Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Chuyện hiếm về gia đình có 3 cha con cùng xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hơn 50 năm trôi qua kể từ khi cả gia đình có 3 cha con “được chọn” xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn vô cùng xúc động, tự hào với những ký ức không bao giờ phai mờ theo dòng lịch sử ấy.

3 cha con cùng xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những ngày này, cả nước đang hướng về kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024). Ngày ngày dòng người đổ về Lăng Bác đông hơn bao giờ hết. Ai nấy đều bày tỏ sự thành kính. Cả cuộc đời hy sinh vì nước, vì dân, tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta.

Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn ngồi cạnh chồng xúc động khi kể về những ngày tháng được tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngọc Hải

Cảm xúc đặc biệt như bao người, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn (80 tuổi) vẫn nhớ như in khoảnh khắc cả 3 cha con bà từng tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn 50 năm trước. Cách đây hơn 1 năm, vợ chồng bà Sơn đã quyết định đóng cửa nhà, chọn viện dưỡng lão là điểm đến cuối cùng sống trọn những năm tháng cuối của cuộc đời.

Theo bà Sơn, trước kia gia đình bà ở thành phố Đà Nẵng, cha mẹ vốn là những người được ông bà cho ăn học chu đáo. Cha bà Sơn là Nguyễn Văn Bé (sinh năm 1912) thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga. Sau nhiều năm bôn ba tại Lào, trở về nước năm 1946 ông làm Trưởng ty Công chánh Quảng Nam – Đà Nẵng, nhưng khi nghe tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, ông tập kết ra Bắc từ năm 1952, đến năm 1954 thì đưa cả nhà ra Hà Nội.

Hình ảnh bà Sơn (ngoài cùng bên trái) cùng cha và anh trai khi tham gia xây dựng Lăng Bác. Ảnh: NVCC

“Trước đây khi còn nhỏ, chúng tôi là một trong số hàng chục nghìn con em cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, gọi chung là Trường học sinh miền Nam. Học sinh được biên chế vào nhiều trường phù hợp với trình độ, lứa tuổi, hoàn cảnh. Trong đó, trường dành cho nữ ở Hải Phòng, trường dành cho nam ở các tỉnh quanh Hà Nội.

Tôi vẫn nhớ mình được đi trên con tàu Kilinski của Ba Lan chở cán bộ, bộ đội và thiếu nhi miền Nam tập kết ra Bắc. Hồi đó tôi còn rất nhỏ nhưng biết đến Bác bằng cả sự kính trọng, ân tình. Bác rất quan tâm đến học sinh miền Nam. Mỗi dịp Trung thu, từng lá thư được Bác gửi đi, khuyên các cháu đoàn kết, trong sinh hoạt hàng ngày phải tự lực cánh sinh, dặn các thầy cô yêu thương học sinh như con ruột của mình. Mọi thứ tốt đẹp nhất Bác đều muốn dành tình cảm cho các cháu thiếu niên nhi đồng – thế hệ tương lai của đất nước”, bà Sơn xúc động.

Hình ảnh hiếm về 2 năm xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Bà Sơn nhớ cha mình khi xây dựng công trình thủy điện Bàn Thạch (Thanh Hóa), với cương vị Chỉ huy phó Tổng đội công trình, liền sau đó ông được sang Liên Xô học đại học thủy lợi (1959). Cầm trên tay tấm bằng kỹ sư trở về nước cùng các cộng sự và hàng ngàn công nhân bắt tay vào việc xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà (Yên Bái), là Phó giám đốc kỹ thuật của nhà máy nhiều năm… Đến năm 1973, dù ở tuổi 61 vẫn chưa nghỉ hưu, ông lại nhận lệnh làm Phó trưởng Ban chỉ huy CT.75808 (mật danh xây dựng công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Sau đó có thêm người con trai cả của ông Bé là Nguyễn Cát Thạch (hiện 86 tuổi) và bà Sơn được điều về. Vậy là cả 3 cha con cùng sát cánh bên nhau xây dựng Lăng Bác. Ông Thạch khi ấy làm ở bộ phận xây dựng còn bà Sơn là trung tá quân đội ở bộ phận lắp đặt hệ thống thông tin.

Niềm tự hào của người con được cùng tham gia xây dựng Lăng Bác

Trong ký ức của bà Sơn vẫn nhớ như in những ngày cha con cùng làm việc xây Lăng Bác. Cha bà cũng đã dành tâm huyết viết cuốn nhật ký với rất nhiều nội dung, nhưng cảm động nhất là nội dung ghi lại những công việc mà cả 3 cha con ông vinh dự cùng tham gia xây dựng Lăng Bác.

Quang cảnh xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Bà Sơn kể, trong nhật ký của cha có đoạn: “Ban phụ trách là đồng chí Đỗ Mười, Phùng Thế Tài, Vũ Kỳ… Ngày 2/9 năm 1973 khởi công đào móng xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, 27/10 đổ mẻ bê tông đầu tiên… ngày 1/7 năm 1975 bàn giao phòng thi hài C5 cho y tế, ngày 19/7 năm 1975 đón Bác về, 19/8 năm 1975 nghiệm thu quốc gia và đến 29 tháng 8 năm 1975 khánh thành…

Về số lượng công nhân làm việc năm 1973 là 352 người, năm 1974 là 1.480 người, năm 1975 là 1.311 người, trong 2 năm cuối dù thi công ồ ạt nhưng không xảy ra tai nạn lao động chết người nào”… càng đọc, càng thấy những con số thi công khổng lồ về đất, đá và sắt thép… cùng với tinh thần hăng say lao động của mọi người, bởi đó là công trình của thế kỷ với tâm niệm “Công trình của tấm lòng biết ơn”.

Theo bà Sơn, vật liệu xây dựng Lăng Bác được mang về từ nhiều địa phương, vùng miền trên cả nước. Nhân dân dọc dãy Trường Sơn còn gửi ra 16 loại gỗ quý. Các loài cây từ khắp các miền được mang về đây như chò nâu ở Đền Hùng, hoa ban ở Điện Biên – Lai Châu, tre từ Cao Bằng…

Bà Sơn cho biết, hiếm có gia đình nào mà vinh dự khi 3 cha con cùng “được chọn” xây Lăng Bác như gia đình mình. Ảnh: Ngọc Hải

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng theo 4 phương châm: Dân tộc, hiện đại, trang nghiêm, giản dị. Cấu trúc Lăng được chia làm 3 phần: Phần nền xây kiểu bệ tam cấp theo phong cách cổ truyền của kiến trúc Việt Nam; phần thân Lăng cả 4 mặt đều có cột để tạo ra các khoảng trống tựa như các gian của những ngôi nhà 5 gian ở các miền quê Việt Nam; phần mái Lăng hình vát giật tam giác gợi lên nét kiến trúc cổ kính đình chùa.

Lăng có hình vuông, mỗi cạnh 30m, cửa quay sang phía đông, hai phía nam và bắc có hai lễ đài dài 65m dành cho khách trong những dịp lễ lớn. Trước Lăng là Quảng trường Ba Đình với một đường dành cho lễ diễu binh, duyệt binh và một thảm cỏ dài 380m chia thành 240 ô vuông cỏ…

Người dân viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Hưng

Ngay sau khi khánh thành Lăng Bác, ông Bé lại cùng với ông Phạm Hùng (Cố Chủ tịch HĐBT) làm báo cáo tổng kết dài đến 340 trang về quá trình xây dựng Lăng Bác, trước đó riêng ông đã làm tổng kết quá trình xây dựng công trình thủy điện Thác Bà dài 750 trang…

Những dòng hồi ký của cố kỹ sư Nguyễn Văn Bé đã ghi lại những ngày 3 cha con tham gia xây lăng Bác, hơn ai hết bà Sơn cảm thấy vô cùng tự hào, trân trọng những tháng năm mà cha con bà vinh dự được lãnh đạo Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ tham gia xây dựng Lăng Bác.

“Cha tôi không viết nhiều về mình, ông ghi lại và xem đây như là bản di chúc để con cháu sau này mãi mãi ghi nhớ, tự hào và là động lực để cháu con vươn lên trong cuộc sống, hướng tới tương lai. Có lẽ ở thời điểm đó, hiếm có gia đình nào lại có đến 3 cha con vinh dự cùng được chọn tham gia xây dựng Lăng Bác như gia đình tôi”, bà Sơn nói đầy tự hào.

Khi ấy gia đình bà được bố trí nhà ở số 2 đường Hoàng Văn Thụ, từ đây những bữa cơm trưa, cơm tối, đều rộn vang tiến cha con và đặc biệt vui sướng hơn đó là mẹ của Sơn, sau nhiều năm đằng đẵng một mình nuôi con được tận tay nấu những bữa cơm ngon cho chồng và các con ăn no mà phụng sự công trình trọng đại của đất nước.

“Hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ về Bác Hồ tôi đều có cảm xúc rất đặc biệt. Vợ chồng tôi luôn động viên con cháu cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh”, bà Sơn nói thêm.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.

1 × 2 =