Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Viện dưỡng lão giá bình dân

Bà Lệ Hà (80 tuổi) háo hức ngày khai trương cơ sở mới của viện dưỡng lão có khuôn viên “đẹp như resort” nhưng quan trọng hơn là về đây sẽ giảm được chi phí.

Giữa tháng 7, bà Nguyễn Lệ Hà quyết định chuyển từ cơ sở ở Cự Khê (Thanh Oai) đến cơ sở mới ở thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ). “Tôi nóng lòng muốn trải nghiệm quá nên một mình xuống đây ở trước cả ngày khai trương”, bà nói.

Bà Hà từng là kỹ sư ôtô, người chồng đã khuất từng làm ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gia đình vốn có cuộc sống khá giả. Tuy nhiên từ lúc ông bà nghỉ hưu, gia sản trong nhà cứ đội nón ra đi vì người con trai duy nhất.

Sau khi chồng mất năm 2021, anh con trai đòi mẹ bán nhà đưa tiền cho làm ăn. Số tiền còn lại không đủ mua một căn chung cư nên bà Hà chuyển vào viện dưỡng lão. “Con có thể bỏ cha mẹ nhưng chẳng cha mẹ nào bỏ được con. Nó xin tiền, tôi vẫn cho đến khi không còn khả năng nữa”, bà chia sẻ.

Trung tâm dưỡng lão mới mở ở Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, cách nội thành Hà Nội 50 km,

có mức phí khởi điểm 6 triệu đồng một tháng.

Một ngày đầu năm nay, khi hợp đồng sắp một năm sắp hết, bà Hà gặp ban giám đốc viện dưỡng lão tâm sự không thể ở đây được nữa. Bà không đủ tiền đóng tiếp, mức lương hưu hơn 5 triệu đồng cũng không đủ chi phí hàng tháng. Vì thế bà định ra ngoài thuê một căn phòng trọ sống cùng với sinh viên để chia tiền phòng.

Nghe bà Hà giãi bày, chị Trần Thị Thúy Nga, phó Tổng giám đốc trung tâm, bất ngờ và xót xa. “Ngày thường bà vốn thích ca hát, nhảy múa, ăn mặc rất tinh tế. Đâu ai ngờ đằng sau sự lạc quan, vui vẻ của bà lại khổ tâm như thế”, chị Nga chia sẻ.

Chị Nga nói với bà về cơ sở sắp mở của trung tâm sẽ có chi phí thấp hơn, đồng thời hứa sẽ hỗ trợ thêm cho bà. “May nhờ có sự hỗ trợ này nên với đồng lương hưu của mình tôi có thể an tâm ở đây đến cuối đời”, bà chia sẻ.

Đang sống ổn định ba năm nay ở một viện dưỡng lão tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) nhưng lúc nghe tới cơ sở ngoại ô này có chi phí rẻ hơn, cụ bà Nguyễn Thị Thanh, 86 tuổi, chuyển nhà không chút do dự. “Đến chỗ mới vừa đẹp vừa có không gian, lại ít tiền hơn”, bà nói.

Cụ bà trước đây làm ở Sở Xây dựng, lương hưu chưa được 4 triệu đồng. Bốn người con đều có kinh tế bình thường. Năm ông xã mất, bà Thanh chới với, cảm thấy về ở với con nào cũng không ổn. Bà đã định về quê Thường Tín, song vẫn băn khoăn vì ở phố bao năm xa cách anh em họ hàng, giờ về đó cũng khó thích nghi.

“May sao vợ chồng cháu gái tôi cho đi viện dưỡng lão. Tôi áy náy vì phiền con cháu, nhưng cũng không còn biết giải pháp nào tốt hơn”, bà nói.

Ở cơ sở cũ, bà thuộc nhóm đóng phí thấp nhất đã 8 triệu đồng – nhiều gấp đôi lương hưu. Sắp tới đợt điều chỉnh tăng phí hàng năm nên số tiền phải đó có thể cao gấp 2,5 lần lương của bà. “Khi chuyển về đây, với mức lương hưu được tăng từ tháng này, tôi đã đỡ được một phần chi phí cho các cháu”, cụ bà chia sẻ.

 

Các cụ ăn trưa tại phòng sinh hoạt chung của viện dưỡng lão ở Xuân Mai, Chương Mỹ hôm 2/8. Trong tuần đầu tiên

mới mở, trung tâm có 5 cụ, sang tuần thứ hai trung tâm có hơn 10 cụ đang ở.

Khảo sát của VnExpress với 10 trung tâm dưỡng lão phân khúc tầm trung ở Hà Nội cho thấy chi phí nằm trong khoảng 8-20 triệu đồng mỗi tháng, tuỳ thuộc vào loại phòng, tình trạng sức khỏe và chưa bao gồm các chi phí khác như bỉm, sữa. Mức thấp nhất 8 triệu đồng dành cho các cụ khỏe, ở phòng tập thể 5-8 người.

Tại cơ sở mới mở này, phòng 4 người có chi phí 6 triệu đồng, phòng đôi 8 triệu đồng, phòng đơn 10 triệu đồng, ở bán trú 200.000 đồng một ngày, chi phí chăm sóc lễ Tết 500.000 đồng một ngày. Các phòng đều được trang bị vệ sinh khép kín và đầy đủ tiện nghi. Nếu so sánh, mức phí các dịch vụ tại đây thấp hơn 40% so với mặt bằng chung.

Việt Nam hiện có ba mô hình viện dưỡng lão gồm: viện dưỡng lão do nhà nước bảo trợ phục vụ những có công, đối tượng chính sách; cơ sở do các tổ chức an sinh xã hội xây dựng, chủ yếu nuôi dưỡng những người cao tuổi bất hạnh và cuối cùng là viện dưỡng lão hoàn toàn do tư nhân thành lập.

Hầu hết những người vào viện dưỡng lão tư nhân đều có lương hưu hoặc gia đình có điều kiện. Cả nước hiện có gần 2,7 triệu người hưởng lương hưu với mức trung bình 5,4 triệu đồng một tháng.

Một khảo sát hơn 6.000 độc giả của VnExpress, với câu hỏi “Gia đình bạn có thể cho cha mẹ vào viện dưỡng lão ở mức độ nào?”, 40% cho biết không đủ khả năng, 38% cho biết có thể chi 8-10 triệu đồng, 14% ở mức 10-15 triệu đồng và 8% trên 15 triệu đồng một tháng.

Chị Trần Thị Thúy Nga chia sẻ ngay từ khi bước vào ngành dưỡng lão, trung tâm của chị rất trăn trở khi rất nhiều người muốn vào nhưng thu nhập còn hạn chế. Không thống kê xuể những người hỏi “Khi nào trung tâm có viện dưỡng lão giá rẻ?”, cũng không ít những hoàn cảnh “đứt gánh giữa đường”.

“Khi đang loay hoay giải bài toán ấy, một tập đoàn chuyên về xuất khẩu lao động quyết định kết hợp với chúng tôi”, chị Nga cho biết.

Ngoài lý do ở ngoại thành, yếu tố giúp hạ chi phí là tập đoàn này có sẵn nguồn đất đai. Nhờ đó, cơ sở được xây dựng bài bản, không như một số viện dưỡng lão đang đi thuê đất nên không dám đầu tư. Ở giai đoạn một, trung tâm chứa tối đa 36 giường, bao gồm các phòng hai giường và bốn giường. Các phòng đều được trang bị đầy đủ tiện nghi. Đặc biệt khuôn viên có sân vườn, ao hồ, bể bơi, sân bóng, nằm trên diện tích 3 hecta.

Bà Lệ Hà, 80 tuổi cắm bình hoa làm đẹp cho phòng mình, hôm 2/8.

Sáng 6/8, bà Nguyễn Thị Phi, 75 tuổi, thuê chiếc xe 5 tấn chở tất cả quần áo, đồ dùng, xe đạp, tủ lạnh, TV vào viện dưỡng lão này. Vừa lên đến nơi mặt bà giãn ra, cười không nghỉ vì không gian sống từ đây tới cuối đời “tuyệt vời hơn cả những gì tưởng tượng”.

“Tôi vào viện dưỡng lão này gần một năm trước. Vốn tính ở một mình một phòng cho thoải mái, nhưng chi phí cỡ 15 triệu đồng mỗi tháng tôi không lo được, nên đành ở tập thể”, bà Phi chia sẻ.

Trước đây bà là giáo viên dạy Toán cấp 3, từng kết hôn hai lần nhưng không có con. Tuổi này vẫn khỏe mạnh nhưng thích được quan tâm và sinh hoạt cộng đồng nên bà quyết định vào dưỡng lão. Tính bà thẳng, thích tự do nên ở phòng đông rất bí bách.

Đây cũng là nỗi niềm của bà Thanh. “Mình còn minh mẫn nhưng ở với các cụ bị lẫn có khi cũng tổn thọ”, cụ bà nói.

Con cháu của bà Thanh đều ở nội đô. Không ai muốn để bà cách xa mình cả 50 cây số, song theo cụ bà bình thường con cháu bận nên một năm cũng chỉ vào thăm đôi ba lần. Trung tâm có nhân viên chăm sóc sức khỏe kỹ càng, nhiều người nói chuyện, nếu có vấn đề sức khỏe cũng chỉ khoảng một tiếng bà đã vào tới bệnh viện lớn.

Trước đây ở chỗ cũ cuồng chân muốn đi đâu phải nhờ cháu quẹt thang máy, nhưng vì không có khuôn viên nên cũng chỉ loanh quanh được từ sảnh về phòng. “Nay chỉ sợ không có sức thôi chứ đi thoải mái”, bà nói thêm.

Còn bà Lệ Hà, trong một tuần ở viện dưỡng lão một mình, bà đã đi hái khế, hái nhãn, câu cá và thăm thú được mọi chỗ. Khi các bạn già khác tới, cụ bà xung phong dẫn mọi người đi chơi khắp ngõ ngách.

“Mấy cháu điều dưỡng đang rủ tôi mặc đồ bơi xuống bể tắm. Tôi thì chỉ mong mùa đông nhanh đến để diện đồ cho đẹp, đi dạo ven hồ ở đây sẽ thích lắm”, cụ bà nói.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

19 + twelve =