Ngấp nghé tuổi 80, vì không muốn phụ thuộc vào con cháu, bà Hội (Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng) đã tìm đến một cơ sở dưỡng lão ngay trong nội thành để được chăm sóc phù hợp.
Quyết định của bà được đưa ra sau khi hoàn thành trách nhiệm chăm con cháu, người cháu ngoại lớn nhất của bà vào Đại học. Chia sẻ với nhóm phóng viên, bà Hội cho hay: “Nếu tôi ốm đau, con cháu đi làm, đi học cũng không yên tâm. Tôi còn khỏe, tôi chủ động. Tôi vào đây để đảm bảo sinh hoạt vẫn bình thường, không bị xáo trộn, căng thẳng gì cả.”
Bà bắt đầu buổi sáng hàng ngày bằng 56 động tác dưỡng sinh – bài tập phù hợp với sức khỏe mà bà ghi nhớ sau nhiều năm tham gia câu lạc bộ tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Bữa sáng trong ngày được phục vụ đến từng phòng để đảm bảo sức khỏe cho người cao tuổi, tránh các bệnh lây nhiễm. Thời gian còn lại trong ngày, bà có “bạn cùng phòng” để trò chuyện, hoặc tham gia các sự kiện mà trung tâm dưỡng lão tổ chức. Bà Hội cũng mang theo tràng hạt để niệm kinh Phật, cho tâm thanh thản.
Tuy cũng mắc bệnh lý tuổi già như mỡ máu cao, tăng huyết áp, xương khớp, bà Hội vẫn còn minh mẫn, dẻo dai ở tuổi 79. Vì thế, bà chọn dịch vụ phòng sinh hoạt chung với 2 người bạn khá khỏe mạnh khác tại cơ sở 3, Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng (tại Hoàng Mai, Hà Nội). Hàng tháng, bà vẫn về nhà tại Thanh Nhàn để lĩnh lương hưu và khám bệnh theo sổ bảo hiểm. Đặc biệt, các hoạt động tại khu dân cư như Hội người cao tuổi, Hội Phụ nữ, bà vẫn đóng góp đều đặn.
Cũng có câu chuyện gần giống với bà Hội, bà Hồng (83 tuổi, trú tại Hoàn Kiếm) vốn sống cùng con gái và con rể. Tuy nhiên, bà tự đăng ký vào viện dưỡng lão vì vào đây có khuôn viên riêng của mình, không phụ thuộc vào con cháu. Bà đánh giá cơ sở dưỡng lão này ngang “khách sạn 3 sao”: “Vào đây cũng có cái vui của nó. Ba bốn bà ở với nhau, đêm hôm có vấn đề gì thì bà nọ hỗ trợ bà kia. Có thể bấm chuông gọi điều dưỡng lên, các cháu phục vụ cũng chu đáo.”
Bà Hồng từng tham gia một cơ sở dưỡng lão khác trên địa bàn Hà Nội, nhưng lại bị gò bó rất nhiều. Theo lời kể của bà, cơ sở đó không cho bật điều hòa khi nhiệt độ không quá 35 độ C. Giấy vệ sinh, người già và gia đình phải tự chuẩn bị. Những quy định cứng nhắc này khiến bà rời đi chỉ sau 1 tháng sinh hoạt.
Tuy nhiên, từ khi tham gia cơ sở 3 của Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, bà đã gắn bó gần 1 năm rưỡi, và chưa có dấu hiệu “muốn về nhà”. Hàng tháng, trung tâm sẽ tổ chức sinh nhật cho các ông bà, các buổi giao lưu với nhà chùa, đôi khi đón các đoàn thiện nguyện đến thăm và động viên.
Tuy nhiên, không phải người cao tuổi nào cũng còn tỉnh táo, minh mẫn khi vào viện dưỡng lão. Theo ghi nhận của nhóm phóng viên, tại cơ sở 3 của Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, người cao tuổi tham gia có độ tuổi đa dạng, hoàn cảnh và sức khỏe cũng khác nhau. Đa phần các cụ có bệnh của người cao tuổi, từ tăng huyết áp, đái tháo đường, tai biến mạch máu não, di chứng liệt nửa người đến sa sút trí tuệ tuổi già, Alzheimer. Chăm sóc những đối tượng đặc biệt này, cần phải theo dõi sát sao và xử lý kịp thời – việc mà người thân, con cháu không có chuyên môn khó có thể đảm nhiệm tốt.
Theo quan niệm về sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới, việc duy trì các quan hệ xã hội trong quãng đời của tuổi xế chiều có tính chất vô cùng quan trọng. Tình cảm bạn bè và tương tác xã hội góp phần làm cho cảm xúc được phong phú, mang lại sự thoải mái và niềm hạnh phúc cho con người.
Bên cạnh chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng, người cao tuổi tại Diên Hồng còn được quan tâm đặc biệt về sức khoẻ tinh thần qua các hoạt động xã hội. Đại diện của Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cho biết: “Thông qua các hoạt động mới mẻ, đa dạng hằng ngày và theo các dịp và ngày lễ, người già trong Diên Hồng dễ dàng lựa chọn được hoạt động yêu thích và tìm thấy những người bạn đồng điệu, hợp gu. Nhờ các hoạt động này, các ông bà có nhiều trải nghiệm ý nghĩa chưa từng có trong đời như giành huy chương Olympic, đạt danh hiệu Hoa hậu Cao niên, Quý ông Hoàn hảo, làm người mẫu ảnh…”.