Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

All Posts in Category: Uncategorized

Đi tìm danh hiệu Hoa khôi – Nam Vương Diên Hồng 2022

Không chỉ là những cán bộ nhân viên tỏa sáng trong chính công việc hằng ngày của mình tại Diên Hồng, các nhân viên tài năng nhà Diên Hồng có hẳn một sân chơi dành cho các bạn tỏa sáng. Cuộc thi Hoa Khôi – Nam Vương Diên Hồng 2022 không chỉ được đông đảo các bạn nhân viên hào hứng tham gia mà được cả các cụ hết lòng cổ vũ. 10 thí sinh tài năng, họ là những CBNV ưu tú đến từ 4 cơ sở của Diên Hồng. Mỗi người mang trong mình một màu sắc khác nhau. Người giỏi thi ca, người giỏi hội họa,… 10 cá tính cùng góp mặt trong đêm chung kết. Để đến được đêm chung kết, họ đã trải qua rất nhiều những thử thách chông gai, vượt qua những người bạn cùng phòng để dành lấy tấm vé vào đêm chung kết. Vậy nên, mọi sự bùng nổ, mọi sự chuẩn bị đến từ các thí sinh cho đêm chung kết là điều rất trân quý. 

Phần thi đầu tiên với tên gọi “Trình diễn thời trang”. Khoác lên mình những bộ cánh độc đáo theo chủ đề Nắng – Mưa, các thí sinh đã có những sáng tạo làm tất cả khán phòng bất ngờ. Cùng với đó là những tài năng ấn tượng, có một không hai làm cho mọi người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Các thí sinh đã khiến khán giả mãn nhãn với những sự đầu tư về trang phục cũng như thần thái, biểu cảm ngay từ khi chào sân. Khoác lên mình những bộ cánh lộng lẫy, họ không chỉ còn là những nhân viên hằng ngày làm việc tại Diên Hồng. Giờ phút các bạn nhân viên tỏa sáng, cả khán đài như bừng sáng. Bằng sự khéo léo của mình, bộ trang phục tái chế của bạn Phạm Thị Út được mọi người đánh giá rất cao, trông như một bộ váy công chúa nhiều tầng xinh đẹp. Thí sinh Nguyễn Xuân Trường lại mang đến một bộ trang phục với phong cách kiếm hiệp. Chiếc áo mưa được đan từ những lá cọ khô kết hợp cùng nón lá mang đậm chất Việt xưa.

Thí sinh Nguyễn Lan Anh

Thí sinh Phạm Thị Út

Thí sinh Nguyễn Xuân Trường

Phần thi tài năng thực sự nằm ngoài những mong chờ từ khán giả. Phần thi của thí sinh Mai Tiến Nam thực sự bùng nổ khi biểu diễn tiết mục “Cô đôi Thượng Ngàn” kết hợp với màn tung tiền hào nhoáng khiến khán giả đứng ngồi không yên. Tiết mục múa đương đại của của thí sinh Tạ Thị Tươi cũng thu hút không kém với những điệu múa uyển chuyển, nhẹ nhàng. Tiết mục múa Ấn Độ của thí sinh Kim Ánh lại mang đến màu sắc tươi sáng, trẻ trung, năng động hơn với tiết tấu nhạc nhanh, sôi động. 

Màn “tung tiền” của thí sinh Mai Tiến Nam chiếm trọn spotlight của bữa tiệc

Những động tác múa uyển chuyển của thí sinh Tạ Tươi

Bằng sự thông thái của mình qua phần thi ứng xử, danh hiệu Hoa khôi Diên Hồng 2022 đã thuộc về thí sinh Tạ Thị Tươi. Danh hiệu Nam vương Diên Hồng 2022 đã thuộc về thí sinh Mai Tiến Nam. Chúc mừng 2 thí sinh với 2 danh hiệu cao nhất cuộc thi, chúc cho 2 bạn sẽ luôn là tâm điểm tỏa sáng của mọi sự kiện tại Diên Hồng.

 

Chúc mừng thí sinh Đinh Việt Cường đã xuất sắc đạt danh hiệu Quý Ông Lịch Lãm Diên Hồng 2022, thí sinh Nguyễn Lan Anh với danh hiệu Người đẹp Năng Động Diên Hồng 2022 và thí sinh Nguyễn Thị Kim Ánh với danh hiệu Người đẹp Thời Trang Diên Hồng 2022.

Cuộc thi khép lại với không ít những tiếc nuối đến từ các thí sinh kém may mắn hơn. Mong rằng năm sau khi Hoa Khôi Nam Vương Diên Hồng 2023 quay trở lại, các bạn vẫn mang trong mình nhiệt huyết, đam mê và quyết tâm chinh phục giải thưởng cao nhất của cuộc thi. Chúc cho những chiến binh Diên Hồng luôn sẵn sàng tinh thần chiến đấu.

Xem thêm

Mùa Vu Lan tại Diên Hồng cùng những “Cha mẹ tuyệt vời”

“Mẹ yêu ơi! Con yêu mẹ nhiều
Những tháng ngày lam lũ vì con.
Đạo làm con, con luôn thấu hiểu.
Con yêu mẹ nhiều lắm mẹ ơi!”

Vu Lan đã về trong những hoạt động của các cụ ông, cụ bà tại Viện dưỡng lão Diên Hồng ở khắp các cơ sở. Trước ngày diễn ra chương trình, các bạn điều dưỡng viên đã cùng các cụ chuẩn bị những tấm thiệp, những chiếc đèn hoa đăng đầy màu sắc. Đôi bàn tay của các cụ vẫn còn khéo léo, nhanh nhẹn lắm. Từng chiếc đèn hoa đăng, từng chiếc thiệp cứ thế ra đời mang theo những mong ước, những lời nhắn đong đầy yêu thương.

Những tờ giấy đầy màu sắc tạo nên những chiếc thiệp xinh đẹp

Những tiết mục ca múa nhạc hấp dẫn, nhẹ nhàng, sâu lắng,… hay những vần thơ, câu hát vui tươi, rộn ràng. Tất cả những điều đó đã làm nên một mùa Vu Lan tại Diên Hồng thêm phần đáng nhớ.

Những tiết mục ca nhạc được các điều dưỡng viên của Diên Hồng thể hiện

Những phút giây giao lưu, chuyện trò

Những tiết mục mục giao lưu của những “nghệ sĩ tài năng”

Những chiếc đèn hoa đăng được các cụ làm đã được được thắp sáng 

Hay những giây phút đầy sự xúc động

Và chương trình Vu Lan đã diễn ra với nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn như thế. Những người cha, người mẹ đều mong ngóng con cháu đến thăm vào những dịp như thế này. Nhưng có lẽ, không phải ai cũng có thể sắp xếp được thời gian qua thăm bố mẹ vào ngày trong tuần. Mỗi người đều có một công việc riêng, một cuộc sống bận rộn, xô bồ. Ai ai cũng mải mê với cuộc sống của mình mà quên mất rằng cha mẹ vẫn đang đợi chờ con. Những giọt nước mắt không kìm nổi sự xúc động khi nhớ về cha mẹ đã khuất. Những giọt nước mắt khi chờ mãi cũng chẳng thấy con đâu, sự tủi thân cứ thế bao trùm lên hình dáng nhỏ bé của những người cha, người mẹ đang an dưỡng tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng.

Mặc dù có đôi lúc chạnh lòng vì con cái không thể sắp xếp thời gian qua thăm các cụ vào đúng ngày lễ, nhưng nhìn những nụ cười trên môi các cụ, những người làm chương trình cũng phần nào yên tâm và an lòng. Các bạn điều dưỡng mang màu áo xanh cũng luôn ở bên hỗ trợ cũng như an ủi các cụ. Mong là những chuẩn bị của trung tâm đã phần nào vơi đi những nỗi buồn của các cụ và mong là các cụ sẽ có thật nhiều sức khỏe, sống thật lâu, thật vui vẻ để con cháu yên tâm làm ăn, học hành.

Những nỗi niềm, những tâm tư thầm kín chưa dám nói ra với ba mẹ thì ngày hôm nay, hãy mạnh dạn để nói rằng “Con yêu ba mẹ, cảm ơn ba mẹ đã một đời vất vả vì con”. Đừng để sau này, chúng ta phải hối hận vì những thứ chưa kịp làm…

 

Xem thêm

Mùa Vu Lan: Ecopark mang hàng nghìn bông hoa trao tặng cho những người đặc biệt

 

“Tháng 7 mùa Vu Lan về là dịp để chúng ta nhớ đến bố mẹ, gia đình, người thân với tình yêu thương nhất”.

Nghe tin có đoàn tình nguyện viên đến thăm và tặng hoa, bà Nguyễn Thị Xuân bỗng vui và háo hức hơn hẳn.

Mỗi ngày, bà Vũ Thị Dư (65 tuổi) đều xuống sân tập thể dục cùng các cụ trong một viện dưỡng lão ở Hà Nội. Buổi sáng hôm nay bỗng đặc biệt hơn mọi ngày khi bà Dư nhận được một bó hoa sen thơm ngát từ tập đoàn Ecopark. “Gần 70 năm vất vả, đây là lần đầu tiên tôi nhận được bó hoa đẹp như thế này”, bà nói.

Ngắm nhìn những đóa hoa đặc biệt, bà Dư kể, gia đình bà có 6 người con, mỗi người mỗi nghề vất vả kiếm tiền sớm tối nhưng đều quan tâm chăm sóc mẹ hết lòng. Cuộc phẫu thuật não năm ngoái khiến sức khỏe bà giảm sút, liên tục đau nhức mỗi khi thay đổi thời tiết. Thương mẹ, các con thuê thêm giúp việc nhưng vẫn không an tâm để mẹ ở nhà.

“Ở đây tôi được chăm sóc tận tình nên chúng cũng yên tâm đi làm. Tôi thương con vất vả đi làm để kiếm tiền nuôi mẹ”, bà Dư xúc động nói.

Nhận đóa hoa từ đoàn tình nguyên viên, ông Nguyễn Đình Kiên (85 tuổi, ở Hải Phòng) không thể hiểu hết ý nghĩa do trí nhớ suy giảm nhưng vẫn nở nụ cười tươi, miệng liên tục nói lời cảm ơn. Các con đều sinh sống ở nước ngoài, vợ cũng già yếu không thể chăm sóc nên ông vào viện dưỡng lão cho có bạn hàn huyên tâm sự. Tuổi cao, trí nhớ giảm sút nhưng ông vẫn được mệnh danh là “nhà thơ” của viện dưỡng lão khi có thể đọc vanh vách nhiều tác phẩm.

Nghe tin có đoàn tình nguyên viên đến thăm và tặng hoa, bà Nguyễn Thị Xuân bỗng vui và háo hức hơn hẳn. Nhắc đến lễ Vu Lan, bà lại nhớ nhà, nhớ con cháu. Bà Xuân kể, các con đều thành đạt, định cư ở nước ngoài nên bà chỉ sống một mình trong căn nhà ở Gia Lâm. Từ ngày sức khỏe yếu, con cái không thể ở bên chăm sóc nên tài trợ cho bà nghỉ dưỡng tại viện dưỡng lão.

Ngồi sau bà Xuân, khuôn mặt ông Lê Thế Điệp (57 tuổi) cũng rạng rỡ hơn khi đón nhận những bó hoa từ tình nguyện viên. Bị tai biến liệt nửa người hơn chục năm nay, mọi cử chỉ và lời nói đều khó khăn nhưng ông Điệp lúc nào cũng nở nụ cười tươi, vui vẻ ôm chặt bó hoa. Theo lời kể của nhân viên viện dưỡng lão, từ khi bị tai biến, một tay vợ ông chăm sóc bất kể ốm đau. Nhưng rồi sức khỏe phụ nữ cũng có hạn, con cái lớn đi làm ăn không có nhiều thời gian ở bên. Gia đình đưa ông vào để có người chăm sóc chu đáo hơn.

Không chỉ bà Xuân, ông Điệp, nhiều người khác đều không giấu được niềm vui, sự xúc động khi nhận trên tay bó hoa sen đặc biệt mùa lễ Vu Lan.

Ngoài những người ở viện dưỡng lão, những người lớn tuổi già, neo đơn và nhiều người đang điều trị trong bệnh viện cũng được nhận những bó hoa tươi từ Tập đoàn Ecopark nhân dịp lễ Vu Lan. Trong số đó, có người vẫn đủ minh mẫn để hiểu hết ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan song nhiều người chỉ còn sống trong ký ức chắp vá, lúc nhớ lúc quên. Dẫu vậy, trong mắt họ vẫn ánh lên niềm vui vì được sẻ chia yêu thương.

Rời viện dưỡng lão, bệnh viện, tập đoàn Ecopark tiếp tục dành tặng những đóa hoa sen cho những người cha, người mẹ vất vả, lam lũ trên phố.

“Tháng 7 mùa Vu Lan về là dịp để chúng ta nhớ đến bố mẹ, gia đình, người thân với tình yêu thương nhất. Những bông hoa này cũng thay cho lời Tập đoàn Ecopark muốn gửi gắm đến tất cả mọi người. Hãy tặng bông hoa này thay cho lời cảm ơn gửi đến những người bạn yêu thương nhất”, đại diện Ecopark cho biết.

Xem thêm

Tâm sự của những điều dưỡng trẻ tuổi đang chăm sóc người già

Người ta thường bảo nghề điều dưỡng “làm dâu trăm họ” vất vả. Nhưng làm dâu người già lại còn khó hơn bội phần.

Sau khi tốt nghiệp,  bạn bè của Hà Anh người thì tìm việc làm tại phòng khám, bệnh viện, người thì xin vào thẩm mỹ viện. Duy chỉ có Hà Anh lại lựa chọn công việc chăm sóc người cao tuổi tại Viện dưỡng lão Diên Hồng.

Công việc chăm sóc người già thường khá vất vả. Bởi vậy đâu ai nghĩ một cô bé mới ra trường lại lựa chọn nó làm điểm đến cho mình.

Chăm sóc các cụ ở Diên Hồng cho em cảm giác như được sống cùng với ông bà nội, ngoại. Từ bé em sống xa ông bà, nên em chỉ ước được gặp ông bà thật nhiều. Nhưng hiện tại thì ông bà em đều không còn nữa. Bây giờ em chỉ ước các ông bà ở trung tâm mãi luôn khỏe mạnh, sống lâu cùng với em và mọi người”, tâm sự của bạn Hà Anh, điều dưỡng viên Diên Hồng cơ sở 2 (23 tuổi). 

Hà Anh là một cô gái luôn tràn đầy năng lượng, hay mang lại tiếng cười cho mọi người. Nên ông bà và các bạn nhân viên ai cũng yêu mến. Vì xem ông bà ở đây như người thân của mình, nên Hà Anh hay tỉ tê tâm sự những lúc rảnh rỗi. “Hôm nào đi trực tầng 1, 2 thì em với bà Thanh lại tâm sự cùng nhau. Hai bà cháu kể cho nhau nghe bao nhiêu là chuyện, nào chuyện gia đình, chuyện bạn bè, công việc, hay chuyện từ ngày xửa ngày xưa của bà. Bà còn hỏi có người yêu chưa, bao giờ lấy chồng thì nhớ mời bà nữa”. Hay những hôm có chuyện buồn, ngồi thủ thỉ lại được bà vỗ về, xoa đầu, cảm giác mọi muộn phiền trong cuộc sống đều tan biến.

Nói về những khó khăn khi làm tại đây, Hà Anh chia sẻ: “Lúc đầu chưa quen nên công việc khá nhiều. Xong em còn phải nhớ tên từng cụ, tình trạng bệnh lý rồi thói quen để chăm sóc các cụ dễ hơn. Có những cụ dễ tính, dễ gần lắm nhưng cũng có những cụ khó tính, trái tính, không vừa ý các cụ là bị chửi. Nhưng mà nghĩ lại, các cụ nói em như thế là để em tiến bộ hơn thôi”.

Giống với Hà Anh, điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo, điều dưỡng tại Diên Hồng cơ sở 3 (20 tuổi) cũng gặp khá nhiều khó khăn trong chăm sóc người cao tuổi. “Em không được đào tạo bài bản như ở trường lớp, mọi kiến thức đều là em tự học online nên kỹ năng thực hành hầu như không có. Bởi vậy em cần phải cố gắng nhiều hơn mới có thể nắm bắt tình hình các cụ để chăm sóc các cụ tốt hơn”, Thảo chia sẻ.

Ở độ tuổi đôi mươi, không ai nghĩ Thảo lại lựa chọn công việc chăm sóc người già trong viện dưỡng lão. Công việc mà mọi người thường nghĩ là nặng nhọc và vất vả. Thảo mỉm cười, bảo: “Em yêu người già, muốn được chăm sóc các cụ. Em thấy đây không chỉ là làm công ăn lương mà công việc của em còn rất nhân văn, em tự hào về điều đó”. Tình yêu thương mà Thảo dành cho các ông bà ở Diên Hồng chính là nguồn động lực để Thảo cố gắng hơn mỗi ngày. “Các cụ mỗi cụ một tính, có cụ lẫn, có cụ tỉnh nhưng các cụ đều đáng yêu, đến cả cách cụ chửi em cũng thấy đáng yêu”, Thảo bật cười chia sẻ. 

Sau những giờ làm việc, Thảo cùng các cụ bà ngồi quây quần trên giường chơi trò chơi, tiếng nói tiếng cười rộn rã khắp tầng.

Minh Toàn, điều dưỡng tại Diên Hồng cơ sở 4 (22 tuổi) chàng trai trẻ tuổi cũng mới chân ướt chân ráo bén duyên với nghề điều dưỡng chăm sóc người già. Ngày còn đi học, đi thực tập, Minh Toàn cũng chỉ tiêm truyền, chứ chưa bao giờ tắm, thay bỉm cho ai. Nên thời gian đầu học việc, Toàn đã rất lúng túng và gặp nhiều khó khăn. Hôm ấy, sau khi được quản lý hướng dẫn cách đóng cabot, Toàn được giao nhiệm vụ đóng cho một cụ ông. Nhưng từ lý thuyết đến thực hành là quãng đường rất xa nên sau khi đóng, cabot đã bị tụt và ông ướt hết người. Sau lần ấy, Toàn đã chú ý và có kinh nghiệm hơn nên không bị xảy ra tình trạng tương tự. 

Khi hỏi về lý do làm việc tại Diên Hồng, Minh Toàn tâm sự “Em thấy người cao tuổi là đối tượng cần được quan tâm chia sẻ nhiều nhất, nên em muốn cống hiến hết mình cho công việc này. Hơn nữa sau này em cũng có kinh nghiệm để chăm sóc ông bà, bố mẹ của mình”. Mặc dù thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng sau gần 1 tháng học việc, Minh Toàn đã thông thạo gần hết công việc.

Anh Đỗ Trần Hồ Thắng (Tổng Giám đốc Diên Hồng) chia sẻ: “Nghề điều dưỡng đã khó, điều dưỡng chăm sóc các cụ già còn khó hơn. Bởi lẽ các bạn cần phải phối hợp với người không muốn phối hợp với mình. Cho các cụ ăn nhưng các cụ không chịu ăn, đưa các cụ đi tắm nhưng các cụ không chịu tắm,…Chính vì thế ngoài các phẩm chất của một người điều dưỡng, các bạn còn cần phải thật kiên trì, nhẫn nại và bao dung”. Không những thế các bạn còn phải làm bằng cả cái tâm và dành tình cảm cho các cụ thật nhiều.

Gia đình người cao tuổi cũng hay bảo: “Hiếm có viện dưỡng lão nào lại có nhiều điều dưỡng viên trẻ tuổi mà tâm huyết như ở Diên Hồng”. Có lẽ vì tình yêu của các bạn dành cho Diên Hồng, dành cho các cụ quá nhiều nên mới thế.

Xem thêm

Người già vui khỏe cùng Sunmilk

Vừa qua dưỡng lão Diên Hồng đã tổ chức chương trình Người già Vui Khỏe cho các cụ tại cơ sở 1,2. Chương trình còn có sự đồng hành của nhà tài trợ, công ty sữa Sunmilk.

Sun Milk Group là thương hiệu công ty TNHH Một thành viên đầu tư và thương mại Tân Hoàng Quang. Đây là đơn vị chuyên cung cấp, tiếp thị phân phối các sản phẩm sữa bột chất lượng cao với nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ. Sữa dạng bột với 4 loại phù hợp với người tiêu dùng.  Đặc biệt trong đó có sữa cho người cao tuổi giúp tiêu hóa tốt, tốt cho xương, giúp đề kháng khỏe. Bên cạnh đó còn có sữa cho người tiểu đường. Nó được xem là bữa ăn thay thế dành cho người bị tiểu đường. Trong chương trình hôm nay Sunmilk sẽ mang đến cho các cụ nhiều trải nghiệm tuyệt vời.

Mở đầu cho chương trình là những tiết mục văn nghệ đến từ các bạn nhân viên. Những bài hát, bài nhảy sôi động khiến cho các cụ cũng thấy phấn khởi theo.

Sau văn nghệ các cụ sẽ được đến với phần thi đố vui có thưởng. Chủ đề là kiến thức về dinh dưỡng cũng như bệnh lý tuổi già. Cụ nào mà trả lời đúng sẽ được nhận một phần quà đến từ nhà tài trợ. Cứ tưởng các câu hỏi sẽ làm khó ông bà, nhưng mà ai cũng xuất sắc trả lời đúng. Chỉ có một, hai câu khó quá là các cụ không trả lời được thôi.

Dưới sự trợ giúp của bạn điều dưỡng, ông Quỳ cũng trả lời đúng và nhận được một phần quà

Sau phần 1, các cụ sẽ đến với thử thách Thông Thái của chương trình người già vui khỏe. Quản trò sẽ chọn ra 2 đội chơi, mỗi đội có 3 cụ. Lần lượt từng thành viên mỗi đội sẽ lựa chọn các thực phẩm tốt cho người bị bệnh xương khớp. Đội nào chọn đúng nhiều hơn sẽ chiến thắng.

Các cụ hào hứng tham gia phần thi thông thái

Dưới sự hỗ trợ của các bạn nhân viên, các đội dần dần mang về những thực phẩm có ích. Nào là cam, sữa chua, rau xanh, đậu phụ,… và không thể thiếu những hộp sữa xương khớp đến từ công ty Sunmilk. Kết thúc thử thách, ông bà tại Diên Hồng cũng đã hiểu thêm về thực phẩm tốt cho xương khớp.

Các cụ đang thưởng thức những ly sữa thơm ngon

Cuối chương trình, các cụ còn được thưởng thức những ly sữa nóng hổi. Bà Dành bảo: “Sữa dễ uống, thơm ngon, không bị ngấy. Khi nào bà dùng hết sữa cũ thì bà sẽ mua sữa này về cho cả ông và bà dùng”. Còn bà Biển với bà Thanh thì xin luôn cốc thủy tinh để pha sữa cho tiện.

 

 

 

Xem thêm

Người già cần vào dưỡng lão

Xã hội ngày càng thay đổi, quan điểm “Trẻ cậy cha, già cậy con” cũng dần không còn phù hợp. Bởi vậy việc người già vào sống trong các viện dưỡng lão cũng dần phổ biến hơn. Trong một vài trường hợp như dưới đây, có lẽ người già cần vào dưỡng lão.

Đỗ xe ở sân dưới tán cây vú sữa nhìn vào trong nhà thấy ông đang ngồi trầm ngâm trên ghế không làm gì. Gương mặt ông tiều tụy có lẽ là do sức khỏe suy giảm sau đợt bị Covid. Từ tết đến giờ mình mới đến thăm ông, nhìn khuôn mặt đượm buồn mà thấy thương.

Ông bà mình có 6 người con, 13 đứa cháu nhưng đa số là ở xa, lâu lâu mới về thăm. Trong các con cháu, ông thích nói chuyện với mình nhất,. Có lẽ do mình biết lắng nghe nên ông dễ dàng tâm sự, chia sẻ. Có những lần đến nhà chơi mà hai ông cháu ngồi buôn chuyện cả buổi sáng. Đến lúc bà gọi ăn trưa mới giật mình thời gian trôi nhanh quá.

Hình ảnh các cụ già vui vẻ tại viện dưỡng lão Diên Hồng

Tự nhiên ông hỏi mình có thú vui gì không rồi ông nghẹn ngào: “Ở đời phải có thú vui nào đấy cháu ạ, không có thì đời cũng bỏ đi”. Mấy lần trước đến nhà thi thoảng thấy ông buồn buồn là mình cũng ngờ ngợ. Mình thấy ông có sở thích đọc sách, ngâm cứu về các loại thảo dược . Nhưng đó không phải thú vui của ông. Ông đọc những loại sách này chỉ là để chăm sóc cho bà tốt hơn.

Ông vẫn còn day dứt khi ngày xưa đi làm xa lại liêm khiết quá nên đẩy hết gánh nặng cả tài chính và cả việc chăm sóc con cái cho bà. Nên bây giờ ông muốn bù đắp cho bà. Bà cũng giống như một số kiểu phụ nữ Việt thi thoảng than thở, ước ao giá như thế này thế kia. Bà chẳng trách móc ông gì đâu nhưng ông cứ ngỡ những lời phàn nàn ấy là để dằn vặt ông. Ông cũng thấy cuộc sống của ông bà bình lặng đến nhàm chán. Bởi vậy ông mới ao ước mình có thú vui nào đó để tuổi già trôi đi trong niềm vui.

Khi mà ông chẳng tìm được một người hợp gu để nói chuyện thì một ngày trở nên quá dài. Ông kể lúc ông trở thành F0 phải cách ly để tránh lây cho bà mới thực sự đáng sợ. Chẳng được ra vườn chăm sóc cây cối, vườn tược, chẳng nói chuyện được với ai. Giờ tai nghe kém nên điện thoại cũng trở nên thừa thãi. Nhiều lúc ông nghĩ chẳng biết mình sẽ ra đi lúc nào và có ai biết không. Nghe ông nói vậy mình cứ thấy quặn thắt trong lòng, nước mắt rơm rớm vì thương mà chẳng làm được gì để giúp ông.

Ở đời phải có thú vui nào đấy, có người tri kỷ để bầu bạn tâm sự (ảnh minh họa)

Mình nghĩ tuổi nào cũng sẽ cần ít nhất một tri kỷ. Nếu như con cháu không thể hiểu mình, hàng xóm bên cạnh cũng chẳng hợp gu thì người già bị cô đơn ngay trong chính căn nhà của mình. Họ rất dễ rơi vào trầm cảm. Ông hỏi mình về nhà dưỡng lão xem ở đó cuộc sống thế nào. Các cụ có đông người không, những người ở đó ra sao… Ừ nhỉ, nhà dưỡng lão rất hợp với người như ông. Ông mình đúng là kiểu người già cần vào dưỡng lão rồi. Giữa hàng trăm ông bà trong này, kiểu gì ông cũng tìm được một người hợp gu để trò chuyện. Chưa kể các cháu điều dưỡng cũng tranh thủ thời gian rảnh rỗi để trò chuyện với ông bà.

Mình kể cho ông nghe những câu chuyện, cho ông xem hình ảnh ở dưỡng lão Diên Hồng, ông thích lắm. Trước khi tạm biệt ông ra về, ông bảo mình: “Tuần sau ông sẽ rủ bà vào Diên Hồng”. Ở đâu cũng được, chỉ cần ông bà vui.

Đón đọc thêm về cuộc sống của người già trong viện dưỡng lão: Ừ thì mình cứ vui hết mình thôi!

Xem thêm

Hạnh phúc của bố mẹ chính là gia tài quý nhất để lại cho chúng con

Tôi thân thiết với mẹ chồng hơn cả chồng tôi. Có nhiều chuyện mẹ chồng chỉ thích tâm sự với tôi chứ tuyệt nhiên không bao giờ kể với con trai. Vậy mà lúc tôi mới về làm dâu, mẹ tôi thể hiện thái độ phản đối ra mặt.

Ngày mới về ra mắt, mẹ chồng tôi đã tỏ ý không ưa gì tôi. Lý do là bà chỉ mong con trai lấy một cô vợ gần nhà. Trong khi tôi là gái thủ đô, tôi và anh ấy đều làm ở Hà Nội nên bà sợ con trai sau này không về quê sống như mong muốn của bố mẹ nữa. Mới cưới xong, vợ chồng tôi chỉ ở nhà ít ngày rồi về Hà Nội đi làm.

Thời gian này mẹ chồng tôi gần như không cho tôi động vào việc gì kể cả nấu cơm. Bà bảo sợ tôi nấu không hợp khẩu vị cả nhà lại không ăn được. Thời gian tôi sống chung với bà cũng ít. Nên thi thoảng mẹ con cũng chỉ nói chuyện dăm ba câu hỏi thăm. Tôi toàn hỏi em chồng xem mẹ thích gì để mua và gửi về. Chắc cũng tôn trọng lựa chọn của con trai và thấy con dâu hay mua cho những món đồ ưng ý nên mẹ chồng tôi cũng thay đổi thái độ, không còn lạnh nhạt như ngày đầu.

Hạnh phúc của bố mẹ chính là gia tài quý nhất bố mẹ để lại cho chúng con (ảnh minh họa)

Lâu lâu mẹ chồng lại than thở chuyện làm vợ, làm mẹ với tôi. Kiểu như bố chồng tôi mặc định chuyện làm việc nhà là của vợ, hay ham chơi, nhậu nhẹt bên ngoài. Bố chồng tôi cứ thấy ai rủ là đi tối ngày. Nhưng về đến nhà mà thấy nhà cửa không gọn gàng sạch sẽ là càu nhàu. Mẹ chồng tôi vừa kinh doanh buôn bán vừa phải chăm lo nhà cửa lại còn phải hầu chồng mỗi lúc say rượu. Nhiều lúc hàng xóm hay CLB phụ nữ trong xóm rủ đi chùa chiền, đi biển chơi, mẹ tôi lại từ chối không dám đi. Vì bà sợ lỡ mình đi thì bố con nó ở nhà phải làm sao.

Tôi cổ vũ mẹ chồng và mấy thím ở nhà phải “vùng lên” để làm điều mình thích. Và để các ông chồng không nghĩ việc nhà là việc của riêng mình. Mới đầu nói vậy cũng thấy hơi lo. Sợ mẹ chồng nghĩ con dâu bắt nạt con trai mẹ rồi sau bà không ưng thì phiền. Nhưng may là sau đó một thời gian, tôi thấy mẹ chồng thay đổi hẳn. Bà hay đăng ảnh đi chơi, đi hát karaoke với hàng xóm và các thím. Thi thoảng bà cũng mọi người còn ra tận biển tập yoga. Nhìn ảnh mà tôi không khỏi vui mừng. Sau đó bố chồng tôi đã biết tem tém chuyện nhậu nhẹt, biết dọn dẹp nhà cửa, giặt phơi quần áo, cơm nước…cùng với mẹ.

Không bao giờ là quá muộn để làm điều mình thích

Mãi sau này mẹ chồng tôi mới kể là bà có mơ ước được đi phượt trên những cung đường thênh thang quanh núi. Mẹ ước được ngắm nhìn những thiên đường mây. Mẹ xem trên Tivi, nhìn các đoàn hiking xuyên cung đường đi thoai thoải với những thảo nguyên cỏ xanh dài bất tận, chiêm ngưỡng núi Fansipan hùng vĩ và phía dưới là con đèo Ô Quy Hồ được thu trọn vào tầm mắt nên mẹ cũng ao ước được trải nghiệm một lần. Ấy vậy, con trai mẹ lại thuộc kiểu chỉ thích đi biển và đi nghỉ dưỡng ở resort. Chứ tuyệt nhiên mấy trải nghiệm kia không có chút hứng thú nào. Cuối cùng sau bao lần lên lịch, tôi cũng đã giúp mẹ chồng thực hiện được mơ ước ở tuổi 65.

Giờ đây, ở tuổi 70, sau một lần bị đột quỵ, sức khỏe cũng suy giảm. Nên mẹ tôi bày tỏ mong muốn được vào sống trong trung tâm dưỡng lão. Mẹ đã tự mình đi tham quan và chọn được viện dưỡng lão Diên Hồng. Mẹ bảo nhất nhất phải ở chỗ này vì mẹ thích tính cách vui vẻ của mấy bác ở đây.

Cả nhà ai cũng phản đối. Từ bố chồng, con trai và con gái ruột. Vì mọi người bảo có nhà sao không ở lại vào viện dưỡng lão làm gì. Tôi đã thuyết phục cả gia đình tôn trọng mong muốn của mẹ. Mẹ không muốn làm phiền đến các con. Mẹ cũng muốn sau khi cố gắng một đời rồi thì được nghỉ ngơi thoải mái, tận hưởng tuổi già. Mà thực ra con cái cũng chỉ mong muốn bố mẹ được tận hưởng tuổi già. Giống như thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Hạnh phúc của bố mẹ chính là gia tài quý nhất bố mẹ để lại cho chúng con”

Xem thêm

Hai cụ bà chụp ảnh với cúc họa mi, tạo dáng trẻ trung ‘đốn tim’ dân mạng

Bộ ảnh ‘tình bạn già’ bên cúc họa mi nhận được nhiều lượt tương tác, chia sẻ từ cư dân mạng chỉ sau ít giờ đăng tải. Khi xem ảnh, hai cụ bà phấn khởi: “Trông đáng yêu nhỉ”. 

Mới đây, bộ ảnh ghi lại khoảnh khắc hai cụ bà chụp ảnh ở vườn hoa cúc họa mi nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Hai bà tóc bạc trắng, mặc quần áo đơn giản, có cách tạo dáng dễ thương, cầm bó hoa nhìn nhau mỉm cười.

Bộ ảnh sau khi đăng tải lên mạng xã hội nhận được nhiều lượt bình luận, chia sẻ. Tài khoản Thu Hương viết: “Ôi siêu đáng yêu! Kính chúc các cụ thật nhiều sức khỏe, luôn yêu đời”. “Thu Hà Nội luôn khiến người ta xao xuyến nhưng hai cụ khiến các cháu xao xuyến hơn. Nụ cười cứ gọi là đốn tim luôn”, bạn Thanh Hải bày tỏ.

Bà Hiền (khăn hồng, áo cam) và bà Chung hiện đang sống ở Viện Dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, nhân vật chính của bộ ảnh là bà Trần Thị Hiền (76 tuổi, ở Hà Nội) và bà Nguyễn Thị Chung (81 tuổi, quê ở Ninh Bình). Hai bà hiện đang sống tại Viện Dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2. Tác giả bộ ảnh là chị Hoàng Thị Thu Ngân (Phó Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, Hà Nội). Bộ ảnh được chụp vào ngày 10.11 tại làng nghề Triều Khúc (Hà Nội).

“Bà Hiền trước đây là giáo viên, rất thích chụp ảnh. Thấy nhân viên mua cúc họa mi về cắm, bà thích quá, bảo chưa được chụp ảnh với hoa này bao giờ. Tháng 11 là tháng tri ân các thầy cô giáo nên tụi mình đưa bà và một người bạn cùng tầng đi chụp ảnh”, chị Ngân chia sẻ.

Cũng theo chị Ngân, bà Hiền là người vui vẻ, thích đọc sách và thích tạo dáng chụp ảnh giơ 2 ngón tay. Còn bà Chung rất hay quan tâm đến các cụ nên bà Hiền rất quý mến. Ở cùng tầng nên hai bà rủ nhau đi ăn, đi tập thể dục ở phòng thể chất.

“Trong khi thực hiện bộ ảnh hầu như tụi mình không gặp khó khăn gì lớn. Hai bà rất hợp tác, có khi còn trêu đùa với nhau. Hai bà rất thích chụp ảnh. Có một số ảnh tụi mình bắt khoảnh khắc của hai bà, còn nữa gợi ý để hai bà tạo dáng”, chị Hiền nói.

Lần đầu chụp với vườn cúc họa mi, hai bà chủ động tạo nhiều dáng trẻ trung, dễ thương. Sau khi được mọi người cho xem ảnh, hai bà phấn khởi, bà Hiền còn bảo: “Trông hai bà già đáng yêu nhỉ, mà bà Hiền cũng xinh đấy chứ”. Trung tâm cũng in ảnh để hai bà làm kỷ niệm.

Được biết, bà Chung vào trung tâm từ tháng 11.2019, còn bà Hiền vào từ tháng 10.2020. Qua bộ ảnh, chị Ngân cũng muốn gửi gắm thông điệp: “Dù ở bất kì độ tuổi nào, chúng ta cũng đều cần có những người bạn thân, sẵn sàng chiều theo những sở thích đặc biệt của chúng ta”.

Theo Dương Lan, báo

Xem thêm