Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

Câu chuyện phía sau bộ ảnh vui nhộn của đôi bạn già, quen nhau trong viện dưỡng lão

Bà Sinh lớn hơn bà Dành một tuổi nhưng lúc nào cũng gọi bạn bằng tên thân thiết là chị Dành Dành. Đáp lại, bà Dành cũng đặt biệt danh cho người bạn già là em Sinh “xinh”.

Tạo dáng vui nhộn trong bộ hình đang được chia sẻ trên mạng, đôi bạn thân là bà Dành (83 tuổi, áo đỏ) và bà Sinh (84 tuổi, áo xanh) thu hút sự chú ý, nhận nhiều lời khen từ mọi người. Không ít bạn trẻ bày tỏ sự ngưỡng mộ, có phần ghen tỵ với tình bạn thắm thiết.

Hai bà hiện cùng sống tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, Hà Nội. Bà Sinh được mọi người biết đến là người vui vẻ, hài hước và hay làm thơ. Bà thường có những lời khen đáng yêu tặng mọi người, kiểu như “Đợt này U thấy con lên cân, nhưng lúc nào con cũng xinh đẹp vui vẻ hay cười” hay “Hình như con hơi thấp nhưng thế này lại nhỏ nhắn, xinh xắn”.

Bà Dành vào Diên Hồng từ những ngày cận Tết. Bà chia sẻ “Hồi còn trẻ bà đã có suy nghĩ sau này già sẽ vào viện dưỡng lão ở, nên khi có vấn đề về sức khỏe, hai ông bà liền dọn vào ở luôn”.

Chỉ mới quen nhau ít tháng, cụ Dành và cụ Sinh đã thành bạn thân.

“Bà Sinh ở tầng 2 còn bà Dành lại ở tầng 6. Đợt dịch bệnh vừa rồi, trung tâm có tổ chức các hoạt động tập thể trong nhà nên hai bà có cơ hội gặp nhau. Thế rồi ngày nào họ cũng qua phòng để trò chuyện, từ đó trở nên thân thiết”, Chị Hà – nhân viên trung tâm – nói với Zing.

Đôi bạn hợp nhau vì tính cách đều vui vẻ, phóng khoáng. Bà Sinh rất ngưỡng mộ bà Dành vì người bạn mới quen có tư tưởng đổi mới, hiện đại. Vì thế Bà Sinh lớn hơn bà Dành một tuổi nhưng lúc nào cũng gọi bạn bằng tên thân thiết là chị Dành Dành. Đáp lại, bà Dành cũng đặt biệt danh cho người bạn già là em Sinh “xinh”.

Nói về ý tưởng của bộ hình vui nhộn, chị Hà cho hay trong một lần trò chuyện, hai bà vô tình biết được gần trung tâm có ngôi chùa cổ Bối Khê nên đề nghị muốn chụp ảnh kỷ niệm ở đó.

Muốn thực hiện mong muốn của hai cụ, trung tâm cử người đi tiền trạm. “Sau mấy hôm suy đi tính lại, chúng tôi quyết định mua một bó sen trắng và đưa các cụ ra chùa cổ chụp hình. Được biết sẽ đi chụp ảnh thì hai bà hào hứng, phấn khởi lắm”, chị Hà kể.


Hai bà tạo dáng hài hước, vui nhộn.

Buổi sáng trước khi đi, bà Dành vừa ăn sáng vừa loay hoay chuẩn bị đồ. Bà luôn miệng hỏi “Bà mang cái áo dài này để đi chụp nhé?”, “Bà mặc bộ bà ba này được không, con thấy màu vàng hay màu đỏ đẹp hơn?”, “Bà đi đôi dép này hợp chứ?”.

Còn bà Sinh thì hồi hộp nên cứ đi ra đi vào, lát lại hỏi bao giờ đi chụp ảnh thế con. Bà còn nhờ bạn nhân viên đưa đi làm tóc, bà bảo “phải xinh đẹp để đi chụp ảnh”.

Bà Sinh đi lại hơi khó khăn nên hay bị mệt, nhưng mỗi lần mệt bà lại tự động viên mình cố lên vì chụp ảnh đẹp để còn khoe với con cháu nữa.

Bà tình cảm lắm, bà bảo thương mấy bạn nhân viên chụp ảnh cho bà, vừa phải chỉnh dáng, vừa lăn lê chụp để có những bức ảnh đẹp. Hai bà còn động viên nhau cười tươi lên để các cháu chụp, thi thoảng lại nghe hai bà thì thầm “Hai chị em mình cùng cười nào, hai chị em mình cùng cười nào”.

Sau khi bộ ảnh đăng lên, nhận nhiều lời khen ngợi, hai bà đều thích thú. Được đọc cho nghe những bình luận nói “Các bà xinh đẹp quá”, “Yêu hai bà ghê”, “Các cụ thật ngầu” thì bà cười phá lên sung sướng. Bà Sinh còn bảo là hai bà già Khốt – ta – bít.  Hai cụ cũng gửi lời cảm ơn đến tình cảm yêu quý mà mọi người dành cho mình.


Đôi bạn thân hợp tính nhau khi đều vui vẻ, phóng khoáng

Theo Đinh Phạm – Zing news

Xem thêm

Gặp mặt các Viện dưỡng lão khu vực Hà Nội

Vào ngày 20/5/2020, Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng vô cùng vinh dự khi được đón tiếp và tổ chức giao lưu gặp mặt các Viện dưỡng lão tại khu vực Hà Nội.

Buổi gặp gỡ diễn ra trong không khí thân thiện, gần gũi với sự góp mặt của các trung tâm chăm sóc người cao tuổi như: Thiên Đức, ALH, Tâm Phúc, Nhân Ái, Trung tâm bảo trợ số 3 Hà Nội. Và đặc biệt có sự tham gia của đại diện Tổng cục Dân số. Đây là dịp để các Viện cùng giao lưu, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Đại diện trung tâm chăm sóc người cao tuổi Thiên Đức và trung tâm bảo trợ số 3 chụp ảnh lưu niệm cùng Diên Hồng
Đại diện trung tâm chăm sóc người cao tuổi Nhân Ái chụp ảnh lưu niệm
Chụp ảnh lưu niệm cùng trung tâm chăm sóc ALH
Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Tâm Phúc tham dự cuộc gặp mặt
Đại diện Tổng cục dân số

Các viện dưỡng lão cùng chia sẻ những điểm mạnh và hạn chế của nhau, từ đó cải thiện chất lượng chăm sóc người cao tuổi nói riêng, và cải thiện ngành dưỡng lão Việt Nam nói chung.

Các trung tâm cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc

Nhân dịp này, đại diện của các viện dưỡng lão cùng đi thăm quan cơ sở vật chất và chăm sóc người cao tuổi tại Diên Hồng.

Thăm quan cơ sở vật chất của Diên Hồng
Xem thêm

Người cao tuổi Diên Hồng trong hội thao Olympic 2020

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người, với người cao tuổi sức khỏe lại càng quan trọng hơn. Hiểu được điều đó, hằng năm trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đều tổ chức Olympic sân chơi thể thao dành riêng cho người cao tuổi.


Olympic không chỉ là dịp để người cao tuổi vui chơi, thử thách với những điều mới mẻ mà còn là dịp để người cao tuổi vượt lên chính mình và gắn kết mọi người lại gần nhau hơn.

Năm nay Olympic Diên Hồng được tổ chức tại 2 cơ sở và thu hút sự tham gia của rất nhiều người cao tuổi.

Phần thi đầu tiên là đua xe phối hợp. Khi nhắc đến đua xe chúng ta hay nghĩ đến đường đua lắt léo và những tay đua chuyên nghiệp. Nhưng tại Diên Hồng, đua xe lại dễ thương và đáng yêu hơn nhiều. Phần thi được thực hiện bằng những mô hình ô tô handmade. Mỗi đội sẽ có 2 người cao tuổi hoặc người cao tuổi và điều dưỡng hỗ trợ. Phần thi đòi hỏi sự phối hợp ăn ý và khéo léo để vượt qua các chướng ngại vật.

Những chiếc xe làm từ mô hình bìa đầy màu sắc

Bà Vân chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên bà tham gia một cuộc thi, khi tiếng còi trọng tài cất lên là bà cứ thế đi, đi một mạch đến đích. Cảm giác vỡ òa vui sướng mà trước nay chưa có”

Tiếp đến phần thi thứ 2 là ném đĩa, có thể đây là điều dễ dàng với nhiều người, nhưng với người cao tuổi thì đó là cả sự nỗ lực.

Tổng giám đốc trao huy chương cho các cụ chiến thắng tại Diên Hồng 1

Trong phần thi này, Olympic Diên Hồng 2020 còn được chào đón một vận động viên ngoại quốc đến từ xứ sở Kim Chi, đó là ông Kwon Sang Soo. Bằng sự chuyên nghiệp của mình, ông đã bỏ xa các đối thủ và giành được huy chương vàng cho mình.

Ông Soo tham gia ném đĩa


Phần thi gay cấn và hồi hộp không kém là ném bóng vào rổ. Phần thi này cũng đòi hỏi sự kết hợp ăn ý giữa người cao tuổi và điều dưỡng viên. Người cao tuổi sẽ ném bóng còn điều dưỡng viên sẽ hứng. Phần thi này có chút gian lận nhỏ nhưng mang lại nhiều niềm vui, tiếng cười cho người cao tuổi, thì gian lận một chút cũng không sao.

Bà Cẩm tập trung ném bóng

Phần thi phối hợp của Điều dưỡng

Phần thi đá bóng theo phong cách người cao tuổi. Các cụ sẽ không phải rượt bóng trên sân như chúng ta vẫn thấy, mà người cao tuổi sẽ đứng trước gôn một khoảng nhất định sau đó đá bóng vào “lưới”.

Bà Dành hào hứng khi đá bóng vào gôn
Dưới sự cổ vũ của các bạn điều dưỡng ông Ấn đã đá quả bóng đầu tiên vào lưới
Ông Hoằng rất xuất sắc giành được vị trí quán quân

 Ông Ấn là người đầu tiên tham gia thi đấu nên ông khá hồi hộp dẫn đến đường bóng không chính xác và không đạt kết quả cao. Ông cũng lấy làm tiếc nhưng đó là sự trải nghiệm mới mẻ và ông cũng đã nỗ lực để vượt lên chính mình.

Cuối cùng là phần thi vượt chướng ngại vật, đây là phần thi dành cho các ông bà khỏe mạnh. Bằng sự khéo léo của mình, người cao tuổi đã vượt qua các chướng ngại vật và cùng với người đồng đội của mình, giơ cao lá cờ chiến thắng.

Khoảnh khắc chiến thắng, nâng cao chiếc cúp vô địch của bà Diễm và bà Tuyết.

Bà Diễm và bà Tuyết vô cùng xuất sắc khi trở thành đội thắng cuộc, giây phút hai bà nâng cao chiếc cúp vô địch mới tự hào và hãnh diện biết bao.

“Đây là lần đầu tiên bà tham gia một chương trình vui, bổ ích như vậy. Nhưng bà vẫn còn rụt rè và e ngại, nếu có lần sau bà sẽ tham gia nhiệt tình hơn”, Bà Biển chia sẻ.

Tinh thần thể dục thể thao của người cao tuổi vẫn còn rực cháy vậy thì người trẻ chúng ta, khi mà sức khỏe vẫn dồi dào thì hãy biết trân quý và rèn luyện hơn nữa., hãy như các ông bà trong Diên Hồng.

Xem thêm

Xúc động ngày của mẹ tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Có thể mọi người cảm thấy lạ lẫm khi nghe đến “Ngày của Mẹ”. Và cũng có nhiều nguồn gốc ra đời kể về ngày đó. Nhưng thực tế ngày của Mẹ không có ngày cố định cụ thể, và sẽ quy ước lấy ngày chủ nhật thứ 2 của tháng năm là ngày của Mẹ, năm nay sẽ là ngày 10/5.

Nhân dịp ngày của Mẹ, Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cũng làm một cầu nối nhỏ cho các gia đình. Đó có thể là những người con ở phương xa lâu ngày không được về thăm mẹ, hay đơn thuần là những lời yêu thương muốn gửi đến cho người mẹ yêu dấu của mình. Vì vậy sáng sớm ngày 10/5, tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, đã diễn ra chương trình tri ân, giành cho những người mẹ đang an dưỡng tại Viện.

Chị Trần Thị Thúy Nga, đại diện trung tâm phát biểu tại buổi lễ

Tham gia buổi lễ, các gia đình không chỉ được trò chuyện với nhau, mà còn được tham gia thử thách thú vị.

Các gia đình tại cơ sở 1, sẽ tham gia thử thách đi dạo chậm. Thử thách là dịp để các thành viên được bên nhau lâu hơn, được hiểu nhau hơn.

Gia đình cụ Định tham gia thử thách đi dạo
Gia đình cụ Cẩn tham gia thửu thách đi dạo

Còn tại Diên Hồng cơ sở 2, các cụ và gia đình sẽ tham gia một phần thi cắt dán tranh, mỗi thành viên là một bàn tay, tựa như tình cảm gia đình khăng khít, và cùng với đó là lời chúc cho người mẹ, người bà của mình.

Gia đình bà Hỹ tham gia cắt dán tranh
Con trai và con dâu bà Hòa đang thực hiện thử thách cắt tranh
Gia đình bà Chinh cũng đang tập trung làm thử thách

Không những thế trong buổi giao lưu, còn có các tiết mục văn nghệ đến từ các bạn nhân viên, và gia đình.

Một số hình ảnh tại buổi kỷ niệm

Chú Dũng, con bà Hỹ, chia sẻ: “Thật tuyệt vời khi trung tâm có những hoạt động như thế, không chỉ quan tâm đến sức khỏe người cao tuổi, mà còn chăm lo đến tinh thần của cả các cụ và gia đình”.

Buổi lễ diễn ra trong không khí đầm ấp, sum vầy.

Tôi chợt nhớ đến câu: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”. Thật không có gì quý bằng tình cảm gia đình, thứ tình cảm thiêng liêng, cao cả.

Xem thêm

Viện dưỡng lão những ngày hết cách ly

21 ngày cách ly là những ngày dài đằng đẵng cuối cùng cũng kết thúc. Các cụ trong Diên Hồng hôm nào cũng đếm từng ngày chờ thông báo hết giãn cách xã hội, để trung tâm cho thăm nom trở lại. Lúc này những ánh mắt, những nụ cười, những cái chạm tay lại có giá trị hơn tất thảy mọi thứ trên đời,

Chị Trần Thị Thúy Nga – Phó tổng Giám đốc cho biết “Bắt đầu từ ngày 23/4 Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng chính thức nối lại hoạt động thăm nom trực tiếp người cao tuổi và đón khách tham quan, nhưng các gia đình phải đăng ký trước để trung tâm sắp xếp. Đồng thời vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp chống dịch theo chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ”. Sáng sớm ngày 23 thông báo được gửi đến tất cả các gia đình đang có người cao tuổi an dưỡng tại trung tâm. Chiều hôm đó, theo đăng ký từ trước, các gia đình tấp nập đến thăm và được sắp xếp để đảm bảo không tụ tập quá đông người.

Bầu trời hôm ấy đẹp đến lạ, có chút nắng ấm nhè nhẹ đủ để xua đi cái mưa lạnh sụt sùi. Chị Vũ Thị Thoa, con gái út của ông Bưởi, bà Dành từ Đà Nẵng về mấy hôm trước. Hôm nay nghe được thông báo liền vội vã vào thăm. Giây phút gặp nhau, tưởng chừng như mọi thứ xung quanh đều ngưng đọng lại. Đến cả tiếng tích tắc đồng hồ hôm nay cũng vang vọng đến lạ. Chị vội ôm chầm lấy bà, sau đó đến bên giường chào ông. Hai tay chị nắm chặt lấy ông, nhìn ông mỉm cười. Giây phút này tất cả những lời nói đều trở nên vô nghĩa, chỉ cần một ánh mắt thôi cũng đủ để nói lên tất cả. Mặc dù ông bị tai biến không đi lại được nhưng ông vẫn rất tỉnh táo, đôi mắt ông đỏ hoe, rơm rớm lệ. Chị Thoa chia sẻ: “Những ngày dịch bệnh nguy hiểm, chị thấp thỏm không yên. Ngày nào chị cũng gọi điện thoại cho bà để hỏi thăm tình hình. Nhìn bà khỏe mạnh là chị mừng nhưng ông thì khác, ông bị như thế nên gặp trực tiếp vẫn tốt nhất, thấy ông thế này là chị yên tâm. Chẳng còn điều gì tuyệt vời hơn khi thấy cha mẹ mình được mạnh khỏe, bình an”.

Giây phút xúc động khi chị Thoa đến thăm ông bà

Hay như gia đình cô Tuyết Anh, có mẹ đang an dưỡng tại cơ sở 1 của Diên Hồng. Sau khi nhận được thông báo của trung tâm, chiều hôm đó cô vội vàng sắp xếp công việc để tranh thủ vào thăm. “Hôm nay sau hơn một tháng mới được vào thăm bà. Cô thấy bà tươi tỉnh, da dẻ hồng hào cô mừng quá, mừng vì hết cách ly và mừng vì bà được chăm sóc tốt”, cô Tuyết Anh chia sẻ. Hai mẹ con lâu ngày gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, khóe mắt lại cay cay.

Khoảng khắc cô Tuyết Anh gặp mẹ mình

Từ xa nom thấy chiếc xe quen thuộc, không ai khác chính là hai cô con gái của bà Hợp tới thăm. Vừa đến trước cửa trung tâm các cô liền kéo khẩu trang lên cẩn thận, tay sát khuẩn nhưng vẫn không quên đeo găng tay để đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với bà. Mặc dù bà không còn minh mẫn nhưng khi thấy hai cô đến bà liền cười rất tươi, như trong ký ức vẫn còn điều gì đấy quen thuộc. Cô Dung, con gái bà mở túi quà rồi lấy bóc hộp sữa đưa cho bà. Cô kể: “Bà vào Diên Hồng đã 3 năm, được các bạn chăm sóc chu đáo, bà khỏe hơn nên cô yên tâm lắm .Từ khi trung tâm có quy định không cho gia đình đến thăm hỏi trực tiếp thì các cô chỉ mang quà bánh vào cho bà chứ không được gặp. Bây giờ hết cách ly được đến thăm bà trực tiếp, thấy bà vẫn vui khỏe là các cô mừng lắm”. Cô còn chia sẻ, ngày nào cô cũng vào facebook của trung tâm để nghe ngóng về tình hình của các cụ, xem những buổi tập thể dục, xem những hôm vui chơi, rồi thấy có thông báo là các cô vào liền.

Hai cô con gái của Bà Hợp vào thăm bà

Các hoạt động vui chơi, giải trí của người cao tuổi trong trung tâm dưỡng lão Diên Hồng vẫn vẫn được diễn ra đều đặn. Các cụ bà U80 còn rủ nhau picnic tại gia và chụp hình sống ảo.

Sau khi hết cách ly, có người thì đi chơi, người thì đi du lịch, người thì đi ăn uống gặp gỡ bạn bè. Còn gia đình các cụ chỉ mong hết dịch để vào thăm người thân. Giữa bộn bề của cuộc sống tình cảm gia đình vẫn thật thiêng liêng và cao cả.

Có những điều tưởng chừng như nhỏ bé, bình dị và trong lúc tất bật của cuộc sống ta vô tình bỏ quên. Để rồi mùa dịch ập đến ta lại ngỡ ngàng tiếc nuối. Hãy biết ơn những điều bình dị đó, bởi nếu không trải qua khó khăn, chúng ta sẽ không bao giờ biết trân quý.

Xem thêm

Liều thuốc chống Cô-vít ở trung tâm dưỡng lão

TP – Tại châu Âu và nhiều nước khác, viện dưỡng lão được coi là “quả bom hẹn giờ” trong đại dịch COVID -19 bởi với người cao tuổi, khi sức khỏe yếu đi cùng đó sức đề kháng giảm nên tỷ lệ tử vong vì dịch bệnh này cao nhất. Chính vì vậy, tại các viện, trung tâm dưỡng lão ở nước ta thời kì này đang áp dụng các biện pháp đặc biệt để các cụ được “sống vui, sống khỏe”.


Những thông điệp được các cụ truyền tải đi

Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng với 2 cơ sở, cơ sở 1 ở Khu đô thị Đô Nghĩa, Yên Nghĩa, Hà Đông và cơ sở 2 có địa chỉ tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco5, Thanh Oai, Hà Nội. Đây là một trong những trung tâm dưỡng lão quy mô lớn nhất Hà Nội hiện nay. Hiện tại trung tâm có 160 cụ đang an dưỡng, từ 54 đến 105 tuổi.

Dịch bệnh lan rộng và phức tạp, từ đầu tháng 3, trung tâm dưỡng lão này đã chủ động áp dụng chính sách “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để thực hiện việc phòng ngừa bệnh dịch lây lan từ bên ngoài vào. Và giải pháp đầu tiên được áp dụng là dừng việc thăm nom trực tiếp của gia đình, người nhà đối với những cụ đang sinh sống tại đây. Thay vào đó là “thăm hỏi online” hoặc gọi điện thoại.

Tại bàn ăn, mỗi người đều được bố trí suất ăn riêng. Với những cụ sức khỏe yếu hơn được bố trí ngồi bàn đặc dụng, có ghế tựa đi liền bàn. Toàn bộ nhân viên phục vụ đều đeo khẩu trang, găng tay để trợ giúp các cụ ăn uống.

Nhằm giúp các cụ vơi đi nỗi buồn và giữ liên lạc với người thân, các nhân viên chăm sóc sử dụng điện thoại di động kết nối mạng internet để các cụ trò chuyện với người thân, gia đình.

“Bây giờ đang có dịch bệnh, chị Thoa không đến thăm bà được, con gọi điện để bà nói chuyện với chị nhé?” – chị Lan Anh, nhân viên chăm sóc khách hàng hỏi cụ Dành. Nụ cười và ánh mắt rạng ngời, cụ Dành gật đầu. Những câu chuyện giữa cụ Dành và con cháu được kết nối, râm ran cả một góc phòng. Kết thúc cuộc nói chuyện, cụ không quên thông báo cho gia đình việc được các nhân viên chăm sóc rất chu đáo, tận tình để con cháu yên tâm.

Tại phòng sinh hoạt cộng đồng, nhóm các cụ (2-3 người) ngồi đọc sách báo, trò chuyện sôi nổi. Nhân viên trung tâm đeo khẩu trang, thi thoảng nhắc các cụ giữ khoảng cách an toàn. “Qua sách báo, tivi tôi cũng biết dịch viêm phổi cấp đang lan rộng và rất nguy hiểm. Nhưng tôi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ Việt Nam sẽ có những quyết sách chống dịch an toàn. Tôi ở trong viện thì quá tốt rồi, các chị, cách anh trong này chu đáo lắm. Chỉ lo ngoài kia con cháu mình thế nào thôi”, cụ Phạm Thị Diễm 76 tuổi chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại.

Từ ngày trung tâm áp dụng biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, các cụ rất ủng hộ, hưởng ứng. Lịch ra ngoài, tập thể dục, đi dạo của các cụ không còn, thay vào đó các lớp thể dục trong phòng được tổ chức đều đặn hằng ngày. Ngoài thời gian đó các cụ còn tổ chức sinh hoạt, chụp những bộ ảnh với những thông điệp dễ thương gửi tới mọi người cùng phòng chống dịch bệnh. “Phải tập thể dục, vận động như thế cho xương cốt dẻo dai, tinh thần khỏe khoắn, có thế mới ăn được, ngủ được. Không ra ngoài cũng bí bách, nhưng chúng tôi có thời gian chia sẻ để hiểu nhau hơn”, bà Quế, người có thâm niên ở trung tâm chia sẻ.

Các ông bà tập thể dục trên khu sinh hoạt cộng đồng

Ở cùng để ngăn dịch

“Ngay khi có thông tin về dịch bệnh và đặc biệt là chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội, cán bộ, nhân viên tại Trung tâm đều thực hiện triệt để. Ngoài việc đeo khẩu trang, Trung tâm cũng quy định 5 khung giờ rửa tay bắt buộc cho từng cụ và cho cả cán bộ, nhân viên. Bên cạnh đó, để tránh tiếp xúc với bên ngoài, Trung tâm còn khuyến khích nhân viên ở lại, sinh hoạt tại ký túc xá nếu không có việc quan trọng.” bà Trần Thị Thúy Nga, Phó tổng Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng chia sẻ.

Chị Trang, nhân viên chăm sóc ở Trung tâm cho biết: “Mặc dù nhà ở gần Trung tâm nhưng vì sự an toàn của tất cả mọi người nên tôi đã đến Trung tâm ở luôn. Lúc đầu chồng và gia đình cũng không đồng ý, vì con tôi mới hơn 3 tuổi. Nhưng chống dịch hơn chống giặc, các bác sỹ điều dưỡng ở các bệnh viện vẫn đang gồng mình chống dịch, nên tôi cũng mong muốn góp chút sức mình. Từ đó gia đình tôi hiểu, thông cảm và đồng ý cho tôi ở lại”.

Theo bà Nga, từ khi có thông tin về dịch bệnh COVID-19, Trung tâm đã xây dựng phương án phòng, chống đối với toàn bộ cán bộ, công nhân viên và tuân thủ triệt để khuyến cáo của cơ quan y tế.  

Bà thông tin thêm, đối với việc thăm nom trực tiếp của người thân, gia đình với các cụ, trung tâm thực hiện nghiêm ngặt triệt để. Tuy nhiều gia đình lúc đầu không thiện chí, nhưng sau đó họ nhận biết được việc này là cần thiết. Vì thế việc gặp gỡ, trò chuyện giữa các cụ và gia đình, người thân bằng điện thoại hoặc qua internet được sử dụng thường xuyên.

“Ngoài ra, nguồn lương thực, thực phẩm từ các đối tác đưa đến Trung tâm được thực hiện theo quy trình. Hàng hóa được giao phía ngoài cửa Trung tâm. Trung tâm bố trí một bộ phận tiếp nhận riêng rồi mới đưa vào”, bà Nga cho hay.


Các cụ tổ chức sinh hoạt, chụp những bộ ảnh với những thông điệp dễ thương để gửi tới tất cả mọi người cùng nhau phòng chống dịch bệnh

Theo Đức Anh – báo Tiền Phong

Xem thêm

Màn cover Vũ điệu rửa tay “Ghen cô-vy” cực trẻ của các cụ ở dưỡng lão

Trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cụ ông, cụ bà đang được chăm sóc tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng thường xuyên được cập nhật những tin tức mới nhất về dịch bệnh và cách phòng, chống bệnh cho chính bản thân.

Đều đặn 30 phút mỗi ngày, các cụ trong Viện dưỡng lão lại rủ nhau ra không gian sinh hoạt chung của trung tâm để tập thể dục. Tùy vào tình trạng sức khỏe từng người sẽ có những cách tập luyện khác nhau. Có những cụ mặc dù gặp khó khăn trong việc đi lại nhưng cũng rất hào hứng hưởng ứng các hoạt động để tăng cường, nâng cao sức khỏe trong mùa dịch.


Mặc dù gặp khó khăn trong việc di chuyển nhưng “tập thể dục ngồi” cũng là cách giúp tinh thần và cơ thể các cụ khỏe mạnh hơn.

Các bài tập đều được xây dựng trên nền nhạc tươi vui, tạo sự hào hứng khi tập luyện và video hướng dẫn sẽ chiếu lên màn hình lớn để các cụ dễ dàng tập theo.

Mặc dù đã lớn tuổi nhưng các cụ tại trung tâm vẫn rất trẻ trung và hào hứng khi cùng nhau tham gia cover lại “Vũ điệu rửa tay” trên nền nhạc Ghen cô-vy đang gây bão trên toàn thế giới trong những ngày qua.

Chị Nguyễn Hà – Nhân viên Viện dưỡng lão chia sẻ: “Khi tôi cho các cụ xem bài hát Ghen cô-vy và vũ điệu rửa tay thì các cụ rất thích, nên tôi và các bạn đã nghĩ ra ý tưởng để các cụ làm theo bài hát này. Chỉ cần biến tấu một chút so với trên mạng để các cụ dễ học, sau đó hướng dẫn làm mẫu vài lần là các cụ nhớ hết và làm theo được rồi.”


Các cụ hào hứng tham gia trào lưu cover Vũ điệu rửa tay. (Ảnh cắt từ clip)

Bà Trần Thị Thúy Nga – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng chia sẻ: “Các cụ đang sống tại trung tâm luôn được chăm sóc sức khỏe và tạo điều kiện tập luyện tốt nhất. Trung tâm cũng trang bị các dụng cụ tập phục hồi chức năng, xe đạp và tổ chức những hoạt động như ngâm chân đá muối Himalaya vào những ngày trời trở lạnh để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho các cụ trong mùa dịch”.

Điều dưỡng viên cho các cụ ngâm chân đá muối Himalaya

Video: Các cụ cover Vũ điệu rửa tay Ghen cô-vy theo trào lưu của giới trẻ.

Theo báo VOV – Báo điện tử của đài tiếng nói Việt Nam
CTV Lan Phương/VOV.VN

Xem thêm

Ngưỡng mộ đôi vợ chồng kết hôn sau 1 lần gặp, 64 năm chưa từng to tiếng

Ở tuổi xưa nay hiếm, vợ chồng ông Vũ Đình Bưởi (90 tuổi) – bà Vũ Thị Dành (83 tuổi) – Hải Dương đã cùng nhau trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời. Hiện tại, cả hai vẫn vẹn nguyên tình cảm, chăm sóc và thương  yêu nhau hơn thuở ban đầu.

Bà Dành sinh ra trong một gia đình vùng quê ở Hải Dương. Bà nhớ lại hồi đó, bạn bè trong làng 16,17 tuổi đều đã lấy chồng sinh con. Khi lên 19 trong đầu bà nghĩ khéo ế chồng thì bất ngờ được họ hàng mai mối với ông Bưởi.

Đó là lần ông Bưởi về quê chơi và gặp bà. Chẳng ai ngờ sau lần đó, được sự đồng ý của gia đình, ông bà lấy nhau chỉ nhờ lần gặp đầu tiên ngắn ngủi. “Hồi đó chưa yêu đương như bọn trẻ bây giờ. Yêu nhau rồi cưới nhau chỉ qua họ hàng và mai mối thôi. Hồi trẻ ông ấy đẹp trai lắm, thế nên tôi mới yêu chứ” bà Dành nói, niềm hạnh phúc ánh lên trong ánh mắt.

Một số hình ảnh của ông bà

Năm 1958, sau đám cưới giản đơn với chén trà, điếu thuốc bà Dành theo chồng ra Hà Nội. 19 năm sống ở quê, những ngày làm dâu Hà Thành khiến bà không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng rồi giây phút đấy qua đi khi có chồng bên cạnh. Vài tháng sau khi kết hôn, bà mang thai đứa con đầu lòng nhưng đó cũng là lúc ông Bưởi nhận quyết định công tác trên Lào Cai.

Bà Dành và con gái hồi còn nhỏ

Sau khi chồng đi công tác, không có người chăm sóc nên bà phải về quê. Mặc dù vậy bà cũng không thấy tủi thân vì ông thường xuyên viết thư về cho vợ. Rồi cuộc sống cơm áo gạo tiền cuốn bà theo, cho tới khi con gái được 7 tháng thì ông mới về thăm nhà nhưng rồi lại đi luôn.

Đến năm 1962, bà quyết định chuyển công tác lên Lào Cai cùng chồng. Khi ấy, ngoài công việc là cán bộ thị ủy, ông còn là phóng viên cộng tác với báo Lào Cai. Việc thường xuyên phải đi xa nhà nhưng vẫn thói quen cũ ông viết thư tay về cho bà. Thi thoảng ông tặng bà những món quà nho nhỏ như tút đạn suýt làm ông chết hụt trong những trận chiến.

Sau này xã hội phát triển hơn, có điện thoại di động, mỗi khi bà đi thăm con cháu, ông vẫn gọi điện hỏi thăm bà hàng ngày. Những câu giản đơn thôi nhưng đó là cách ông quan tâm bà, bao năm vẫn không thay đổi.

Hồi chiến tranh biên giới nổ ra, chờ 1,2,3 ngày không thấy chồng về, ngày nào bà cũng đạp xe 11 cây số ra bến tàu để ngóng chồng. Giây phút ông trở về, bà vỡ òa, nhìn thấy chồng là thấy sự an tâm dâng lên trong lòng. Thời gian qua đi 2 vợ chồng  bà cùng nuôi dưỡng 4 người con lớn lên, cùng vượt qua quãng thời gian khó khăn, có lúc nhà không có gì ăn, chỉ có 2 bàn tay trắng.

Đến khi về hưu, chiến tranh khiến 2 bên mất cả người thân, nhà cửa, không thể trở về Hà Nội hai vợ chồng lại quyết định về quê Hải Dương. Không còn nhà, họ hàng cho ở nhờ nhưng hai ông bà chỉ xin nhờ quán nhỏ ở chợ để tự khai phá, làm ăn.

“Ông hơn 7 tuổi, lại đi bộ đội từ năm 13 tuổi nên chững chạc và nhường nhịn vợ lắm. Việc nhà cũng luôn san sẻ với tôi, tôi nấu thức ăn ông ấy sẽ đi chợ, nấu cơm, không bao giờ để vợ làm hết. Lúc nào 2 vợ chồng cũng sẽ hỗ trợ nhau, chia sẻ cùng nhau” bà Dành cười hạnh phúc.

Chìa khóa làm nên hạnh phúc suốt 64 năm. 4 người con của ông Bưởi, bà Dành mỗi người một nơi để làm ăn, lập gia đình. Ông bà thi thoảng đi thăm con cháu còn hầu như ông bà hai ông bà sống nương tựa vào nhau.

Cuộc sống hạnh phúc, bình yên cứ thế trôi qua. Nhưng tuổi tác vốn không thắng được thời gian. Cách đây vài tháng, ông Bưởi bị tai biến ở tuổi 90, liệt nửa người, không muốn làm phiền  con cháu và thêm tốn kém khi tuổi cao, ông không muốn đi bệnh viện.

Dù suy sụp nhưng bà và các con vẫn quyết đưa ông đi chữa trị. Khi sức khỏe ông yếu đi rõ rệt, chỉ có thể nằm một chỗ, bà đã cùng ông vào viện dưỡng lão để có thêm người chăm sóc. Ông chỉ có thể nằm một chỗ, có khi không biết gì và không thể nói chuyện . Nhưng có chuyện gì bà vẫn hỏi ý kiến, hàng ngày vẫn ôn lại chuyện cũ để ông có thể nhớ lại.

Hình ảnh ông bà hiện tại đang an dưỡng tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Suốt buổi trò chuyện, vừa kể bà vừa quay sang ông hỏi những câu nhỏ nhặt “Ông có nhớ không?”, “Ông có nghe thấy không?”, “Hồi xưa mình khổ nhỉ?”,… dù ông chẳng thể trả lời thành câu, như một cách để cùng ông ôn lại kỷ niệm. Người phụ nữ 83 tuổi cũng không giấu niềm tự hào  khi nhắc đến việc chồng từng được đi du học bên Trung Quốc hay khi khoe bức ảnh chồng nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Khi được hỏi bí quyết để ông bà chung sống hạnh phúc suốt 64 năm, bà chỉ cười: “Làm gì có bí quyết gì đâu. Hai vợ chồng tôi cũng sống bình thường như bao người thôi. Chúng tôi cũng chưa từng có cãi vã to tiếng hay va chạm gì. Cũng có những bất đồng nho nhỏ nhưng khi cùng nhau chăm sóc các con thì đâu lại vào đấy. Mình cũng ý thức được phải sống làm sao để các con nhìn vào. Sống mẫu mực để làm gương cho con, không để gia đình bị tổn thương làm ảnh hưởng đến các con, các cháu. Đến lúc các con lớn lại chỉ còn 2 ông bà cùng nhau ăn, cùng nhau làm, tôn trọng lẫn nhau. Về già tôi và ông ấy còn tình cảm hơn lúc trẻ ấy chứ”.

Với bà Dành, hai ông bà đã cùng nhau trải qua biết bao khó khăn, tới phần cuối đời lại càng phải yêu thương, chăm sóc nhau nhiều hơn.


“Không còn trẻ nhưng tôi có thể làm mọi thứ, giờ chỉ có ông ấy là thiệt thòi hơn, không tự làm gì được nữa. Tôi rất thương. Trời không cho thì phải chịu chứ tôi không bao giờ để ông ấy như thế mà không chữa trị, không bao giờ để ông ấy ra đi như thế này. Ông ấy ở bên tôi một giây, một phút tôi vẫn thấy trân trọng và đáng quý. Cho đến bây giờ, lấy ông ấy, làm vợ ông ấy vẫn là hạnh phúc nhất đối với tôi”.Bà Dành vừa nói, vừa nắm chặt tay người chồng đã gắn bó gần cả cuộc đời.

Theo Báo lao động

LINH CHI – PHƯƠNG ANH

Xem thêm

Ngỡ ngàng hình ảnh ông bà đón Tết 2020 trong Viện dưỡng lão

Mỗi năm Tết đến xuân về, người người lại xốn xang về quê ăn Tết, đoàn tụ với gia đình. Trong dòng người hối hả, ở một góc nào đó người cao tuổi lại cùng nhau chuẩn bị cái tết trong viện dưỡng lão.

Hằng năm, tại Diên Hồng đều cố gắng để các cụ có một cái Tết ấm cúng. Người già cùng nhau xúng xính, sắm sửa trong hội chợ Tết xưa yêu thương. Đó là nơi để các cụ hòa vào không khí ngày Tết, không còn cảm giác lạc lõng giữa xã hội xô bồ.

Hình ảnh các trong hội chợ Tết xưa

Các cụ chụp ảnh cùng các bạn sinh viên trường Khoa học xã hội và Nhân văn

Các cụ chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn tình nguyện trường Đại Nam
Các bé trường mầm non đến múa hát trong dịp Tết xưa
Văn nghệ chào mừng Tết xưa yêu thương
Những món quà nhỏ của các bạn trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn tặng các cụ Diên Hồng
Các cụ được hòa mình vào không gian chợ Tết, được tham gia các trò chơi dân gian
Và cuối cùng là lưu lại những bức ảnh đẹp cùng gia đình, người thân
Xem thêm

Thông báo về hoạt động thăm hỏi người cao tuổi mùa dịch

Để giữ gìn và phòng chống bệnh VIRUS CORONA cho Người cao tuổi đang an dưỡng tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, Trung tâm rất mong muốn và kính đề nghị người nhà, khách hàng chia sẻ và phối hợp thực hiện tốt các yêu cầu sau:

– Yêu cầu người nhà hạn chế đến thăm nom Người cao tuổi.

– Trong trường hợp người nhà đến thăm nom bắt buộc phải rửa tay sạch sẽ, đeo khẩu trang 100% và sẽ gặp Người cao tuổi tại phòng tiếp khách – sảnh lễ tân, không lên trực tiếp trên phòng để thăm nom

– Đặc biệt những khách hàng có biểu hiện cúm, sốt, ho tuyệt đối không tiếp xúc với  Người cao tuổi.

Xem thêm