Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

All Posts in Category: Báo chí viết về Diên Hồng

2 cụ bà U90 ăn mặc cực chất, tạo dáng ‘cool ngầu’ bên siêu xe chẳng kém gì người mẫu

Khi các bà nói thích làm người mẫu quảng cáo ô tô và đây là kết quả khiến nhiều người trầm trồ về độ ‘xì tin’ chẳng khác gì nam thanh nữ tú cả.

Với nhiều bạn trẻ thì những chiếc siêu xe tiền tỷ luôn có sức hấp dẫn, mê hoặc đến lạ. Thậm chí không ít người từng ví những chiếc xe ô tô như một cô vợ thứ 2, cần phải chăm sóc, nuông chiều. Và tất nhiên rồi, nghĩ đến những chiếc siêu xe, người ta thường nghĩ đến những người trẻ tuổi, đại gia hay chân dài.

Bởi vậy mà, những ngày gần đây, nhiều người không khỏi trố mắt ngạc nhiên trước hình ảnh các cụ bà tạo dáng ‘chất như nước cất’ bên cạnh chiếc siêu xe tiền tỷ.

Nhìn thế này có ai nghĩ các cụ đã gần 90 tuổi rồi không?

Nhìn thế này có ai nghĩ các cụ đã gần 90 tuổi rồi không?

Dù mắt không còn tinh, sức khỏe chẳng dẻo dai, da đã nhăn nheo điểm chút đồi mồi, tóc đã bạc trắng hết cả nhưng 2 cụ U90 luôn thể hiện tinh thần lạc quan cùng độ chịu chơi của mình khiến nhiều bạn trẻ phải ‘ngả mũ’.

Với dòng chia sẻ: ‘Khi các bà nói thích làm người mẫu quảng cáo ô tô thì đây là kết quả’, những điều dưỡng tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, Hà Nội đã giúp các cụ già ở đây thực hiện một bộ ảnh ấn tượng.

2 người bạn già cùng nhau hoài niệm về những năm tháng tuổi trẻ.

2 người bạn già cùng nhau hoài niệm về những năm tháng tuổi trẻ.

2 cụ dù đã gần 90 tuổi nhưng ăn mặc ‘xì tin’ chẳng kém gì các cô gái trẻ trung, năng động. 2 cụ thoải mái tạo dáng bên những siêu xe bán tải cực ngầu, như chuẩn bị cho 1 hành trình trở về quá khứ với những tuổi trẻ nồng nhiệt, rực rỡ.

Một số người cho rằng trang phục của các cụ có phần không hợp với độ tuổi thế nhưng ‘chỉ cần là điều mình thích’ thì chuẩn mực đều được bỏ qua. Nhìn cách cách cụ cười là đủ biết các cụ đã có được niềm vui trọn vẹn.

Cụ bà U90 ăn mặc cực chất khiến các cô gái trẻ còn phải 'chạy xa'.

Cụ bà U90 ăn mặc cực chất khiến các cô gái trẻ còn phải ‘chạy xa’.

Chia sẻ về bộ ảnh gây sốt, nhân viên của Viện dưỡng lão Diên Hồng cho biết: ‘Bộ ảnh được thực hiện vào ngày Quốc tế hạnh phúc vừa qua. Bình thường thì các bạn điều dưỡng hay mở các video trên Youtube cho các cụ xem về các chuyến đi phượt, các clip review về ẩm thực, các gameshow hay các triển lãm ô tô. Xem mấy triển lãm ô tô thì mấy cụ rất hào hứng, hết lời khen xe đẹp rồi khen người mẫu xinh, váy đẹp. Các bạn mới gợi ý các cụ có muốn mặc đồ đẹp chụp ảnh với siêu xe không thì cac cụ gật đầu đồng ý luôn’.

Tuy nhiên ban đầu không biết mượn siêu xe ở đâu, thấy các cụ cũng thích các video về các chuyến đi phượt nên nhân viên của Viện dưỡng lão đã đi hỏi mượn các xe bán tải được độ ngầu ngầu, may mắn nhận được sự giúp đỡ của nhiều người. Ngoài ra, phần trang phục cũng là đồ đi mượn của các bạn nhân viên, ai có đồ đẹp là mang đi để các cụ thử. Sau khi thử 1 loạt thì 2 cụ chọn bộ như ảnh.

Được biết, 2 cụ trong bộ ảnh bên siêu xe là cụ Ngô Thị An và cụ Trần Kim Chi, gần 90 tuổi. Cụ An thường ngày thích mặc đồ đẹp và chụp ảnh, hầu như những bộ ảnh của Diên Hồng cụ đều tham gia. Còn cụ Chi bình thường ít cười, hay cáu kỉnh mhưng khi hỏi cụ có thích chụp ảnh với xe không thì cụ phấn khởi lắm, tươi như hoa. Hôm chụp ảnh cụ tỏ ra rất vui, hợp tác và tươi cười tạo dáng.

‘Khi đã chụp xong bộ ảnh rồi mà bảo cụ cởi đồ để thay ra thì cụ không chịu, bảo là đang mặc đẹp, sao lại thay ra. Thế là chúng mình hứa buổi chiều sẽ chụp thêm cho cụ 1 bộ ảnh riêng nữa thì cụ mới chịu thay để ăn cơm. Mặc dù 2 cụ cũng hơi lẫn nhưng khi xem ảnh đều vui lắm, còn khoe với những người khác là: ‘Thấy bà xinh không? Xinh nhờ’, nhân viên của Viện dưỡng lão Diên Hồng chia sẻ thêm.

Bộ ảnh của 2 cụ bà Hà Thành sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nó không chỉ giúp tinh thần của các cụ được thoải mái, vui vẻ mà nó còn truyền cảm hứng, nguồn năng lượng tích cực cho các bạn trẻ. Và đúng là, nếu đã là điều mình thích thì sẽ chẳng bao giờ là muộn để thực hiện nó cả.

Theo Vy Vy Baodatviet.vn

Xem thêm

Vợ chồng già bán nhà vào viện dưỡng lão

Có bốn người con nhưng bà Vũ Thị Dành quyết định bán nhà, chuyển vào viện dưỡng lão chứ “không làm phiền con”, sau ba lần chồng bà bị tai biến.

“Tôi quyết định bán đất và chuyển nhà chỉ trong một buổi sáng. Con trai bất ngờ tới nỗi bảo ‘mẹ bán đất mà như bán của ăn trộm'”, người phụ nữ 84 tuổi quê Cẩm Giàng, Hải Dương, cười vui, kể lại câu chuyện hai năm trước.

“Bà Dành là một người già hiếm hoi thích sống tại đây và xem đây như nhà của mình”, Hoàng Ngân, phó giám đốc một viện dưỡng lão ở Hà Nội đang chăm sóc hơn 200 cụ, chia sẻ. “Đa phần các cụ vào đây khi sức khỏe yếu, con cháu không chăm sóc được”.

Bà Dành (ngoài cùng phải) cùng các bạn già trong viện dưỡng lão một buổi chiều đầu tháng 3/2021. Ảnh: Diên Hồng.
Bà Dành (ngoài cùng phải) cùng các bạn già trong viện dưỡng lão vào một buổi chiều đầu tháng 3/2021. Ảnh: Diên Hồng.

Bà Dành cùng chồng, ông Vũ Đình Bưởi, sống trong viện dưỡng lão này được hơn hai năm. Họ ở trong căn phòng rộng 30 m2, hai mặt thoáng, tiện nghi đầy đủ, có người phục vụ mọi sinh hoạt hay chăm sóc y tế. Mỗi tháng ông bà phải trả hơn 20 triệu đồng.

“Nếu không vào đây, có thể tôi và ông nhà đã ra đi từ lâu rồi”, bà Dành nói.

Thời trẻ, ông Bưởi là cán bộ nhà nước, bà Dành là công nhân. Họ từng trải qua giai đoạn đói khổ, phải chạy chợ nuôi con. Khi con trưởng thành, dựng vợ gả chồng xong cũng là lúc cặp vợ chồng đã lưng còng, mắt mỏi.

Ba lần tai biến gần nhau cuối năm 2018 khiến ông Bưởi nằm liệt giường. Bà bị đau lưng cũng không đi lại được. Cả hai vợ chồng ốm đau nhưng không muốn phiền con cái nên thuê hai người giúp việc, thậm chí trả lương 12 triệu đồng một tháng cho con rể thứ hai nghỉ việc chăm sóc vợ chồng mình, nhưng cũng chỉ được vài tháng. “Cả con lẫn người ngoài đều không có kinh nghiệm chăm người già hay người đột quỵ”, bà nói.

Một hôm, bà Dành nảy ra ý định vào viện dưỡng lão nên chống gậy ra quán nước nhờ người dân bắn tin muốn bán đất. Ngay trong sáng hôm ấy, có người đến hỏi mua và giao dịch hoàn tất trong vòng nửa tiếng. Bà nhận trước một tỷ đồng đặt cọc và tức tốc khăn gói “chuyển nhà” đến một trung tâm chăm sóc người già ở Hà Nội.

Một nửa tiền bán đất được đóng trước cho trung tâm, một nửa gửi ngân hàng. Bà khoe, chỉ riêng tiền lãi và lương hưu đã đủ cho hai cụ sống trong này, chưa kể đến thu nhập từ bất động sản cho thuê ở Đà Nẵng.

“Giả dụ tôi khư khư giữ lại đất thì bốn đứa con sẽ phải góp tiền hàng tháng. Phương án này liệu có lâu dài không? ‘Đời cua cua máy đời cáy cáy đào’, đã nuôi con khôn lớn và lo cho ở riêng là hết trách nhiệm. Mảnh đất này sẽ là của để dành cho vợ chồng tôi dưỡng già”, bà nói.


Bà Dành nghĩ “Đời cua cua máy đời cáy cáy đào” nên bán đất lấy tiền vào viện dưỡng lão. Trên mảnh đất cũ còn lại 85 m2 làm nơi cho các con cháu lui về. Trong ảnh là cái Tết năm đầu tiên ông bà vào đây. Ảnh: Diên Hồng.

Bà Dành tính được như vậy nhưng không tính được cuộc sống trong viện dưỡng lão. Lúc đi bà mang cho ông hai chiếc áo, đồ đạc của mình cũng qua loa bởi không chắc mình có thích ứng được với cuộc sống mới.

Hồi đó cơ sở dưỡng lão này mới mở thêm, tầng 5 và 6 không có ai. Ông Bưởi nằm bất động trên giường. Bà thì bị đau xương khớp phải nằm võng. Bản tính của một người phụ nữ tháo vát, cả đời tần tảo không cho bà nằm yên để được phục vụ. Đi vệ sinh, rót nước, bà đều xoay xở tự làm, dù mất cả chục phút.

Bên cạnh vật lý trị liệu, bà tập bò theo một video trên mạng. Hành lang rộng thênh thang, bà bò đầu nọ sang đầu kia, miệng nhẩm đủ 1.200 bước thì dừng. Kiên nhẫn ngày qua ngày, mặc cho người xung quanh xì xào vì thấy lạ, đến mùa hè năm đó bà có thể đứng dậy và đi lại bằng xe chữ U. Dần dần bà bỏ xe, đi men theo tường, tới trước Tết vừa rồi thì đi lại được bình thường.

Cụ ông cũng tốt lên thấy rõ. Hàng ngày đều có nhân viên đến trở mình và xoa bóp. Dù không nói được, ông vẫn nhận biết, cùng phối hợp với nhân viên tập nâng chân tay hàng ngày.

Bữa nọ, ông Bưởi ăn xong tự dưng nôn thốc tháo, huyết áp tăng vọt. Ngay lập tức có bác sĩ xử lý kịp thời nên qua được nguy hiểm. Bà Dành tin chắc nếu ở quê thì trên đường thuê taxi chạy 8 km tới bệnh viện, có thể “ông đã không qua được”. “Tất nhiên có những điều viện dưỡng lão không bằng con nhưng nhiều cái còn hơn cả con cháu. Tôi thích ở trong này”, bà Dành bộc bạch.

Chị Thoa, người con út của bà Dành chia sẻ, bố mẹ chị là người chủ động tài chính. Chỉ khi ông bị liệt nửa người, bà mới ra quyết định vào viện dưỡng lão vì không yên tâm để con cháu chăm sóc. Bố mẹ vào trung tâm khiến các con đến thăm cũng khó khăn hơn do ở xa, nhưng trong này luôn có người chăm sóc và yêu thương hai cụ nên các con cháu cũng yên tâm.

“Mẹ tôi là người lạc quan, yêu cuộc sống. Mẹ hiểu rằng niềm vui là do tự mình nên luôn thấy vui với những năm tháng tuổi già ở đây”, chị Thoa chia sẻ.

Bà Dành luôn muốn được tự tay chăm sóc cụ ông. Chỉ những việc không làm được bà mới cần nhân viên giúp đỡ. Ảnh: Phan Dương.
Bà Dành luôn muốn được tự tay chăm sóc chồng. Chỉ những việc không làm được bà mới cần nhân viên giúp đỡ. Bà luôn tích cực tham gia các hoạt động của trung tâm. Đợt thi hoa hậu cao niên, biết mình không có tài năng gì nên bà đã nhờ người dạy cho mình một bài quyền để biểu diễn. Ảnh: Phan Dương.

Giờ đây niềm vui hàng ngày của bà Dành là được phụ điều dưỡng cùng chăm sóc ông và nói chuyện với các bạn già hay đọc báo, “chơi” Facebook, Zalo.

Các cụ trong này gọi bà Dành bằng “chị” vì những chia sẻ tích cực, hướng thiện và sự giúp đỡ bà mang đến cho họ. “Bao giờ bà cũng ở giữa khuyên can các cụ khi có xích mích. Một số cụ có xu hướng đòi hỏi con cháu, bà hay khuyên để cho con cháu được sống đời của chúng”, chị Hoàng Ngân cho hay.

Trong cuộc thi Hoa hậu cao niên của trung tâm mới đây với chủ đề Phụ nữ hạnh phúc, bà Dành mang đến quan điểm khác hoàn toàn số đông. “Phụ nữ hạnh phúc là phải biết yêu chính mình. Chỉ khi biết trân trọng mình thì mới làm được điều tốt đẹp cho những người xung quanh”, bà nói.

Quan điểm này giúp bà đoạt giải Hoa hậu truyền cảm hứng.

Phan Dương

Theo Đời sống, VnExpress

Xem thêm

Tết ấm cúng của người cao tuổi ở viện dưỡng lão

Trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các cụ già tại Viện dưỡng lão Diên Hồng (quận Hà Đông, Hà Nội) quây quần với nhau chuẩn bị một cái Tết giản dị. Không cùng gia đình, không cùng con cháu, các cụ vẫn có đào, quất,… đón một mùa Xuân mới.

Viện dưỡng lão Diên Hồng (quận Hà Đông, Hà Nội) hiện là nơi ở của gần 200 cụ ông, cụ bà. Đa số các cụ ở đây đều được con cháu gửi vào, vẫn được chu cấp và thăm nom hàng tháng.

Khi năm mới đang đến gần, nhiều cụ ở Viện dưỡng lão Diên Hồng không trở về cùng gia đình, mà ở lại Viện đón Tết. Theo chia sẻ của nhân viên tại viện dưỡng lão, trước Tết một thời gian, nhiều gia đình đã có kế hoạch đón bố mẹ, người thân về ăn Tết. Nhưng dịch bệnh Covid 19 quay trở lại, vì an toàn cho người thân và cho người già tại trung tâm nên các gia đình không đón về nữa, hoặc nếu đón thì hết dịch mới quay lại.

Online sắm Tết tránh dịch Covid-19

Khác với những năm trước, chợ tết Diên Hồng năm nay theo một hình thức hoàn toàn mới. Người cao tuổi ở viện dưỡng lão Diên Hồng sẽ được cấp cho 1 ví điện tử đã có sẵn 500 tết xu trong đó để mua sắm trong gian hàng thương mại điện tử. Các ông bà không cần có tiền mà vẫn đi mua sắm được nên vô cùng thích thú. Bà Hoàng Thị Cẩm không giấu được niềm vui khi .mua được 1 chiếc áo khoác dạ màu hồng xinh xắn: “Chưa bao giờ được đi chợ tết vui như thế này. Tôi vừa được xem văn nghệ, vừa được cho tiền để đi mua sắm. Tôi đã nhắm cái áo khoác này từ lúc mới treo lên”.

Các trò chơi được lấy cảm hứng từ các hội chợ và trung tâm thương mại như ném phi tiêu nổ bóng bay, ném vòng, ném bóng vào cốc, gắp thú bông cũng khiến các cụ hào hứng.

Hình ảnh ví điện tử được dùng trong chợ Tết

“Những năm trước thấy một số cụ chạnh lòng bảo tiền đâu mà đi chợ Tết, năm nay mình tổ chức quyên góp đồ dùng vừa mới vừa cũ để bán miễn phí trong chợ tết cho các cụ. Nhưng để các cụ không bị lăn tăn tâm lý “của cho là của ôi”, chúng mình bê đến chợ Tết cả mấy cái sàn thương mại điện tử, cấp cả một cái ví có sẵn 500 Tết xu để các cụ thoải mái mua sắm. Và thế là các cụ nô nức đi ngắm rồi chọn mua, các bạn nhân viên thì giống những người bán hàng chuyên nghiệp tư vấn cho các cụ mua được những món đồ ưng ý”, chị Hoàng Ngân – Phó Tổng giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng tự hào nói.

Trong chợ tết còn có các gian hàng hoa, các loại hạt để các cụ sử dụng hoặc mời khách nên ai nấy cũng hứng khởi chọn được món hàng ưng ý. Bên cạnh đó các cụ cũng được thưởng thức các món ăn vặt do chính cán bộ nhân viên trong trung tâm chuẩn bị.

Mùa xuân về trên Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Trong căn phòng nhỏ, bà Vũ Thị Dành (82 tuổi) đang lúi húi chỉnh lại cành đào bích mới mua. Chỉnh xong bà quay sang khoe với ông, ông nhìn một hồi, khóe miệng nở nụ cười thật tươi.

Vợ chồng bà Dành, ông Bưởi đã vào trung tâm được 13 tháng. Điều đáng nói là hai ông bà đã bán mảnh đất dưới quê, dùng số tiền ấy và lương hưu của mình để chọn viện dưỡng lão làm chốn dừng chân. Bà định nghĩa về chữ hiếu rất đơn giản, rằng không cứ con cái phải tự tay chăm sóc, phải ở chung nhà phụng dưỡng mẹ cha thì mới là hiếu.

“Tôi đã coi như đây là ngôi nhà của mình. Nên chẳng có gì lạ khi 2 cái Tết chúng tôi đều đón ở đây. Tết năm trước các con, các cháu còn đến được, chứ năm nay dịch bệnh thế này tôi chỉ mong chúng nó ở nhà bình an, mạnh khỏe là được rồi”, bà Dành chia sẻ.

Hai vợ chồng ông Bưởi, bà Dành trong ngày cận Tết.

Trò chuyện với Ông Nghĩa (90 tuổi), dáng người cao lớn, vạm vỡ, gương mặt vuông vức nam tính và cặp lông mày chữ nhất, giọng nói dầu run rẩy vì bệnh Parkinson – người đã gắn bó với viện hơn 4 năm. Mấy năm trước, con trai duy nhất của ông mất, con dâu và hai cháu nội định cư ở nước ngoài. Ít lâu sau, vợ ông bỏ thế giới này mà đi. Giống với bà Dành, ông Nghĩa cũng đã bán căn nhà trên phố cổ để vào dưỡng lão. Ông bảo: “Tôi không nhớ nhà, vì nhà cũng chẳng còn ai để mà nhớ”. Bởi vậy 4 năm qua, ông đều đón Tết cùng với những người bạn già trong Viện dưỡng lão Diên Hồng, và năm nay cũng không ngoại lệ.

Dịch bệnh Covid 19 quay trở lại bất ngờ khiến gia đình bà Xuân Hồng (80 tuổi) phải tìm phương án khác thay vì đón bà về ăn Tết. “Ba anh chị em chúng tôi đã bàn bạc với nhau đón mẹ về ăn Tết mấy ngày cho gần con gần cháu, nhưng dịch bệnh thế này chúng tôi không thể đón mẹ theo kế hoạch, vừa để an toàn cho mẹ và cho cả các cụ già trong trung tâm”, chị Quyên con dâu bà Hồng chia sẻ. Nhớ lại ngày đó, sau khi ông mất, bà Hồng trở nên sống khép kín, không còn vui cười như trước, lại thêm bệnh nền khiến bà không thể đi lại. Được bạn bè giới thiệu đến trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, gia đình dù không muốn nhưng vẫn đưa bà vào với hy vọng bà có thể vui tươi, hoạt bát như trước. Sau hơn 2 năm bà vào trung tâm, bà không chỉ tìm thấy niềm vui của mình mà còn có thể đi lại được, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với gia đình.

Hơn 10 tháng sống ở trung tâm, bà Đặng Thị Tuyết Sinh (84 tuổi) vui vẻ chia sẻ: “Tôi thấy vui khi sống ở đây”. Bởi theo bà, nơi đây bà được chăm sóc chu đáo, không gian sống yên tĩnh, môi trường trong lành. “Không những thế bà còn được tham gia các hoạt động do trung tâm tổ chức, gần đây nhất là cuộc thi hoa hậu cao niên, bà còn được giải nữa này”, cầm trên tay tờ giấy chứng nhận bà Sinh hào hứng kể.

Cụ Đặng Thị Tuyết Sinh nhận giấy chứng nhận Hoa hậu tài năng đón Tết.

Mái nhà ngày Tết của các cụ cao tuổi

“Bản thân trung tâm cũng hiểu được ngày Tết các cụ mong muốn có con cháu ở bên, muốn có không khí Tết nên Trung tâm đã cố gắng để tạo ra nhiều hoạt động cho các cụ. Ví dụ như tổ chức chợ Tết để các cụ được mua sắm, hay tổ chức trang trí nhà cửa (gắn hoa đào, hoa mai, viết câu đối), bữa ăn cũng được thay đổi để phù hợp với Tết, không những thế đêm giao thừa các bạn điều dưỡng trực tết còn đi chúc Tết ông bà. Vì vậy mà các cụ ở lại ăn Tết cùng trung tâm vẫn cứ vui tươi, đầm ấm chứ không hề tẻ nhạt. Nhất là trong giai đoạn dịch bệnh đang quay trở lại, người già không được về ăn Tết cùng gia đình”, chị Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Tổng Giám đốc chia sẻ.

Lan Anh

Báo Đại Đoàn Kết

Xem thêm

Cụ bà đăng quang “hoa hậu” ở tuổi 88

GiadinhNet – Ở tuổi 88, cụ bà đã đăng quang hoa hậu cao niên tại cuộc thi sắc đẹp ở viện dưỡng lão. Hoạt động không chỉ giúp các cụ ở tuổi xế chiều được thể hiện mình mà qua đây giúp các cụ thêm yêu đời, sống lạc quan

Bà Hoàng Thị Nhung (90 tuổi) hay bà Nguyễn Thị Cảnh (86 tuổi) không đi lại được phải ngồi xe lăn, nhưng điều đó cũng không làm nao núng tinh thần của các bà khi đến vớicuộc thi Hoa hậucao niên Diên Hồng 2020 do Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng tổ chức.

Cùng với các cụ bà khác trong trung tâm, 15 cụ bà đã tự tin thể hiện trên sân khấu trước sự ngỡ ngàng của người thân, bạn bè và cả những nhân viên chăm sóc. Tay khẽ vịn vào các bạn điều dưỡng, các cụ bà tuy chân yếu nhưng vẫn tự tin sải bước, miệng cười tươi, tay vẫy chào khán giả.

Cụ bà đăng quang “hoa hậu” ở tuổi 88 - Ảnh 2.
Tự tin sải bước trên sân khấu dù đã ở tuổi xưa nay hiếm
Cụ bà đăng quang “hoa hậu” ở tuổi 88 - Ảnh 3.

Phần thi tài năng khâu vá

Chị Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng chia sẻ: “Ban đầu khi nhắc đến cuộc thi, các bà có chút băn khoăn vì già rồi mà đi thi hoa hậu nhưng sau khi được gia đình và điều dưỡng chăm sóc động viên, các bà hào hứng và bắt đầu chuẩn bị nghiêm túc cho cuộc thi. Mỗi cụ bà được phân công một bạn điều dưỡng chăm sóc làm huấn luyện viên để hỗ trợ khâu chuẩn bị và tư vấn cho tiết mục thi tài năng.

Cuộc thi không phải để tôn vinh vẻ đẹp nhan sắc “bền vững với thời gian” của các cụ bà mà hướng đến tinh thần và thái độ sống lạc quan, yêu đời. Không bao giờ là quá già để làm điều mình thích cho dù những người khác không nghĩ vậy”.

Cụ bà đăng quang “hoa hậu” ở tuổi 88 - Ảnh 4.

Bà Hoàng Thị Nhung (90 tuổi) tuy ngồi xe lăn nhưng vẫn rất tự tin tham gia cuộc thi

Khác với những cuộc thi sắc đẹp khác không có phần thi áo tắm hay trang phục áo dài, cuộc thi Hoa hậu cao niên Diên Hồng được thay vào đó là các bà U90 trải qua các phần thi tạo dáng trước ống kính, triết lý sống thông qua câu hỏi làm thế nào để phụ nữ sống hạnh phúc, trang phục tự chọn, tài năng và chuyên gia gỡ rối.

Cuộc thi như một làn gió mới mát lành đối với không chỉ các cụ bà tham gia thi mà còn khiến cuộc sống của các cụ ông, cụ bà đang an dưỡng trong Trung tâm dưỡng lão thêm tươi mới. Ngoài con cháu của các cụ bà đi thi tới cổ vũ và chúc mừng, người nhà của các ông bà khác cũng vui mừng và ríu rít khoe với bạn bè chuyện bố mẹ mình đi xem thi hoa hậu.

Cụ bà đăng quang “hoa hậu” ở tuổi 88 - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Biển (ở giữa) bất ngờ khi được danh hiệu hoa hậu

Người già vốn hay được liên tưởng đến sự khô cằn của cây cối mùa đông nhưng các cụ bà U90 ở Diên Hồng qua cuộc thi đã chứng minh điều ngược lại. “Đừng nghĩ già là sắp kết thúc, hãy nghĩ tuổi già là một chương mới trong cuốn sách cuộc đời, chúng ta nên làm cho nó hấp dẫn hơn”, bà Vũ Thị Dành nhắn nhủ.

Điều khiến các cụ già thích thú tham gia vào cuộc thi này dù chưa từng tham gia vào bất cứ cuộc thi nhan sắc nào thời trẻ rất đa dạng. Với bà Đặng Thị Tuyết Sinh (84 tuổi), cuộc thi giống như một cuộc vui nơi mà các bà có thêm một món ăn tinh thần hấp dẫn để tuổi già thêm sinh động, gặp gỡ thêm nhiều bạn già thú vị. Bà Vũ Thị Dành (82 tuổi) mang theo thông điệp “Phụ nữ muốn hạnh phúc thì phải yêu bản thân mình trước tiên” đến cuộc thi và mong muốn lan toả tinh thần sống hòa ái và khoan dung đến với mọi người.

Kết thúc cuộc thi, cụ bà Nguyễn Thị Biển (88 tuổi) đã giành giải Nhất. Bà tươi cười cho biết: “Bà không ngờ mình lại được đăng quang. Chưa bao giờ bà nghĩ mình sẽ được trao vương miện trên sân khấu hoành tráng như thế này”

Theo báo GiadinhNet

Xem thêm

Hàng nghìn chiếc đèn lồng handmade di động rực rỡ đường phố Hà Nội

1000 chiếc đèn lồng bằng giấy và chai nhựa do người cao tuổi tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng và điều dưỡng viên tự tay làm đã được giới thiệu đến người dân thông qua một triển lãm di động nhân dịp trung thu 2020. Qua hoạt động này, mọi người muốn mang thông điệp về bảo vệ môi trường.

Sau hơn 1 tháng, các ông bà trong Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cùng các điều dưỡng viên đã sáng tạo ra những chiếc lồng đèn với nhiều hình dáng, màu sắc khác nhau được làm từ giấy, báo, chai nhựa bỏ đi. Mới đây, 7 chiếc xe đạp chở 1000 chiếc đèn lồng handmade rực rỡ sắc màu rong ruổi trên đường phố Hà Nội đã thu hút sự chú ý của người đi đường.

“Ngày xưa tôi còn làm đèn ông sao to đùng chứ mấy cái đèn này thì nhằm nhò gì. Cũng phải cảm ơn các cháu tổ chức làm đèn lồng cho có không khí trung thu. Mọi người khen đẹp thì càng thêm vui”, ông Trần Đức Chẩn – người cao tuổi đang sống tại viện dưỡng lão tỏ ra phấn khởi.


Các cụ hứng khởi làm những chiếc đèn lồng

Không chỉ mang niềm vui đến cho người già mà hoạt động làm đèn lồng còn mang thông điệp về bảo vệ môi trường. Anh Đỗ Trần Hồ Thắng – Tổng giám đốc viện dưỡng lão chia sẻ: “Năm 2020, thế giới đang hướng tới thực hiện hiệu quả thông điệp bảo vệ môi trường. Vì vậy chúng tôi cũng muốn cùng các cụ làm 1 hành động nhỏ ý nghĩa để mọi người thấy rằng nhiều thứ bỏ đi vẫn có thể tái chế thành đồ dùng thiết thực. Lẽ ra chúng tôi tổ chức một lễ hội đèn lồng để mọi người cùng tham gia nhưng do Covid-19, chúng tôi đổi thành triển lãm di động để mọi người được chiêm ngưỡng những chiếc đèn lồng rực rỡ”.

Trong quá trình tổ chức triển lãm, đoàn cũng tặng lại đèn cho các em bé hoặc những người yêu thích mang về cho con chơi. Anh Nguyễn Văn Lừ (Hà Đông) vừa giơ cao mấy chiếc đèn lồng vừa cười nói: “Nhìn mấy cái đèn lồng đẹp quá, mình xin mấy cái về cho các con chơi. Chắc là bọn trẻ sẽ thích lắm đây”.

Một số hình ảnh triển lãm chiếc đèn lồng handmade:


Tỉ mẩn làm những chiếc đèn lồng, các cụ đã rất vui

Những chiếc đèn lồng được giới thiệu qua một triển lãm di động bằng xe đạp

Các em nhỏ vô cùng thích thú với những món quà được tặng từ các cụ sống ở viện dưỡng lão

Qua hoạt động này, các cụ cũng mong muốn góp phần vào việc bảo vệ môi trường

Theo báo GiadinhNet

Xem thêm

Mai này khi chúng ta già, có yêu đời như các cụ U80,U90 thế này không?

Dù bệnh tật, ốm đau, dù mỗi người một câu chuyện, nhưng các cụ vẫn ánh lên nét tươi vui bình dị cùng cúc họa mi cuối vụ.

Những ngày gần đây, cộng đồng mạng đang truyền tay nhau rầm rộ về bộ ảnh ‘Tình bạn già U90 bên cúc họa mi’ của hai cụ Vũ Thị Yên và Lê Thị Thịnh đến từ Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội).

Tuy nhiên, trong lúc ‘cơn sốt’ tình bạn già chưa ngừng giảm thì loạt ảnh ghi lại những khoảnh khắc yêu đời, vui tươi của các cụ bà bên cúc họa mi cuối vụ, lại một lần nữa khiến người xem xúc động và ngưỡng mộ.

Cụ Vũ Thị Yên rạng rỡ bên cúc họa mi

Không còn minh mẫn, cũng chẳng đủ sức khỏe như hồi còn xuân, các cụ chọn trung tâm dưỡng lão là nơi gắn bó tuổi già. Ở đó, các cụ không được sống gần con cháu, không được chăm sóc bởi tình cảm gia đình. Nhưng đổi lại, các cụ nhận được sự quan tâm, chở che từ các nhân viên điều dưỡng, nhận được sự sưởi ấm dù là yếu ớt từ những người bạn già đồng cảnh ngộ.

Dù đã ngoài 80, 90 tuổi, nhưng khi vừa được các nhân viên ngỏ ý chụp ảnh cùng cúc họa mi, các cụ ở trung tâm đã ngay lập tức đồng ý và hào hứng. Bởi đó là cách mà các cụ tận hưởng cuộc sống, là cách mà các cụ lan tỏa tình niềm tin yêu cuộc sống đến mọi người.

Bà Nguyễn Thị Hòa năm nay đã 85 tuổi. Vốn là giáo viên mầm non nên bà rất thích được mọi người gọi cô xưng em. Bà Hòa là người ít nói, thậm chí đến con gái cũng phải thừa nhận rằng, bà chẳng hay cười
Bà Nguyễn Thị Loan, năm nay 82 tuổi, ở trung tâm gần được 2 năm. Các con cháu của bà đều lấy chồng ngoại quốc nên không mấy khi về thăm. Nhân viên trung tâm cho biết, bà Loan giờ trông tiều tụy hơn nhiều, sau một lần bị bệnh phải vào viện hồi năm ngoái. Tuy nhiên, dưới sự chăm sóc tận tình của các bạn điều dưỡng, bà Loan vẫn duyên dáng, tạo kiểu với cái nhìn xa xăm cùng cúc họa mi.
Bà Vũ Thị Nhu (79 tuổi), vừa mới vào trung tâm từ hồi tháng 9 năm nay. Bà bị tiểu đường, đi lại hơi yếu nên được gia đình đưa vào trung tâm để được chăm sóc tốt hơn. Thường ngày, bà là người rất ít cười, chẳng bao giờ thể hiện gì. Ai nhìn vào cũng nghĩ rằng, bà rất khó tính và khó gần. Tuy nhiên, bà Nhu lại là người sống cực kỳ tình cảm, luôn quan tâm đến mọi người xung quanh. Các nhân viên trung tâm còn cho biết, trong khi các cụ khác không nhớ hết tên điều dưỡng thì bà Nhu lại nhớ hết.
Bà Vũ Thị Nhu (79 tuổi), vừa mới vào trung tâm từ hồi tháng 9 năm nay. Bà bị tiểu đường, đi lại hơi yếu nên được gia đình đưa vào trung tâm để được chăm sóc tốt hơn. Thường ngày, bà là người rất ít cười, chẳng bao giờ thể hiện gì. Ai nhìn vào cũng nghĩ rằng, bà rất khó tính và khó gần. Tuy nhiên, bà Nhu lại là người sống cực kỳ tình cảm, luôn quan tâm đến mọi người xung quanh. Các nhân viên trung tâm còn cho biết, trong khi các cụ khác không nhớ hết tên điều dưỡng thì bà Nhu lại nhớ hết.
Khác với bà Nhu, bà Trần Thị Bảo (87 tuổi, ở Nam Định) là người rất vui tính, hay cười và thích hát. Cứ mỗi lần nhìn thấy máy ảnh, bà sẽ ngay lập tức nở nụ cười với nhân viên.
Khác với bà Nhu, bà Trần Thị Bảo (87 tuổi, ở Nam Định) là người rất vui tính, hay cười và thích hát. Cứ mỗi lần nhìn thấy máy ảnh, bà sẽ ngay lập tức nở nụ cười với nhân viên.
Ở trung tâm, dịp nào bà cũng xung phong lên thể hiện ca khúc tủ của mình.
Ở trung tâm, dịp nào bà cũng xung phong lên thể hiện ca khúc tủ của mình.
Bà Đặng Thị Mai năm nay đã 97 tuổi nên chẳng còn minh mẫn như những ông bà khác. Đặc biệt, vốn là người thích sự sạch sẽ nên không phải hoạt động nào bà cũng tham gia cùng mọi người được.
Bà Đặng Thị Mai năm nay đã 97 tuổi nên chẳng còn minh mẫn như những ông bà khác. Đặc biệt, vốn là người thích sự sạch sẽ nên không phải hoạt động nào bà cũng tham gia cùng mọi người được.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (78 tuổi) là một nhân vật khá nổi tiếng tại trung tâm khi vừa giành danh hiệu Hoa hậu quý bà Diên Hồng năm 2017.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (78 tuổi) là một nhân vật khá nổi tiếng tại trung tâm khi vừa giành danh hiệu Hoa hậu quý bà Diên Hồng năm 2017.
Bà là người rất hay cười và quan tâm đến mọi người. Có gì ngon bổ, có giải thưởng cao, bà đều chia sẻ và mua đồ cho các cụ trong trung tâm chứ không giữ lại của riêng mình.
Bà là người rất hay cười và quan tâm đến mọi người. Có gì ngon bổ, có giải thưởng cao, bà đều chia sẻ và mua đồ cho các cụ trong trung tâm chứ không giữ lại của riêng mình.
Bà là người rất hay cười và quan tâm đến mọi người. Có gì ngon bổ, có giải thưởng cao, bà đều chia sẻ và mua đồ cho các cụ trong trung tâm chứ không giữ lại của riêng mình.
Bà là người rất hay cười và quan tâm đến mọi người. Có gì ngon bổ, có giải thưởng cao, bà đều chia sẻ và mua đồ cho các cụ trong trung tâm chứ không giữ lại của riêng mình.
Bà Huỳnh Thị Tín (86 tuổi, quê ở Bình Định), ra Hà Nội sinh sống đã lâu. Ở trong căn nhà tầng nhiều bậc, bà lại già yếu, chân đi chẳng vững, bà Tín đã chủ động đề nghị con cháu cho bà vào trung tâm sinh hoạt cùng mọi người. Thời gian đầu xa gia đình, bà khá buồn và nhớ mọi người. Nhưng rồi, khi cảm nhận được niềm vui, năng lượng tích cực tỏa ra từ trung tâm, từ những người lạ dần quen biết, bà ngày một thích nghi hơn.
Bà Vũ Thị Yên có thời gian gắn bó với trung tâm lâu hơn. Bà đăng ký ở dài hạn ở đó. Tuy nhiên, cứ mỗi tuần, bà lại được con cháu đón về gia đình chơi.
Bà Vũ Thị Yên có thời gian gắn bó với trung tâm lâu hơn. Bà đăng ký ở dài hạn ở đó. Tuy nhiên, cứ mỗi tuần, bà lại được con cháu đón về gia đình chơi.

Nhìn hình ảnh các cụ cười, các cụ yêu đời tạo dáng bên cúc họa mi, các cụ khoác tay nhau đi qua những khoảng thời gian gần cuối của cuộc đời, nhiều bạn trẻ không ngừng xúc động và ngưỡng mộ. Bởi lẽ, thời đại @, con người ngày càng ít giao tiếp với nhau. Họ thầm tự hỏi rằng, liệu ai sẽ là người bạn đi cùng mình đến cuối cuộc đời?

Theo Tiin

Xem thêm

Câu chuyện phía sau bộ ảnh vui nhộn của đôi bạn già, quen nhau trong viện dưỡng lão

Bà Sinh lớn hơn bà Dành một tuổi nhưng lúc nào cũng gọi bạn bằng tên thân thiết là chị Dành Dành. Đáp lại, bà Dành cũng đặt biệt danh cho người bạn già là em Sinh “xinh”.

Tạo dáng vui nhộn trong bộ hình đang được chia sẻ trên mạng, đôi bạn thân là bà Dành (83 tuổi, áo đỏ) và bà Sinh (84 tuổi, áo xanh) thu hút sự chú ý, nhận nhiều lời khen từ mọi người. Không ít bạn trẻ bày tỏ sự ngưỡng mộ, có phần ghen tỵ với tình bạn thắm thiết.

Hai bà hiện cùng sống tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, Hà Nội. Bà Sinh được mọi người biết đến là người vui vẻ, hài hước và hay làm thơ. Bà thường có những lời khen đáng yêu tặng mọi người, kiểu như “Đợt này U thấy con lên cân, nhưng lúc nào con cũng xinh đẹp vui vẻ hay cười” hay “Hình như con hơi thấp nhưng thế này lại nhỏ nhắn, xinh xắn”.

Bà Dành vào Diên Hồng từ những ngày cận Tết. Bà chia sẻ “Hồi còn trẻ bà đã có suy nghĩ sau này già sẽ vào viện dưỡng lão ở, nên khi có vấn đề về sức khỏe, hai ông bà liền dọn vào ở luôn”.

Chỉ mới quen nhau ít tháng, cụ Dành và cụ Sinh đã thành bạn thân.

“Bà Sinh ở tầng 2 còn bà Dành lại ở tầng 6. Đợt dịch bệnh vừa rồi, trung tâm có tổ chức các hoạt động tập thể trong nhà nên hai bà có cơ hội gặp nhau. Thế rồi ngày nào họ cũng qua phòng để trò chuyện, từ đó trở nên thân thiết”, Chị Hà – nhân viên trung tâm – nói với Zing.

Đôi bạn hợp nhau vì tính cách đều vui vẻ, phóng khoáng. Bà Sinh rất ngưỡng mộ bà Dành vì người bạn mới quen có tư tưởng đổi mới, hiện đại. Vì thế Bà Sinh lớn hơn bà Dành một tuổi nhưng lúc nào cũng gọi bạn bằng tên thân thiết là chị Dành Dành. Đáp lại, bà Dành cũng đặt biệt danh cho người bạn già là em Sinh “xinh”.

Nói về ý tưởng của bộ hình vui nhộn, chị Hà cho hay trong một lần trò chuyện, hai bà vô tình biết được gần trung tâm có ngôi chùa cổ Bối Khê nên đề nghị muốn chụp ảnh kỷ niệm ở đó.

Muốn thực hiện mong muốn của hai cụ, trung tâm cử người đi tiền trạm. “Sau mấy hôm suy đi tính lại, chúng tôi quyết định mua một bó sen trắng và đưa các cụ ra chùa cổ chụp hình. Được biết sẽ đi chụp ảnh thì hai bà hào hứng, phấn khởi lắm”, chị Hà kể.


Hai bà tạo dáng hài hước, vui nhộn.

Buổi sáng trước khi đi, bà Dành vừa ăn sáng vừa loay hoay chuẩn bị đồ. Bà luôn miệng hỏi “Bà mang cái áo dài này để đi chụp nhé?”, “Bà mặc bộ bà ba này được không, con thấy màu vàng hay màu đỏ đẹp hơn?”, “Bà đi đôi dép này hợp chứ?”.

Còn bà Sinh thì hồi hộp nên cứ đi ra đi vào, lát lại hỏi bao giờ đi chụp ảnh thế con. Bà còn nhờ bạn nhân viên đưa đi làm tóc, bà bảo “phải xinh đẹp để đi chụp ảnh”.

Bà Sinh đi lại hơi khó khăn nên hay bị mệt, nhưng mỗi lần mệt bà lại tự động viên mình cố lên vì chụp ảnh đẹp để còn khoe với con cháu nữa.

Bà tình cảm lắm, bà bảo thương mấy bạn nhân viên chụp ảnh cho bà, vừa phải chỉnh dáng, vừa lăn lê chụp để có những bức ảnh đẹp. Hai bà còn động viên nhau cười tươi lên để các cháu chụp, thi thoảng lại nghe hai bà thì thầm “Hai chị em mình cùng cười nào, hai chị em mình cùng cười nào”.

Sau khi bộ ảnh đăng lên, nhận nhiều lời khen ngợi, hai bà đều thích thú. Được đọc cho nghe những bình luận nói “Các bà xinh đẹp quá”, “Yêu hai bà ghê”, “Các cụ thật ngầu” thì bà cười phá lên sung sướng. Bà Sinh còn bảo là hai bà già Khốt – ta – bít.  Hai cụ cũng gửi lời cảm ơn đến tình cảm yêu quý mà mọi người dành cho mình.


Đôi bạn thân hợp tính nhau khi đều vui vẻ, phóng khoáng

Theo Đinh Phạm – Zing news

Xem thêm

Liều thuốc chống Cô-vít ở trung tâm dưỡng lão

TP – Tại châu Âu và nhiều nước khác, viện dưỡng lão được coi là “quả bom hẹn giờ” trong đại dịch COVID -19 bởi với người cao tuổi, khi sức khỏe yếu đi cùng đó sức đề kháng giảm nên tỷ lệ tử vong vì dịch bệnh này cao nhất. Chính vì vậy, tại các viện, trung tâm dưỡng lão ở nước ta thời kì này đang áp dụng các biện pháp đặc biệt để các cụ được “sống vui, sống khỏe”.


Những thông điệp được các cụ truyền tải đi

Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng với 2 cơ sở, cơ sở 1 ở Khu đô thị Đô Nghĩa, Yên Nghĩa, Hà Đông và cơ sở 2 có địa chỉ tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco5, Thanh Oai, Hà Nội. Đây là một trong những trung tâm dưỡng lão quy mô lớn nhất Hà Nội hiện nay. Hiện tại trung tâm có 160 cụ đang an dưỡng, từ 54 đến 105 tuổi.

Dịch bệnh lan rộng và phức tạp, từ đầu tháng 3, trung tâm dưỡng lão này đã chủ động áp dụng chính sách “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để thực hiện việc phòng ngừa bệnh dịch lây lan từ bên ngoài vào. Và giải pháp đầu tiên được áp dụng là dừng việc thăm nom trực tiếp của gia đình, người nhà đối với những cụ đang sinh sống tại đây. Thay vào đó là “thăm hỏi online” hoặc gọi điện thoại.

Tại bàn ăn, mỗi người đều được bố trí suất ăn riêng. Với những cụ sức khỏe yếu hơn được bố trí ngồi bàn đặc dụng, có ghế tựa đi liền bàn. Toàn bộ nhân viên phục vụ đều đeo khẩu trang, găng tay để trợ giúp các cụ ăn uống.

Nhằm giúp các cụ vơi đi nỗi buồn và giữ liên lạc với người thân, các nhân viên chăm sóc sử dụng điện thoại di động kết nối mạng internet để các cụ trò chuyện với người thân, gia đình.

“Bây giờ đang có dịch bệnh, chị Thoa không đến thăm bà được, con gọi điện để bà nói chuyện với chị nhé?” – chị Lan Anh, nhân viên chăm sóc khách hàng hỏi cụ Dành. Nụ cười và ánh mắt rạng ngời, cụ Dành gật đầu. Những câu chuyện giữa cụ Dành và con cháu được kết nối, râm ran cả một góc phòng. Kết thúc cuộc nói chuyện, cụ không quên thông báo cho gia đình việc được các nhân viên chăm sóc rất chu đáo, tận tình để con cháu yên tâm.

Tại phòng sinh hoạt cộng đồng, nhóm các cụ (2-3 người) ngồi đọc sách báo, trò chuyện sôi nổi. Nhân viên trung tâm đeo khẩu trang, thi thoảng nhắc các cụ giữ khoảng cách an toàn. “Qua sách báo, tivi tôi cũng biết dịch viêm phổi cấp đang lan rộng và rất nguy hiểm. Nhưng tôi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ Việt Nam sẽ có những quyết sách chống dịch an toàn. Tôi ở trong viện thì quá tốt rồi, các chị, cách anh trong này chu đáo lắm. Chỉ lo ngoài kia con cháu mình thế nào thôi”, cụ Phạm Thị Diễm 76 tuổi chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại.

Từ ngày trung tâm áp dụng biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, các cụ rất ủng hộ, hưởng ứng. Lịch ra ngoài, tập thể dục, đi dạo của các cụ không còn, thay vào đó các lớp thể dục trong phòng được tổ chức đều đặn hằng ngày. Ngoài thời gian đó các cụ còn tổ chức sinh hoạt, chụp những bộ ảnh với những thông điệp dễ thương gửi tới mọi người cùng phòng chống dịch bệnh. “Phải tập thể dục, vận động như thế cho xương cốt dẻo dai, tinh thần khỏe khoắn, có thế mới ăn được, ngủ được. Không ra ngoài cũng bí bách, nhưng chúng tôi có thời gian chia sẻ để hiểu nhau hơn”, bà Quế, người có thâm niên ở trung tâm chia sẻ.

Các ông bà tập thể dục trên khu sinh hoạt cộng đồng

Ở cùng để ngăn dịch

“Ngay khi có thông tin về dịch bệnh và đặc biệt là chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội, cán bộ, nhân viên tại Trung tâm đều thực hiện triệt để. Ngoài việc đeo khẩu trang, Trung tâm cũng quy định 5 khung giờ rửa tay bắt buộc cho từng cụ và cho cả cán bộ, nhân viên. Bên cạnh đó, để tránh tiếp xúc với bên ngoài, Trung tâm còn khuyến khích nhân viên ở lại, sinh hoạt tại ký túc xá nếu không có việc quan trọng.” bà Trần Thị Thúy Nga, Phó tổng Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng chia sẻ.

Chị Trang, nhân viên chăm sóc ở Trung tâm cho biết: “Mặc dù nhà ở gần Trung tâm nhưng vì sự an toàn của tất cả mọi người nên tôi đã đến Trung tâm ở luôn. Lúc đầu chồng và gia đình cũng không đồng ý, vì con tôi mới hơn 3 tuổi. Nhưng chống dịch hơn chống giặc, các bác sỹ điều dưỡng ở các bệnh viện vẫn đang gồng mình chống dịch, nên tôi cũng mong muốn góp chút sức mình. Từ đó gia đình tôi hiểu, thông cảm và đồng ý cho tôi ở lại”.

Theo bà Nga, từ khi có thông tin về dịch bệnh COVID-19, Trung tâm đã xây dựng phương án phòng, chống đối với toàn bộ cán bộ, công nhân viên và tuân thủ triệt để khuyến cáo của cơ quan y tế.  

Bà thông tin thêm, đối với việc thăm nom trực tiếp của người thân, gia đình với các cụ, trung tâm thực hiện nghiêm ngặt triệt để. Tuy nhiều gia đình lúc đầu không thiện chí, nhưng sau đó họ nhận biết được việc này là cần thiết. Vì thế việc gặp gỡ, trò chuyện giữa các cụ và gia đình, người thân bằng điện thoại hoặc qua internet được sử dụng thường xuyên.

“Ngoài ra, nguồn lương thực, thực phẩm từ các đối tác đưa đến Trung tâm được thực hiện theo quy trình. Hàng hóa được giao phía ngoài cửa Trung tâm. Trung tâm bố trí một bộ phận tiếp nhận riêng rồi mới đưa vào”, bà Nga cho hay.


Các cụ tổ chức sinh hoạt, chụp những bộ ảnh với những thông điệp dễ thương để gửi tới tất cả mọi người cùng nhau phòng chống dịch bệnh

Theo Đức Anh – báo Tiền Phong

Xem thêm

Màn cover Vũ điệu rửa tay “Ghen cô-vy” cực trẻ của các cụ ở dưỡng lão

Trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cụ ông, cụ bà đang được chăm sóc tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng thường xuyên được cập nhật những tin tức mới nhất về dịch bệnh và cách phòng, chống bệnh cho chính bản thân.

Đều đặn 30 phút mỗi ngày, các cụ trong Viện dưỡng lão lại rủ nhau ra không gian sinh hoạt chung của trung tâm để tập thể dục. Tùy vào tình trạng sức khỏe từng người sẽ có những cách tập luyện khác nhau. Có những cụ mặc dù gặp khó khăn trong việc đi lại nhưng cũng rất hào hứng hưởng ứng các hoạt động để tăng cường, nâng cao sức khỏe trong mùa dịch.


Mặc dù gặp khó khăn trong việc di chuyển nhưng “tập thể dục ngồi” cũng là cách giúp tinh thần và cơ thể các cụ khỏe mạnh hơn.

Các bài tập đều được xây dựng trên nền nhạc tươi vui, tạo sự hào hứng khi tập luyện và video hướng dẫn sẽ chiếu lên màn hình lớn để các cụ dễ dàng tập theo.

Mặc dù đã lớn tuổi nhưng các cụ tại trung tâm vẫn rất trẻ trung và hào hứng khi cùng nhau tham gia cover lại “Vũ điệu rửa tay” trên nền nhạc Ghen cô-vy đang gây bão trên toàn thế giới trong những ngày qua.

Chị Nguyễn Hà – Nhân viên Viện dưỡng lão chia sẻ: “Khi tôi cho các cụ xem bài hát Ghen cô-vy và vũ điệu rửa tay thì các cụ rất thích, nên tôi và các bạn đã nghĩ ra ý tưởng để các cụ làm theo bài hát này. Chỉ cần biến tấu một chút so với trên mạng để các cụ dễ học, sau đó hướng dẫn làm mẫu vài lần là các cụ nhớ hết và làm theo được rồi.”


Các cụ hào hứng tham gia trào lưu cover Vũ điệu rửa tay. (Ảnh cắt từ clip)

Bà Trần Thị Thúy Nga – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng chia sẻ: “Các cụ đang sống tại trung tâm luôn được chăm sóc sức khỏe và tạo điều kiện tập luyện tốt nhất. Trung tâm cũng trang bị các dụng cụ tập phục hồi chức năng, xe đạp và tổ chức những hoạt động như ngâm chân đá muối Himalaya vào những ngày trời trở lạnh để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho các cụ trong mùa dịch”.

Điều dưỡng viên cho các cụ ngâm chân đá muối Himalaya

Video: Các cụ cover Vũ điệu rửa tay Ghen cô-vy theo trào lưu của giới trẻ.

Theo báo VOV – Báo điện tử của đài tiếng nói Việt Nam
CTV Lan Phương/VOV.VN

Xem thêm

Ngưỡng mộ đôi vợ chồng kết hôn sau 1 lần gặp, 64 năm chưa từng to tiếng

Ở tuổi xưa nay hiếm, vợ chồng ông Vũ Đình Bưởi (90 tuổi) – bà Vũ Thị Dành (83 tuổi) – Hải Dương đã cùng nhau trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời. Hiện tại, cả hai vẫn vẹn nguyên tình cảm, chăm sóc và thương  yêu nhau hơn thuở ban đầu.

Bà Dành sinh ra trong một gia đình vùng quê ở Hải Dương. Bà nhớ lại hồi đó, bạn bè trong làng 16,17 tuổi đều đã lấy chồng sinh con. Khi lên 19 trong đầu bà nghĩ khéo ế chồng thì bất ngờ được họ hàng mai mối với ông Bưởi.

Đó là lần ông Bưởi về quê chơi và gặp bà. Chẳng ai ngờ sau lần đó, được sự đồng ý của gia đình, ông bà lấy nhau chỉ nhờ lần gặp đầu tiên ngắn ngủi. “Hồi đó chưa yêu đương như bọn trẻ bây giờ. Yêu nhau rồi cưới nhau chỉ qua họ hàng và mai mối thôi. Hồi trẻ ông ấy đẹp trai lắm, thế nên tôi mới yêu chứ” bà Dành nói, niềm hạnh phúc ánh lên trong ánh mắt.

Một số hình ảnh của ông bà

Năm 1958, sau đám cưới giản đơn với chén trà, điếu thuốc bà Dành theo chồng ra Hà Nội. 19 năm sống ở quê, những ngày làm dâu Hà Thành khiến bà không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng rồi giây phút đấy qua đi khi có chồng bên cạnh. Vài tháng sau khi kết hôn, bà mang thai đứa con đầu lòng nhưng đó cũng là lúc ông Bưởi nhận quyết định công tác trên Lào Cai.

Bà Dành và con gái hồi còn nhỏ

Sau khi chồng đi công tác, không có người chăm sóc nên bà phải về quê. Mặc dù vậy bà cũng không thấy tủi thân vì ông thường xuyên viết thư về cho vợ. Rồi cuộc sống cơm áo gạo tiền cuốn bà theo, cho tới khi con gái được 7 tháng thì ông mới về thăm nhà nhưng rồi lại đi luôn.

Đến năm 1962, bà quyết định chuyển công tác lên Lào Cai cùng chồng. Khi ấy, ngoài công việc là cán bộ thị ủy, ông còn là phóng viên cộng tác với báo Lào Cai. Việc thường xuyên phải đi xa nhà nhưng vẫn thói quen cũ ông viết thư tay về cho bà. Thi thoảng ông tặng bà những món quà nho nhỏ như tút đạn suýt làm ông chết hụt trong những trận chiến.

Sau này xã hội phát triển hơn, có điện thoại di động, mỗi khi bà đi thăm con cháu, ông vẫn gọi điện hỏi thăm bà hàng ngày. Những câu giản đơn thôi nhưng đó là cách ông quan tâm bà, bao năm vẫn không thay đổi.

Hồi chiến tranh biên giới nổ ra, chờ 1,2,3 ngày không thấy chồng về, ngày nào bà cũng đạp xe 11 cây số ra bến tàu để ngóng chồng. Giây phút ông trở về, bà vỡ òa, nhìn thấy chồng là thấy sự an tâm dâng lên trong lòng. Thời gian qua đi 2 vợ chồng  bà cùng nuôi dưỡng 4 người con lớn lên, cùng vượt qua quãng thời gian khó khăn, có lúc nhà không có gì ăn, chỉ có 2 bàn tay trắng.

Đến khi về hưu, chiến tranh khiến 2 bên mất cả người thân, nhà cửa, không thể trở về Hà Nội hai vợ chồng lại quyết định về quê Hải Dương. Không còn nhà, họ hàng cho ở nhờ nhưng hai ông bà chỉ xin nhờ quán nhỏ ở chợ để tự khai phá, làm ăn.

“Ông hơn 7 tuổi, lại đi bộ đội từ năm 13 tuổi nên chững chạc và nhường nhịn vợ lắm. Việc nhà cũng luôn san sẻ với tôi, tôi nấu thức ăn ông ấy sẽ đi chợ, nấu cơm, không bao giờ để vợ làm hết. Lúc nào 2 vợ chồng cũng sẽ hỗ trợ nhau, chia sẻ cùng nhau” bà Dành cười hạnh phúc.

Chìa khóa làm nên hạnh phúc suốt 64 năm. 4 người con của ông Bưởi, bà Dành mỗi người một nơi để làm ăn, lập gia đình. Ông bà thi thoảng đi thăm con cháu còn hầu như ông bà hai ông bà sống nương tựa vào nhau.

Cuộc sống hạnh phúc, bình yên cứ thế trôi qua. Nhưng tuổi tác vốn không thắng được thời gian. Cách đây vài tháng, ông Bưởi bị tai biến ở tuổi 90, liệt nửa người, không muốn làm phiền  con cháu và thêm tốn kém khi tuổi cao, ông không muốn đi bệnh viện.

Dù suy sụp nhưng bà và các con vẫn quyết đưa ông đi chữa trị. Khi sức khỏe ông yếu đi rõ rệt, chỉ có thể nằm một chỗ, bà đã cùng ông vào viện dưỡng lão để có thêm người chăm sóc. Ông chỉ có thể nằm một chỗ, có khi không biết gì và không thể nói chuyện . Nhưng có chuyện gì bà vẫn hỏi ý kiến, hàng ngày vẫn ôn lại chuyện cũ để ông có thể nhớ lại.

Hình ảnh ông bà hiện tại đang an dưỡng tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Suốt buổi trò chuyện, vừa kể bà vừa quay sang ông hỏi những câu nhỏ nhặt “Ông có nhớ không?”, “Ông có nghe thấy không?”, “Hồi xưa mình khổ nhỉ?”,… dù ông chẳng thể trả lời thành câu, như một cách để cùng ông ôn lại kỷ niệm. Người phụ nữ 83 tuổi cũng không giấu niềm tự hào  khi nhắc đến việc chồng từng được đi du học bên Trung Quốc hay khi khoe bức ảnh chồng nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Khi được hỏi bí quyết để ông bà chung sống hạnh phúc suốt 64 năm, bà chỉ cười: “Làm gì có bí quyết gì đâu. Hai vợ chồng tôi cũng sống bình thường như bao người thôi. Chúng tôi cũng chưa từng có cãi vã to tiếng hay va chạm gì. Cũng có những bất đồng nho nhỏ nhưng khi cùng nhau chăm sóc các con thì đâu lại vào đấy. Mình cũng ý thức được phải sống làm sao để các con nhìn vào. Sống mẫu mực để làm gương cho con, không để gia đình bị tổn thương làm ảnh hưởng đến các con, các cháu. Đến lúc các con lớn lại chỉ còn 2 ông bà cùng nhau ăn, cùng nhau làm, tôn trọng lẫn nhau. Về già tôi và ông ấy còn tình cảm hơn lúc trẻ ấy chứ”.

Với bà Dành, hai ông bà đã cùng nhau trải qua biết bao khó khăn, tới phần cuối đời lại càng phải yêu thương, chăm sóc nhau nhiều hơn.


“Không còn trẻ nhưng tôi có thể làm mọi thứ, giờ chỉ có ông ấy là thiệt thòi hơn, không tự làm gì được nữa. Tôi rất thương. Trời không cho thì phải chịu chứ tôi không bao giờ để ông ấy như thế mà không chữa trị, không bao giờ để ông ấy ra đi như thế này. Ông ấy ở bên tôi một giây, một phút tôi vẫn thấy trân trọng và đáng quý. Cho đến bây giờ, lấy ông ấy, làm vợ ông ấy vẫn là hạnh phúc nhất đối với tôi”.Bà Dành vừa nói, vừa nắm chặt tay người chồng đã gắn bó gần cả cuộc đời.

Theo Báo lao động

LINH CHI – PHƯƠNG ANH

Xem thêm