Ngày càng nhiều người cao tuổi lựa chọn viện dưỡng lão để an hưởng tuổi già. Điều này cho thấy nhận thức của xã hội cũng như người cao tuổi đã có nhiều thay đổi.
Song, nhìn vào mức lương hưu của đại đa số người cao tuổi hiện nay và chi phí bình quân hàng tháng để vào viện dưỡng lão thì thấy nơi đây là “chốn xa xỉ” với nhiều người.
Bài 3: Không dễ để vào viện dưỡng lão
Chi phí để vào các viện dưỡng lão tư nhân đang cao hơn mức lương hưu của đa số người cao tuổi.
Không phải ai muốn cũng có thể vào
“Khi gia đình đông người ở, không gian sống chật chội, con cái quá bận công việc, bố mẹ lại hay đau ốm không có người chăm, vào viện dưỡng lão rõ ràng là lựa chọn tốt cho chính người cao tuổi và con cái”, bà Trần Thị Liên ở quận Bình Thạnh, TPHCM chia sẻ.
Tuy nhiên, khi xem lại khoản lương hưu của mình chỉ ở mức 5,5 triệu đồng/tháng trong khi chi phí để vào viện dưỡng lão lên đến cả chục triệu đồng/người/tháng, bà Liên cho rằng viện dưỡng lão là nơi không phải ai muốn cũng có thể vào.
“Không phải riêng tôi mà nhiều người eo hẹp về tài chính dù muốn cũng không đủ tiền để vào viện dưỡng lão”, bà Liên nói.
Thông tin từ BHXH Việt Nam, hiện nay mức hưởng lương hưu bình quân khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng.
Nếu tính theo thời giá, người cao tuổi muốn vào nhà dưỡng lão không dễ, cho dù là với mức đóng góp thấp nhất (nhà dưỡng lão tư nhân là 7 triệu đồng/người/tháng).
Theo tìm hiểu của phóng viên, chi phí một tháng ở viện dưỡng lão trung bình khoảng 7-15 triệu đồng, tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng gói trị liệu và chăm sóc y tế khác nhau.
Với mức phí linh hoạt, các viện dưỡng lão cũng có các gói dịch vụ khác nhau để phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình.
Các phòng đơn, đôi, phòng chung sẽ có mức chi phí khác nhau. Như vậy với mức phí cao hơn nhiều so với mức lương hưu của các cụ, chỉ một bộ phận người cao tuổi mà gia đình có điều kiện mới đủ tài chính để tham gia.
Lý giải cho mức phí được cho là khá cao so với lương hưu của các cụ, bà Trần Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão chất lượng cao tại Hà Nội cho biết, vì là dưỡng lão tư nhân nên mọi chi phí doanh nghiệp đều phải chịu từ việc mua đất, xây dựng các cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, thuê bác sĩ cùng đội ngũ điều dưỡng viên…
“Để đưa ra mức phí như vậy, chúng tôi đã phải cân nhắc rất nhiều về bài toán tài chính, không thể thấp hơn. Để nhiều người có thể vào được, chúng tôi rất mong Nhà nước ủng hộ bằng cách dành quỹ đất và có ưu đãi về các loại thuế, phí cho những nhà đầu tư, xây dựng mô hình dưỡng lão, chứ không nên cào bằng như các cơ sở kinh doanh khác”, bà Nga đề xuất.
Để các cơ sở dưỡng lão ngày càng phát triển, Nhà nước cần nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách đặc thù.
Giải pháp nào cho viện dưỡng lão giá rẻ
Ông Đặng Tài Tính, nguyên Chánh Văn phòng Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết: “Cả nước có gần 2,7 triệu người hưởng lương hưu trung bình 5,4 triệu đồng/tháng. Hoạt động theo cơ chế thị trường, các trung tâm dưỡng lão không thể đưa ra mức thu thấp hơn vì phải chịu rất nhiều chi phí. Vì thế, chỉ những ai có điều kiện về kinh tế mới có thể chọn nơi đây để an dưỡng lúc tuổi già”.
Theo các chuyên gia, để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế chính sách khuyến khích đầu tư.
Bên cạnh đó, về lâu dài cần nghiên cứu đề xuất quy hoạch phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi, tạo ra không gian, môi trường cho đầu tư, phát triển; đồng thời, cần có chính sách tạo nguồn lực, dòng tiền cho chăm sóc dài hạn người cao tuổi, tiếp tục đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhân viên chăm só…
Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Tổng Giám đốc một trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi uy tín lâu năm tại Đông Anh, Hà Nội cho rằng, việc khuyến khích nhân rộng mô hình nhà dưỡng lão tư nhân là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh và nhu cầu của xã hội.
Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các loại hình này như: Ưu tiên thuế, đất đai, nguồn vốn… nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực người cao tuổi, ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay: “Mô hình nhà dưỡng lão tư nhân đang được Nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển thông qua chính sách xã hội hóa, ưu đãi khi thuê đất, giảm thuế và các hỗ trợ về thủ đăng ký hoạt động, đào tạo nâng cao năng lực nhân viên…”.
Tuy nhiên, ông Toản thừa nhận, số lượng và quy mô các cơ sở còn hạn chế và mới chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn.
Vừa qua, Nghị quyết 42-NQ/TW của BCH Trung ương Khóa XIII đã đề cập tới một số chính sách liên quan tới tốc độ già hóa dân số đặt ra những thách thức lớn trong bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi.
Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, trong đó giao Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, ban hành các cơ chế, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tham gia mở rộng mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng, các trung tâm cung cấp dịch vụ dưỡng lão.
Theo đó, Chính phủ sẽ có những cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các viện dưỡng lão tư nhân như: Ưu đãi về thuê đất, giảm thuế và các hỗ trợ về thủ tục đăng ký hoạt động, đào tạo nâng cao năng lực nhân viên… xây dựng một khung tiêu chuẩn chung.
Cụ thể đối với việc thiết kế, xây dựng các hệ thống nhà dưỡng lão trên cả nước để làm tiêu chí đánh giá, phân loại và tiến tới xã hội hóa loại hình đặc biệt này.
Việc làm này sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi, phát huy vai trò người cao tuổi phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.