. Còn hiện tại, khi tuổi đã cao mà sức khỏe lại không ổn định nên ông bảo con cháu đưa ông vào trung tâm dưỡng lão để có người có chuyên môn và tiện chăm sóc. Cả quá trình tìm kiếm nơi mình muốn sinh hoạt ông Nguyên đã đến với Diên Hồng. Sau khi vào trung tâm ông Huy Nguyên vẫn rất tích cực tham gia các hoạt động mà trung tâm tổ chức. Ông hăng hái và chủ động tham gia các câu lạc bộ như “Kể chuyện cùng ông”, câu lạc bộ “Trò chơi” và đặc biệt ông còn là một “nam diễn viên” tài năng khi tích cực tham gia góp vui trong các MV do trung tâm tổ chức. Và ấn tượng nhất đối với tôi là thói quen ông luôn duy trì suốt hơn 50 năm qua đó là viết nhật kí. Ông chia sẻ: “Ông hay viết nhật kí lắm, từ xưa đến nay rồi, ông viết để ông nhớ về những chuyến đi từ lúc ông còn trẻ để đến lúc ông già ông vẫn không quên”.
Có thể với nhiều người khi nhắc đến viết nhật kí ai cũng biết nhưng những lợi ích mà việc viết nhật kí mang lại thì lại không phải ai cũng biết. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích to lớn của việc viết nhật ký. Trong cuốn sách của mình, tiến sĩ Amabile đưa ra 3 lợi ích nổi bật nhất. Thứ nhất, việc viết nhật ký giúp bạn ăn mừng những thắng lợi nhỏ. Điều này dựa trên “Nguyên tắc Tiến bộ” mà tiến sĩ Amabile đã khám phá ra, đó là: Động lực lớn nhất trong công việc và cuộc sống chỉ đơn giản là khi nhìn thấy bản thân đang tạo ra những bước tiến trong những công việc có ý nghĩa – ngay cả khi sự tiến bộ đó chỉ là một chiến thắng nhỏ. Điều này rất quan trọng, đặc biệt là trong những ngày quá mệt mỏi và bạn cảm thấy dường như mình chẳng hoàn thành được việc gì. Nhưng bạn luôn có thể tìm ra ít nhất một bước tiến mà bạn đã thực hiện. Bạn sẽ tìm ra, khi bạn theo dõi nó. Và khi những thắng lợi nhỏ được tích lũy đều đặn qua thời gian, chúng sẽ trở thành một bước đột phá vô cùng to lớn.
Lợi ích thứ hai của việc viết nhật ký là nó giúp bạn tập trung vào việc phát triển bản thân mình. Với việc viết nhật ký, bạn có cơ hội để nhớ lại và ngẫm nghĩ về những điều đã diễn ra trong ngày của bạn, về những phản ứng và hành vi của bạn, về suy nghĩ và cảm nhận của bạn, về những điểm mạnh và những điều cần khắc phục ở bạn. Quyển nhật ký giúp bạn không ngừng hoàn thiện chính mình và tiến về phía trước.
Thứ ba, tiến sĩ Amabile nói rằng, việc viết nhật ký giúp bạn nuôi dưỡng khả năng kiên nhẫn. Khi bạn có cơ hội nhìn lại việc bạn đã bền bỉ và vượt qua những thời điểm tồi tệ tưởng chừng như không thể vượt qua trong quá khứ, bạn sẽ có thêm khả năng để đối diện với những thử thách mà bạn đang đối mặt trong hiện tại.
Ông Huy Nguyên đang ngồi xem lại cuốn nhật kí của mình
Còn đối với Ông Huy Nguyên, khi được hỏi về lí do của việc viết nhật kí ông chỉ cười bảo: “Ông viết nhật kí để rèn luyện trí nhớ. Bây giờ ngày càng có tuổi, ông cũng hay quên nên ông viết nhật kí để lưu giữ lại những kỉ niệm hàng ngày tại trung tâm mà ông nghe, ông thấy. Ông ghi về những người mà ông đã từng gặp, các cụ, các ông bà, các cháu nhân viên trong trung tâm mình và cả các cháu thực tập điều dưỡng nữa”. Trước đây, cuốn nhật kí của ông là dấu ấn của những chuyến đi, những vùng đất công tác suốt dọc miền đất nước. Còn bây giờ cuốn nhật kí của ông hầu hết là những câu chuyện vui hàng ngày và lâu lâu ông lại lôi ra đọc cho vui. Nhiều câu chuyện vui vẫn được ông nhớ mãi và ông hay kể lại với các ông khác trong phòng, kể lại cho các điều dưỡng nghe. Và cũng từ những câu chuyện ông ghi lại mà hôm nào ông kể chuyện trung tâm đều rộn rã tiếng cười.
Đây là một thói quen rất tốt, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Nó không chỉ giúp các ông, các bà lưu giữ lại những kỉ niệm vui hàng ngày, mà còn giúp trí não của người cao tuổi hoạt động linh hoạt, giúp phòng tránh những biểu hiện của bệnh lý suy giảm trí nhớ.