Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

All Posts in Category: Cuộc sống tại Diên Hồng

Người đàn ông đặc biệt của Diên Hồng

Vào Diên Hồng cũng đã lâu nhưng rất ít khi mọi người thấy ông qua những bức ảnh, bởi ông Tiến là một người đàn ông “đặc biệt”  của Diên Hồng.

Là một người rất ít nói, vẻ ngoài lạnh lùng nên với những người gặp ông lần đầu tiên có thể cảm nhận được ông là một người rất khó tính. Tuy nhiên, sau nhiều lần nói chuyện, người đàn ông ấy đối với tôi lại có một điểm rất đặc biệt, đó không phải là sự lạnh lùng của ông, cũng không phải vẻ trầm tư ít nói, mà là sự ấm áp, dễ chịu khác với nét bên ngoài ông thể hiện.

Một người ham học hỏi, chăm chỉ và giỏi giang

Không tâm sự ít ai biết được Ông Tiến là một người hoạt động, làm việc và cống hiến rất nhiều. Ông kể chuyện “thời của ông đi nước ngoài khó lắm, phải giỏi mới được cho đi chứ không như bây giờ cứ có tiền là đi được đâu”. Ông đã rất cố gắng học tập và được cử đi học 4 năm tại Liên Xô. Sau đó ông về giải dạy tại Đại học Bách Khoa, khoa chế tạo máy hai năm rồi ông đi bộ đội. Ông tham gia kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam 2 năm rồi mới trở về. Tiếp sau đó ông lại được đi học Hải quan tại Liên Xô 4 năm rồi trở về trực chiến trên tàu, làm thuyền trưởng trên tàu 10 năm. Với những cống hiến như vậy, khi trở về đất liền Ông Tiến không nghỉ ngơi mà tiếp tục làm việc và nắm giữ những vị trí rất quan trọng như Bí thư Tư lệnh hải quân, phòng bưu ngoại,…. Đặc biệt, ông biết  bốn tiếng ngoại ngữ là tiếng Anh, Đức, Pháp, Nga, trong đó tiếng Nga là ngoại ngữ ông nói thành thạo nhất.

Trông ông nghiêm nghị vậy thôi nhưng khi nói chuyện nhiều với ông mọi người sẽ thấy được sự thú vị từ ông. Ông hay dùng những câu chào bằng tiếng Đức, hay cảm ơn bằng tiếng Nga để cảm ơn điều dưỡng viên. Mỗi khi có ai hỏi về từ ngữ ông cũng rất nhiệt tình dạy cách phát âm cho đúng, cho chuẩn từ.

Một người đàn ông ấm áp và nhiều yêu thương

Đối với đàn ông việc thể hiện tình cảm, tình yêu thương ra bên ngoài không quá nhiều như phụ nữ mà họ thiên về hành động nhiều hơn. Ông Tiến cũng vậy, ông không hay thể hiện tình cảm với các ông bà khác tại trung tâm hay với điều dưỡng viên quá nhiều. Một phần cũng có thể do đặc thù nghề nghiệp của ông trước đây là từng tham gia kháng chiến, từng trên tàu biển nên ông nói to hay trầm lặng nhiều hơn là điều có thể lí giải. Hàng ngày ông hay xem thời sự, xem các chương trình khoa học và đời sống xã hội. Tuy nhiên có đôi khi ông cũng rất thích những chương trình ca nhạc cách mạng, nhạc về quê hương đất nước. Ông ít nói và thường hay nói to nên với những người gặp ông một hai lần đầu sẽ cảm nhận ông là một người khó tính, khó gần. Nhưng tất cả chỉ là vẻ bên ngoài của ông, khi gặp ông những lần tiếp theo bạn sẽ thấy một Ông Tiến rất khác đặc biệt là khi ông gặp trẻ con. Còn nhớ lần cháu ông vào thăm đúng hôm trung tâm gặp sự cố về điện, bình thường ông sẽ không ra ngoài nhưng khi có cháu vào ông vui hiện lên qua từng cử chỉ. Ông nhờ điều dưỡng hỗ trợ cho ông leo thang xuống tận tầng 1 để ngồi chơi với cháu mặc dù gia đình vẫn vào thăm ông thường xuyên. Những cái xoa đầu, cái ôm cháu trai vào lòng có thể thấy ông ấm áp vô cùng.

Ông Tiến cập nhật tin tức, thời sự hàng ngày tại trung tâm Diên Hồng

Một lần khác đó là khi có đoàn của trường mầu non đến thăm trung tâm. Với ông Tiến hằng ngày khi có sự kiện ông cũng ít khi tham gia, ấy vậy mà khi các cháu lên đến tầng, tặng cho các ông bà những bức tranh các cháu vẽ làm cho ông thích lắm. Ông ngồi một lúc trong giường, ngắm nhìn các cháu rồi một lúc sau ông ra trò chuyện và hát tặng cả đoàn 3 bài hát. Không chỉ các cháu nhỏ ngạc nhiên mà đến những điều dưỡng viên cũng bất ngờ về món quà ông gửi tặng, ai cũng nhìn ông cười và ủng hộ cho ông và ai cũng cảm nhận được ông vui đến nhường nào. Ông ôm các cháu vào lòng, hỏi han và yêu thương các cháu, những giây phút như vậy không một ai cảm nhận được vẻ lạnh lùng hàng ngày của ông mà chỉ thấy sự ấm áp và tình yêu thương của ông thật nhiều.

Ông Tiến rất vui khi các cháu trường mầm non vào thăm các ông bà tại trung tâm

Xem thêm

Tết qua Diên Hồng

Những ngày lễ Tết dần qua đi, Diên Hồng lại rộn rã tiếng cười nói, chào hỏi, chúc mừng năm mới. Các cụ năm nay về ăn Tết ở nhà cũng nhiều nên ngày trở lại gia đình thứ hai mang theo nhiều câu chuyện để chia sẻ với những người bạn của mình. Các cụ ngồi chung với nhau, cùng trò chuyện, cùng kể cho nhau nghe về cái Tết với con cháu. Các cụ đua nhau giới thiệu về cháu trai, cháu gái tài giỏi, những chắt mới chào đời nghịch ngợm ra sao,…và rất nhiều câu chuyện khác được các cụ kể lại với nhau, chia sẻ cùng nhau trong ngày hội ngộ.

Bà Khôi điệu đà mặc bộ đồ mới để ra trò chuyện cùng với các cụ

Với những cụ ở lại trung tâm, các cụ cũng có một cái Tết tràn ngập yêu thương. Các cụ cũng có bánh chưng, có giò, có hoa đào, có cây quất và cả câu đối đỏ chính tay mình viết nữa. Khi được hỏi thăm sao Tết cụ không về có cụ trả lời rằng “ ở đây quen rồi, có các cháu điều dưỡng chăm sóc nên tiện hơn ở nhà”. Các cụ ở lại ăn Tết ở trung tâm cũng tràn ngập không khí Xuân đang về, các con, các cháu, các chắt đến thăm, chúc Tết ông bà ngay tại đây. Những câu chuyện trong năm cũ được các con các cháu kể lại cho ông bà nghe, các chắt đua nhau khoe giấy khen học tốt. Những thành tích đã gặt hái được những cả năm. Còn các cụ thì gửi lại các cháu những cái ôm, cái hôn  hết mực yêu thương.

Gia đình bà Đính vào chúc Tết bà Tại trun tâm dưỡng lão Diên Hồng

Với các cụ ông, không thể hiện quá nhiều cảm xúc như các cụ bà nhưng có thể thấy qua từng ánh mắt đùa vui với con cháu  cũng đủ thấy được sự yêu thương của các ông rồi.

Ông Quang và gia đình tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Một năm cũ qua đi, một năm mới lại đến, Diên Hồng vẫn luôn cố gắng nỗ lự hết mình để nâng cao chất lượng và cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho mỗi người cao tuổi sinh hoạt tại trung tâm. Năm mới luôn kính mong các cụ nhà Diên Hồng luôn khỏe mạnh và số an nhiên.

 

Xem thêm

Người cao tuổi đón tết xưa tại Diên Hồng

Với mong muốn làm sống lại không khí của ngày Tết truyền thống, thứ mà đã bao nhiêu lâu nay các cụ không được tham gia và cảm nhận cái Tết, Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đã dựng lên một không gian chợ tết xưa ấm cúng ngay trong trung tâm trong những ngày giá rét. Các cụ được cùng nhau gói bánh chưng, muối dưa hành, cắm hoa đón tết hay gội đầu với lá mùi già như một truyền thống tốt đẹp đang ngày càng vắng bóng trong xã hội hiện đại ngày nay.

Bên cạnh đó các cụ cũng được chụp ảnh đón tết như một thói quen ngày xưa thời còn trẻ. Bốn cụ người Hà Nội vui vẻ “ríu rít” bên nhau như bốn cô thiếu nữ Hà Nội xưa. Chỉ vài hôm nữa thôi, các cụ sẽ còn được cùng nhau viết những câu đối tết tặng nhau, chúc nhau 1 năm mới nhiều an yên và hạnh phúc.

Tết xưa chưa mất

Xem thêm

Xúc động nghẹn ngào trong “Ký ức ngày Đông”

Tôi đến viện dưỡng lão Diên Hồng vào một ngày mùa đông tháng Mười một khi sắc xanh tình nguyện ngập tràn trong trung tâm. Hóa ra là các bạn trong Ban Tình Nguyện – Xã Hội Đoàn Thanh niên trường Đại học Ngoại Thương đến tổ chức chương trình văn nghệ, giao lưu cùng các cụ. Những nụ cười hiền hậu và cả những giọt nước mắt xúc động là những gì tôi nhìn thấy trên gương mặt các cụ trong buổi giao lưu.

Khỏi phải nói, sức trẻ của các bạn lan tỏa khắp Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Không gian ấm áp yêu thương bởi những cử chỉ quan tâm của các bạn, tiếng trò chuyện râm ran, tiếng thổn thức khi theo dõi chương trình văn nghệ gợi nhớ đến một thời chiến tranh đầy kỷ niệm. Tôi để ý một số cụ thường ngày ít nói, ít cười mà hôm ấy cũng trở nên sôi nổi lắm. Có cụ tay nắm lấy bàn tay hít hà như thể muốn kéo sự nhiệt thành tuổi trẻ của các bạn tình nguyện viên sang mình. Cũng có cụ lại trầm ngâm nhớ đến các cháu của mình khi trò chuyện với các bạn sinh viên.

Tiết mục flashmob “Bố ơi mình đi đâu thế?” và “Tiến lên Việt Nam ơi” vừa đáng yêu và cũng rất đỗi trẻ trung, hào hùng làm cho các cụ phấn chấn muốn lên sân khấu nhảy cùng các bạn

Ca khúc “Em về tinh khôi” gợi nhớ cho các cụ về những ký ức ngọt ngào ngày xưa

 

Các cụ không giấu nổi niềm vui khi được trò chuyện và xem các bạn tình nguyện biểu diễn

Bà Hợp thường ngày ít nói, ít cười mà hôm ấy cũng tươi vui lạ thường

Bà Hỹ là người sống tình cảm nên các bạn đến bà rất vui, bà muốn giữ các bạn lại nói chuyện mãi thôi

Bà Cẩm nổi tiếng vui vẻ, thích hôn hít, quan tâm mọi người nên các bạn cũng rất thích bà

Bà Tín đang đọc những lời nhắn nhủ của các bạn sinh viên

Bà Nhẫn cũng vui phơi phới khi gặp các bạn thanh niên tình nguyện

Tiết mục nhạc kịch “Một thời đạn bom – Một thời hòa bình” đưa tất cả các cụ trở về miền ký ức ngày xưa, nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng cũng đầy lãng mạn về tình yêu trong chiến tranh

Câu chuyện tình yêu còn dang dở vì chiến tranh khiến cho nhiều người phải nghẹn ngào rơi nước mắt

Các bạn dù nghiệp dư nhưng diễn rất có hồn

Bà Yên – Cụ bà truyền cảm hứng của năm lúc nào cũng tươi rói

Ông Thuận trước đây là giảng viên đại học nên khi gặp các bạn sinh viên, ông vui lắm, nhớ về thời còn đi dạy ngày xưa

Các ông bà rất thích chương trình giao lưu, còn bảo “Ai mà không được tham gia thì quá uổng”

Bà Yên chia sẻ cuộc sống của mình cho các bạn tình nguyện viên

Bà Yên tươi tắn được các bạn săn đón chụp ảnh cùng vì bà đẹp lão quá

 

 

Ông Hiếu khen tấm thiệp ý nghĩa của các bạn tình nguyện viên

Ông Tiệp chuyện trò rôm rả với các bạn

 

 

 

Yêu lắm những trái tim tình nguyện <3

Một bạn tình nguyện viên đọc lời chúc cho các ông bà nghe

  

MC đĩnh đạc, duyên dáng

Hai bà cháu thật đẹp <3

Đại diện Trung tâm nhận bó hoa tươi từ bạn Đan Linh – Trưởng ban Tình nguyện – Xã hội Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội

Sự giao thoa giữa 2 thế hệ

Sau buổi giao lưu, bạn Thùy Dương chia sẻ: “Dù chỉ là một buổi chiều ngắn ngủi nhưng đây sẽ là một kỉ niệm không thể nào quên, một cơ hội đáng quý để chúng em có thể học cách yêu quý, trân trọng mọi người xung quanh, đặc biệt là những người cao tuổi”.

Nhìn các bạn tình nguyện viên tôi lại nhớ đến một thời thanh niên sôi nổi mang sức trẻ phục vụ những người có hoàn cảnh khó khăn, những người yếu thế trong xã hội. Mong rằng yêu thương sẽ đi cùng các bạn trong những chặng đường sắp tới.

Xem thêm

“Tôi từng khóc khi đưa mẹ vào viện dưỡng lão”

Cô Hải Vân từng khóc mãi khi đưa mẹ vào viện Dưỡng lão. Thế nhưng, nhìn mẹ vui tươi và khỏe khoắn hơn mỗi ngày khiến cô cảm thấy thật an lòng. Cùng trò chuyện với cô Hải Vân để hiểu hơn về tâm tư của người con dâu cụ Cẩm nhé!

PV: Được biết gia đình cô làm kinh doanh rất bận, trước đây khi bà còn ở nhà, cô có thuê thêm người phụ chăm sóc bà không?

Cô Hải Vân: Có phải thuê thêm giúp việc đấy. Nhưng bà khó tính nên đa phần là bà không ưng. Gần như tháng nào cũng phải thay giúp việc. Bà ở nhà rất khổ vì bị tiểu đường, nặng cân, bà lại sống ở trên tầng 2, cầu thang thì chật hẹp, không thể tự đi xuống được mà con cháu cũng khó cõng xuống. Lỡ chẳng may trượt chân ngã xuống cả đôi thì nguy hiểm. Sau đó, cả nhà đã quyết định chuyển cho bà xuống ở tầng 1. Cách này cũng không ổn vì nhà tôi bán hàng, tầng 1 ồn ào, ầm ĩ suốt ngày, không hợp với bà. Chính vì vậy nên cô em chồng tôi đề nghị đưa bà vào viện dưỡng lão. Thật bất ngờ là bà đồng ý luôn.

Cụ Cẩm áo hông bên phải

Cụ Cẩm áo hông bên phải

PV: Các thành viên trong gia đình phản ứng thế nào khi gửi bà vào Diên Hồng ạ?

Cô Hải Vân: Hôm đầu đưa bà vào tôi khóc mãi vì nghĩ mình làm con mà không hoàn thành trách nhiệm chăm sóc mẹ. Thời gian đầu gia đình tôi cũng gọi cho bà vài lần mỗi ngày để hỏi thăm cho bà đỡ nhớ con nhớ cháu. Tết đến gia đình đón về nhưng bà không chịu về vì bà thích ở đây hơn. Quan trọng nhất là sức khỏe tốt, người già chỉ cần có thế. Ở Diên Hồng có thực đơn phù hợp với sức khỏe của bà nên các chỉ số sức khỏe của bà cũng tốt nên con cháu rất yên tâm.

Ban đầu hàng xóm láng giềng cũng nói ra nói vào, họ còn bảo nhà tôi con cái bất hiếu nhưng dần dần người ta cũng hiểu.

Cụ Cẩm trong cuộc thi Olympic do trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng tổ chức

Cụ Cẩm trong cuộc thi Olympic do trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng tổ chức

PV: Bà có thích sống ở Trung tâm dưỡng lão không ạ?

Cô Hải Vân: Bạn biết đấy, khi ở nhà, bà chủ yếu ở trong phòng cả ngày nên hay “soi” osin. Osin mà mở TV nhiều hay bật quạt rồi ăn uống nhiều là bà thấy xót tiền. Thế nhưng khi vào Diên Hồng, mọi thứ trọn gói hết rồi, bà thoải mái sử dụng, không phải lo gì nữa. Nhiều lúc cũng chạnh lòng, nhà có mà mẹ không ở nhưng nghĩ lại, ở đâu mà tốt cho bà thì mình chọn. Lúc nào bà thích về nhà thì vẫn đón bà về cơ mà.

Thực ra bà ở đây cũng có những lúc thiếu hụt tình cảm nên cứ cách một ngày lại có người vào thăm hoặc có lúc bận việc không vào được, gọi điện thoại hỏi thăm thì bà cũng vui vẻ.

Cụ Cẩm luôn gần gũi với mọi người xung quanh

Cụ Cẩm luôn gần gũi với mọi người xung quanh

PV: Sau một thời gian gửi bà ở Diên Hồng, cô thấy đây có phải là lựa chọn hợp lý không ạ?

Cô Hải Vân: Nhớ lại trước đây ở nhà bà có nhiều cái bực mình, hay rên và bị đau đầu, phải đi viện suốt mới thấy đây là lựa chọn đúng đắn. Bà bây giờ khỏe hơn, hay cười, lúc nào tâm hồn cũng vui phơi phới. Bà là người sống tình cảm, thích được quan tâm, mỗi lần đi viện bà được con cháu quan tâm chiều chuộng hơn, có lúc phải trông bà cả đêm ở bệnh viện nên bà lại thích đi viện mới chết chứ (cười). Ở đây bà vẫn được con cháu quan tâm mà còn được điều dưỡng chăm sóc trò chuyện hằng ngày nên bà vui, chẳng phải đi bệnh viện gì cả. Lâu lâu chúng tôi đưa bà đi khám tổng quát cho yên tâm thôi. Vậy là bà thì vui mà con cái lại yên tâm làm việc, cũng coi như là trọn vẹn.

Xem thêm

Các cụ Diên Hồng cùng làm đèn lồng đón Trung thu

Để chuẩn bị cho Trung thu sắp tới, đặc biệt là sự kiện “Lễ hội đèn lồng handmade 2017”, các cụ Diên Hồng đã dành nhiều tâm sức để tự tay làm những chiếc đèn lồng rực rỡ sắc màu.

Gần 1000 chiếc đèn lồng là thành quả của 3 tháng các cụ tranh thủ làm những chiếc đèn lồng với sự hỗ trợ của các bạn điều dưỡng và tình nguyện viên.

Tham gia các hoạt động từ thiện khiến người già thấy mình có ích, nhờ thế tinh thần càng thoải mái, vui vẻ và khỏe mạnh hơn nên ý tưởng làm đèn lồng là một hoạt động đầy ý nghĩa đối với các cụ Diên Hồng. Không chỉ được tự mình làm nên những chiếc đèn lồng tặng cho các em nhỏ ở các Trung tâm bảo trợ xã hội, hoạt động làm đèn lồng cũng giúp các cụ thư giãn và rèn luyện đôi bàn tay dẻo dai hơn.

“Lễ hội đèn lồng handmade 2017”  chính là sự kiện phi lợi nhuận đầu tiên thuộc dự án Về miền cổ tích, do Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng tổ chức. Tại sự kiện, các sản phẩm đèn lồng do các cụ làm được bán để quyên tiền mua quà trung thu cho các em nhỏ tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hà Cầu (Hà Đông) và Trường chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật Sóc Sơn (Hà Nội).

Hoạt động làm đèn lồng và ý nghĩa của nó sẽ là một kỷ niệm đẹp của các cụ Diên Hồng trong thời gian ở đây.

Xem thêm

Mang biển về Viện dưỡng lão: Đong đầy yêu thương

Xuất phát từ một lời nói bâng quơ của bà Bảo: “Nóng quá, giờ mà được đi biển thì thích nhỉ”, Diên Hồng đã quyết định mang biển về cho các cụ nhân ngày Người cao tuổi Việt Nam 6/6 đang đến gần.

Nhiều cụ ở Diên Hồng chưa từng đến với biển cũng bởi cả đời tần tảo nuôi con cái khôn lớn trưởng thành cũng chưa được đi nhiều nơi. Giờ sức khỏe cũng không cho phép các cụ đi đâu nữa nên việc đi biển đối với các cụ cũng chỉ là một ước mơ xa vời. Vì vậy, chuẩn bị chúc mừng ngày người cao tuổi Việt Nam, Diên Hồng tặng cho các cụ một món quà tinh thần là được ngồi trước biển, uống nước, trò chuyện và ghi lại những bức ảnh đẹp.

Ánh mắt sáng lên, miệng tủm tỉm khi cầm trên tay những bức hình của mình, bà Bảo chia sẻ: “Đẹp quá, nhìn ai cũng xinh đẹp. Nhìn bà như đang ở biển thật ấy nhỉ”.Bà Nguyệt – Hoa hậu quý bà Diên Hồng 2017 cũng tỏ ra phấn khởi: “Vui lắm ấy. Sau buổi chụp ảnh biển ấy, bà cứ háo hức chờ đến lúc được cầm trên tay những bức ảnh kỷ niệm. Già rồi mà, không được đi biển thật thì mình đi biển giả cũng thích”.

Gia đình gửi các cụ đến Diên Hồng vốn mong đợi người thân của mình sẽ được tham gia vào nhiều hoạt động mà ở nhà không có được. Vì vậy, Diên Hồng luôn nỗ lực mỗi ngày để mang đến cho các cụ những trải nghiệm mới mẻ, thú vị để mỗi ngày của các cụ ở Diên Hồng đều ý nghĩa và đáng nhớ, để tuổi già của các cụ sinh động hơn.

Xem thêm

Thành công của người về đích cuối cùng.

Chúng ta vẫn thường được nghe rằng: sự ngưỡng mộ được dành cho người chiến thắng- những người luôn dẫn đầu trong những cuộc thi. Tuy nhiên, cuộc thi Olympic Diên Hồng 2017- đại hội thể thao cho người già, lại kể về một câu chuyện đặc biệt của Ông Luyến, một người cao tuổi tại Diên Hồng, rằng là người về đích cuối cùng vẫn thành công khi làm cho nhiều người xem không khỏi xúc động.

Ngày chủ nhật đẹp trời, trong tiếng nhạc và cổ động hào hứng của các bạn tình nguyện viên, 4 người chơi-  Ông Luyến, bà Cẩm, Ông Lâm và Ông Lạc đứng tại vạch xuất phát cho phần thi đi bộ bằng gậy chữ U.

Các ông bà trong vị trí xuất phát cho trò chơi trong Olympic Diên Hồng

Ông Luyến, bà Cẩm, Ông Lâm và Ông Lạc nhanh chóng về vị trí xuất phát

Tất cả những người chơi đều rất sẵn sàng

Sau hiệu lệnh của người dẫn chương trình, 4 ông bà nhanh chóng bước vào cuộc đua. Có lẽ bởi sự cổ động nhiệt tình và không khí thể thao lan tỏa mà hôm ấy, ông bà nào cũng thêm 10 lần sức mạnh, hào hứng ngay từ những giây phút đầu xuất phát. Các bạn điều dưỡng và nhân viên hết sức bất ngờ, vì dường như có một nghị lực khác thường giúp cho bà Cẩm và ông Lạc di chuyển thật nhanh và tiến lên dẫn trước. Trong khi ông Luyến đang cố gắng những bước di chuyển đầu tiên.

Bà Cẩm và ông Lạc di chuyển rất nhanh trong tiếng cổ vũ

Và rất nhanh chóng, cuộc đua đã tìm ra người đầu tiên về đích. Sau tiếng chúc mừng người chiến thắng, toàn bộ cổ động viên hướng mắt về phía ông Luyến, người chơi vẫn đang rất gần điểm xuất phát.

Khác biệt khoảng cách rất lớn giữa ông Luyến và những người chơi khác

Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng, ông Luyến sẽ dừng lại cuộc thi ở đây bởi vì cuộc thi đã tìm ra người chiến thắng rồi. Thế nhưng một cách hoàn toàn bất ngờ, tất cả mọi người, từ các ông bà, các bạn điều dưỡng và các tình nguyện viên cùng đồng thanh hô to “Ông Luyến cố lên”. Nhiều bạn điều dưỡng tới bên cạnh ông, vừa đi vừa cổ vũ ông. Và ông Luyến “một mình” tiếp tục để hoàn thành đường đua của chính mình. Tuy là người về đích cuối cùng nhưng ông đã vượt qua và chiến thắng những giới hạn của bản thân.

Các bạn điều dưỡng viên tới bên cạnh động viên cổ vũ ông Luyến hoàn thành đường đua

Nụ cười hạnh phúc của ” người chiến thắng”.

Chứng kiến khoảnh khắc ông Luyến về tới đích, rất nhiều bạn trẻ đã không kìm được sự xúc động. Những nỗ lực của ông ngày hôm ấy đã truyền cảm hứng tới họ với thông điệp ” thành công là không bao giờ bỏ cuộc”  và “chiến thắng đáng giá nhất là chiến thắng chính mình”. Tuy rằng, ông Luyến ngày hôm ấy không phải là người đến đích sớm nhất nhưng lại là người để lại dấu ấn ấn khó quên nhất và ý nghĩa nhất. Và nụ cười chiến thắng này chắc chắn sẽ là động lực vượt qua khó khăn cho những người cùng tham gia.

Xem thêm

“Kể chuyện cùng ông” sôi nổi với các bạn TNV tài năng

Tháng 3, Diên Hồng có một chuỗi hoạt động giao lưu vào Thứ 7 hàng tuần do các bạn tình nguyện viên đến kể chuyện cho các ông bà nghe cũng như đưa ra các chủ đề để ông bà chia sẻ, thảo luận.

Các cháu gái và cháu trai quốc dân của Diên Hồng

Hoạt động này đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của một số ông bà thích tâm sự, chuyện trò. Sau những ngày chỉ “quẩn quanh” với những gương mặt quen thuộc, có lẽ những gương mặt mới của các bạn tình nguyện đã mang đến sự hào hứng đặc biệt cho các cụ. Những câu chuyện về nhiều chủ đề khác nhau khi thì ý nghĩa sâu sắc khi thì hài hước dí dỏm đã len lỏi, đánh thức những ký ức đẹp thời thơ ấu hay thời thanh xuân sôi nổi của các cụ. Có lẽ vì vậy mà các cụ cũng nhiệt tình chia sẻ những câu chuyện của chính mình.

Buổi 1 thú vị với câu chuyện về một nhà sư tham lam và câu chuyện xúc động về người chồng giành quyền sống về mình khi hai vợ chồng gặp tai nạn trên biển

Các cụ cũng trải lòng và chia sẻ hăng say về đối xử trong gia đình

Buổi 2 lắng đọng với những câu chuyện về cuộc đời Đức Phật…

Và ngập tràn tiếng cười với câu chuyện về Trạng Quỳnh

Các cụ chia sẻ về thói quen đi chùa và kể về những ngôi chùa ấn tượng mình từng ghé thăm

Kể chuyện cùng ông Số 3 – Tháng 3 với hình thức nhập vai đã mang đến không khí mới mẻ đầy thú vị cho các cụ.

Các cụ rất tập trung nghe kể chuyện nguyên do là các bạn tình nguyện viên không chỉ đơn thuần là kể cho các cụ nghe mà còn có các câu hỏi về các chi tiết trong truyện nên các cụ luôn phải tập trung cao độ để còn rinh quà

Không chỉ nghe kể chuyện, các cụ còn dự đoán cái kết của câu chuyện như là một cách để luyện não

Có lẽ chính sự hấp dẫn của những câu chuyện, những lời chia sẻ thú vị từ các ông bà khác trong trung tâm nên mỗi tuần, các cụ lại chờ đợi đến Thứ 7 để được gặp các bạn TNV đáng yêu.

Xem thêm

Ước mình yêu đời như bà Cẩm khi về già

Tôi chưa từng gặp cụ bà nào lạc quan, yêu đời như bà Cẩm ở Viện dưỡng lão. Dù bà đã 80 nhưng tuổi tâm hồn của bà chắc chỉ ngoài 20. Vì bị tiểu đường, thường hay phải vào viện nên con cái bà đưa bà vào Diên Hồng để được chăm sóc tốt hơn. Bà bảo ở đây thích lắm, thích làm gì thì làm, ăn uống theo sở thích không như hồi ở nhà với người giúp việc toàn ăn theo sở thích của cô kia. Chưa kể ở đây ăn uống có giờ giấc, sinh hoạt nề nếp nên sức khoẻ của bà cũng dần cải thiện. Bà bảo tuổi già khi nhớ nhớ quên quên, vào đây có người chơi cùng, nói chuyện cùng cũng thấy đỡ cô đơn. Bà nói điều dưỡng ở đây vui vẻ, trách nhiệm nên ai bà cũng quý.

người cao tuổi yêu đời

Bà Cẩm tạo dáng xì tin trẻ trung

Mỗi lần gặp bà, tôi đều cảm nhận được một nguồn năng lượng căng tràn bởi bà lúc nào cũng tươi cười nói chuyện với mọi người xung quanh. Những câu nói hài hước của bà và cả những khoảnh khắc đùa giỡn, hôn gió mọi người luôn khiến người khác xua đi mệt mỏi. Bà còn quan tâm đến cả các cụ đang sống ở đây, khi thì bà bón sữa chua, khi thì bà làm bún trộn cho các bà khác cùng ăn. Với bà, làm được gì đó cho người khác chính là hạnh phúc.

Bà Cẩm thảo luận sôi nổi trong buổi trò chuyện với các bạn tình nguyện viên

Có lần đi mời các cụ tham gia cuộc thi “Hoa hậu quý bà Diên Hồng”, bà tỏ ra hào hứng lắm. Bà bảo bà không còn trẻ lại không xinh đẹp đi thi thì ngại nhưng bà sẽ tham gia vừa để cho vui vừa để còn tạo động lực cho các cụ khác cùng tham gia nữa.

Bà Cẩm trong trang phục truyền thống của Nhật Bản khi trong cuộc thi Hoa hậu quý bà

Vui vẻ bên bạn Hải Yến – Cháu gái quốc dân của Diên Hồng

Trong một buổi trò chuyện với các bạn tình nguyện viên về chủ đề tình yêu, gia đình, bà tỏ ra hào hứng và chia sẻ rất nhiều. Bà kể ngày xưa yêu ông vì ông đứng đắn, tử tế. Sau này, cách đây 16 năm, khi ông vào chùa bà cũng không can ngăn vì bà quan điểm tôn trọng lựa chọn của người khác, không nói ra nói vào. Tâm sự với các bạn trẻ, bà khuyên: “Yêu thì phải yêu người có đạo đức, tử tế. Người ta không nói quá về bản thân rồi coi thường mình. Họ cũng tôn trọng mình, không nói dối mình. Nếu mình yêu người ta nhiều quá mà người ta cũng chỉ bình thường với mình thì mình cũng nên bớt yêu đi để tương đương với người ta”. Dường như lần nào nói chuyện với bà, các bạn trẻ như tôi đều tìm thấy điều gì đó tâm đắc trong những chia sẻ thân tình của bà.

Bà Cẩm vui vẻ mời các cụ tham gia tiệc sinh nhật

Khi nói về mẹ, cô Vân – con dâu của bà chia sẻ: “Tuần nào cũng vào thế mà thấy bức ảnh này mà lòng ko khỏi trào dâng cảm xúc. Nhớ lại ngày đầu tôi với cô Nhung đưa bà vào trong đó. Từ lúc ra về tôi đã khóc rất nhiều. Nay thấy bà sống khỏe mạnh vui vẻ thì tôi đã yên tâm rồi. Thật tâm cô cảm ơn tất cả mọi người trong trung tâm nhiều”.

Những gương mặt rạng ngời của các cụ khi sống tại Diên Hồng và sự tin yêu của gia đình luôn là động lực cho chúng tôi cố gắng mỗi ngày. Áp lực đấy, mệt mỏi đấy, nhưng nụ cười của các cụ chính là doping liều cao cho các bạn điều dưỡng để rồi đổi lại là nụ cười nở trên môi các cụ.

Bà khoe con bà quý mẹ lắm, đến thăm luôn, toàn mua nhiều đồ bắt ăn

Thảo Linh

Xem thêm