Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

Từ khó khăn đến sự đồng cảm khi gắn bó với nghề

“Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng” cái tên từ xa lạ giờ đã trở lên rất đỗi thân quen, đó là nơi tôi công tác và làm việc. Tôi là Đức, nhân viên điều dưỡng của Trung tâm, tuy thời gian làm việc ở đây chưa dài nhưng với tôi Diên Hồng như là một gia đình thứ 2, bởi tôi được trải nghiệm làm việc trong một môi trường đầy tình yêu thương giữa mọi người, đặc biệt là các cụ trong trung tâm, họ như người ông bà thứ hai của tôi vậy.

Đến với Diên Hồng đó là một cái duyên mà tôi chưa từng nghĩ công việc đó sẽ theo tôi đến tận bây giờ. Trước đây khi cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay, tôi chỉ nghĩ mình sẽ vào một bệnh viện hay phòng khám nào đó để làm phù hợp với công việc chuyên môn của mình. Thế nhưng mọi việc tưởng chừng như không đơn giản và kết quả không được như mong muốn. Tình cờ tôi thấy dưỡng lão Diên Hồng tuyển nhân viên, lúc đó trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ, rằng mình là con trai thì công việc chăm sóc các cụ già sẽ không hề phù hợp với mình, nhưng một suy nghĩ khác nảy ra trong đầu tôi. Tại sao cứ để thời gian trôi qua mãi như vậy? Tại sao tôi không thử sức mình với công việc này? Và thế là tôi nộp hồ sơ, phỏng vấn và được nhận đi làm. Ngày đầu tiên đi làm tôi mang trong mình niềm háo hức những cũng lo lắng bởi sẽ làm những việc mà tôi chưa từng nghĩ tới.

Có thể với nhiều người, việc cho các cụ ăn, xoa bóp, tắm gội, thậm chí còn thay bỉm khá đơn giản, nhưng với tôi là cả một vấn đề. Và tôi đã từng muốn từ bỏ nó. Thế rồi một tháng thử việc trôi qua, không hiểu sao tôi lại thấy mình có một tình cảm đặc biệt với trung tâm, tôi tiếp tục công việc ở đây. Hằng ngày cho các cụ ăn, tắm gội, thay bỉm tã, đưa các cụ đi dạo, trò chuyện, … Những việc từ không thể làm được đến giờ đã trở lên quen thuộc.

Điều dưỡng viên Đức trong buổi sinh nhật hàng tháng của các cụ

Đôi lúc tôi mệt mỏi, áp lực bởi tính cách của các cụ thay đổi thất thường. Ở đây mỗi người đều có một bệnh khác nhau, có cụ bệnh nhẹ thì đãng trí nhưng vẫn đi lại được, có cụ nặng hơn liệt nửa người ngồi xe lăn, cụ nặng nhất nằm liệt giường ăn sonde,…đa phần là do biến chứng của tai biến, huyết áp gây ra đột quỵ. Nhưng rồi nhìn thấy nụ cười vô tư, yêu đời của các cụ ở tuổi gần đất xa trời, mà tôi thấy mình có thêm động lực để tiếp tục với công việc hiện tại. Các cụ  đa phần là gia đình có điều kiện, nhiều cụ có chức quyền và lãnh đạo của nhà nước, cuối cùng về đây đều như một đứa trẻ, cần dỗ dành.  Có cụ hay làm thơ, đánh cờ nhưng cũng có cụ hay chửi bậy, đi lang thang, có cụ nói suốt ngày suốt đêm mà không thấy mệt , nhìn mà thương lắm.

Những ngày đầu của tôi đầy thử thách khi được giao nhiệm vụ phụ trách những cụ khó chăm sóc. Nhiều đêm trực có cụ xé bỉm đi vệ sinh ra nền nhà, có cụ không chịu đắp chăn khi gió mùa về.  Thấy vậy, tôi lại lên đắp chăn cho các cụ để cụ có một đêm ngon giấc. Công việc ở đây không phải là khó lắm, nhưng đòi hỏi mọi người phải có tâm và yêu thương các cụ thì mới có thể làm được. Trước đây khi chưa học nghề, tôi còn bà nội có tuổi và đã lẫn rồi, đôi khi tôi không nhường nhịn bà cho lắm, và cảm thấy người già là phiền phức. Nhưng khi bước chân vào làm nghề, tự tay chăm sóc người già, hiểu và đồng cảm với họ, tôi nghĩ về bà thì bà không còn nữa và cảm thấy thương bà nhiều hơn.

Quang Đức ân cần hỗ trợ các ông bà trong các hoạt động trò chơi Olympic

Chúng tôi ở trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đôi khi phải đóng giả con cháu các cụ để dỗ dành các cụ ăn, tắm rửa và tập luyện. Mỗi lần các cụ ăn ngon và tập luyện tốt thì tôi thấy cuộc sống và công việc của mình càng thêm vui tươi hơn. Thế nên ai còn ông, còn bà thì hãy biết trân trọng, yêu thương các cụ, vì có ông bà thì mới có bố mẹ và có chúng ta khôn lớn, trưởng thành như ngày hôm nay. Và hãy chăm sóc họ bằng tất cả yêu thương của  mình.

Đào Quang Đức

Leave a Reply

Your email address will not be published.

one × 2 =