Cuối cùng, tôi cũng được trở thành một cô nhân viên mới của Diên Hồng. Nói vui một chút, thì con đường đến Diên Hồng của tôi cứ như Đường Tăng đi lấy kinh vậy, phải trải qua 9981 kiếp nạn mới đến bờ thành công. Người ta thường bảo rằng: “Quá tam ba bận”, nhưng có lẽ vì niềm đam mê khó hiểu, và vì quyết tâm mãnh liệt nên dù thế nào, tôi cũng chọn Diên Hồng để gửi gắm tâm huyết của mình.
Còn nhớ cái ngày rời xa cánh cổng trường đại học, tôi vẫn là một cô sinh viên với vô vàn những bỡ ngỡ, loay hoay đi kiếm tìm cho mình một công việc ổn định. Và rồi, tình cờ một cô bạn cùng lớp rủ tôi đến Diên Hồng. Tìm hiểu về trung tâm, tôi nhận ra nhiều điều hay và ý nghĩa, thấy các cụ được tổ chức nhiều hoạt động như chơi trò chơi, chợ Tết,… Nhân viên thì toàn người trẻ trung, năng động nên tôi đã đánh liều một phen lấy hết quyết tâm đi phỏng vấn. Sau 5 lần 7 lượt bị con covid trì hoãn thì tôi đã được đi làm…
Ngay từ khi đi phỏng vấn, anh chị bảo rằng công việc khá vất vả, nhưng lúc đó tôi chưa hiểu hết được cho đến khi đi làm. Chúng tôi làm từ những công việc nhỏ nhất là cắt móng chân, móng tay, bón cho ăn,… đến việc nặng là cấp cứu các cụ trong sự nguy kịch. Nhưng có lẽ, chính sự đáng yêu của các cụ đã biến thành niềm vui, khiến mọi người quên đi vất vả.
Lúc đầu còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của anh chị tôi dần quen với công việc. Tôi thấy công việc mình đang làm có thật nhiều thú vị và niềm vui, chỉ bằng việc được các cụ nhớ tên thôi là tôi đã vui cả ngày rồi. Dần dần khi gắn bó thân thiết hơn thì được nghe các cụ tâm sự về nghề nghiệp, về ngày còn trẻ của mình. Và tôi chợt nhận ra, trước khi trở thành 1 cụ già với trí nhớ không còn minh mẫn thì họ cũng đã từng là những người đánh đông dẹp bắc, đã từng có một thời trẻ đầy vang dội và nhiệt huyết.
Khi đi làm, tôi cũng đã vài ba lần bị các cụ mắng, thậm chí cả đánh nhưng tôi luôn dặn bản thân phải thật bình tĩnh và nghĩ rằng “Các cụ cũng như ông bà mình”. Và mình phải dành tình yêu, sự cảm thông, thấu hiểu cho họ thì họ mới yêu thương và chia sẻ với mình được.
Viện dưỡng lão nhưng lại khoác trên mình đầy sự trẻ trung. Thoạt tiên, ai cũng nghĩ dưỡng lão là nơi khiến con người ta già nua đi, là nơi người già sống với nỗi cô đơn, buồn tẻ nhưng có lẽ không phải vậy. Ở Diên Hồng các ông bà “xì tin”, đáng yêu lắm. Không những thế ở Diên Hồng còn có những “siêu nhân” – những điều dưỡng viên lúc nào cũng nở nụ cười. Họ ngày ngày tận tâm chăm sóc, đem lại mọi sự an toàn, niềm vui và hạnh phúc cho người cao tuổi. Ở những “siêu nhân” ấy còn là sự hoà đồng với đồng nghiệp, nhiệt tình dạy bảo những người mới như tôi. Cũng chính họ đã tiếp thêm sức lực để tôi có thể tạo năng lượng hoàn thành công việc của mình. Mọi người đều sống với nhau bằng niềm vui, cùng nhau lan tỏa thái độ sống tích cực, hướng về những điều tốt đẹp phía trước.
Không biết mọi người nghĩ sao về công việc này, nhưng với riêng tôi, tôi cảm thấy đây là một công việc thật cao cả. Mặc dù thời gian ở bên Diên Hồng chưa lâu nhưng Diên Hồng như ngôi nhà thứ 2 của mình. Tình yêu với công việc này mỗi ngày một lớn. Tôi thích được đi làm, thích được gặp lại những nụ cười rạng rỡ, những ánh mắt đầy niềm tin trên khuôn mặt đã hằn in vết chân chim theo năm tháng. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình có nhiều ông bà yêu thương mình hơn bất cứ ai. Và đó cũng chính là động lực để mỗi ngày tôi được sống vì đam mê, vì những điều tích cực và đẹp đẽ ở đời, để nó sẽ mãi là những kỉ niệm sâu sắc trong những năm tháng tiếp tới với đam mê mà tôi đang theo đuổi.
Bùi Thị Ngát
Giải ba cuộc thi viết Diên Hồng trong tôi