Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người đi đôi với tuổi tác. Càng lớn tuổi, sức khỏe càng suy giảm. Những căn bệnh tuổi già cứ thế phát sinh. Chức năng vận động ngày càng suy giảm khiến người cao tuổi dễ bị ngã. Không chỉ khi đi lại, di chuyển và khi đứng hay ngồi cũng có khả năng ngã.
Người cao tuổi cần điều kiện sống an toàn
Nhờ điều kiện sống ngày một tăng cao, tuổi thọ của con người cũng theo đó mà tăng theo. Tuy nhiên, một trong những lý do khiến giảm tuổi thọ chính là việc té ngã khi tuổi cao sức yếu. Té ngã là những chấn thương nhẹ, nghe có vẻ không hề nguy hiểm như tai nạn giao thông. Thế nhưng không ít người cao tuổi mất chỉ vì té ngã. An toàn không chỉ là an ninh mà là cả an toàn khi không có thương tích vì ngã. Theo bác sĩ Hồi sức cấp cứu ở bệnh viện Vinmec Phú Quốc, tỷ lệ tử vong do té ngã ở những người có tuổi ≥ 65 là 82,5/100.000 người. Tỷ lệ này chỉ đứng thứ 2 về khả năng tử vong sau tai nạn giao thông.
Cách phòng tránh té ngã ở người cao tuổi
Duy trì vận động
Tuổi càng cao sức khỏe càng yếu, việc vận động trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên vận động là điều cần thiết để có một cơ thể khỏe mạnh. Với những người cao tuổi còn khả năng vận động, có thể tự đi lại quanh nơi ở hay tập những bài thể dục nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe. Khi vận động, các cơ được kích hoạt, xương khớp cũng trở nên dẻo dai hơn.
Với những gia đình có cầu thang cần chú trọng khi người cao tuổi đi xuống. Việc đi lên tưởng khó nhưng lại dễ hơn đi xuống rất nhiều. Xuống cầu thang khiến cơ thể có xu hướng đổ về phía trước. Nếu chân không có lực rất dễ bị trùng chân gây mất thăng bằng và ngã.
Luôn đi lại trong điều kiện đủ ánh sáng
Nhiều người có thói quen đi trong nhà trong bóng tối mà không bật điện. Điều này đối với người cao tuổi là vô cùng nguy hiểm. Trong nhà có rất nhiều ngóc ngách, vật dụng. Người cao tuổi không còn khả năng phản xạ nhanh nhẹn như những người trẻ. Lực chân yếu rất dễ khiến người cao tuổi bị vấp ngã. Vậy nên nếu vị trí đèn không cùng trên trục đường di chuyển trong nhà (như khi đi vệ sinh vào ban đêm) thì có thể lắp thêm đèn cảm ứng, sẽ rất hữu hiệu đối với người cao tuổi.
Luôn đi dép chống trượt ở mọi nơi
Khi đi chân đất trong nhà, nhất là vào mùa nồm hay những hôm lau nhà, chúng ta đều rất dễ bị té ngã do sàn trơn. Chuẩn bị một đôi dép chống trượt cho người cao tuổi sẽ giúp việc đi lại dễ dàng hơn, hạn chế khả năng ngã. Nếu trượt ngã sẽ dễ bị đập xương chậu hay đập đầu xuống sàn, rất nguy hiểm.
Hạn chế việc bị đổ chất lỏng ra sàn nhà. Nếu bị đổ cần ngay lập tức xử lý. Phòng tắm, phòng vệ sinh là những nơi dễ trơn trượt. Hãy luôn gạt nước trong phòng sau khi sử dụng để đảm bảo phòng khô thoáng. Những ngày trời mưa, đường trơn cần hạn chế cho người cao tuổi ra ngoài.
Sắp xếp lại nhà ở gọn gàng, ngăn nắp
Với những gia đình có trẻ nhỏ hay người già, vật dụng trong gia đình luôn phải đảm bảo để gọn gàng. Luôn đảm bảo dây điện được giấu kín hoặc để gọn lại không gây vướng víu trong quá trình đi lại. Các cạnh bàn, cạnh tủ sắc nhọn nên được bọc lại. Những vật dụng của người cao tuổi nên để ở chỗ dễ lấy. Tránh trường hợp người cao tuổi với lên lấy đồ vì rất dễ mất thăng bằng. Những vật dụng đã lâu không còn sử dụng có thể dẹp bỏ bớt để đường đi trong nhà được rộng rãi.
Sử dụng dụng cụ hỗ trợ đi lại
Nhiều người cao tuổi vẫn đang sử dụng gậy để chống mỗi khi đi lại. Việc này dễ gây ngã vì gậy rất dễ bị trượt và phải có đủ lực ở tay để chống. Thay vào đó, nên sử dụng gậy hoặc khung xe tập đi “walker”. Với những nơi người cao tuổi thường đi lại (trong phòng, từ phòng ra nhà vệ sinh,…) có thể lắp thêm tay vịn ở tường.