Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Thăm quan Làng nón Vĩnh Thịnh – nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa của nghề thủ công Việt Nam

Cách cơ sở 4 chưa đến 5km có một làng nghề thủ công làm nên nét đặc trưng của Việt Nam. Nằm tại thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, làng nghề nón lá nơi đây đã trải qua lịch sử hàng trăm năm. Ngày ngày, các cô, các bà vẫn miệt mài gìn giữ bản sắc văn hóa của làng nghề. Những đôi bàn tay điệu nghệ, nhanh thoăn thoắt đi từng mũi kim để làm nên một chiếc nón chắc chắn, che nắng che mưa. Hình ảnh chiếc nón Việt Nam bên tà áo dài hay mộc mạc, giản dị lấp ló giữa đồng ruộng đều là những hình ảnh làm nên nét đặc trưng của đất nước hình chữ S.

Các cụ check in tại khu trưng bày các tác phẩm nón lá

Lần đầu được đến thăm quan làng nghề, được tận mắt nhìn thấy các cô, các bác, các bà đang làm ra thành phẩm hoàn chỉnh, các cụ không khỏi tò mò. Được bác Bí Thư chi Bộ đón tiếp và kể về những câu chuyện lịch sử, những dấu mốc của làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh, làm các cụ hiểu hơn về truyền thống nơi đây.

Bác Bí thư chi bộ chia sẻ rất nhiều những câu chuyện lịch sử về làng nón Vĩnh Thịnh

Chị hướng dẫn viên giới thiệu tường tận về làng nghề, về các công đoạn để làm nên 1 chiếc nón cho các cụ

Rất nhiều loại nón từ loại cơ bản, có hoa văn, hình vẽ đến những chiếc nón được xâu lại để trang trí

Có rất nhiều những chiếc nón thành phẩm được xếp thành hình để trang trí, tạo thành một góc cho khách đến có thể chụp ảnh checkin. Từ những chiếc nón lá nhỏ có hình cờ đỏ sao vàng đến những chiếc nón thêu hoa, lá, mỗi chiếc nón lại mang những nét đẹp khác nhau.

Sau khi ngắm nghía các loại nón đang được bày bán để xem được sự khác nhau giữa các loại nón thì chị hướng dẫn viên giới thiệu cho các cụ từng dụng cụ để làm nên một chiếc nón hoàn chỉnh. Ông Đức có vẻ rất hứng thú với nơi đây, vừa đến nơi khi các cụ vào chỗ ngồi thì mình ông đã đi thăm quan một mình, nhìn ngắm chỗ này chỗ kia. 

Ông Đức tò mò nhìn ngắm những thứ được trưng bày tại đây

Các cô, các bà tập trung ở nhà văn hóa để cùng làm nón. Ở đây, các cô sẽ làm từ công đoạn mở lá đến là lá, làm khung và khâu nón. Công đoạn dễ nhất là mở lá từ những chiếc lá khô đang bị xoắn lại. Vì là công đoạn dễ thực hiện nhất nên các cụ cũng được tự tay trải nghiệm. Không đơn giản chỉ là mở bung lá ra, mà phải cẩn thận để lá không rách và phải làm cho lá phẳng phiu, không còn nếp gấp để công đoạn là lá phía sau được dễ dàng hơn. Đây là công việc quan trọng đầu tiên để làm nên một chiếc nón nên các cụ đều làm rất tỉ mỉ, cẩn thận với sự hướng dẫn của bác Bí thư chi bộ và các nghệ nhân làng nghề.

Các cụ đang được hướng dẫn mở bung những chiếc lá khô đang bị xoắn lại

Công đoạn là lá yêu cầu sự tỉ mỉ cao cũng như căn nhiệt để lá bóng và không bị đỏ 

Nhìn các cô, các bà tay khâu nón thoăn thoắt, các cụ không khỏi trầm trồ, thán phục. Những đường khâu đều tăm tắp để cố định những lớp lá nón đã được là phẳng phiu, hơi bóng nhẹ. Đúng là để làm nên một thành phẩm là những chiếc nón hoàn chỉnh không hề đơn giản. 

Công đoạn làm khung nón

Từng chiếc lá được ghép vào khung với các mũi khâu đều tăm tắp

Chiếc nón là gắn liền với đời sống văn hóa, sinh hoạt của người dân Việt Nam. Tà áo dài Việt Nam thêm phần thướt tha, dịu dàng với sự góp mặt của chiếc nón lá. Những người nông dân vượt nắng thắng mưa cùng chiếc nón lá đi qua bao năm tháng. Nét đẹp của văn hóa Việt đã và đang được các nghệ nhân tại làng nghề nón lá truyền thống Vĩnh Thịnh gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ tương lai, để nón lá luôn là một niềm tự hào, là một nét đặc trưng của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

10 + 4 =