Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

Câu chuyện “đánh thức trái tim” của những cặp đôi không bao giờ “già”: Đám cưới thời chiến phố Khâm Thiên

“Đợt sắp cưới, ông xã có việc đột xuất phải đi công tác. Nói chung mọi chuyện vô cùng cập rập. Bởi vậy gia đình bàn nhau vì chiến tranh nên đám cưới tổ chức giản dị thôi”, bà Diễm nhớ lại.

Một ngày cuối tuần, tôi đến viện dưỡng lão Diên Hồng với 1 tâm thế muốn nghe vài câu chuyện xưa cũ, khác xa với dòng người hối hả vội vã của cuộc sống đời thường. Họ là những “thanh niên sống lâu năm” với bao trải nghiệm của những tâm hồn chưa bao giờ già.

Tiếp đón tôi là một cô nhân viên xinh xắn, vóc dáng nhỏ nhắn tên Hà. Với các cụ ở viện dưỡng lão này, Hà đều quen biết, thân thiết và có chút gì đấy gần gũi như cách mà cô xưng hô với họ: “Chào u”. Những câu hỏi han của Hà làm tôi vui đến lạ, hóa ra có những “con dốc cuộc đời” lại nhẹ nhàng và bình yên thế. “Hôm nay u có gì mà vui vậy?“, “Hôm nào u lại kể con nghe câu chuyện đang dở hôm nọ nha!“, tôi như say theo nụ cười của Hà và những ánh nhìn rạng rỡ của các cụ nơi đây.

Chồng mất đã lâu nhưng vẫn tổ chức kỉ niệm ngày cưới, đam mê được kể chuyện tình yêu

Theo Hà, không chỉ riêng cô mà ở viện dưỡng lão này, tất cả các nhân viên đều biết rõ về từng cụ. Họ rõ từ tên tuổi, sở thích, gia đình, cho đến những câu chuyện đằng sau đó nữa. Nói đúng hơn, họ như 1 gia đình lớn trong cái nơi đầy ắp niềm vui này.

“Chuyện của các cụ thì nhiều lắm, mỗi chuyện có những thú vị riêng. Người già mà, đến tuổi này rồi họ bắt đầu ngẫm nghĩ lại cuộc đời, những năm tháng thanh xuân với tình yêu tròn vẹn. Họ cũng có nhu cầu được tâm sự nên thường kể chuyện cho những nhân viên ở đây nghe. Mỗi lần được nghe chuyện chúng tôi đều có những cảm xúc khác nhau”, Hà chia sẻ.

Hà kể, độ tuổi nào cũng vậy, con người đều thích hoài niệm những câu chuyện riêng mà chẳng phải ai cũng có. Ở đây, có cụ chồng đã lâu rồi nhưng lúc nào cũng nhớ nhung. Cụ đã ở tuổi hơn 80 nhưng vẫn còn minh mẫn, đọc sách hằng ngày. Tuy người không còn nữa nhưng kỉ niệm lại đầy ăm ắp trong tâm khảm, khiến những vần thơ họ tặng nhau bỗng chốc trở thành “báu vật”. Ở thế hệ ấy, những thứ giản dị lại khiến người ta trân quý vô cùng.

“Cụ ấy vào viện đã được hơn 1 năm nay, thi thoảng gặp mặt mọi người, cụ lại kể chuyện tình yêu của mình. Chồng mất đã lâu nhưng cụ vẫn tổ chức kỷ niệm mấy chục năm ngày cưới. Ngày giỗ cụ cũng đi thăm mộ dù bản thân mình đã già yếu lắm rồi.

Tình cảm vợ chồng mấy chục năm vẫn luôn trước sau như một vậy đấy. Cách biệt âm dương cũng không làm họ quên nhau. Với cụ, chồng là tình yêu một đời nên lúc nào cũng nhớ nhung. Nhiều lúc cụ còn cho rằng mình kể về tình yêu của chồng nhiều quá thì nó hết mất, chẳng giữ được lại chút gì cho bản thân. Bởi thế dạo này cụ rất ít kể, muốn nâng niu, cứ sợ kể rồi những ký ức sẽ bay đi mất”, Hà cho hay.

Cụ bà U90 lúc nào cũng gìn giữ ký ức đẹp về người chồng mất đã lâu và kể chuyện cho nhân viên ở viện dưỡng lão
Các cụ già vui vẻ ở viện dưỡng lão (Ảnh viện dưỡng lão cung cấp).

Bán nhà vào viện dưỡng lão nhưng tự chăm nhau

Ở đây còn có cặp vợ chồng bán nhà để vào viện dưỡng lão. Họ coi viện như nhà mình, sống vui vẻ khỏe mạnh và ngày càng có nhiều niềm vui hơn. Vào viện rồi, cả hai vợ chồng vẫn chăm sóc nhau.

Người ta lại càng khâm phục sự đồng lòng của hai vợ chồng ấy. Trong cuộc sống, nhiều người vẫn giữ nguyên quan điểm để lại đất đai hương hỏa, dù thế nào cũng chẳng được bán. Thế nhưng khi cảm thấy có thể làm điều tốt hơn cho mình và chồng, người vợ quyết bán hết, đưa chồng vào viện dưỡng lão để nhận được sự chăm sóc tốt nhất.

Hà kể, cụ bà trong câu chuyện này luôn muốn tự tay chăm sóc chồng khi họ đã vào viện sinh sống. Chỉ khi nào việc không làm được thì bà mới cần đến nhân viên giúp đỡ. Cặp vợ chồng này cũng là một tấm gương sáng, một câu chuyện đẹp đẽ về tình yêu diễn ra ở viện dưỡng lão này khiến cho Hà và nhiều đồng nghiệp phải cảm phục. Thời gian có thể làm cho người ta già đi, mắt trùng xuống, da nhăn nheo, răng rụng hết nhưng tình yêu thì không, nó vẫn “đậm đà” như ngày mình lồng vào tay nhau cặp nhẫn cưới. Thế mới thấu câu người ta nói “con chăm cha không bằng bà chăm ông”.

Câu chuyện đám cưới thời chiến và cô dâu không dám mặc áo dài

Khá ấn tượng với tôi có lẽ là bà Diễm, 77 tuổi, vào viện dưỡng lão được hơn 1 năm nay. Bà trẻ hơn nhiều so với tuổi thật, da dẻ hồng hào, nụ cười tươi tắn luôn thường trực. Bà đi một đôi giày thể thao, mang túi xách xuống sảnh trung tâm của viện dưỡng lão và mở nhạc, chuẩn bị tập thể dục nhịp điệu rèn luyện thân thể.

Theo lời Hà, bà Diễm là người vô cùng “teen” với tâm hồn trẻ trung chẳng khác nào thanh niên. Ngày nào cũng như ngày nào, bà đều bố trí thời gian để có thể được nhảy, tập luyện và rèn luyện sức khỏe.

Chồng mất đã lâu, bản thân ở nhà một mình cũng buồn, con cháu người đi làm, người đi học nên bà quyết định vào viện dưỡng lão để con cháu yên tâm công tác, học tập. Ban đầu, khi nghe ý định của mẹ, các con bà đều phản đối quyết liệt. Thế nhưng vốn là người có tư tưởng rất “thoáng”, suy nghĩ hiện đại, bà lại thấy vào viện dưỡng lão, mình sẽ có nhiều bạn bè hơn. Đó là điều thật sự tích cực cho cuộc sống của bà ở độ tuổi này.

“Tôi tự tìm kiếm và cũng đến vài chỗ nhưng thấy ở đây là nhất nên quyết định vào đây sinh sống. Từ khi vào đến giờ tôi chưa thấy hối hận điều gì. Ở viện dưỡng lão cũng tốt, từ những bỡ ngỡ ban đầu, tôi đã quen hơn, vui vẻ hơn”, bà Diễm tâm sự.

Chồng bà Diễm là một cựu nhà báo. Được biết, ông là phó Tổng biên tập báo Giao Thông Vận Tải ngày xưa.

Ngày ấy, bà Diễm hơn 20 tuổi, làm việc ở Hội văn học nghệ thuật. Nhờ bạn bè giới thiệu, hai ông bà quen nhau. Sau vài lần đến cơ quan của nhau chơi, có qua lại trò chuyện, họ dần dần nảy sinh tình cảm rồi bắt đầu tình yêu. Trong mắt bà, ông là một người rất trung thực và cực kỳ chu đáo.

Đó là những năm tháng còn chiến tranh. Bởi vậy, từ tình yêu chuyển đến giai đoạn bàn tính việc cưới xin cũng thật sự nhanh chóng. Đến năm 1966, hai ông bà kết hôn.

Đám cưới thời chiến tranh được tổ chức gọn gàng và khá nhanh chóng. Thế nhưng bản thân công tác trong ngành nghệ thuật nên hôn lễ của bà Diễm cũng có sự xuất hiện của đoàn văn công.

“Hồi đó tôi cũng có may áo dài rồi nhưng không dám mặc. Đợt sắp cưới, ông xã có việc đột xuất phải đi công tác. Nói chung mọi chuyện vô cùng cập rập. Bởi vậy gia đình bàn nhau vì chiến tranh nên đám cưới tổ chức giản dị thôi.

Tôi vẫn nhớ hồi đó tiệc cưới diễn ra ở số 2 phố Khâm Thiên. Nó là hội trường của Công ty đường sắt Hà Nội. Lúc ấy, gia đình cũng thuê đoàn văn công về để biểu diễn nhạc sống. 55 năm rồi, tôi vẫn nhớ được những hình ảnh của ngày ấy”, bà Diễm chia sẻ.

Sau khi kết hôn, bởi vì tình hình xã hội lúc bấy giờ nên cuộc sống của hai ông bà cũng gấp gáp. Ông đi công tác liên miên, bà ở lại Hà Nội làm việc. Hai vợ chồng có với nhau 2 người con. Ông bận rộn với sự nghiệp và những chuyến công tác, bà Diễm ở nhà lo toan mọi việc, nuôi con để chồng yên tâm hơn.

Bà Diễm kể: “Có lần hai vợ chồng đi nghỉ mát biển Sầm Sơn với cơ quan. Vì mải chơi quá nên ra sâu, hai vợ chồng ôm vào một cái phao. Sóng to hất tôi lên rồi chìm dần. Lúc đó chồng tôi hoảng, cúi xuống mò mãi rồi vớt vợ lên được. Nếu không có anh ấy thì có lẽ tôi chết lúc ấy rồi. Sau đó về nhà thì tình cảm hai vợ chồng lại càng thắm thiết hơn”.

Hồi còn đi làm, bà Diễm cũng có tham gia tập nhảy và khiêu vũ ở cơ quan. Đó vẫn là thói quen mà cho dù đến bây giờ, khi vào viện dưỡng lão bà vẫn duy trì. Chiều chiều, bà một mình mang điện thoại, mở nhạc rồi nhún nhảy theo nhịp điệu. Đó là cách để cụ bà 77 tuổi rèn luyện thân thể, rèn luyện sự dẻo dai.

Sau khi nghỉ hưu, ông cũng cùng tham gia học nhảy và nhảy với vợ mình. Đó là một hoạt động chung giữa hai ông bà được duy trì cho mãi về sau.

Sống với nhau vài chục năm nhưng tình cảm của ông bà vẫn luôn thắm thiết. Bà Diễm tâm sự rằng chồng mình rất khéo léo trong việc ăn nói, rất biết cách để khiến cho vợ mình cười vui vẻ.

“Đi chơi, đi đến chỗ bạn bè mà được khen béo khen đẹp ra là ông lại chỉ về phía tôi rồi tấm tắc: ‘Ôi giời có bác sĩ của nhà, đây bác sĩ gia đình đây’. Ngụ ý của ông là khen vợ mát tay chăm giỏi, lúc nào cũng thế, ông cứ nói để mình thấy vui mãi”, bà Diễm nói thêm.

Thế nhưng ông bà đã phải chia xa cách đây vài năm trong cơn bạo bệnh. Ngày còn trẻ, ông đi công tác ở chiến trường miền Trung có gặp bom rồi bị ảnh hưởng đến phổi. Mấy chục năm sau, ông cũng qua đời vì bệnh phổi tái phát. Đau đớn vì chồng ra đi nhưng bà Diễm vẫn cố gắng hơn bởi bản thân còn làm điểm tựa cho con cái và các cháu.

Hiện tại, con gái bà đang làm cho một công ty mỹ phẩm Hàn Quốc, con trai cũng có sự nghiệp riêng. Bà cũng rất hạnh phúc khi chia sẻ về cô cháu nội giỏi giang, còn nhỏ tuổi nhưng trong công việc rất có thành tựu khiến cho mình thật sự tự hào.

Bà kể: “Các con các cháu ngày ngày đều gọi điện hỏi thăm. Hàng tháng tôi cũng về nhà 2-3 lần phần thì nhớ con cháu, phần thì về có việc ở nhà. Tôi cũng đã quen với cuộc sống ở đây rồi và cảm thấy từng ngày từng ngày đều ngập tràn niềm vui”.

Viện dưỡng lão cứ ngỡ rằng chỉ là nơi chăm sóc những người già, giúp họ có một môi trường tốt với nhiều người bạn cùng lứa tuổi. Thế nhưng đi sâu vào từng người, họ lại mang trong mình một câu chuyện riêng biệt về tình yêu và hôn nhân cùng những nỗi niềm khác nhau!

Theo Nhịp sống việt – Afamily

Leave a Reply

Your email address will not be published.

five × 1 =